Virus là loài lây nhiễm, nhỏ xíu và bẩn thỉu. Nhưng chúng có phải là những sinh vật sống?
Theo Live Science, virus không thực sự sống, tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào định nghĩa của bạn về “sống” là như thế nào.
Các sinh vật sống, như thực vật và động vật, đều chứa một bộ máy bên trong cho phép chúng tự sinh sản. Ngược lại, virus không hề có các dạng DNA hay RNA, không thể tự sao chép, tự sinh sôi.
Theo Wikipedia, axít ribonucleic (viết tắt ARN hay RNA) là một trong hai loại axít nucleic, là cơ sở di truyền ở cấp độ phân tử. Một số loài không có ADN (như một số loại virút), thì ARN đóng vai trò là vật chất di truyền.
Thay vào đó, virus cần phải xâm nhập một cơ thể sống mới có thể nhân rộng, tiến sĩ Otto Yang, một giáo sư về y học và vi sinh, miễn dịch học và di truyền học phân tử tại Trường Y khoa David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles, cho biết. “Virus tự nhân bản bằng cách tấn công vào bộ máy của các tế bào“.
Vô số các triết gia và các nhà khoa học đã tranh luận về cách xác định thế nào là “còn sống”. Theo 7 đặc điểm của cuộc sống, tất cả các sinh vật sống phải có khả năng phản ứng với các kích thích; phải phát triển theo thời gian; biết sinh sản; duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định; có sự chuyển hóa năng lượng; bao gồm một hoặc nhiều tế bào; và thích ứng với môi trường của chúng.
Tuy nhiên, một số hình thức sống không theo đúng mọi đặc điểm trên. Hầu hết các loài động vật lai, chẳng hạn như con la (lai giữa lừa và ngựa), không thể sinh sản, bởi vì chúng là loài vô tính. Hơn nữa, các loại đá có thể phát triển, dù theo cách thụ động, khi có chất liệu mới chảy qua chúng. Tuy nhiên, rắc rối trong việc định nghĩa về “sống” đã được giải quyết khi có một định nghĩa mới đơn giản hơn.
“Để một con mèo, một cái cây và một tảng đá trong phòng trong vài ngày“, Amesh Adalja, một bác sĩ chữa bệnh truyền nhiễm và là một học giả của Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins ở Baltimore cho biết. “Sau đó quay trở lại, con mèo và cái cây sẽ có sự thay đổi, nhưng tảng đá về cơ bản vẫn thế,” ông nói.
Cũng giống như tảng đá, hầu hết virus vẫn bình thường nếu chúng bị bỏ vào một căn phòng, Adalja nói. Ngoài ra, ông lưu ý rằng các sinh vật sống có khả năng tự sinh đẻ và tự chống đỡ – nghĩa là chúng có thể tìm ra cách tự bảo vệ bản thân. Nói cách khác, “chúng sẽ hành động để tiếp tục sự sống của chúng, như là cây sẽ mọc thêm rễ để tìm nước hoặc một con vật biết đi tìm kiếm thức ăn“, Adalja nói.
Còn những thứ không sống, như virus, không tự sinh sản, không có các hành động tự kiếm sống, ông nói.
“Tôi không nghĩ virus được xếp vào hàng sinh vật sống. Chúng sẽ vẫn ù lì như thế trừ khi được tiếp xúc với một tế bào sống“, Adalja nói. “Có một số đặc điểm của virus khiến chúng được đặt trên ranh giới của “sinh vật sống” và “sinh vật không sống“. Đó là chúng có vật liệu di truyền: DNA hoặc RNA. Chúng không hẳn giống như một tảng đá, nhưng chúng cũng không hẳn là vi khuẩn, về mặt tự sinh sản và tự kiếm sống“.
Tiến sĩ Otto Yang đồng ý, ông nói rằng “không có tế bào, virus không thể sinh sản. Và từ quan điểm đó, virus không thực sự sống, nếu bạn xem sự sống là một cái gì đó có thể tự sinh sản độc lập“.
Tuy nhiên, “nếu bạn nới lỏng một chút định nghĩa về sự sống, là một cái gì đó có thể tự nhân bản nhờ sự giúp đỡ bên ngoài, bạn có thể nói virus là sinh vật sống“, Yang nói.
Nhiều người nghĩ rằng một số các hình thức sự sống đầu tiên trên Trái đất là phân tử RNA, “phân tử RNA, dưới các điều kiện thích hợp, có thể tự nhân bản chính mình“, Yang nói. “Virus có thể đã tiến hóa từ tổ tiên đó, nhưng đã mất khả năng tự nhân bản“.
Hoàng Lan
Theo VNReview