Thời gian gần đây, trên rất nhiều website, diễn đàn rộ lên câu chuyện ở lại hay về của các du học sinh. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp được rất nhiều ý kiến khác nhau tùy theo hoàn cảnh, quan điểm của mỗi người. Ở đây, mình muốn bàn đến một khía cạnh khác, đó là kinh nghiệm, kĩ năng cần có để có một chỗ đứng ở lại nước bạn. Như các bạn cũng biết, dù là ở Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ cũng chỉ cần những nguồn nhân lực có chất lượng, và nếu bạn không chuẩn bị tư thế để trau dồi kỹ năng cho mình từ khi còn mang mác sinh viên thì bạn cũng sẽ khó có cơ hội để lựa chọn là về hay ở lại. Dưới đây mình xin chia sẻ một bài viết của một bạn du học sinh sau 1 năm kiếm việc ở Hàn.
Hàn Quốc là một nước có nền kinh tế đứng thứ 13 thế giới theo GDP (2014), lương của đại học và thạc sĩ ra trường từ $20,000 – $35,000/năm. Mức sống trung bình sinh viên $300/tháng, ngưới đi làm $600/tháng, có thể chênh lệch theo thành thị và nông thôn.
Các bạn thân mến, hôm nay mình muốn gửi đến các bạn đang du học ở Hàn một vài kinh nghiệm mà mình đúc rút ra được sau gần một năm kiếm việc ở Hàn. Bài viết dựa trên kinh nghiệm của cá nhân và mình là dân kỹ thuật nên câu cú không được trôi chảy cho lắm mong bà con bỏ qua cho nhé. Mong bài viết này sẽ hỗ trợ phần nào các bạn trong công cuộc tìm kiếm một công việc phù hợp ở xứ sở kim chi này nhé.
Kiếm viêc – Nên bắt đầu từ khi nào?
Nếu câu trả lời của bạn là gần khi tốt nghiệp thì khả năng bạn phải về nước hoặc sống vật vờ một thời gian dài sau khi tốt nghiệp, vật lộn với việc nộp CV và chờ…chờ và chờ…là rất cao. Mình nói như thế vì thông thường từ khi nhận CV đến lúc được thông báo phỏng vấn, rồi thông báo đậu hay rớt là cả hàng tháng trời. Trừ những công ty lớn có lịch tuyển dụng đàng hoàng, những công ty vừa và nhỏ thì rất ít khi cho bạn một cái deadline về ngày thông báo kết quả phỏng vấn. Tin mình đi vì công ty mình đang làm cũng như vậy nên mình hiểu rất rõ cơ chế tuyển dụng của công ty vừa và nhỏ ở Hàn.
Vậy nên, điều thứ nhất bạn nên nhớ, đừng bao giờ chờ nước đến chân mới nhảy. Việc kiếm việc nên bắt đầu từ đầu kỳ cuối của bạn (chẳng hạn nếu bạn học thạc sỹ, bạn nên tìm việc vào đầu kỳ 4, nói chúng là càng sớm càng tốt). Các bạn Hàn có người từ kỳ cuối đã bắt đầu đi làm, mình là sinh viên nước ngoài, tuy mình không có cơ hội đi làm khi chưa có bằng tốt nghiệp nhưng các công ty đều bắt đầu nhận CV từ các đối tương: đã tốt nghiệp và sẽ tốt nghiệp nên cứ mạnh tay mà gửi CV các bạn nhé.
Cách viết CV (curriculum vitae)
CV bằng tiếng Hàn-Bạn cần có thời gian để làm một CV thật tốt và phản ánh đúng và đủ (không nên nổ quá)về năng lực của bản thân. Mình nghiệm ra một điều, các nhà tuyển dụng Hàn đánh giá cao những ứng viên tuy không giỏi tiếng Hàn lắm nhưng bỏ công sức để viết một CV tiếng Hàn. Ở Hàn có cái hay là người ta rất ưu ái những người cần cù và chịu khó, dù năng lực bạn có hạn nhưng nếu bạn show cho người ta thấy bạn cày dữ cỡ nào, người ta sẽ rất thích và ưu ái bạn.
Không nên viết quá dài- Ngày trước mình cứ nghĩ đơn giản là thành tích có bao nhiêu viết bấy nhiêu là ok, nhưng thực tế là các bác tuyển dụng rất ghét những CV dài (tốn time để review xem background của bạn có phù hợp với tiêu chuẩn tuyển dụng hay không). CV viết gọn trong một mặt giấy A4 là chuẩn nhất. Sếp mình có nói khả năng viết bản thân một cách đầy đủ và súc tích không hề dễ chút nào và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn để lựa chọn ứng viên đấy các bạn ạ.
Việc tìm người – Người tìm việc
Cv đã xong, vậy nộp đi đâu đây, làm sao biết chỗ nào cần tìm người? Câu trả lời là đừng đợi có tin tuyển dụng mới gửi CV, không vào hàng cọp sao được cọp bắt^-^. Vì trừ những sự kiện hội chợ việc làm do jobfair của Hàn tổ chức Korean Jobfair (dạo trước mỗi năm một lần vào tháng 10, từ năm trước bắt đầu được mở 2 lần một năm, một vào tháng 5, một vào tháng 10) các thông tin tuyển dụng của các công ty rất ít được biết đến nếu bạn không để ý tìm kiếm.
Có một điều phổ biến là các bạn du học sinh chỉ quan tâm đến thông tin tuyển dụng của các công ty top ở Hàn. Điều này là dễ hiểu vì công ty lớn thì môi trường làm việc và lương lậu sẽ ok nhưng các bạn nên lưu ý nếu chỉ chăm chăm nộp CV cho các công ty lớn thì khả năng bạn nhận mail với nội dung “Dear sir/madam, your cv is really outstanding/ you are a very potential candidate for our company…blah…blah… BUT/UNFORTUNATELY…..” là rất lớn…vì sao, vì không chỉ có bạn mà học sinh du học từ tất cả các nước đều nộp CV vào đấy, cả làng cùng tranh bảo sao không dễ rớt.
Vì thế, kinh nghiệm của mình là bên cạnh việc nghe ngóng tình hình tuyển dụng từ các cty bự, các bạn nên lập ra list trang web cũa những công ty vừa và nhỏ để nộp CV (đánh nhầm còn hơn bỏ sót, bạn đâu mất gì ngoài gửi thêm một cái CV nhưng tăng thêm cơ hội cho bản thân.
Ngoài ra, còn có một vài trang web các cty hay đưa tin tuyển dụng lên, đây là những trang bạn nên lưu tới thường xuyên. Như trường hợp của mình, sau khi đã đi làm một thời gian rồi vẫn có điện thoại kêu đi phỏng vấn, thậm chí kêu đi làm luôn. Các bạn cũng try xem sao nhé:
Một trang rất hay được các công ty vừa và nhỏ lui tới để tìm ứng viên.Vinahanin.com or Vinahanin.com-Job vào mục 구인 구직 nhé. Nhớ phải đăng ký ID để đăng tin quảng cáo cho CV của mình nhé. Nội dung có thế viết tương tự như các CV trong Vinahanin/Vinajob
Vietnamjob vào mục 구인 구직 nhé. Các làm cũng tương tự như trang web ở mục trên.
Ngoài ra còn có trang Kinsa.org cũng thi thoảng có tin tuyển dụng trên này.
Ngoài việc đăng CV của mình, các bạn còn biết hiện giờ công ty nào đang cần người. Thông thường, các công ty sẽ không yêu cầu bạn online registration ở trang web của công ty hay bắt điền vào một form CV tiêu chuẩn mà chỉ cần gửi CV bạn đã có sẵn đến địa chỉ email của HR manager của công ty nên rất tiện.
Kiếm việc là một bước ngoặc quan trọng và tìm được việc cũng là một bước ngoặc rất khó quên trong sự nghiệp của mỗi người. Hy vọng ai trong chúng ta cũng đều tìm được một vị trí phù hợp để cống hiến và thành công. Fighting everyone!