Nhóm 3 siêu vi khuẩn đầu tiên gần như không còn loại thuốc nào để điều trị.
Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một danh sách 12 loại siêu vi khuẩn nguy hiểm hàng đầu thế giới. Được đặt tên là danh sách “ưu tiên”, các siêu vi khuẩn này hiện nay đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người.
WHO kêu gọi chính phủ và các công ty dược phẩm trên toàn cầu phải có chính sách, phát triển các loại thuốc mới để chống lại nhóm 12 siêu vi khuẩn này. 3 trong số các siêu vi khuẩn đã được đặt vào mức “tới hạn”, nghĩa là gần như không còn loại thuốc nào để điều trị.
Các tiêu chí được sử dụng để xếp loại 12 siêu vi khuẩn bao gồm: mức kháng kháng sinh được ghi nhận hiện tại, tỷ lệ gây tử vong cho bệnh nhân, sự có mặt của chúng trong cộng đồng và gánh nặng mà các siêu vi khuẩn đặt lên hệ thống y tế.
Gần như không còn loại thuốc nào để điều trị
Các siêu vi khuẩn trong danh sách của WHO được liệt kê theo 3 nhóm, dựa trên mức độ cấp bách mà chúng ta cần tới loại thuốc mới để điều trị chúng.
Đứng đầu danh sách 12 loại siêu vi khuẩn này là các vi khuẩn gram âm, từng được biết đến như một nỗi ám ảnh kinh hoàng tại bệnh viện. Các vi khuẩn gram âm kháng quá nhiều loại kháng sinh trong điều trị.
Tiến sĩ Carmem Pessoa da Silva, điều phối viên chương trình kháng kháng sinh tại WHO cho biết, các siêu vi khuẩn là một mối đe dọa cực lớn. Bởi nguy cơ tử vong từ một mầm bệnh kháng kháng sinh là cao gấp đôi, gấp 3 lần bình thường.
Acinetobacter baumannii và Pseudomonas aeruginosa, hai loài được đặt trên đầu mức độ ưu tiên “tới hạn”, có khả năng kháng lại Carbapenem, một trong những loại kháng sinh mạnh nhất của con người. Chúng thường bủa vây trong các bệnh viện, cơ sở y tế và nhà dưỡng lão, lan truyền qua các thiết bị như quạt thông gió hoặc nhiễm cả vào ống tiêm, để rồi gây ra những ca nhiễm khuẩn chết người.
Đứng ở hàng thứ 3 trong nhóm đầu là Enterobacteriaceae, cả một họ vi khuẩn bảo gồm những loài như E. coli và chi klebsiella. Enterobacteriaceae cũng là một mối đe dọa lớn trong các bệnh viện hiện tại.
“Top 3 [vi khuẩn hàng đầu] là thứ mà chúng ta không còn gì để điều trị”, Tiến sĩ Vicky Enne, một nhà vi sinh học lâm sáng tại University College London cho biết. Sau khi đã có khả năng kháng carbapenem, chúng ta buộc phải điều trị những vi khuẩn này với Colistin, loại kháng sinh còn giữ được hiệu lực mạnh nhất cho tới hiện tại.
“Ngay thời điểm này, Colistin là phòng tuyến cuối cùng… nhưng sức đề kháng [của vi khuẩn] với nó cũng đang ngày càng trở nên phổ biến”, Tiến sĩ Enne nói.
Bởi vậy, Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, trợ lý giám đốc tại WHO nhấn mạnh: “Yêu cầu về những phương pháp điều trị mới và hiệu quả dành cho chúng là điều bắt buộc phải có”.
Một đến một vài kháng sinh còn hiệu lực
Các vi khuẩn thuộc nhóm thứ 2 và thứ 3 trong danh sách cũng đang thể hiện khả năng kháng kháng sinh mãnh liệt. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn một đến một vài lựa chọn trong danh sách kháng sinh còn hiệu lực.
“Vẫn còn một số loại thuốc để chống lại chúng…nhưng các bác sĩ đang buộc phải sử dụng đến những loại cuối cùng, bởi sự kháng cự của các vi khuẩn là rất cao”, tiến sĩ Enne giải thích.
Nằm trong nhóm Ưu tiên cao, chúng ta có thể nhận ra vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn lậu. Cùng với đó là Campylobacter gây ngộ độc thực phẩm và Helicobacter pylori gây viêm dạ dày. Mặc dù chưa thể đạt tới mức độ gây khủng hoảng, tiến sĩ Enne tin rằng các loại thuốc dành cho nhóm vi khuẩn này cũng phải được phát triển nhanh chóng.
Có một cách để chúng ta kéo dài thời gian với nhóm này. Đó là việc phát triển các hình thức chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Qua đó, thuốc có thể được sử dụng đúng để tiêu diệt chúng ngay lần đầu tiên, tránh sử dụng kháng sinh tiếp theo không cần thiết.
“[Sử dụng kháng sinh đến lần thứ 2] đồng nghĩa với việc chúng ta nạp nhiên liệu cho vi khuẩn kháng lại nó”, tiến sĩ Enne nói.
Có một điểm đáng chú ý trong danh sách là sự vắng mặt của vi khuẩn lao. WHO giải thích mặc dù các siêu vi khuẩn lao cũng thể hiện khả năng kháng thuốc rất khủng khiếp, nhưng họ sẽ không nhắc đến chúng ở đây. Lý do vì WHO luôn có một chương trình phòng chống dành riêng cho bệnh lao, để giải quyết toàn bộ những vấn đề phức tạp của nó hiện tại.
Cả thế giới đang trông đợi những loại thuốc mới
Có thể thấy, kháng kháng sinh đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn trên toàn thế giới. Nằm 2016, lần đầu tiên trong một cuộc họp Đại hội đồng, Liên Hợp Quốc đã đưa vấn đề kháng kháng sinh ra thảo luận ngang hàng đại dịch Ebola và HIV/AIDS.
Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, rằng kháng kháng sinh hiện nay đã lan rộng trên toàn cầu và có mặt ở mọi quốc gia. Các siêu vi khuẩn ước tính đang gây ra hơn 700.000 ca tử vong mỗi năm ngay tại thời điểm này. Nếu chúng ta không hành động, con số có thể tăng tới 10 triệu vào giữa thế kỷ.
Mục đích của WHO trong việc công bố danh sách này không phải để đe dọa mọi người. Điều họ muốn là tạo ra một hướng dẫn, thúc đẩy các nhà khoa học, chính phủ và các công ty dược phẩm trên toàn cầu cùng hành động. Làm sao khiến tất cả họ chung tay phát triển thêm các loại thuốc kháng sinh mới.
Trong thực tế, thuốc kháng sinh bây giờ không phải là một lĩnh vực đáng đầu tư với các công ty dược phẩm. Các đợt điều trị ngắn hạn và giá bán rẻ mạt của kháng sinh khiến họ không có động lực. Thay vào đó, các công ty dược phẩm thích các loại thuốc điều trị liên tục và đắt tiền như thuốc điều trị ung thư.
Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh xã hội, có lẽ lúc này các công ty dược phẩm nên tận dụng sự hỗ trợ từ các chính phủ để đưa các loại thuốc kháng sinh mới xuất hiện trở lại trên dây chuyền sản xuất. Nếu bắt đầu nghiên cứu từ lúc này, có khi tới 10 năm nữa, các loại kháng sinh mới có thể xuất hiện trên thị trường. Thế nhưng, có dù muộn cũng hơn không.
Theo GenK