Điều này có thể giải thích các kết quả điều trị không đồng đều ở các bệnh nhân khác nhau.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây, là một hướng tiếp cận mới trong điều trị căn bệnh này. Nhưng phương pháp này có một nhược điểm lớn: tính không đồng đều. Đối với một số bệnh nhân ung thư, các loại thuốc tỏ ra hiệu quả với ít tác dụng phụ, trong khi có những người khác không thấy hiệu quả nào rõ rệt.
Đó là điều các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu. Một nhóm các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa đáp ứng của bệnh nhân với liệu pháp miễn dịch và vi khuẩn đường ruột. Nghiên cứu này sẽ được trình bày tại một hội nghị y tế sắp tới.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại MD Anderson Cancer Center (Đại học Texas) đã lấy mẫu vi khuẩn đường miệng và trong phân của 233 bệnh nhân có khối u melanoma – một loại ung thư da. Trong nhóm này, 43 bệnh nhân đang trị liệu anti-PD-1 – một liệu pháp miễn dịch ung thư. Trong 43 người này, 30 người có đáp ứng với điều trị và 13 không có tiến triển gì khi điều trị bằng anti-PD-1.
Những người có đáp ứng với trị liệu miễn dịch mang một vài điểm chung. Đầu tiên, họ có hệ vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn với mật độ lớn hơn của vi khuẩn gọi là Clostridiales, đặc biệt trong họ Ruminococcaceae. Họ cũng có mật độ tế bào miễn dịch chống ung thư cao hơn so với 13 người còn lại. Trong khi đó, những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị, có một loại vi khuẩn Bacteroidales trong đường ruột.
Có thể nói rằng, hệ thống miễn dịch của chúng ta được nuôi dưỡng bởi các loại vi khuẩn chúng ta gặp trong cuộc sống. Một ý tưởng gọi là “giả thuyết vệ sinh” cho rằng việc tiếp xúc với các loại vi khuẩn trước đó trong cuộc sống có thể kích thích hệ thống miễn dịch cho tương lai. Tuy nhiên, cách hoạt động chính xác của vẫn chưa được làm rõ. Nhóm nghiên cứu đang thiết kế để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.
Theo GenK