Tiếp thu kiến thức hay chỉ luyện dịch?

Ngô Vũ

Senior Member
Khi ngẫm nghĩ lại những kiểu dông dài bên lề một hồi rồi mới chịu đi vào ý chính của một vấn đề mới đặt ra thì tôi mới cảm thấy ngán ngẫm số lượng thời gian cần có để tiếp thu nguồn kiến thức bao la đầy dẫy những khái niệm chưa từng nghe thấy cho người mới nhập môn. ?Trên đó còn vấn đề chuyển ngữ rồi để ngồi riêng ra bàn luận không biết bao giờ thỏa thuận cách dịch nào cho đúng. ?Rồi quan trọng nhất là sau khi hiểu thấu mớ kiến thức cần có thì còn phải tìm cách ứng dụng nó trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. ?Tôi không phản đối trình tự này vì đây là những bước cần thiết để một người có thể áp dụng kiến thức sinh học hiện đại để làm một cái gì đó thực tiễn cho VN. ?Nhưng đây là một thách thức và liệu có cách nào hiệu quả hơn?

Xin bàn ra một chút ở đây. ?Diễn đàn gần đây đã có một sự nổ lực rất lớn trong việc giúp lẫn nhau luyện dịch thuật ngữ. ?Việc này thật là hữu ích vì ngôn ngữ là chìa khóa mở cửa kho tàng kiến thức sinh học thế giới. ?Tuy nhiên sau khi hài lòng với một bài chuyển ngữ tôi không thấy ai khác thắc mắc thêm về nội dung của bài. ?Người dịch đã tốn công tốn thời gian cho việc dịch nhưng tới đây việc học chưa thực sự chấm dứt, trừ khi bản dịch đã soi sáng mọi vấn đề làm mọi người đều thông suốt. Tôi không tin là như vậy. ?Tôi cũng không tin là vì khả năng đặt câu hỏi thảo luận có giới hạn. ?Có cái gì đó về cách thức học/làm việc làm cho ta không chịu thúc đẩy một vấn đề đến cùng. ?Khi làm việc với người Tây phương, tôi thường được học các ngạn ngữ thường nói như "push the envelope" hay "out of the box" (dịch là thoát ra lối suy nghĩ gò bó thông thường), hay "cutting edge" hay "at the forefront" (có nghĩa là phần dẫn đầu của một lưỡi dao, dịch là ở vị trí dẫn đầu). ?Nghe những điều này hàng ngày như bị tẩy nảo làm cho người ta chỉ muốn luôn phấn đấu làm việc ở những môi trường tạo điều kiện dẫn đầu như vậy. ?Tinh thần này được nhân lên cấp số nhân cộng với tính biết làm việc hợp tác nhường nhịn đôi khi cạnh tranh lẫn nhau, kết quả là khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc. ?Chúng ta không có may mắn là được thừa hưởng một nền kỹ thuật tân tiến từ cha ông của chúng ta vì nhiều lý do nhưng chúng ta có thể học cách học mà ông cha chúng ta đã không có được như ngày nay.

Để nhằm suy nghĩ ra cách học nào là tốt nhất trên khuôn khổ diễn đàn sinh học này tôi mạn phép dài dòng thêm một chút nữa. ?Trước khi bàn về một phương pháp học có thể thực hiện được, tôi xin chỉ ra hai cái rào cản mà ai cũng hiểu nhưng có vẽ không biết nghiên về giải quyết hướng nào. ?Cái rào cản thứ nhất là Anh ngữ. ?Với cái rào cản này chỉ có một số ít anh chị trên diễn đàn này có khả năng đem kiến thức tiếng Anh về "soi sáng" lại cho "đồng loại" rồi còn phải chuyển ngữ thì sẽ còn ít thời gian làm chuyện ích lợi khác hơn. Tôi tin rằng các bạn khác chưa khá Anh ngữ vẫn đang cố gắng về môn này để sau này trở thành các anh chị trên. ?Người Ấn độ, người Singapore thay đổi quốc ngữ của họ sang tiếng Anh hoàn toàn và họ không sợ mất văn hóa bản sắc dân tộc vì ngôn ngữ chỉ là một phần trong vấn đề văn hóa. ?Họ đều là thuộc địa Anh trước đây nên cũng dể hơn phần nào nhưng quyết định áp dụng Anh ngữ là quốc ngữ dạy trong trường học thì lại là chuyện liên quan đến tinh thần dân tộc và chiến lược phát triển quốc gia mà họ đã chọn lựa. Hiện nay họ được nhìn nhận là những nước nói tiếng Anh và do đó mọi quan hệ về kinh tế khoa học với thế giới đều dể dàng cho họ. ?Đương nhiên tôi không nghĩ là Việt Nam sẽ đi con đường này nhưng tôi đề cập vấn đề này là ý muốn nói về chiến lược nào là tốt nhất để hấp thu kiến thức thế giới đối với một tập thể ưu tú trong một bối cảnh nhỏ hơn như trên cộng đồng sinh học ở đây. ?Cái rào cản thứ hai là chuyển ngữ sang tiếng Việt sau cho thật là Việt tính. ?Việt hóa là một điều cao đẹp để đề cao và phổ biến tiếng Việt nhưng chúng ta nên phân biệt việc gìn giữ tiếng Việt trong sáng và việc hấp thu kiến thức bằng tiếng Anh càng nhanh chóng càng tốt là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. ?Việc trong sáng hóa tiếng Việt chỉ trở nên quan trọng khi ta viết một bài hoàn chỉnh, chính thức công bố trước đông đảo bạn đọc, như các bài đăng trên trang nhất. ?Còn trong quá trình học tập, không phải lúc nào cũng cần phải trao chuốt câu văn tiếng Việt hoặc tiếng Anh, chỉ cần đủ ý diển đạt không sai lạc. ?Có người tranh luận rằng nếu không tập ngay từ đầu thì sẽ nguy về sau này. ?Đúng, nhưng đây là một giai đoạn thứ hai, và nó vẫn đang được mọi người chỉnh sửa trước khi đăng chính thức từ trước đến nay. ?Còn nếu phải dồn hết thời gian để bàn về việc trong sáng của tiếng Việt thì phải chăng chúng ta đang dậm chân tại chổ như các lớp ngoại ngữ luyện dịch mà không "push the envelope" để hấp thu thêm kiến thức mới ở trang web sinh học này.

Tóm lại, tại sao chúng ta không đặc biệt chú trọng mổ xẻ nội dung của một kiến thức mới vừa được giới thiệu và chỉ coi nhẹ phần chuyển ngữ. ?Một người có thể giới thiệu một bài bằng tiếng Anh hay tiếng Việt và mọi người khác cùng tham gia học hỏi trao đổi bằng tiếng Việt lẫn Anh. ?Nếu được như vậy thì tốc độ học hỏi sẽ gia tăng. ?Không cần thiết phải phân chia box tiếng Anh tiếng Pháp riêng biệt làm chi, vì thực tế những box này cũng ít có ai viếng. ?Còn các bạn từ trước đến nay vẫn đang chuyễn ngữ thì vẫn cứ tiếp tục công việc đầy hữu ích này, nhưng sau đó mọi người khác nên tham gia mổ xẻ thì sẽ thấy lợi ích của việc chuyển ngữ hơn.
 
Đúng là việc chuyển ngữ chỉ nên ở hàng thứ yếu. Nhưng vì đây là diễn đàn cho SV Việt Nam nên việc thảy lên một bài báo tiếng Anh sẽ turn off rất nhiều bạn, chỉ mới về khía cạnh ngôn ngữ chứ chưa nói về khía cạnh kiến thức & trình độ.

Có thể việc chuyển ngữ là hàng thứ yếu nhưng kể cả đối với người có tiếng Anh khá việc nắm bắt các cấu trúc & cách hành văn của báo khoa học & báo thường thức vẫn phải luôn được rèn luyện. Cách chuyển ngữ thông thường (một từ tiếng Việt thay cho một từ tiếng Anh) sẽ không có lợi cho cả người có trình độ tiếng Anh chập chững lẫn người có trình độ tiếng Anh vừa phải. Em đang cố gắng tìm những cấu trúc mà mình cho là người đọc gặp khó khăn (dựa trên kinh nghiệm & cảm nhận của bản thân) để đến khi những cấu trúc này được giải thích thì người đọc không nhất thiết dịch ra tiếng Việt mà vẫn nắm được nội dung bài viết bằng nguyên bản tiếng Anh.

Vấn đề nội dung của bài báo cũng quan trọng. Người cung cấp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn chủ đề bài báo do đó cần có nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau cung cấp các bài báo ở các lĩnh vực khác nhau thì mới làm phong phú được các bài báo này.

Việc thảo luận một vấn đề là điểm yếu của người Việt Nam mình: hoặc anh biết quá ít và không biết cách đặt câu hỏi hoặc anh nghĩ anh biết vượt quá vấn đề và chỉ muốn nói "như đinh đóng cột" cho người khác nghe, hoặc tranh cãi đến kiểu thành tấn công cá nhân...Cũng may là diễn đàn chỉ mới dùng tên thật chứ nếu có cả chức danh, tuổi...v.v ở đây thì cuối cùng chả bạn trẻ nào dám ngồi tranh cãi.

Thật ra một lý do nữa là thành viên active của diễn đàn đang giảm (không rõ nguyên do) nên khó mà có được luồn gió mới cho các bài viết.
 
Theo em thì:

1. Việc chuyển ngữ, học cách chuyển ngữ và học tiếng Anh là một việc cần thiết, có ích và chắc chắn là nên tiếp tục.

2. Việc mổ xẻ, nới rộng vấn đề cần được chú trọng hơn.

Như vậy ai có hứng với công việc nào thì cứ tiếp tục theo hướng đó. Mời được anh Dũng, anh Lương và Duy vào việc soạn thuật ngữ, biên tập chỉnh sửa là một điều rất đáng mừng, đáng quý rồi. Các em học sinh, sinh viên cũng không phải là không có hứng thú với việc dịch trọn vẹn bài viết. Vì vậy, chúng ta nên tiếp tục công việc này.

Với những người khác chú trọng phần thảo luận hơn thì hãy đọc bài và sau đó "kích hoạt", "châm ngòi" cho các thảo luận tiếp theo. Anh Ngô Vũ, anh Hiếu, Hưng, Khương ... nếu có thời gian rảnh thì chịu khó chọc ngoáy một chút.


3. Về việc sử dụng song song 2 ngôn ngữ trong thảo luận:

- Ưu điểm thì như anh Vũ đã nói, đó là tăng tốc, tiết kiệm thời gian đồng thời là một cách rất tốt để học và thực hành tiếng Anh

- Nhược điểm thì anh Lương đã chỉ ra: Gây khó khăn, hẫng hụt cho những bạn không khá tiếng Anh.

Cái gì cũng có cái hay cái dở. Ý kiến của em là có thể thử nghiệm. Những người sử dụng tiếng Anh thành thạo có thể dùng nó để viết bài, những người không khá thì cố mà đọc và cũng chính là học luôn, làm quen luôn. Ở đây, em nghĩ điều cần tuân thủ là một đơn vị bài viết (post) đã viết bằng tiếng Anh thì sử dụng hẳn tiếng Anh, đã viết tiếng Việt thì dùng tiếng Việt thuần nhất. Không nên sử dụng kiểu lai căng pha tạp, trộn bừa bãi một vài từ, vài câu tiếng Anh trong bài tiếng Việt và ngược lại. Kiểu đó rất khó chịu.
 
Tại sao không phải là cả hai?

Anh Vũ nêu câu hỏi rằng việc đưa bài lên dịch trên diễn đàn như vậy là giúp tiếp thu kiến thức hay chỉ luyện dịch và theo nhận xét của anh thì do thiếu tranh luận để mổ xẻ các bài ấy nên chỉ có thể dừng lại ở mức luyện dịch.
Thật ra em nhìn vào vấn đề này theo hai khía cạnh khác nhau. Một khía cạnh thì tương tự như cách nhìn của anh, tức là do không có tranh cãi, mổ xẻ các bài này nên công sức soạn từ như vậy cuối cùng chẳng đem lại lợi ích gì nhiều. Cách nhìn thứ hai thì có thêm một chút cảm nhận chủ quan từ kinh nghiệm bản thân. Hãy thử so sánh việc đọc một bài viết tiếng Anh về một nghiên cứu mới trên nature, đọc qua 1 lần, thậm chí hai lần và cảm thấy rằng mình đã hiểu được bài đó, với việc đọc đi đọc lại từng câu, từng chữ, ngẫm nghĩ coi câu chữ như vậy thì thật ra nó có nghĩa là gì, mình dùng từ gì trong tiếng Việt để diễn tả được cái ý như vậy; thì giữa hai cách làm trên, cách nào thực sự là tiếp thu kiến thức? Đó là chưa kể trong lúc ngẫm nghĩ từng câu chữ, từng khái niệm như vậy, bản thân em vô số lần phải coi lại các khái niệm, ngữ nghĩa mà bình thường vẫn tự cho rằng mình đã hiểu rõ, nhưng thật ra khi đụng vấn đề mới thấy được là mình còn mù mờ. Do đó, em nghĩ rằng luyện dịch bài tiếng Anh chuyên ngành thì không còn đơn thuần là luyện dịch nữa mà là thực sự học hỏi (ít hoặc nhiều) về vấn đề được đề cập trong bài viết.

Điều mà em cảm thấy tiếc ở đây là một bài đưa lên, chẳng hạn như em soạn từ, thì sẽ được anh Dũng, anh Lương đọc qua, góp ý, chỉnh sửa rồi được 1 bạn sinh viên dịch, rồi lại 1 trong 3 người sửa cho bạn SV này. Hết. Như vậy, thật ra học được nhiều nhất là 3 người soạn từ và chỉ 1 bạn SV, trong khi đó, mục tiêu của việc soạn từ này là giúp cho CÁC bạn SV. Điều em mong chờ là bài dịch của bạn SV này sẽ được một bạn SV khác đóng góp thêm ý kiến, tranh luận thêm về cách dịch. Như vậy là có thêm người đọc bài một cách cẩn thận, là có thêm người tiếp thu/nhớ được gì đó từ bài viết. Thậm chí, em mong có một bạn sinh viên nào đó nói với em rằng từ này anh dịch như vầy dở lắm, nên dịch là như vầy mới được và bạn đó cho em được một đáp án hay hơn. ?

Việc thảo luận về kiến thức trong những bài lấy từ Nature chẳng hạn, phải chăng là hơi quá sức đối với các bạn SV? Có chăng là hỏi đáp về các kiến thức ấy. Đương nhiên nếu có tranh luận thì rất tốt, nhưng tranh luận như thế thì phải đọc fulltext, đọc thêm tài liệu. Chúng ta đang hướng đến đối tượng vẫn còn gặp khó khăn trong việc đọc một bài điểm tin tiếng Anh, mà lại đòi hỏi tranh luận, mổ xẻ, nới rộng vấn đề về kiến thức trong bài đó (dẫn đến phải đọc fulltext tiếng Anh) thì có vẻ là một đòi hỏi chủ quan duy ý chí. Em chỉ cần có nhiều người dịch và tranh luận về dịch thuật là mừng lắm rồi.
 
Re: Tại sao không phải là cả hai?

Phan Minh Duy said:
Anh Vũ nêu câu hỏi rằng việc đưa bài lên dịch trên diễn đàn như vậy là giúp tiếp thu kiến thức hay chỉ luyện dịch và theo nhận xét của anh thì do thiếu tranh luận để mổ xẻ các bài ấy nên chỉ có thể dừng lại ở mức luyện dịch.
Thật ra em nhìn vào vấn đề này theo hai khía cạnh khác nhau. Một khía cạnh thì tương tự như cách nhìn của anh, tức là do không có tranh cãi, mổ xẻ các bài này nên công sức soạn từ như vậy cuối cùng chẳng đem lại lợi ích gì nhiều. Cách nhìn thứ hai thì có thêm một chút cảm nhận chủ quan từ kinh nghiệm bản thân. Hãy thử so sánh việc đọc một bài viết tiếng Anh về một nghiên cứu mới trên nature, đọc qua 1 lần, thậm chí hai lần và cảm thấy rằng mình đã hiểu được bài đó, với việc đọc đi đọc lại từng câu, từng chữ, ngẫm nghĩ coi câu chữ như vậy thì thật ra nó có nghĩa là gì, mình dùng từ gì trong tiếng Việt để diễn tả được cái ý như vậy; thì giữa hai cách làm trên, cách nào thực sự là tiếp thu kiến thức? Đó là chưa kể trong lúc ngẫm nghĩ từng câu chữ, từng khái niệm như vậy, bản thân em vô số lần phải coi lại các khái niệm, ngữ nghĩa mà bình thường vẫn tự cho rằng mình đã hiểu rõ, nhưng thật ra khi đụng vấn đề mới thấy được là mình còn mù mờ. Do đó, em nghĩ rằng luyện dịch bài tiếng Anh chuyên ngành thì không còn đơn thuần là luyện dịch nữa mà là thực sự học hỏi (ít hoặc nhiều) về vấn đề được đề cập trong bài viết.

Tui đồng ý hoàn toàn điểm này, đó là lý do chính tại sao tui đeo đuổi việc này gần 1 năm nay, nhờ có việc này mà kô những trình độ English tui tăng lên mà cả Tiếng Việt tui cũng được củng cố thêm. Chưa nói đến chuyện chuyên môn, quả thật để dịch 1 câu có hồn tiếng Việt có khi bỏ cả buổi trời để coi lại tài liệu. Không thể có một bản dịch tiếng Việt nhuần nhị nếu không khổ luyện tập dịch.
 
Tôi tán thành 3 điểm của Cường đã gút vấn đề lại.

Rất đồng ý với Duy là qua việc dịch sang tiếng Việt người dịch đã học được rất nhiều, không ai chối cãi điều này. ?Còn việc thảo luận mổ xẻ tôi không muốn nói cao siêu gì, cũng chỉ là mong muốn mọi người hỏi thêm về các khái niệm đã đưa ra trong bài chứ không cần phải trở lại bài báo gốc vì ngay chỉ để hiểu pp thực nghiệm thôi trong khi đa số SV chưa có nhiều kinh nghiệm thì cũng gay lắm. ?Nhưng đa số các bài đưa lên đây cũng chỉ là dạng "news and views" nên cũng không khó lắm. ?Tôi cũng biết trình độ trên đây khác nhau rất nhiều nên những yêu cầu như vậy cũng chỉ nhắm vào anh em đã có dịp làm quen với cách học thảo luận này. ?Đa số các anh chị trong này sau này cũng ít nhiều tham gia công tác giảng dạy nên dùng pp kích thích thảo luận cũng là một môi trường thực tập có ích.
 
Vì các anh chọn những chủ đề ở trên trời hoàn toàn xa lạ với sinh viên với đống kiến thức từ những năm 80 (trừ một số khoa, nhưng phần lớn vẫn dừng ở lên men cổ truyền), khái niệm cơ bản về những bài đó ko có thì mổ xẻ làm sao được, đọc sau khi dịch đàng hoàng "thuần chủng" còn chả hiểu nói gì đến trực tiếp tiếng anh.

Không có các bài giới thiệu cho sinh viên biết qua về những pp đó (vài dòng dễ hiểu thôi, ko đi sâu vào chi tiết, dừng ở mức nguyên lý và cách làm chính) rồi đòi hỏi họ thảo luận thì thảo luận thế nào?
 
Vì các anh chọn những chủ đề ở trên trời hoàn toàn xa lạ với sinh viên với đống kiến thức từ những năm 80 (trừ một số khoa, nhưng phần lớn vẫn dừng ở lên men cổ truyền), khái niệm cơ bản về những bài đó ko có thì mổ xẻ làm sao được, đọc sau khi dịch đàng hoàng "thuần chủng" còn chả hiểu nói gì đến trực tiếp tiếng anh.

Không có các bài giới thiệu cho sinh viên biết qua về những pp đó (vài dòng dễ hiểu thôi, ko đi sâu vào chi tiết, dừng ở mức nguyên lý và cách làm chính) rồi đòi hỏi họ thảo luận thì thảo luận thế nào?

Câu hỏi đặt ra là tại sao các bạn không tự đặt câu hỏi mà các bạn thấy thiết thực cho các bạn?

Việc chọn bài, chuyển ngữ đã mất rất nhiều thời gian rồi, chẳng nhẽ bây giờ các anh chị tham gia việc này phải thăm dò đoán ý các bạn sinh viên xem cái gì họ biết, cái gì họ không biết để "giới thiệu cho sinh viên biết qua những pp đó" để họ tham gia thảo luận chăng? Gì mà kỳ cục vậy?
 
Ý của em là các anh không xác định rõ đối tượng người đọc khi chọn bài.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các bạn không tự đặt câu hỏi mà các bạn thấy thiết thực cho các bạn?

Anh biết thừa sinh viên hoặc học sinh như thế nào rồi mà còn hỏi em câu trớ trêu này.
 
Em nghĩ thế này, khi luyện dich thì cả hai cái là nâng cao trình độ tiếng anh và tiếp thu kiến thức đều quan trọng. Vì theo em nghĩ người dịch chỉ cảm thấy thích dich và hứng thú dich khi những thông tin mình dịch là thấy cần thiết và liên quan đến lĩnh vực học tập của mình.
? Vì vậy theo em các anh nên phân mục này ra các lĩnh vực nhỏ hơn như: sinh học phân tử, sinh học với nông nghiệp, thủy sản vv.. mỗi mục này sẽ có một ngời chuyên tìm các bài dứoi dạng các tin ngắn, dễ hiểu vừa cập nhật được thông tin vừa thu hut đựoc đông đảo người tham gia, bởi vì sinh viên tham gia diễn đàn sinhhocvietnam, đâu phải ai cũng học chuyên sâu về sinh học, có người chỉ học về những lĩnh vực có liên quan thôi mà, như em mà cho đọc mấy bài về gen chắc em cũng chịu vì đôi khi đọc tài liệu tiếng việt còn chưa hiểu huống chi đọc tiếng anh.
? ?Em nghĩ rằng nếu biến được web này thành nơi trao đổi học tập của sinh viên việt nam thì đúng là điều tuyệt vời.
 
Hoàng Đức Minh said:
Vì các anh chọn những chủ đề ở trên trời hoàn toàn xa lạ với sinh viên với đống kiến thức từ những năm 80 (trừ một số khoa, nhưng phần lớn vẫn dừng ở lên men cổ truyền), khái niệm cơ bản về những bài đó ko có thì mổ xẻ làm sao được, đọc sau khi dịch đàng hoàng "thuần chủng" còn chả hiểu nói gì đến trực tiếp tiếng anh.

Không có các bài giới thiệu cho sinh viên biết qua về những pp đó (vài dòng dễ hiểu thôi, ko đi sâu vào chi tiết, dừng ở mức nguyên lý và cách làm chính) rồi đòi hỏi họ thảo luận thì thảo luận thế nào?


Một anh chàng đi chung xe với mọi người; kẻ ít nói người lắm mồm đang rôm rả chuyện trò. Anh chàng ta nghe mà kô hiểu gì cả. Thay vì lắng nghe để cố mà hiểu đặng còn tham gia với người ta hoặc tự mình tạo ra một chủ đề để thu hút người khác cùng rỉ rả chuyện trò với mình, thì anh chàng này chống nạnh la to lên:

- Mấy ông bà toàn nói chuyện xa lạ gì đâu không à, tui ở nông thôn mà quý vị nói chuyện thành phố sau tui hiểu nổi. Quý vị nói chuyện mà không nói rõ nguồn gốc câu chuyện, diễn tiến sự việc... thì sao mà tui tham gia. Quý vị nói chuyện mà không có biết hướng đối tượng gì cả.

Tôi nói vậy bạn hiểu sao tùy bạn.

Thế này nhé:

Bạn chịu khó dò tìm trên net một nơi nào đó cung cấp những thông tin khoa học thoả mãn các điều kiện sau:

- cập nhật định kỳ 1 tuần, nửa tháng, một tháng
- viết lách đơn giản, dễ hiểu, dễ đọc
- kiến thức trong tầm của bạn (tức là kiến thức hiện đại bậc nhất thời 1980s).

Tìm được nơi thế này, tui hứa với bạn tui sẽ vứt hết Nature, The Scientists, scienceweek, ... để chỉ chuyên tâm vào nơi bạn tìm thấy và phục vụ riêng cho lứa SV - năm 2006 - đang - học - kiến - thức 1980s.

Còn nếu kô tìm thấy thì bạn hãy tự đặt cho mình các câu hỏi sau:

- tại sao kiến thức nhân loại không chịu quanh quẩn như những gì bạn được học?
- Sv trên thế giới cùng trang lứa chúng nó đã và đang học cái gì, có giống bạn không?
- bạn có cho rằng bạn cứ ngồi im một cách thụ động ù lì chờ người ta mớm từng kiến thức hay bạn sẽ tự mình chủ động xông xáo tìm hiểu những cái mà "ai cũng hiểu chỉ mình mình không hiểu"?
- tại sao chính bạn ko tự nâng cấp cái đầu mình lên mà bảo mọi người xung quanh hạ cái đầu họ xuống cho "ngang tầm hiểu biết" của bạn?

Và chịu khó nhìn Dương, 1 em SV vùng Nha Trang không mấy giàu có, kô có mấy điều kiện tốt như Hà Nội đã tự nhận thức sự kém cỏi của bạn ấy và cách mà bạn ấy tự vượt qua những rào cản ấy.  

Nghe bạn phát biểu tui thấy hình ảnh nước VN thời kỳ trước đổi mới.
 
Em cũng muốn kể một mẩu chuyện vui: Có một anh chàng mang máy tính xách tay về bản (không có điện, không có điện thoại, máy không có tính năng chạy bằng năng lượng mặt trời) rồi bảo người dân ở đó (không biết tiếng của người Kinh, mỗi ông trưởng bản biết) nó tốt lắm cứ dùng thoải mái, chỗ tôi còn nhiều lắm thích thì tôi cho vài chục vài trăm cái, chả sao hết. Người ta sướng lắm anh chàng bảo: nó biết nói này, nó còn cho xem phim nữa,... rồi ấn ấn qua loa cho mọi người xem... rồi anh ta về thành phố, còn người ta thì dùng một buổi rồi bỏ xó vì không thấy nó kêu, không thấy nó sáng đèn nữa. Rồi một thời gian sau ông đó quay lại mắng té tát già làng: Sao tui đưa cho công cụ hiện đại thế mà không dùng, tính năng hiện đại như thế, sức mạnh thay đổi thế giới như vậy mà không biết dùng. Già làng không biết và cũng không kịp nói gì vì anh chàng đó tức giận mà bỏ đi và thề sẽ không quay lại cái nơi tăm tối này nữa.

Phạm Ngọc Dương said:
Em nghĩ thế này, khi luyện dich thì cả hai cái là nâng cao trình độ tiếng anh và tiếp thu kiến thức đều quan trọng

Kiến thức gì? Nó liệu có gắn với công việc của mình không? Chuyên ngành của mình không? Khi nắm được nó mình có thể liên hệ được gì và làm được gì ra sản phẩm cụ thể với nó và bán được giá, thị trường chấp nhận. Liệu có thể tiếp nhận được lượng kiến thức khổng lồ mà người ta đăng tạp chí, đăng báo suốt ngày không?

Nắm được nó rồi thì liệu ở việt nam này này có đủ điều kiện (con người, máy móc, tài liệu...) để phát huy không? Có tạo ra nhiều sản phẩm bán được và thu được tiền để mua những sách tiên tiến và công nghệ tiên tiến của họ không? Đó mới là điều cần thiết. Chứ còn cả đời cứ ngồi đọc báo khoa học, cập nhật thật đấy nhưng có làm ra cái gì giúp xã hội trong điều kiện thực tế là nước ta còn nghèo còn chưa đủ ăn thì đừng tính làm như vậy với số đông (một bộ phận giỏi sẽ phải ra nước ngoài học, ở lại làm việc được thì tốt, không thì ít nhất cũng có vốn tiếng anh và đống giáo trình tiên tiến cho những người trong nước)

Còn những thứ trên trời như: cạnh tranh với các tạp chí quốc tế, nâng tiếng nói của Việt Nam với bạn bè quốc tế... Toàn những thứ vứt đi cả, người ta cần sống trước đã, cần đủ điều kiện để làm việc trước đã rồi mới tính đến chuyện cạnh tranh với người khác, mới tính đến chuyện lấy tiếng với thiên hạ được. Khi không đủ điều kiện tồn tại thì đừng mong làm gì hết.
 
Nghe bạn phát biểu tui chỉ biết lắc đầu! Mặc dù tui thừa lý lẽ để bác hết những điều bạn nói, nhưng bác trên SHVN thì dễ còn làm cho nhận thức bạn thay đổi mới khó; cái này thì tui thua.
 
Không có diễn đàn SH thì chúng ta sẽ đi trao đổi kiến thức sinh học trong diễn đàn tin học ....và mong  những người không đúng chuyên ngành nói chuyện với chúng ta nhiệt tình...?????
?Còn việc tiếp thu hay luyện dịch thì tôi không quan tâm lắm, mọi người thông cảm nhé. Tôi xin hết ý kiến...
 
Một thời tôi đã có những suy nghĩ rất giống Hoàng Đức Minh. Cho đến tận bây giờ, những điều bạn nói đôi khi vẫn bùng phát trong tôi.

Tuy nhiên

1. Không nên áp đặt suy nghĩ của một người cho một tập thể.

2. Hãy nhìn xa hơn về tương lai.

3. Không thể nói rằng ở VN hiện nay dùng kiến thức 1980s mới làm ra của cải vật chất phục vụ xã hội còn kiến thức cập nhật hiện đại sẽ chỉ là mớ lý thuyết vứt xó, ta có biết cũng không áp dụng được gì cho thực tiễn.

Vài điều suy nghĩ của tôi. Chủ đề này nên khép lại ở đây. ?Minh hãy làm những gì mà Minh cho rằng cần thiết, phù hợp với mình trên SHVN này.
 
Minh đã viết:
Kiến thức gì? Nó liệu có gắn với công việc của mình không? Chuyên ngành của mình không? Khi nắm được nó mình có thể liên hệ được gì và làm được gì ra sản phẩm cụ thể với nó và bán được giá, thị trường chấp nhận. Liệu có thể tiếp nhận được lượng kiến thức khổng lồ mà người ta đăng tạp chí, đăng báo suốt ngày không?

Nắm được nó rồi thì liệu ở việt nam này này có đủ điều kiện (con người, máy móc, tài liệu...) để phát huy không? Có tạo ra nhiều sản phẩm bán được và thu được tiền để mua những sách tiên tiến và công nghệ tiên tiến của họ không? Đó mới là điều cần thiết. Chứ còn cả đời cứ ngồi đọc báo khoa học, cập nhật thật đấy nhưng có làm ra cái gì giúp xã hội trong điều kiện thực tế là nước ta còn nghèo còn chưa đủ ăn thì đừng tính làm như vậy với số đông (một bộ phận giỏi sẽ phải ra nước ngoài học, ở lại làm việc được thì tốt, không thì ít nhất cũng có vốn tiếng anh và đống giáo trình tiên tiến cho những người trong nước)

Còn những thứ trên trời như: cạnh tranh với các tạp chí quốc tế, nâng tiếng nói của Việt Nam với bạn bè quốc tế... Toàn những thứ vứt đi cả, người ta cần sống trước đã, cần đủ điều kiện để làm việc trước đã rồi mới tính đến chuyện cạnh tranh với người khác, mới tính đến chuyện lấy tiếng với thiên hạ được. Khi không đủ điều kiện tồn tại thì đừng mong làm gì hết.


Không ai dạy cho học sinh phổ thông xây dựng một tòa lầu cao ốc, một cây cầu có 9 10 đường xe chạy, hoặc cầm dao mổ trên người bệnh nhân. ?Học sinh phổ thông cần phải học đếm, học đọc, viết và nói trước. ?Cái này ai cũng rỏ cả. ?Bây giờ hãy tưởng tượng đọc những bài viết về kỹ thuật sinh học phân tử, về cách yếu tố phiên mã điều khiển biểu hiện gene, cách đặt câu hỏi, tra tìm câu trả lời, và những thứ trên trời dưới biển khác cũng giống như học đếm học nói thời phổ thông trước đây vậy. Học đếm đâu đủ làm bạn giàu có lên cũng như đọc một bài báo khoa học đâu thể biến công nghệ sinh học của toàn NƯỚC Việt nam ngang hàng với một đất nước bé tí gọi là Singapore. ?Vậy nếu học đếm và đọc báo khoa học là những thứ không liên quan gì đến cuộc sống thực tế thì những người xây dựng các tòa nhà cao tầng, những cây cầu vĩ đại, những người cầm dao mổ cứu sống bệnh nhân đến từ đâu vậy?

Nếu bạn thấy những kiến thức trên trời dưới biển trong trang shvn này không có gắn liền với thực tế công việc và ngành học của bạn thì tại sao bạn vẫn phí thời gian vào đây? ?Tại sao không gia nhập với số đông ở ngoài cuộc sống đang bị nghèo đói hành hạ và sử dụng những thực tiển tài năng biết đọc và biết đếm của bạn để giúp đở phần nào những linh hồn bất hạnh này? ?Bạn vẫn vào trang web này cho dù bạn biết mình không hiểu người ta đang nói cái gì. Bạn vẫn chịu phí thời gian, thay vì có thể dùng khả năng biết đếm của mình giúp một người nghèo khó bên ngoài biết đâu thoát được cơn đói của ngày hôm nay, để vào trang web này để chịu sự chế giểu của bạn bè về những câu hỏi ngốc nghếch của mình. Bạn vẫn kiên nhẩn vào đây mặc dù bạn nhận thấy rằng lòng kiên nhẩn của bạn sắp cạn dần. ?Vậy cái gì sui khiến bạn tiếp tục vào nơi mà bạn cho là vô bổ? ?Cái đó chính là giấc mơ và niềm hy vọng của bạn. ?Ai đó đã nói rằng người ta sống không phải vì tiền tài danh vọng mà sống vì hy vọng.

Không cần dài dòng, với tài biết đếm và biết đọc của bạn tới đây tui hy vọng bạn đã thấu hiểu đôi chút về những gì đang xảy ra ở trên trang shvn này. ?Mọi người trên này đang học đếm và học đọc đó bạn. ?Vì mọi người trên này vẫn còn học đếm học đọc nên làm sao bạn thấy được những sản phẩm sắp được đem bán đem lợi lộc về bạc tỉ ngay được. ?Họ vẫn học đếm học đọc những thứ trên trời vì họ nhận thức được rằng nếu không biết đếm biết đọc thì họ không thể nào trở thành những người có thể xây một căn nhà cao nhất, một cây cầu dài nhất và chữa được những bệnh hiểm nghèo nhất. ?Họ nhận thức được cái qui luật đơn giản này: không biết đếm không biết đọc thì không thể sống trong danh dự và hạnh phúc được.

Tôi biết Minh là một người rất nhiệt tình, rất thẳng, trung thực với chính mình và rất thực tế. ?Những bức xúc của Minh chỉ qua là bạn đang muốn học hỏi thật nhiều nhưng bị choáng ngợp trước sự bùng nổ của thông tin kiến thức và không biết sẽ nên bắt đầu từ đâu trong khả năng của mình, cũng như trong những thực tế đầy khó khăn xung quanh. Bằng kinh nghiệm bản thân và tôi tin chắc là các bạn trên đây cũng vậy, mọi người trên này đều có một thời gian khủng hoảng như vậy trước đây. ?Tôi trước đây rất cảm thông với những người câm và điếc vì điều kiện giới hạn của họ chắc chắn sẽ làm cuộc sống họ vô cùng khó khăn. ?Khi đối diện với mớ thông tin khổng lồ toàn bằng ngoại ngữ thì tôi sợ hải rằng mình sẽ trở thành một người tàn tật như vậy. Chỉ vì không muốn trở thành một người tàn tật về kiến thức nên tôi quyết định sắp xếp thời gian để chấn chỉnh những lổ hổng kiến thức của mình. ?Tôi đã không phàn nàn vì không có ai hướng dẩn mình vì tôi biết rỏ là không ai biết mình bị khiếm khuyết chổ nào. ?Chỉ có tôi là biết rỏ về tôi thôi. ?Tôi luôn tự hỏi nếu muốn làm được việc gì đó thì cần phải có kiến thức kỹ năng gì. ?Và nếu tôi quyết tâm muốn trở thành người có năng lực để làm chuyện đó thì tôi phải kiên nhẫn tìm cho ra được môi trường thích hợp để học đếm và học nói cho ngành nghề đó. ?Một người với bản lĩnh như Minh thì tôi tin rằng bạn sẽ làm được việc này.

Chúc cuộc hành trình của bạn gặp nhiều điều thú vị.
 
Xin lỗi mọi người cho em lạc đề tí nhé. Và đây là quan niệm của riêng em, chỉ thích hợp với điều kiện của em, ai làm theo lãnh hậu quả ráng chịu.

Bởi vì em nhận thấy qua 4 năm học của em, em cứ ngồi tích luỹ hết thứ này đến thứ khác em đọc và học lấn cả sang giáo trình các bạn học triết học, học kinh tế, học ngoại ngữ, học văn học, tin học dựa theo bộ chương trình khung mong cho nhớ thật nhiều, hiểu thật nhiều để suy ra thật nhiều hòng tìm ra một cái gì đó. Em không nói là những thứ đó vô ích với em nó cho em cái nhìn tổng quát hơn, sâu hơn, rộng hơn, và xuyên suốt với ngành học của em. Em học theo lối tích hợp, ít chú ý tới kỹ năng mà chú ý hỏi tại sao và làm cách nào, và làm thử để thực hiện điều đó.

Em không biết tiếng anh, em không phải ngại khi nói lên cái mình không biết, và đó là một rào cản lớn mà em phải vượt qua mà chưa biết bao giờ mới qua được.

Nhưng rồi khi em đọc, học và làm những cái tưởng như bình thường, rất dễ làm, ai cũng làm được: nấu cơm, quét nhà, tính thời gian ít nhất khi kết hợp công việc, nấu một món ăn, gõ văn bản, ... thì hoá ra những cái mình được học nó ẩn trong đó dưới dạng tổng hợp và kết hợp tất cả những cái đó chứ không phân biệt rõ ràng hoặc đợi đến khi cô lập nó như trong sách giáo khoa vẫn dạy thì mới biết được, ví dụ như nấu cơm thực chất là quá trình biến tính tinh bột, và các cụ nhà ta không biết về enzym, tinh bột nhưng vẫn tìm ra được thời gian thích hợp để nó hoạt động, biến đổi (thông qua quá trình nhiệt: tra gạo, đợi sôi, ghế,ủ...). Nấu ăn thì nếu thịt bị cháy, đường bị cháy quá khét lẹt thì hiểu là mình làm quá nhiệt mất rồi và nó đã thành than chứ không phải thành các hợp chất đường tạo hương vị thơm ngon nữa rồi. -> mọi cái mình học nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, mình vẫn thực hành nó mà không biết mình đang thực hành nó. Mình chỉ cần chú ý liên hệ và vận dụng, làm việc nhà một chút thôi đã ra rất nhiều cái để học, để hiểu thêm về các quá trình, các phương pháp mà người ta cứ tưởng ở đâu đâu phải có điều kiện này, điều kiện nọ mới thực hiện được. -> nếu áp dụng kiểu học này với nhiều cái khác thì kết quả đến đâu em không dám chắc sức mạnh của nó nữa (nhưng nó cũng có nhiều hạn chế và em rất muốn khắc phục nhưng chưa tìm ra, nhất là trong việc tìm người yêu :p )

Cũng tương tự như vậy, các thao tác phòng thí nghiệm thì phần lớn là các thao tác bình thường, chỉ cần nắm rõ mục đích và hiểu tại sao lại làm vậy là có thể biến đổi và nghĩ ra rất nhiều cách làm phù hợp rồi, không nhất thiết phải y chang "những gì là mẫu chuẩn" mà thầy cô hay người nào đó dạy dỗ. Những công việc hàng ngày đều ẩn chứa điều đó.

=> Cần nền tảng kiến thức cực rộng và em thấy chưa có một bộ sách nào ngoài bộ sách giáo khoa phổ thông vượt được điều đó.

Cũng giống như sinh đại cương: bạn nào cũng học từ năm 1 hoặc năm 2, nhưng học càng lên cao, biết càng nhiều thì càng thấy được cái tầm, cái xương sống liên hệ tất cả mọi thứ mình học trong ngành của môn này và lúc nào cũng khuyên học trò: học gì thì học, phải tụng nát quyển sinh đại cương cho dù là người học năm thứ 2 hay thứ 20, 40 hay lâu hơn nữa.

Biển học vô bờ, càng muốn biết nhiều, càng muốn hiểu nhiều, càng muốn "vá" nhiều lỗ hổng trong chuyên ngành hẹp của riêng mình thôi thì càng bị dột, càng thấy mình dốt hơn và lại cứ tiếp tục vào cái vòng xoáy đó, dồn hết thời gian, công sức và nhiều thứ khác vào nó, lúc nào tỉnh ngộ (do hoàn cảnh nào đó, cú sốc nào đó, hoặc có thời gian nhìn lại bản thân mình, do người lớn khuyên bảo, do nghe một câu nói nào đó của một ai đó...) mới thoát ra được.

Cho nên em mới nói: Cần giới hạn lòng tham hiểu biết đó.
-----------------

Người ta hay chú ý tới những việc cao siêu: như hành tinh nào có sự sống, bao giờ lên tới sống ở sao hoả, ... nhưng điều đó dành cho các nhà du hành vũ trụ, các nhà thiên văn học họ được xã hội phân công làm việc đó đừng tranh công việc với họ, trong khi quên mất mình còn có gia đình, quên một lời nhắc nhở hay gọi điện cho người thân, hay quên một dịp đặc biệt nào đó.

Hoặc bỏ qua kỹ năng cần thiết hàng ngày cho cuộc sống như: là một bộ quần áo, pha chè như thế nào, đóng cái đinh này ra sao? sửa cái dây điện bị đứt này sao cho an toàn, nối cầu chì thế nào? Cần học những bài học đạo đức gì? Sống như thế nào mới đúng tình nghĩa, xứng là người Việt Nam... Những cái này nhà trường hay bỏ quên lắm, và phải học và làm các cái này trước, rồi mới tính đến chuyện học những cái cao siêu mà chưa chắc cả đời mình có dịp sờ tới, hoặc nhìn tới, hoặc biết thì cũng chả để làm gì, nó chỉ là thông tin trong óc mình, mà không dùng, không để lại ấn tượng gì thì quên nhanh lắm. (mặc dù em biết não chả bao giờ "quên" những gì mình đã trải qua, chỉ có điều nó không nằm ở phần ý thức được thôi)

-----------

Em xin lỗi nếu hôm nay nói hơi nhiều, và post một bài viết lạc đề đến như vậy.
 
Kính bác Tuchau, lonxon, voime,...

Tiếp thu kiến thức hay luyện dịch ? ?

Theo em tình hình chung trên thế giới vẫn là translation.
http://www.alexa.com/browse?&CategoryID=12

Có dịch cho đúng thì kiến thức mới tiếp thu đúng được, đâu thể một bước lên trời. Rất nhiều người Việt viết sai ngữ pháp. Nếu luyện dịch chỉ là một phần bé xíu, ai cũng làm được vậy ta dẹp luôn khoa báo chí trường KHXHNV cho rồi.

Luyện dịch là hoạt động chuyển ngữ văn bản từ Anh sang Việt. Dòng thông tin đâu thể trót lọt từ Anh sang Việt. Dòng thông tin di truyền được dịch mã từ mã sao trên mARN thành aa trên protein. Nó trải qua quá trình đào luyện splicing, tương tự tiếng Việt ta phải hì hục xem lại cách viết, sửa lại từ ngữ. "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".

Kiến thức lúc nào chẳng có. Thuật ngữ chuyên ngành như một cửa ải đầy thử thách, người dịch chịu trách nhiệm về nó. Nó là cửa nhà, cửa nhà xiêu vẹo thật hung hiểm. Do đó người dịch lúc dịch đã trút hết kiến thức ngõ hầu ?cố gắng hình thành khái niệm mới. Cố nhiên, dù thuật ngữ đó là thuật ngữ chuyên ngành sinh học, vật lý hay kinh tế,...thì nó vẫn theo những nguyên tắc chung. Người dịch qua thời gian lâu dài tự đúc kết kinh nghiệm. Nhà văn Lê Đạt bỏ mấy chục năm mà vẫn chưa dịch xuôi hai câu :"Dòng đời lừ đừ trôi - Hi vọng thì dữ dội". ?Há kiến thức văn chương của ông không đủ để tiếp thu ý nghĩa đôi dòng thơ ?

Mục tiêu giáo dục nhằm giáo dục con người toàn diện. Luyện dịch ta đã làm bài tập quen thuộc trong các sách giáo khoa tiếng Anh, Tranlate into Vietnamese; ?dịch bài chuyên ngành trên Nature Review Genetic, PNAS, New England Journal medicine,...vô hình ta luyện chữ "nhẫn", ?bởi toàn thứ chưa biết đọc lên nghe oong oong cả lỗ tai. Nhẫn nại thì sau này mới làm chuyện lớn như khoa học được. Nói tiếng mother tonnge chính xác hay không thì bài dịch là vd điển hình.

Em mới đến nhà ông, cụ dạy bài dịch bằng phác thảo trừ 10%, viết câu ngắn, cố gắng sử dụng câu chủ động, khổ lằm thì là mà nói mãi, trong câu liền lúc xuất hiện hai từ "này" ?phải lập tức xem lại, chú ý mạo từ "the", nên đặt tít bài viết góc trên bên trái, nếu được bản tin nên gói gọn trong 850 từ. Ngoài ra, câu mở đầu phài là câu chủ đề. Theo thói quen người Việt có tật Abstract đọc kĩ thì nội dung sơ sài, tóm tắt đọc sơ sài nội dụng càng lướt như ca-nô !...

Còn nhiều điều khuất tắt nhưng không tiện dông dài.
Chúc các tiền bối mạnh khỏe.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,548
Members
56,917
Latest member
sv368net
Back
Top