Đây là nghiên cứu đầu tiên thiết lập thành công qui trình đông lạnh mô buồng trứng trên mô hình bò tại Việt Nam. Các qui trình thiết lập này sẽ được cải tiến để ứng dụng điều trị trên người trong tương lai.
Tác giả của nghiên cứu này là Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Thu Lan, Hồ Mạnh Tường, đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Sinh (IVFAS), Nguyễn Minh Tài Lộc, Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản (CGRH), khoa y, ĐHQG-HCM, Nguyễn Nhật Quang, Huỳnh Chí Thiện, Trường đại học khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM
Trả lại cơ hội làm mẹ cho những người không may
Bảo tồn khả năng sinh sản là mục tiêu quan trọng trong ứng dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản (HTSS) trên động vật và đặc biệt là trên người. Với mục tiêu này, các phương pháp trữ lạnh khác nhau được thực hiện trên nhiều đối tượng như giao tử (tinh trùng/noãn), phôi và mô (tinh hoàn/buồng trứng). Trong những năm gần đây, trữ lạnh mô buồng trứng (MBT) người đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm nhằm bảo tồn khả năng sinh sản ở những bé gái trước tuổi dậy thì hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng.
Tại Việt Nam, một khảo sát tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh lý ác tính về buồng trứng ngày càng gia tăng, riêng năm 2013 có 22.000 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng và 1/8 trong số bệnh nhân này ở độ tuổi dưới 45. Đồng thời, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh lý lành tính ở buồng trứng cũng ngày càng tăng. Trên thực tế, quá trình điều trị các bệnh liên quan đến buồng trứng có thể dẫn đến chỉ định cắt bán phần hoặc toàn bộ buồng trứng. Đồng thời, quá trình xạ trị, hóa trị ở phụ nữ mắc các bệnh ung thư khác cũng gây ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng về sau nếu buồng trứng vẫn được bảo tồn trong cơ thể.
Như vậy, bảo quản lạnh MBT là giải pháp duy nhất “trả lại” cơ hội làm mẹ cho những đối tượng bệnh nhân trong tương lai, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sau điều trị. Bên cạnh đó, kỹ thuật HTSS tại Việt Nam, đặc biệt là kỹ thuật bảo quản lạnh, đã được thực hiện từ năm 1998 và hiệu quả ứng dụng có thể ngang tầm với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, kỹ thuật trữ lạnh MBT người hiện vẫn chưa được triển khai tại các trung tâm HTSS trong nước.
Trước nhu cầu đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm thiết lập qui trình trữ lạnh MBT trên mô hình bò nhằm tiến đến ứng dụng trên người. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam, gắn kết việc nghiên cứu cơ bản với ứng dụng trong điều trị lâm sàng tại bệnh viện có chương trình HTSS.
Thêm một bước tiến của khoa học Việt Nam
Trữ lạnh mô buồng trứng là một giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ trước khi điều trị bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản về sau. Toàn bộ hoặc một phần buồng trứng có thể được bảo quản lạnh để sử dụng trong tương lai. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm thiết lập qui trình trữ lạnh mô buồng trứng trên mô hình bò để ứng dụng trên người.
Kỹ thuật trữ lạnh MBT cùng với cấy ghép mô sau trữ lạnh – rã đông nhằm phục hồi khả năng sinh sản đã được báo cáo trên chuột cách đây hơn 50 năm. Trải qua hơn 30 năm sau đó, kỹ thuật này tiếp tục được thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật. Trong đó, thử nghiệm thành công cấy ghép MBT sau trữ lạnh bằng phương pháp hạ nhiệt độ chậm giúp hồi phục chức năng buồng trứng và khả năng mang thai, sinh con trên cừu. Sau đó, trường hợp sinh con đầu tiên sau khi cấy ghép MBT trữ lạnh cũng được báo cáo trên tinh tinh vào năm 2004. Đến năm 1996, trữ lạnh MBT đầu tiên được thực hiện thành công trên người. Ca đầu tiên cấy ghép thành công MBT trữ lạnh trên người được báo vào năm 2000. Từ năm 2004, một số trung tâm trên thế giới đã lần lượt công bố những trường hợp em bé được sinh ra sau khi người mẹ hồi phục sau điều trị ung thư và cấy ghép thành công MBT đã qua trữ lạnh – rã đông. Cho đến nay, có ít nhất 24 trường hợp sinh con sau cấy ghép MBT trữ lạnh ở người trên thế giới.
Nghiên cứu này đã xây dựng thành công mô hình trữ lạnh MBT bò và cho kết quả nang noãn sống sót sau quá trình đông lạnh – rã đông ở mức chấp nhận trong điều kiện Việt Nam. Trong đó, qui trình trữ lạnh chậm MBT sử dụng máy hạ nhiệt độ theo chương trình cho tỉ lệ nang noãn sống sót cao hơn so với qui trình thủy tinh hóa. Thử nghiệm thành công giấy nhôm tự chế trong qui trình thủy tinh hóa MBT bò mở ra tiềm năng ứng dụng của vật liệu với giá thành thấp thay thế sản phẩm thương mại. Nghiên cứu sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm cải thiện hiệu quả qui trình trữ lạnh MBT trước khi tiến đến ứng dụng trên người.
Theo KHPT