Kháng thể có mặt gần với tế bào hơn, vì vậy hiệu quả hơn phương pháp điều trị hiện tại.
Trong một nghiên cứu mang tính đột phá mới đây, các nhà khoa học đã gắn thành công kháng thể chống virus HIV vào tế bào người. Điều này đã giúp họ tạo ra được một quần thể tế bào miễn nhiễm với virus HIV, mà theo cách họ nói là “tiêm vắc xin” cho từng tế bào.
Các tế bào mới có khả năng đề kháng với virus HIV, thay thế các tế bào cũ đã nhiễm bệnh. Nó có thể giúp điều trị HIV tốt hơn các phương pháp hiện hành, thậm chí hướng đến một liệu pháp chữa khỏi căn bệnh thế kỷ.
Nghiên cứu mới này được thực hiện tại Viện Scripps (TSRI), California Hoa Kỳ. Đầu tiên, các nhà khoa học chỉ muốn tạo ra được các tế bào người miễn nhiễm với rhinovirus, loại virus gây ra cảm cúm thông thường.
Để làm được điều đó, một công cụ chỉnh sửa gen được sử dụng để thêm các đoạn mã di truyền vào tế bào người, những tế bào nuôi trong phòng thí nghiệm. Các gen sau đó chỉ đạo tế bào sản sinh ra kháng thể chiếm chỗ thụ thể ICAM-1 trên chúng.
ICAM-1 là con đường mà rhinovirus cần sử dụng để chui vào tế bào và lây nhiễm. Bởi vậy, khi con đường ấy đã bị lấp đầy bởi kháng thể, tế bào sẽ miễn nhiễm với mầm bệnh.
Quan sát quá trình, các nhà khoa học nhận thấ tế bào không được bảo vệ bằng biện pháp này đã chết ở thời điểm kết thúc thử nghiệm. Trong khi đó, tế bào được chuyển gen mới vẫn sống, nhân lên và thay thế chúng.
Sau khi ý tưởng được chứng minh hiệu quả với thụ thể ICAM-1 và rhinovirus, các nhà khoa học chuyển sự chú ý của họ đến một thụ thể có tên gọi là CD4. Đó là những thụ thể trên bề mặt tế bào mà virus HIV tìm đến để thực hiện liên kết và xâm nhập.
Phương pháp tương tự được lặp lại, họ chuyển gen và tạo ra những kháng thể tìm đến CD4. Kháng thể liên kết với thụ thể, không cho phép virus HIV tiếp cận với CD4. Kết quả là các tế bào cũng được miễn dịch.
“Đây thực sự là một dạng tiêm chủng vắc-xin cho tế bào”, Tiến sĩ Richard Lerner, giáo sư miễn dịch học tại TSRI tham gia vào nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu nói rằng kỹ thuật mới của họ có lợi thế đáng kể so với phương pháp điều trị HIV hiện tại. Chẳng hạn như uống thuốc có thể tạo ra kháng thể trôi nổi tự do trong máu. Nhưng nếu pha loãng trên một thể tích máu toàn cơ thể, nồng độ kháng thể sẽ tương đối thấp.
Ngược lại, tiến sĩ Jia Xie, người cũng tham gia vào nghiên cứu mới này cho biết: phương pháp của họ tạo ra một “hiệu ứng lân cận”. Nghĩa là kháng thể sẽ có mặt gần với tế bào hơn, và vì vậy hiệu quả hơn là chúng cứ trôi nổi.
Trong một thí nghiệm được thực hiện bởi International AIDS Vaccine Initiative, một tổ chức phi lợi nhuận thành lập từ năm 1996 với mục đích tìm kiếm các giải pháp cho bệnh HIV/ AIDS, các nhà khoa học xác nhận:
Những kháng thế gắn với tế bào được tạo ra theo cách của họ ngăn chặn HIV hiệu quả hơn so với kháng thể hòa tạn tự do trong các thí nghiệm trước đó. Điều này cho họ sự tự tin để phát triển tới một phương pháp cuối cùng, kiểm soát HIV ở bệnh nhân mà không cần dùng đến thuốc.
Trở lại với một thực tế, thống kê chỉ ra từ năm 2005-2014 số ca chẩn đoán nhiễm mới nhiễm HIV hàng năm đã giảm 19%. Nhưng cho tới nay, căn bệnh thế kỷ này vẫn còn khá phổ biến.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết toàn thế giới có khoảng 35 triệu người nhiễm HIV. Trong khi đó, nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, còn khoảng 1 phần 8 số bệnh nhân thậm chí chưa biết mình mắc bệnh.
“HIV có thể điều trị nhưng vẫn là căn bệnh chưa thể chữa khỏi”, tiến sĩ Joseph Alvarnas đến từ Trung tâm Trị liệu gen City of Hope cho biết. “Điều đó nói lên tại sao các công nghệ thế này lại rất quan trọng”.
Dự kiến, liệu pháp chuyển gen để tạo ra các tế bào miễn dịch với HIV sẽ được thử nghiệm tính hiệu quả và độ an toàn tại Trung tâm City of Hope, California. Nếu vượt qua được bài thử nghiệm này, nó có thể tiếp cận tới thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, theo các quy định hiện hành tại Mỹ.