PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết, đến nay tại viện đã điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư với phương pháp tiêm thuốc miễn dịch. Trên lâm sàng, có những bệnh nhân kết quả ngoạn mục, thay vì sống một vài tháng thì sống thêm cả năm, vài năm.
Ngăn chặn khối u chứ không triệt để
Ngày 8/10, chia sẻ với báo giới thông tin về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư, PGS Quảng cho biết, liệu pháp miễn dịch là khái niệm chung, nhiều phương thức khác nhau.
Cách đây 4 năm, Bệnh viện K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Trên thế giới, phương pháp này đã được đưa vào sử dụng và tại Việt Nam, từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, BV K và một số bệnh viện khác trong cả nước chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này. Theo đó tại BV K Trung ương, đã có khoảng 20 bệnh nhân được điều trị với thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch.
TS.BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV K cho hiện chưa có kết quả đánh giá chung bởi các bệnh nhân ung thư điều trị đa liệu pháp. Những bệnh nhân sử dụng liệu pháp miễn dịch trước đó đều đã sử dụng các phương pháp khác, nhưng không còn hiệu quả mới điều trị đến phương pháp cuối cùng này.
“Đánh giá trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn. Đơn cử một bệnh nhân nam 60 tuổi ung thư phổi giai đoạn cuối tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng nhưng sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch đến thời điểm này là hơn năm bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị.
Một trường hợp khác là bệnh nhân ung thư u hắc tố đã di căn xương và phần mềm dưới da. Sau khoảng 7 tháng áp dụng liệu pháp miễn dịch các khối u không tiến triển, u tan nhanh, khối u dưới da biến mất, khối u xương tan, bệnh nhân đã đi lại được, tuy nhiên sau đó các tổn thương lại xuất hiện ở vị trí khác sau 8 tháng.
Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng đã điều trị thuốc trúng đích nhưng không hiệu quả đã được dùng liệu pháp miễn dịch. Sau 2 chu kỳ dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, khối u vùng cổ đang giảmU
Tuy nhiên, PGS Quảng cũng nhấn mạnh thêm, phương pháp điều trị với thuốc ức chế miễn dịch hiện nay chỉ được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chứ không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều có thể điều trị. Việc chỉ định điều trị phải dựa vào bệnh cảnh, đặc điểm giai đoạn, sinh học của bệnh nhân.
“Các bệnh nhân được điều trị đều là người bệnh đã ở giai đoạn di căn, khi các phương pháp khác không còn hiệu quả. Thuốc được chỉ định nhiều nhất cho các bệnh gồm: ung thư hắc tố, ung thư phổi, tiếp đến các ung thư đường niệu, thận, bàng quan, đầu cổ, ung thư gan. Gần đây u lympo (u các đường tiêu hoá), ung thư buồng trứng, tử cung cũng đang được mở rộng điều trị”, PGS Quảng thông tin.
Tuy nhiên, đây không phải loại thuốc có thể chữa khỏi được ung thư, mà là thuốc dùng điều trị ở giai đoạn di căn, chủ yếu để ngăn chặn phát triển khối u chứ không điều trị triệt để.
TS Tú cho biết thêm, trên thế giới cũng đang mở rộng nghiên cứu hiệu quả của phương pháp miễn dịch với điều trị ung thư giai đoạn sớm. Thông thường trong nghiên cứu, người ta nghiên cứu giai đoạn di căn trước và với liệu pháp này đã cho kết quả ngoạn mục, từ chỗ bệnh nhân chỉ sống được vài tháng, sau điều trị di căn sống thêm vài năm.
Nhiều cơ hội với người bệnh ung thư
Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc, Tỷ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và 114.871 ca tử vong do ung thư, Tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư.
Tại BV K, trong tổng số bệnh nhân đến điều trị có đến 60 – 70% bệnh nhân ở giai đoạn muộn đã có di căn, phương pháp điều trị miễn dịch là một trong những cơ hội cho người bệnh.
“Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư, không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. Chưa kể đây là thuốc mới, chi phí điều trị là một gánh nặng không nhỏ với bệnh nhân”, PGS Quảng nói.
Theo đó, chi phí điều trị từ 60 – 120 triệu đồng/chu kỳ. Sau một chu kỳ tiêm, bệnh nhân sẽ nghỉ trong 3 tuần và lại tiếp tục chu kỳ mới và cần phải thực hiện liên tục. Trong khi đó, hiện bảo hiểm chưa thanh toán cho những loại thuốc này, do đó không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận phương pháp này. Mới gây, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã làm việc được với đơn vị cung cấp thuốc hỗ trợ chi phí, người bệnh tự chi trả 4 chu kỳ sẽ được hỗ trợ 2 chu kỳ trong suốt quá trình sử dụng thuốc nhưng đây vẫn là chi phí khổng lồ với bệnh nhân ung thư.
“Trước đây ung thư là án tử, ngày nay có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện. Dù với phương pháp truyền thống hay hiện đại, đều là những liệu pháp phù hợp nhất bác sĩ đã lựa chọn cho bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân ung thư cần được khám, tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất, như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc trúng đích, hay liệu pháp miễn dịch… Căn cứ vào tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất với người bệnh”, PGS Quảng nhấn mạnh..
Đặc biệt với phương thức miễn dịch, đây là liệu pháp không phải ai cũng áp dụng được, người bình thường không thể tự mua thuốc, thuốc cũng không có bán trôi nổi trên mạng nên người bệnh cần hết sức cảnh giác trước những quảng cáo “đội lốt” phương thức miễn dịch chữa ung thư.
Trước đó, ngày 1/10, hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 với “phát hiện phương pháp điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế điều hòa miễn dịch âm tính”. Tại Việt Nam, liệu pháp miễn dịch đã được Bộ Y tế cấp thuốc lưu hành, điều trị tại một số bệnh viện lớn trong cả nước.