Đó là lời cảnh báo mới được các chuyên gia sinh học đưa ra trong hội nghị môi trường mới đây.
Bất chấp những nỗ lực cứu vãn của con người, tình hình thế giới tự nhiên trên Trái đất vẫn đang rất ảm đạm. Ước tính trong vòng 40 năm qua, số lượng loài trên hành tinh xanh của chúng ta đã giảm xuống gần một nửa.
Và rất tiếc, con số sẽ không dừng lại ở đây đâu. Mới đây, các chuyên gia đã tuyên bố rằng chỉ trong vòng 1 thế kỷ, ít nhất 50% số lượng loài trên Trái đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Đây là lời dự đoán của các nhà sinh vật học, nhà bảo tồn và các nhà kinh tế trong hội nghị môi trường được tổ chức tại Vatican. Hội nghị này được tổ chức nhằm mục đích kêu gọi hơn 1,2 tỉ con chiên Thiên Chúa trở nên tích cực hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Cụ thể trong hơn 3,7 tỉ năm có sự sống tồn tại, Trái đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng. Trong đó, sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi-kỷ Trias là nghiêm trọng nhất, khi tới 96% sự sống vào thời điểm đó đã bị hủy diệt.
Còn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ đại diệt chủng thứ 6. Nhưng trái với 5 sự kiện trước, xảy ra với nguyên nhân là khí hậu và địa chất, thì sự kiện lần này xuất phát từ con người.
Trên thực tế, các loài vật vẫn tuyệt chủng, dù có con người hay không, vì đó là quy luật đào thải của tự nhiên. Nhưng con người, chúng ta chặt cây, phá rừng, thải ra hàng tỉ tấn carbon vào bầu khí quyển, góp phần thu hẹp môi trường sống dưới đại dương… đã đẩy tốc độ tuyệt chủng lên gấp hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn lần so với tỉ lệ tự nhiên.
Sự tuyệt chủng lần này không giới hạn ở các loài động vật thông thường, mà còn cả thực vật và nấm nữa.
Vậy nên, con người cần sớm thay đổi và có giải pháp kịp thời, nếu không muốn các thế hệ sau phải thừa hưởng một tinh cầu chết.
Theo Trí Thức Trẻ