Hạt nano còn có khả năng điều trị được viêm gan, HIV và nhiều dạng ung thư có khối u rắn.
Liệu pháp gen trong điều trị ung thư (rút tế bào miễn dịch T, tái lập trình giúp chúng có khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, rồi truyền lại vào cơ thể người bệnh) đã được thử nghiệm trên người với hiệu quả đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, các nhà khoa học còn muốn cải tiến phương pháp này hơn nữa.
Trong một nỗ lực làm điều đó, một nhóm các nhà khoa học đã thử sử dụng đến các hạt nano. Lần này, họ tái lập trình gen cho tế bào miễn dịch T, khi chúng còn ở ngay trong cơ thể những con chuột mắc ung thư bạch cầu.
Kết quả, thời gian điều trị được rút ngắn. Những con chuột cũng kéo dài được mạng sống thêm 58 ngày, so với nhóm chuột chỉ nhận được liệu pháp gen thông thường. Các hạt nano này được coi là một ứng viên tiềm năng sẽ tham gia vào đại gia đình các phương pháp điều trị ung thư hiện tại.
Không những vậy, các nhà khoa học cho biết hạt nano còn có khả năng điều trị được nhiều căn bệnh khác, bao gồm viêm gan, HIV và nhiều dạng ung thư có khối u rắn.
Điều trị ung thư ngày nay đã tiến đến đâu?
Ung thư xảy ra, bắt nguồn từ những đột biến bất thường trong DNA. Nó khiến tế bào không ngừng phân chia, gây ra sự tăng trưởng không thể dừng lại, để rồi hình thành lên một khối u ở đâu đó, trên gan, phổi, dạ dày…
Ung thư không được điều trị sẽ tạo cơ hội cho các tế bào chứa đột biến lây lan dần. Nó sẽ tạo ra nhiều và càng nhiều khối u di căn hơn nữa, trên các bộ phận lân cận khối u và rồi là khắp cơ thể.
Hàng năm, có gần 9 triệu người tử vong vì ung thư. Gấp 6 lần con số này là tổng số bệnh nhân trên toàn thế giới. Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau các bệnh không truyền nhiễm như tim mạch, đột quỵ mà đa phần liên quan đến lão hóa và tuổi già.
Vì tập hợp các đột biến gây ung thư rất đa dạng và bệnh có thể phát triển ở nhiều cơ quan và bộ phận trên cơ thể, các bác sĩ và nhà khoa học liên tục sáng tạo ra những chiến lược khác nhau trong điều trị.
Tất cả đều là những phép thử, giúp chúng ta tìm ra con đường đến đích cuối cùng là một biện pháp điều trị dứt điểm. Bởi vậy mà cứ mỗi năm, nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư lại được mở rộng thêm nhiều hướng mới, với nhiều ý tưởng đột phá.
Có lẽ bạn khó tưởng tượng ra, việc điều trị ung thư tử cung trong tương lai lại có thể dựa vào những tinh trùng mang thuốc.
Một tuyến ức nhân tạo có thể được cấy vào lồng ngực con người và bơm ra các tế bào miễn dịch chống lại ung thư. Trí tuệ nhân tạo cũng tham gia vào việc chẩn đoán và điều trị… Nhiều hơn nữa các phương pháp hàng ngày vẫn được phát triển bởi các các bác sĩ và nhà khoa học.
Một điều chắc chắn rằng, chúng ta sẽ luôn có những phương pháp điều trị ung thư trong tương lai tốt hơn so với ngày hôm nay. Cũng như việc ngày hôm nay, chúng ta đã có những phương pháp điều trị tốt hơn trong quá khứ.
Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị là những gì chúng ta có trong nhiều năm trước đây. Bây giờ, các phương pháp mới được đưa vào điều trị ung thư bao gồm liệu pháp miễn dịch, trị liệu nhắm mục tiêu, liệu pháp hooc-môn, ghép tế bào gốc và các phương pháp phân phối thuốc chính xác.
Bệnh nhân ung thư không chỉ nhận được một điều trị duy nhất. Các bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau để tăng tỷ lệ tiêu diệt các tế bào, ngăn ngừa bệnh không tái phát trong thời gian dài.
Trong những thập niên 60 của thế kỷ trước, tỷ lệ sống sót trung bình trên 5 năm của bệnh nhân ung thư chỉ là 5/10. Ngày nay, với sự ra đời của nhiều phương pháp điều trị, nhiều bệnh ung thư được điều trị ở Mỹ đã đạt tới tỷ lệ sống trên 5 năm là 7,5/10.
Những hạt nano và liệu pháp miễn dịch ngay trong cơ thể
Ở Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson Hoa Kỳ, các nhà khoa học đang xếp hàng cho một phương pháp điều trị ung thư mới. Nó được ví như một ứng viên tiềm năng đang đứng trong cánh gà, người mà sắp sửa lên sân khấu trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng.
Đó chính là những hạt nano có khả năng phân hủy sinh học, đồng thời tái lập trình gen của các tế bào miễn dịch, đặc biệt là trong khi chúng vẫn còn nằm trong cơ thể người. Việc tái lập trình có thể nhắm đến mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Nanotechnology tuần trước chỉ ra hiệu quả của phương pháp này, khi những tế bào miễn dịch T được lập trình lại bằng các hạt nano cho kết quả điều trị ung thư bạch cầu ở chuột.
Các hạt nano này mang theo mình những gen mã hóa cho một thụ thể kháng nguyên CAR. Những thụ thể này là những protein được các nhà khoa học thiết kế, giúp cho tế bào miễn dịch sau khi được lập trình bằng các hạt nano, có thể nhận diện ra tế bào ung thư rồi tiêu diệt chúng.
Bởi vậy, một khi các hạt nano này tác động được tới tế bào miễn dịch, nó sẽ biến các tế bào thành thành một đột quân tiêu diệt ung thư, hàng loạt mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể.
Có thể nói đây là một cải tiến đột phá trong điều trị ung thư, sử dụng liệu pháp miễn dịch dựa trên tế bào T. Trong biện pháp tương tự hiện nay, các bác sĩ phải rút các tế bào T ra khỏi cơ thể người bệnh, làm thế nào biến đổi gen của chúng, tái tăng trưởng rồi mới truyền lại tế bào T vào chính cơ thể bệnh nhân.
Các hạt nano bây giờ có thể rút ngắn quy trình này đi 3 bước, rút tế bào T, tái tăng trưởng và truyền trở lại cơ thể. Trong vòng 24-48h, các hạt nano có thể lập trình gen cho các tế bào T khi chúng đang nằm ngay trong cơ thể người bệnh.
Thí nghiệm trên chuột chỉ ra, phương pháp này đem đến hiệu quả điều trị cao, khi những con chuột mắc ung thư bạch cầu đã sống thêm được 58 ngày với các hạt nano, trong một so sánh với chính những con chuột được điều trị với liệu pháp miễn dịch hiện tại.
Bước tiếp theo trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson đang tìm cách làm cho phương pháp này an toàn hơn, trước khi họ tiến đến một thử nghiệm trên người.
Nếu kỹ thuật điều trị mới này được chấp nhận, các nhà khoa học nói họ sẽ chuyển sang phát triển nhiều ứng dụng hơn nữa với nó. Chẳng hạn, những hạt nano cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh khác như viêm gan, HIV, hoặc nhiều dạng ung thư có khối u rắn.
Theo Trí Thức Trẻ