Sản phẩm Oligo của Phusa Biochem, sáng lập bởi doanh nhân Việt kiều Ngô Quốc Nam, hiện được ứng dụng nhiều trong chữa trị ung thư, nông nghiệp công nghệ cao…
Công nghệ sinh học phân tử còn mới mẻ trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, Việt Nam cũng đã tạo được một bước tiến lớn ở lĩnh vực này khi có một doanh nghiệp có thể cung ứng sản phẩm cho hàng trăm viện nghiên cứu trên toàn thế giới.
Phusa Biochem là một công ty có trụ sở trong Khu Công nghiệp Bình Minh, Vĩnh Long, với 2 khu nhà là các phòng thí nghiệm, nghiên cứu về hóa học và sinh học. Không có những cỗ máy khổng lồ, những âm thanh ồn ào, trong tổng hành dinh của Công ty là khung cảnh yên bình, với các nhân viên trong những chiếc áo blouse trắng và khẩu trang đang làm việc bên những ống nghiệm và kính hiển vi…
Công ty hiện đang có hơn 50 nhân viên làm việc, hầu hết đều có chuyên môn về sinh học phân tử và hóa học. Hoạt động chính của công ty là tập trung vào nghiên cứu công nghệ DNA trong cả 3 lĩnh vực: hóa học, sinh học và tự động hóa. Một trong những sản phẩm quan trọng của Công ty là Oligo. Đối với những sản phẩm biến đổi gen, thông thường sẽ sử dụng gen của giống loài khác để cấy ghép vào đoạn gen DNA. Nay công nghệ sinh học phân tử phát triển, họ ứng dụng Oligo để can thiệp vào quá trình lai tạo, các đoạn gen thay vì được cấy ghép thêm thì được chỉnh sửa lại. Oligo hiện đang được ứng dụng nhiều trong chữa trị ung thư, hoặc nông nghiệp công nghệ cao…
Mặc dù là một công ty mới phát triển những năm gần đây, quy mô còn khá nhỏ nhưng môi trường làm việc khá mở. Khuôn viên với nhiều loại cây ăn trái, có khu vực ăn trưa, khu vực nằm võng nghỉ trưa cho nhân viên. Không gian như một ngôi nhà dân dã tại nông thôn chứ không phải phòng kính, máy lạnh như ở nhiều công ty khác thường thấy.
Phusa Biochem được ông Ngô Quốc Nam, một Việt kiều đã sống ở Pháp hơn 20 năm và hơn 10 năm tại Mỹ, thành lập vào năm 2008. “Ngày lên đường sang Pháp du học, tôi có ước mơ sẽ trở về Việt Nam và thành lập một công ty nghiên cứu về hóa học. Sau thời gian làm việc tại Mỹ và nghiên cứu về thị trường, tôi quyết định về nước để thực hiện ước mơ ngày nào của mình”, ông Nam chia sẻ.
Tốt nghiệp Học viện Quốc gia CNAM tại Pháp và học tiếp chương trình thạc sĩ chuyên về sinh học phân tử sau hơn 20 năm làm việc tại Pháp, ông Nam sang Mỹ làm việc cho Công ty CTGen, chuyên cung ứng các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghệ sinh học. Thời gian làm việc tại đây, ông đã có thêm kinh nghiệm cũng như những nguồn khách hàng là các viện, trung tâm tâm nghiên cứu ứng dụng về giáo dục, y tế và kiểm định thực phẩm…
Giai đoạn đầu về Việt Nam, Phusa Biochem được ông Nam đầu tư hơn 2 triệu USD và hoạt động như một đơn vị gia công cho CTGen, để sản xuất các chất nền tổng hợp cho Oligo pha rắn, cung cấp cho các công ty chuyên tổng hợp Oligo trên thế giới như Sigma (Mỹ), Eurogentec (EU)…
Đến năm 2014, Phusa Biochem cũng có những sản phẩm Oligo đầu tiên “Made in Vietnam” cung ứng cho thị trường. Thời điểm này, do được CTGen chuyển nhượng lại nguồn khách hàng nên ngay từ những ngày đầu thành lập, Phusa Biochem đã có số lượng khách hàng quốc tế tiềm năng. Riêng đối với thị trường trong nước, mặc dù hiện đang là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất Oligo và có giá bán chỉ bằng 2/3 hàng nhập khẩu, nhưng khách hàng của Công ty chỉ chiếm khoảng 10%.
“Mở rộng lượng khách nội địa cũng là một điều mà công ty chúng tôi đang cố gắng thực hiện, do tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn. Ngoài ra, tôi mong muốn có sự minh bạch hơn trong đấu thầu cung ứng sản phẩm cho các trung tâm nghiên cứu…”, ông Nam cho biết. Theo ông, thị trường trong nước còn thiếu sự minh bạch hóa, bởi một số yêu cầu nâng giá bán trên giấy tờ để giành hợp đồng thầu.
Sản xuất tại Việt Nam, Công ty có thể tiết kiệm được một số chi phí. Ngoài ra, việc đáp ứng cho các khách hàng nội địa cũng đơn giản hơn, chỉ trong khoảng từ 24-48 giờ, trong khi, với những đơn hàng nhập khẩu từ nước ngoài phải tốn chi phí vận chuyển, mất từ 5-6 ngày. “Đây là lý do tại sao sản phẩm của chúng tôi có giá chỉ bằng 2/3 sản phẩm của Mỹ, nhưng thật buồn là hiện nay khách hàng nội địa còn quá ít, chỉ tập trung một số viện nghiên cứu tại Hà Nội”, ông Nam nói.
Ngày trở về Việt Nam, hành trang cao quý nhất mà ông Nam đạt được là 5 bằng sáng chế về lĩnh vực công nghệ hóa học và sinh học phân tử. Mới đây, ông cũng đã hoàn thành một số nghiên cứu mới như máy khuếch đại DNA, PCR-Analyzer, hệ thống điện di “Made in Vietnam” mang thương hiệu Phusa Biochem. Thời điểm này, sản phẩm này đang ở giai đoạn thử nghiệm, sau đó dựa trên đóng góp ý kiến của các đơn vị liên kết là các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, Công ty sẽ nâng cấp và cải tiến sản phẩm. Giá bán dự kiến cũng chỉ ở mức 20 triệu đồng/máy, trong khi giá máy nhập khẩu bán trên thị trường thế giới đang ở mức 5.000 USD (tương đương hơn 110 triệu đồng theo tỉ giá hiện hành).
Mới tham gia cung ứng Oligo trong 2 năm qua nhưng riêng thị trường xuất khẩu, doanh thu mỗi năm mang về cho Phusa hơn 1 triệu USD. “Với 1 triệu USD bán ra thị trường, tôi có thể đạt lợi nhuận khoảng hơn 700.000 USD. Do là kinh doanh chất xám nên đây là mức lợi nhuận mà bạn đáng được hưởng. Sắp tới, tôi vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào máy PCR tự sản xuất theo công nghệ vừa nghiên cứu được. Với công nghệ này, tôi cũng đã nhận thêm được 3 bằng sáng chế mới…”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, thị trường Oligo trên thế giới trị giá khoảng 2 tỉ USD mỗi năm, trong đó, có khoảng 50 công ty đang dẫn đầu và nhiều công ty nhỏ lẻ khác. Ông Nam cũng xác định trong khoảng 2 năm nữa, dựa trên lượng khách tiềm năng, Phusa Biochem sẽ phấn đấu có mặt trong tốp 50 doanh nghiệp về cung cấp Oligo.
Ngồi trong khuôn viên “điền trang” của Phusa Biochem, ông Nam thư thái nói về mong muốn đóng góp cho nền khoa học Việt Nam cũng như thực hiện ước mơ của mình. “Tôi cũng nghĩ rằng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt là những Việt kiều hồi hương, các khách hàng cũng cần có những cái nhìn thiện cảm và tin tưởng hơn về những sản phẩm khoa học mang thương hiệu Việt. Tôi muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này vì có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về nông nghiệp. Do đó, tôi đặt công ty tại đây, vừa thuận tiện đi lại cho nhân viên, vừa dễ kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu về nông nghiệp và cũng tiết kiệm được chi phí hơn”, ông Nam tâm sự.
Theo Nhịp cầu đầu tư