Thuốc trừ sâu vi sinh

Hoàng Đức Minh

Senior Member
Staff member
Đằng nào thứ 7 tuần sau cũng thi, thì vừa học vừa giới thiệu cho mọi người đọc chơi:

1. Định nghĩa: Thuốc trừ sâu vi sinh là những chế phẩm sinh học được sản xuất ra từ các chủng vi sinh vật được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng khác nhau theo phương pháp thủ công, bán thủ công hoặc phương pháp lên men công nghiệp để tạo ra những chết phẩm có chất lượng cao có khả năng phòng trừ được các loại sâu hại cây trồng nông, lâm nghiệp.

2. Ưu điểm của thuốc trừ sâu vi sinh:
- Không độc hại cho người và gia súc, ko nhiễm bẩn môi trường sống, ko ô nhiễm môi trường.
- Chưa tạo nên tính kháng thuốc của sâu hại
- Không ảnh hưởng đến chất lượng, phẩm chất nông sản, không ảnh hưởng đến đất trồng, không khí trong môi trường (do không để lại dư lượng)
- Không làm mất đi những nguồn tài nguyên sinh vật có ích như các loại ký sinh thiên dịch và những vi sinh vật có lợi với con người
- Nếu sử dụng hợp lý, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Hiệu quả thuốc vi sinh thường kéo dài vì chún ko chỉ tiêu diệt trực tiếp lứa sâu đang phá hoại mà chúng còn có thể lan truyền cho thế hệ tiếp theo.

3. Nhược điểm của thuốc trừ sâu vi sinh:
- Tác động của thuốc trừ sâu vi sinh chậm nên hiệu quả chậm bởi vì thuốc trừ sâu vi sinh thường có quá trình gây bệnh và nhiễm bệnh khi vào cơ thể sâu thì thời gian ủ bệnh phải mất 1-3 ngày.
- Hiệu quả của thuốc ban đầu không cao
- Phổ tác dụng của thuốc hẹp
- Một vài loại thuốc trừ sâu vi sinh bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nếu như phun không đúng kỹ thuật, phun trong điều kiện không thích hợp sẽ khó đạt hiệu quả
- Thuốc vi sinh có công nghệ sản xuất phức tạp thủ công nên giá thành cao nên giá thành cao ở Việt Nam (giá của thế giới thì ko biết :D)



Các bài sau sẽ lần lượt giới thiệu về công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu:
- Bt : dựa trên độc tố Bt có nguồn gốc từ Bacillus thuringiensis
- Sản xuất thuốc trừ sâu từ virus
- Sản xuất thuốc trừ sâu từ vi nấm

Trong định nghĩa trên thì thấy hơi buồn vì đến bây giờ nước mình còn phải sản xuất thủ công, bán thủ công chứ ko trên quy mô công nghiệp được, cô giáo bảo là về thuốc trừ sâu thì nước mình đi sau thế giới 01 thế kỷ.
 
ngứa miệng hỏi em một chút:

Thuốc trừ sâu sinh học có bản chất hóa học là những chất gì và tác dụng lên cơ thể con sâu thế nào mà:

- Không độc hại cho người và gia súc, ko nhiễm bẩn môi trường sống, ko ô nhiễm môi trường.
- Chưa tạo nên tính kháng thuốc của sâu hại
- Không ảnh hưởng đến chất lượng, phẩm chất nông sản, không ảnh hưởng đến đất trồng, không khí trong môi trường (do không để lại dư lượng)
- Không làm mất đi những nguồn tài nguyên sinh vật có ích như các loại ký sinh thiên dịch và những vi sinh vật có lợi với con người
- Nếu sử dụng hợp lý, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Hiệu quả thuốc vi sinh thường kéo dài vì chún ko chỉ tiêu diệt trực tiếp lứa sâu đang phá hoại mà chúng còn có thể lan truyền cho thế hệ tiếp theo
 
Trong định nghĩa em viết nhầm "chế phẩm" chứ ko phải "chết phẩm", do là bài đầu của topic nên ko edit được

Bản chất hoá học của thuốc trừ sâu vi sinh, em chỉ học THUỐC TRỪ SÂU VI SINH thôi ko học thuốc trừ sâu sinh học đâu nhé mặc dù bản chất của nó ko khác nhau là mấy: Đó là dựa vào các chất mà sinh vật sản sinh có tác dụng diệt sâu. Các chất mà sinh vật sản sinh ra thì ko hề ảnh hưởng đến môi trường, và tất nhiên người ta phải chọn lọc các chất để ko ảnh hưởng đến người và động vật, thực vật và có thể các sinh vật khác.

Tác dụng và bản chất của nó ra sao thì tuỳ vào loại thuốc trừ sâu vi sinh, em sẽ viết rõ cả bản chất (thường là Protein độc có tác dụng chọn lọc với một hoặc vài loại sâu nào đó) trong các bài sau, mai sẽ gửi lên. Ví dụ Bt thì dựa vào tinh thể độc kết tinh trong bào tử của vk Bacillus thuringiensis, sâu ăn phải toàn bộ hệ tiêu hoá bị phá huỷ - > chuyển qua một số màu đến màu đen thì chết.
 
Thuốc trừ sâu Bt:
Hầu hết là các chủng Bt có một hoặc nhiều gen tiền độc tố. Cơ sở gây bệnh cho côn trùng chính là các gen Cry khác nhau. Gen Cry được chia thành 4 lớp chính: Cry I, II, III, IV.
- Gen Cry I: Thường tổng hợp các Protein hình thoi gây bệnh cho côn trùng bộ cánh vẩy
- Gen Cry II: Tạo tinh thể dạng hình tháp gây bệnh cho côn trùng bộ cánh vẩy và côn trùng bộ 2 cánh. Ví dụ như gen Cry IIA gây bệnh cho loài Lymantria dispa , Cry IIB Helicoverpa armigera
- Gen Cry III: Tổng hợp tinh thể dạng hình thoi, gây bệnh cho côn trùng bộ cánh cứng Coleoptera.
- Gen Cry IV: Tổng hợp cả tinh thể dạng hình thoi và hình tháp, chỉ gây bệnh cho côn trùng bộ 2 cánh Diptera

Trong hơn 100 chủng Bt đã phát hiện ra và nhiều nước trên thế giới đã chọn các chủng phù hợp để sử dụng vào sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh Bt dạng thương mại. Mỗi chủng Bt có ký hiệu Protein độc tố riêng căn cứ vào các Protein đó, các nhà khoa học nhận biết được chủng Bt có khả năng diệt được sâu gì ở họ và bộ nào, trên cây trồng gì, ở đâu.

1) Các đặc điểm của Bt:

Bt là trực khuẩn sinh bào tử hiếu khí không bắt buộc, nhuộm gram dương, kích thước 3-6 µm, có phủ tiêm mao không dày, tế bào đứng riêng rẽ và xếp thành từng chuỗi. Tế bào chứa tinh thể độc có khả năng diệt sâu.

Bt phát triển trong điều kiện nhiệt độ 15-45 o C nhưng thích hợp nhất 29-30 oC

Bt có bào tử dạng hình ovan, hình trứng dài 1,2 – 1,6 µm, có thể nảy mầm tế bào sinh dưỡng khi gặp điều kiện thuận lợi

2) Độc tố của Bt: Chính là tinh thể độc

* Đặc điểm các loại tinh thể độc:
- Tinh thể độc của Bt có dạng hình thoi, hình quả trám, tháp mang bản chất Protein và có độc tính cao với rất nhiều loại côn trùng kích thước 1*0,5 µm chiếm 30% trọng lượng khô của tế bào. Khi nhuộm xanh metylen hoặc fusin đỏ thì độc tố bắt màu dưới kính hiển vi đối pha tinh thể độc. Tinh thể độc rất bền vững ở nhiệt độ cao, có trọng lượng phân tử là 5000 đơn vị và không phải bào tử nào cũng có tinh thể độc. Trong quá trình bảo quản nếu để lâu Bt sẽ mất hoạt tính lý do là tinh thể độc bị biến dạng hoặc phân huỷ. Chất focmandehit 20% và tia tử ngoại sẽ làm mất hoạt tính của tinh thể độc vì vậy phải chú ý để tránh những chất nói trên trong quá trình sản xuất.

- Có 4 loại tinh thể độc:
+ Ngoại độc tố: α exotoxin hay phospholipase
+ Ngoại độc tố: β exotoxin hay ngoại độc tố bền nhiệt
+ Ngoại độc tố: γ exotoxin độc tố tan trong nước
+ Nội độc tố: δ endotoxin (đây chính là tinh thể độc) nó chiếm chủ yếu trong 4 loại độc tố trên 90% và có khả năng diệt sâu cao nhất.

3) Bản chất của tinh thể độc: Có khả năng diệt các loại sâu hại cây trồng. Chủ yếu sâu non bộ cánh vẩy, mọt hại kho tàng thuộc bộ cánh cứng, các loại muỗi, cung quăng, bộ 2 cánh.

- Triệu chứng nhiễm Bt của sâu hại: Sâu bị nhiễm Bt lúc đầu bị tê liệt toàn thân sau đó sâu có hiện tượng ngừng ăn thể hiện: di chuyển chậm chạp, cuối cùng không hoạt động; cơ thể biến màu: vàng, nâu, sâu chết có màu đen, toàn thân khô cứng.

- Cơ chế tác động của tinh thể độc lên côn trùng: Bằng con đường tiêu hoá sâu ăn thức ăn có lẫn Bt chỉ sau khoảng thời gian 1-6 h sâu non bị tê liệt toàn thân. Nguyên nhân tinh thể độc xâm nhập vào cơ thể sâu hại và chúng đã phá huỷ toàn bộ tế bào trong máu và dịch ruột của sâu. Sau 2-3 ngày sâu bị chết có màu đen, toàn thân khô cứng.

Quá trình từ khi nhiễm Bt cho đến chết thì sâu non phải có thời gian ủ bệnh, những sâu tuổi nhỏ thời gian tiềm ẩn 1-2 ngày, sâu tuổi lớn thời gian ủ bệnh kéo dài 4-5 ngày, tuỳ từng độ tuổi sâu mà khả năng chết cũng khác nhau. Tuổi nhỏ dễ chết, tuổi lớn chậm hơn

4) Quy trình sản xuất Bt:
Chủng Bt thuần – nhân giống cấp 1 – nhân giống cấp 2 – Kích thích lên men (48-72h, pH: 7, nhiệt độ 30 oC ) - Lọc và ly tâm – Thu sinh khối – Hoàn thiện sản phẩm



Hiện tại nước ta chưa có chủng Bt cho sản lượng cao và nhiều nguyên nhân khác nên chưa thể sản xuất Bt trên quy mô lớn được.

Nguyễn Xuân Hưng said:
Trích dẫn:
Chưa tạo nên tính kháng thuốc của sâu hại



Có tạo tính kháng thuốc rồi đấy. Không tin xuống hỏi chú Bính dưới viện CNSH.

Sâu nào tạo nên tính kháng thuốc, kháng với loại thuốc trừ sâu vi sinh nào, mức độ là bao nhiêu? Mong anh cho biết cụ thể.

Bài này cô Thuỳ dạy bọn em cách đây 1 tháng, không biết là bây giờ có gì thay đổi không? Em nghĩ đây là đặc điểm của nó rồi thì phải ổn định trong một thời gian dài. Chưa tạo nên tính kháng thuốc cơ mà, chứ có phải là không đâu.
 
Sâu nào tạo nên tính kháng thuốc, kháng với loại thuốc trừ sâu vi sinh nào, mức độ là bao nhiêu? Mong anh cho biết cụ thể.

Bài này cô Thuỳ dạy bọn em cách đây 1 tháng, không biết là bây giờ có gì thay đổi không? Em nghĩ đây là đặc điểm của nó rồi thì phải ổn định trong một thời gian dài. Chưa tạo nên tính kháng thuốc cơ mà, chứ có phải là không đâu.

Việc sâu hại có khả năng kháng thuốc trừ sâu sinh học đã được biết đến từ lâu.

- Năm 1994 đã chỉ ra bằng chứng kháng Bt của một loại bướm (Plutella xylostella)
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/entrez/...d&dopt=Abstract&list_uids=8183881&query_hl=14

- Năm 2000: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/entrez/...d&dopt=Abstract&list_uids=10916293&query_hl=6

- Năm 2001: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/entrez/...&dopt=Abstract&list_uids=11133481&query_hl=18

- Năm 2004 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/entrez/...&dopt=Abstract&list_uids=15185947&query_hl=18

- Năm 2005: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/entrez/...&dopt=Abstract&list_uids=15766932&query_hl=18

Tôi giúp bạn tìm luôn một số tài liệu theo các link ở trên, dựa trên đó bạn có thể tìm thêm nếu muốn. Đây là một vấn đề rất thú vị. Nếu bạn có hứng viết lách về vấn đề này thì hô lên một tiếng. Tôi sẽ gửi tài liệu. Bạn viết, bác THD và mọi người sẽ chỉnh sửa.
 
Bản chất hoá học của thuốc trừ sâu vi sinh, em chỉ học THUỐC TRỪ SÂU VI SINH thôi ko học thuốc trừ sâu sinh học đâu nhé mặc dù bản chất của nó ko khác nhau là mấy: Đó là dựa vào các chất mà sinh vật sản sinh có tác dụng diệt sâu. Các chất mà sinh vật sản sinh ra thì ko hề ảnh hưởng đến môi trường, và tất nhiên người ta phải chọn lọc các chất để ko ảnh hưởng đến người và động vật, thực vật và có thể các sinh vật khác.

Bạn có thể nói rõ hơn chút cái "không khác nhau là mấy" ở đây như thế nào không?

2. Ưu điểm của thuốc trừ sâu vi sinh:
- Không độc hại cho người và gia súc, ko nhiễm bẩn môi trường sống, ko ô nhiễm môi trường.
- Chưa tạo nên tính kháng thuốc của sâu hại
- Không ảnh hưởng đến chất lượng, phẩm chất nông sản, không ảnh hưởng đến đất trồng, không khí trong môi trường (do không để lại dư lượng)
- Không làm mất đi những nguồn tài nguyên sinh vật có ích như các loại ký sinh thiên dịch và những vi sinh vật có lợi với con người
- Nếu sử dụng hợp lý, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Hiệu quả thuốc vi sinh thường kéo dài vì chún ko chỉ tiêu diệt trực tiếp lứa sâu đang phá hoại mà chúng còn có thể lan truyền cho thế hệ tiếp theo.

3. Nhược điểm của thuốc trừ sâu vi sinh:
- Tác động của thuốc trừ sâu vi sinh chậm nên hiệu quả chậm bởi vì thuốc trừ sâu vi sinh thường có quá trình gây bệnh và nhiễm bệnh khi vào cơ thể sâu thì thời gian ủ bệnh phải mất 1-3 ngày.
- Hiệu quả của thuốc ban đầu không cao
- Phổ tác dụng của thuốc hẹp
- Một vài loại thuốc trừ sâu vi sinh bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nếu như phun không đúng kỹ thuật, phun trong điều kiện không thích hợp sẽ khó đạt hiệu quả

Bạn có thể giải thích nguyên nhân của từng ưu, nhược điểm trên không? Dựa vào bản chất cũng như nguyên lý tác động của Bt ý.

Dòng in đậm giả sử là đúng thì bạn cũng thử giải thích nguyên nhân xem sao.
 
I) Một số nhóm Virus chính có khả năng gây bệnh côn trùng:

1) Nhóm Baculovirus: Nhóm này thuộc họ Baculoviridae. Virus thuộc nhóm này có dạng hình que, hình gậy, kích thước 40-70 nm * 250-400 nm. Virus có một Protein nằm trong lõi DNA được bao bọc bởi 1 lớp vỏ lipoprotein trong đó có các virion. Các virion này được bao quanh bởi 1 tinh thể Protein lưới mắt cáo các nhà khoa học gọi là thể vùi polyhedrosis Inclustion Body (PIB)

Nhóm Baculovirus bao gồm 4 loại như sau:
- Virus đa diện nhân: Nuclear Polyhedrosis Virus (NPV) đây là virus đa diện nhân có hình đa giác bên trong chứa nhiều hạt Virion hay gọi là các thể vùi PIB, loại virus này có thể lây bệnh rất mạnh với nhiều loại côn trùng thuộc bộ cánh vảy Lepidoptera tập trung ở 2 họ chủ yếu ngài đêm Noctindae, ngài sáng Pyralidae.
- Virus hạt: Granulosis Virus (GV). Đây là virus dạng hạt có hình ovan, hình elip, loại virus này chỉ xâm nhập chủ yếu vào tế bào hạ bì của mô mỡ và huyết tương, có khả năng diệt sâu cao.
- Virus có thể Protein khác nhau bên trong có chứa các virion cũng khác nhau có khả năng diệt sâu hại nhưng tỉ lệ thấp hơn VRV và GV
- Virus không tạo thể vùi: Có khả năng diệt sâu nhưng tỉ lệ rất thấp

2) Nhóm virus tế bào chất Cytoplasmid Polyhedrosis Virus (CPV): thuộc họ rioviridae.

Đây là nhóm virus đa diện tế bào chất, chúng tạo ra thể Protein đa diện có chứa các virion hình cầu đường kính khoảng 50-60 nm, nhóm virus này thường xâm nhập chủ yếu trong tế bào chất của biểu bì ruột nên khả năng diệt sâu cao.

3) Nhóm Entomopox virus (EV): Nhóm này thuộc họ Poxviridae nhóm virus này có thể Protein, bên trong có chứa virion hình bầu dục chúng xâm nhiễm vào mô mỡ của côn trùng nên khả năng diệt sâu không cao.

4) Nhóm Irido Virus (IV): thuộc họ Iridoviridae, đây là nhóm virus trần, chúng không tạo ra các thể Protein và các virion có hình cầu và nhóm virus này thường xuyên xâm nhập vào trong cácc mô và tế bào chất. Vì vậy khả năng diệt sâu trung bình.

5) Nhóm Denso virus (DV): thuộc họ Parvoviridae, nhóm virus này có kích thước rất nhỏ, đường kính 20-22 nm xâm nhập vào tế bào biểu bì nên khả năng diệt sâu không cao.

6) Nhóm RNA: không tạo ra các thể Protein chúng thường xuyên xâm nhiễm trong mô biểu bì của tế bào ruột nên khả năng diệt sâu cao. Kích thước của nhóm này <= 35 nm.

7) Nhóm sigma virus thuộc họ Rhabdoviridae kích thước 140*1180*7 nm, hình hộp, hình lăng trụ. Những virus của nhóm này có tác nhân lây nhiễm theo kiểu di truyền có khả năng lây bệnh cho thế hệ sau.

Trong 7 nhóm thì Baculovirus và CPV là 2 nhóm có khả năng diệt sâu rất cao. Vì vậy nhiều nước trên thế giới đã tập trung nghiên cứu để sản xuất ra thuốc trừ sâu virus. Một đặc điểm quan trọng của virus là tác nhân gây bệnh mang tính chuyên tính có phổ kí chủ riêng ví dụ virus sâu xanh chỉ có thể lây bệnh cho sâu xanh, virus sâu tơ chỉ lây bệnh cho sâu tơ, do đó tên virus gắn liền với tên kí chủ.

II) Triệu chứng gây bệnh của virus lên côn trùng:

1) Triệu chứng gây bệnh: Khi bị bệnh virus sâu non thường hoạt động yếu giảm ăn, cơ thể bị biến màu. Sau 2-3 ngày các đốt chân và thân căng phồng mọng nước cơ thể có màu trắng đục, da sâu mỏng dần và dễ bị vỡ sau 3-5 ngày thì dịch trắng chảy ra. Ở ngoài ruộng sâu bị chết nhũn và treo ngược lên cành cây, đầu chúc xuống dưới, người ta thường gọi sâu chết do virus là sâu bị bệnh thối nhũn.
Sâu chết do virus có mùi hôi chính là vi khuẩn xâm nhập vì vậy cần phải lưu ý là không để virus xâm nhập vào.

2) Cơ chế gây bệnh: Khi sâu non ăn thức ăn vào ruột có chứa virus lẫn trong thức ăn cũng như vi khuẩn Bt bằng con đường tiêu hoá virus xâm nhiễm vào cơ thể côn trùng đã thực hiện một quá trình phá huỷ toàn bộ chức năng trong dịch ruột của sâu. Cơ chế gây bệnh được mô tả như sau:
Khi đi vào ruột của côn trùng các thể vùi của PIB của virus sẽ giải phóng ra virion, dưới tác dụng của dịch tiêu hoá qua biểu bì mô ruột giữa các virion xâm nhập vào dịch huyết tương, chúng tiếp xúc với các tế bào máu và xâm nhập vào bên trong cơ thể để thực hiện 1 chu trình gây bệnh lên côn trùng, quá trình này trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn tiềm ẩn thường kéo dài từ 6-12 h, đây là giai đoạn các thể vùi PIB xâm nhập vào trong tế bào, các virion được phóng thích ra, chúng tự đính vào các vị trí thích hợp trên màng nhân của tế bào thành ruột côn trùng.
Giai đoạn tăng trưởng: Kéo dài 12-48 h, đây là giai đoạn tăng nhanh của virion mới bên trong dịch ruột của sâu, những sâu tuổi nhỏ chỉ sau 32 h trong cơ thể đã chứa đầy virion trần
Giai đoạn cuối: Đây là giai đoạn tạo thành các thể vùi, nghĩa là các virion được bao bọc bởi các Protein là giai đoạn cuối sâu chết: Thời kỳ ủ bệnh của sâu thường kéo dài từ 3-7 ngày phụ thuộc vào tuổi sâu, điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, lượng thức ăn

3) Độc tố của virus côn trùng: là các thể vùi tuỳ từng loại sâu mà các thể vùi có khác nhau, cụ thể là với sâu có virus đa diện nhân (NPV) thì các thể vùi là PIB. Những loại sâu GV thì thể vùi của nó là OB (Oclusion Body)

4) Nguyên nhân gây bệnh: là do các thể vùi PIB, OB gây ra.
Biết được độc tố và nguyên nhân gây bệnh của virus côn trùng trong quá trình sản xuất các nhà khoa học phải chú ý để nâng cao việc sản xuất virus mà tạo ra nhiều thể vùi PIB và OB nhất trên 1 đơn vị (g hoặc ml) để có hiệu quả diệt sâu cao.

III) Phương pháp nuôi sâu bằng thức ăn nhân tạo:

+ Bước 1: Ghép cặp bướm mới vũ hoá ra 1-2 ngày khoảng 15 – 20 con đực + 15-20 con cái trong 1 lồng, tuỳ theo lồng mà có thể cho nhiều hơn, trong lồng phải có cây để làm nơi cho bướm đậu. Phải đảm bảo điều kiện như ở ngoài tự nhiên và nuôi thức ăn cho bướm là dung dịch đường 3% (đường ăn: sacaroza). Sau khi giao phối 1-2 ngày thì mới thu trứng, thu trứng để riêng từng ngày và thu trong 35 ngày rồi loại

+ Bước 2: Để riêng trứng từng ngày vào trong điều kiện (tủ định ôn) rồi theo dõi để trứng nở ra sâu.
Nuôi sâu non mới nở bằng thức ăn nhân tạo ngay từ đầu, riêng sâu xanh bông ở tuổi nhỏ 1-2 thì nuôi tập thể, tuổi 3 phải tách ra để tránh cắn lẫn nhau, khi sâu tuổi 4 có thể nhiễm virus hoặc nuôi tiếp thành nhộng. Quá trình nuôi sâu non phải chú ý nhất khâu vệ sinh phải đảm bảo thức ăn tươi mới trong điều kiện thích hợp, chú ý thu từng đợt, người ta lại tiếp tục chu trình mới như bước 1, trung bình vòng đời cảu sâu trong 30-35 ngày. Tuỳ điều kiện trong quá trình nuôi phải cải tiến phương pháp để tránh tạp nhiễm nhằm đạt hiệu suất cao - > làm cho sâu không có hiện tượng còi cọc

2) Cơ chế lây nhiễm: Virus để tạo ra thuốc trừ sâu virus, như phần trên virus có tính chuyên tính nên muốn sản xuất thu được virus nào thì cần ký chủ đó.

a) Lây nhiễm NPV Ha sâu xanh: Pha dịch virus 1 lượng nhất định sau đó trộn vào thức ăn nhân tạo có hoặc không có aga rồi thả sâu (tuổi 4) vào nuôi trong vài ngày và theo dõi thấy sâu chết thì thu lại. Thu hàng ngày, để riêng.

b) Thu sâu chết bệnh: Thu vào lọ tối.

c) Nghiền và ly tâm: Sau khi đưa lọ virus đã được ủ bệnh ra dùng nước cất để nghiền lọc bỏ bã. Thu dịch virus NPV Ha đưa vào máy ly tâm ở tốc độ thấp 500-1000 vòng phút, ly tâm trong 5 phút thu phần dịch ở phía trên. Sau đó lại tiếp tục ly tâm ở tốc độ cao 5000 vòng phút trong 15-20 phút. Người ta chỉ thu phần dưới.

d) Hỗn hợp và tạo thuốc trừ sâu virus:
- Dịch thể: Trước khi tạo thuốc trừ sâu phải kiểm tra và đếm số lượng thể vùi. Thêm chất phụ gia, bám dính, chống thối, chống tia tử ngoại. Đóng chai màu tối để bảo quản và sử dụng. Chất bám dính: Cazein
- Dạng bột: Đem sấy phun, đông khô, phối chế để tạo ra thuốc dạng bột đòi hỏi điều kiện hàm ẩm trong chế phẩm 7-10 %
Thuốc dạng bột bảo quản lâu hơn so với dạng lỏng. Thuốc trừ sâu virus hiệu quả hơn Bt

* Quy trình sản xuất thuốc trừ sâu virus sâu xanh Ha:
Nuôi sâu ký chủ - Thu sâu giống - Trữ nhộng – Ghép cặp bướm – Thu trứng – Nuôi tập thể (Tuổi 1 - tuổi 2) – Nuôi cá thể (Tuổi 3 - tuổi 4) – Lây nhiễm NPV Ha – Thu sâu chết do NPV - Nghiền lọc sâu bệnh ?- Ly tâm để thu dịch Virus ( Kiểm tra chất lượng Virus tb/ml) - Hỗn hợp tạo thuốc virus (thử sinh học lại trên sâu) – Hoàn thiện sản phẩm

* Tính ổn định của Thuốc trừ sâu virus: được thông qua một số chỉ tiêu
- Chất lượng dịch virus đạt 10 7 – 10 8 PIB/ml, chất lượng virus bột đạt 10 9 PIB/g
- Hàm lượng chất khô: 7 – 10 %. Hiệu quả diệt sâu: 70-90 % sau 7-10 ngày thử nghiệm.
- Thời gian bảo quản dịch virus : 6-12 tháng, thời gian bảo quản của thuốc virus dạng bột là 24 tháng.
 
I) Một số đặc điểm cơ bản của chi Beauveria và Metarihizium:

1) Chi Beauveria: Ở Việt nam người ta gọi chi này là nấm Bạch Cương vì nấm có màu trắng, trên thế giới rất nhiều nước như Liên Xô cũ, Mỹ, Anh đã sản xuất với tên thương mại là Beauverin, Việt Nam: Beauverit. Trong chi này có 3 loài chính có khả năng diệt sâu Beauveria bassiana, B. tenella, B. brongniartii. Trong 3 loài nấm đó thì nấm B. bassiana chiếm 80-90 % tỉ lệ kí sinh trên côn trùng hại cây trồng nông và lâm nghiệp.

a) Đặc điểm hình thái B. Bassiana (Bb):
Nấm Bb sinh ra những bào tử đơn bào, không màu, hình cầu hoặc hình trứng, đường kính từ 1-4 µm, sợi nấm có đường nằm ngang kích thước khoảng 3-5 µm, phát triển mạnh trên môi trường nhân tạo hoặc trên cơ thể côn trùng, chúng mang nhiều giá sinh bào tử, phồng to ở phía dưới với 3-5*3-6 µm. Các giá bào tử trần thường tạo thành các nhánh ở phần ngọn hoặc trực tiếp tạo thành nhánh của giá, phần ngọn của bào tử có dạng cuống hình ziczac không đều.

b) Độc tố Bb: là Bovericin có công thức nguyên là C45H57O9N3, đây là vòng Depxipeptid có điểm sôi là 93-94 oC, nếu nuôi cấy trong 1 l môi trường người ta sẽ thu được : 1,5- 3,8 g Bovericin.

c) Cơ chế tác động của nấm Bb:
Trong tự nhiên khi bào tử nấm Bb rơi vào cơ thể côn trùng, gặp điều kiện thích hợp chỉ sau 12-24 giờ thì bào tử nấm nảy mầm, chúng hình thành sợi đâm xuyên qua lớp vỏ kitin sau đó phát triển bên trong cơ thể côn trùng, côn trùng phải huy động các tế bào bạch huyết để chống đỡ nhưng nấm Beauveria đã tiết ra độc tố Bovericin có chứa Protease và một số chất khác làm phá huỷ ngay cả tế bào bạch huyết, gây cho sâu chết, sợi nấm mọc rất nhiều trong cơ thể sâu hại và sau đó chui ra ngoài, tạo ra một lớp bào tử phủ trên cơ thể sâu.

2) Chi Metarhizium: Ở chi này nấm có màu xanh nên ở nước ta gọi là nấm lục cương (nấm xanh). Trên thế giới nhiều nước đã sản xuất thành chế phẩm với tên thương mại là Metaquino (Anh, Mỹ)
Ở Việt Nam tên là: Mat (nấm Ma). Đến nay người ta thấy có 2 loài nấm chính gây bệnh trên côn trùng đó là :
- Metarhizium anisopliae ?(Ma) : kí sinh trên mối, châu chấu, cào cào, bọ hại dừa, bọ xít, rầy nâu và nhiều sâu non thuộc họ ngài đêm thuộc bộ cánh vẩy.
- Metarhizium flavoviride : Kí sinh trên châu chấu, cào cào, bọ cánh cứng và một số sâu non thuộc bộ cánh vẩy.

a) Đặc điểm hình thái của chi Metarhizium : Sợi nấm và bào tử lúc đầu có màu trắng → xanh, cuống sinh bào tử ngắn, bào tử trần hình ovan hay hình trứng với Mf, hình cổ chai hình trụ, hình hạt đậu là Ma.
Kích thước bào tử khoảng 3,5-6,4 µm, bào tử có màu lục xám, đến màu xanh ôliu, chúng thường đứng riêng rẽ và xếp thành từng chuỗi.

b) Độc tố của Metarhizium : Đó là các ngoại độc tố : Dextruxin A,B,C,D. Tập trung chủ yếu ở 2 loại là : Dex A,B . Dextruxin A có công thức nguyên là : C29H47O7N5 có điểm sôi là : 188 oC. Dextruxin B có công thức nguyên là : C30H51O7N5 có điểm sôi là 234 oC.

c) Tác nhân gây bệnh và cơ chế tác động của nấm :
- Tác nhân gây bệnh : Vi sinh vật phải có mặt khi côn trùng bị bệnh có thể phân lập và thuần khiết vi sinh vật gây bệnh đó.
- Khi sử dụng vi sinh vật thuần khiết để gây bệnh nhân tạo thì cũng gây ra được bệnh cũ.
- Phải chứng minh được sự có mặt của vi sinh vật gây bệnh trên côn trùng thử nghiệm.
Đối với nấm Metarhizium thì tác nhân gây bệnh chính là một số ngoại độc tố Dextruxin A,B,C,D.
- Cơ chế : Giống Beauveria

II) Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm côn trùng :

1) Môi trường nuôi cấy :
Môi trường nuôi cấy là yếu tố rất quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của nấm, nếu môi trường không tốt không đủ dinh dưỡng, nấm mọc yếu hoặc không mọc, nếu môi trường thừa dinh dưỡng thì nấm mọc nhanh, sợi phát triển nhiều, bào tử ít. Trong quá trình nảy mầm để hình thành bào tử nấm thì cần rất nhiều nguồn C và N, sự phát triển của nấm phụ thuộc vào các chát ức chế khác nhau, môi trường thích hợp nhất cho nấm phát triển là môi trường có chứa kitin là nguồn C, nếu bổ sung thêm chất kitin và glucose thì trong quá trình nuôi cấy nấm Ma sẽ thu được số lượng bào tử cao, vì thành phần kitin trong môi trường nuôi cấy rất cần thiết đối với các loại nấm, nó giúp cho sự phát triển và hình thành bảo tử đính Conidiospore và bào tử trần : Plastospore. Tuy nhiên không phải nguồn C, N nào cũng có lợi cho sinh trưởng, phát triển, hình thành bào tử nấm. Vì ngoài nguồn N vô cơ ra thì nấm còn sử dụng tốt cả nguồn C hữu cơ như : Protein, pepton, các axit amin, trong đó axit amin glutamic là axit thích hợp cho nấm phát triển. Tuỳ theo từng loại nấm mà chúng ta lựa chọn môi trường thích hợp để sản xuất ra thuốc trừ sâu đạt hiệu quả cao.

2) Ảnh hưởng của nhiệt độ, ẩm độ :
Nhiệt độ và ẩm độ quan trọng quyết định đến sự phát triển của nấm, nếu như nhiệt độ thích hợp 25-30 oC (27-28 oC) và ẩm độ thích hợp (80-90%) thì đấy là nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển. Nếu trên hoặc dưới ngưỡng đó nấm phát triển yếu, đặc biệt là quá cao bào tử hình thành không có độc tố hoặc biến dạng.

3) Ảnh hưởng của độ thoáng khí : Hầu hết các loại côn trùng hiếu khí, khi nấm phát triển chúng đòi hỏi điều kiện có hàm lượng oxi thích hợp cả biên độ rộng cũng như dụng cụ nuôi cấy. Phạm vi thích hợp cho nấm côn trùng phát triển thích hợp là : 0,4-0,5 m3 môi trường / không khí.

4) Ảnh hưởng của ánh sáng : Nấm côn trùng phát triển trong điều kiện ánh sáng yếu chỉ cần lượng ánh sáng nhỏ trong ngày 6-7 giờ là đủ cho nấm phát triển.

5) Ảnh hưởng của độ pH : Phạm vi nấm côn trùng thích hợp ở phạm vi 3-8 nhưng thích hợp nhất 5,5-6.

Biết được những yếu tố ảnh hưởng trên trong quá trình sản xuất chúng ta hướng để đạt được một lượng sinh khối cao, chất lượng của thuốc nấm tốt.
 
Bản chất hoá học của thuốc trừ sâu vi sinh, em chỉ học THUỐC TRỪ SÂU VI SINH thôi ko học thuốc trừ sâu sinh học đâu nhé mặc dù bản chất của nó ko khác nhau là mấy: Đó là dựa vào các chất mà sinh vật sản sinh có tác dụng diệt sâu. Các chất mà sinh vật sản sinh ra thì ko hề ảnh hưởng đến môi trường, và tất nhiên người ta phải chọn lọc các chất để ko ảnh hưởng đến người và động vật, thực vật và có thể các sinh vật khác.
Không khác nhau là mấy nghĩa là thuốc trừ sâu sinh học thì sử dụng tất cả các chất mà sinh vật tiết ra: Bao gồm cả động, thực vật, vi sinh vật, còn tính thêm cả động vật ăn thịt, bắt mồi nữa. Còn thuốc trừ sâu vi sinh thì chỉ do vi sinh vật tiết ra hoặc làm cái gì đó có khả năng diệt sâu mà vẫn đảm bảo yêu cầu định nghĩa đề ra.

Em nói trước là mấy cái này em tự suy và trình bày theo cách hiểu của em, chứ không phải là cô dạy thế đâu nhé , cô giáo không liên quan gì ở đây. Cô chỉ kịp giảng, môn này có 3 trình thôi à, lại còn kiêm luôn cả phần CNSH cơ sở nữa, lại còn bị bọn nó câu giờ, cắt xén nữa nên hiểu ít lắm, bực thật.


- Không độc hại cho người và gia súc, ko nhiễm bẩn môi trường sống, ko ô nhiễm môi trường.
- Không ảnh hưởng đến chất lượng, phẩm chất nông sản, không ảnh hưởng đến đất trồng, không khí trong môi trường (do không để lại dư lượng)

Thuộc tính vốn có của các chất từ sinh vật sản sinh ra, nó dễ bị các vi sinh vật phân huỷ, và hầu như không tạo ra sản phẩm phụ, dư lượng tồn đọng hầu như không có

Không làm mất đi những nguồn tài nguyên sinh vật có ích như các loại ký sinh thiên dịch và những vi sinh vật có lợi với con người
Do thuốc trừ sâu vi sinh có tính chuyên tính rất cao, nên thường chỉ tác dụng đối với một số loại sâu nhất định, như virus ở bài trên. Với Bt thì tinh thể độc chỉ giải phóng khi pH bằng 2 (trong dịch ruột của sâu), còn với người và các sinh vật khác thì xơi vô tư do thường có pH bằng 7. Nói thế thôi, chứ đừng xơi thật nhé, biết đâu được :D.

Nếu sử dụng hợp lý, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Do là chất từ sinh vật sống nên dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh làm biến tính Protein, chết - > mất hoạt tính sinh học diệt sâu

Hiệu quả thuốc vi sinh thường kéo dài vì chún ko chỉ tiêu diệt trực tiếp lứa sâu đang phá hoại mà chúng còn có thể lan truyền cho thế hệ tiếp theo
ví dụ hay nhất là thuốc trừ sâu vi rút ở trên.

Khi đã giải thích được ưu điểm rồi thì nhược điểm có cần giải thích tiếp không ạ! Vì nó thể hiện rất rõ ràng rồi

- Chưa tạo nên tính kháng thuốc của sâu hại


Câu này khó cho người sản xuất nhưng dễ giải thích, nó là thuộc tính tự nhiên của bất kỳ loại sinh vật nào thôi, sinh vật nào chẳng muốn sống, mà muốn sống thì phải biến đổi phải thích nghi cho phù hợp với điều kiện ngoại cảnh mới. Còn việc bất cứ loại thuốc gì có phải là hiệu nghiệm 100% đâu, mà nó cho một tỉ lệ nào đó thì được coi là diệt hoàn toàn hay chưa kháng thuốc cơ mà, có áp bức thì có đấu tranh nguyên lý rồi.

Ngay đến người nhiễm virus HIV đại dịch của thế kỷ cũng có người không chết vì không phát bệnh AIDS cơ mà (không nói chết vì già hay gì khác nhé vì ai chả phải chết :D, ?chỉ nói đến hệ miễn dịch của những người này không bị giảm sút mạnh như những người nhiễm HIV khác), virus chỉ tồn tại trong cơ thể mà không thể chuyển thành AIDS được và họ cứ sống chung với HIV như thế bình thường. Tuy số này ít thôi.

Em xin lỗi vì không kịp đọc mấy cái link kia, nhưng nếu anh biết link nào thì gửi lên cho mọi người cùng đọc, chứ em bây giờ thì phải thi qua đã rồi tính sau.
 
Có một người bạn thắc mắc như sau khi đọc câu:
Với Bt thì tinh thể độc chỉ giải phóng khi pH bằng 2 (trong dịch ruột của sâu), còn với người và các sinh vật khác thì xơi vô tư do thường có pH bằng 7

Trong ruột của sâu pH từ 8-9 thì Bt mới giải phóng ra làm chết sâu. Còn pH thấp thì nó không giải phóng.

Còn trong dạ dày người pH bằng 1,5-2 thì sao người ăn vào lại không làm sao.

Em không biết trả lời như thế nào cả. Thầy, cô, và các anh, các chị, và các bạn ai hiểu về cái này giải thích hộ em với.

Câu hỏi này khúc mắc ở chỗ: pH trong ruột của sâu, và pH dịch ruột của sâu khác nhau như thế nào. Tương tự đối với người và động vật. Có lẽ chỉ người làm thực tế về cái này mới biết được, giải thích hộ em với.
 
Tui chưa đọc kỹ câu hỏi nhưng có chắc là pH trong ruột hay bao tử người là 7 kô?????

Trong đoạn trích dẫn cho là pH 2 thì tinh thể tiết ra, xuống dưới lại bảo pH ruột sâu 8-9 thì BT mới giải phóng???? Sao kỳ thế


Lưu ý pH kô có bằng cái gì hết. Nói pH bằng 2 là kô hiểu gì về pH. Ví dụ để chỉ quãng đường đi ta nói Xe sẽ ngừng lại ở Km (hay ?cây số) 78 ?chứ ta có nói Xe sẽ dừng ở Km bằng 78 ?đâu????
 
Lưu ý pH kô có bằng cái gì hết. Nói pH bằng 2 là kô hiểu gì về pH. Ví dụ để chỉ quãng đường đi ta nói Xe sẽ ngừng lại ở Km (hay ?cây số) 78 ?chứ ta có nói Xe sẽ dừng ở Km bằng 78 ?đâu????

pH = -log[H+]

Vậy nếu -log[H+] = 2 thì pH = 2, nói vậy có gì sai đâu nhỉ???

Đồng chí Minh xem lại câu hỏi
 
định nghĩa pH thì kô sai, nhưng cách viết pH thì lại có vấn đề. Đúng là lên google dò tìm sẽ thấy thiên hạ viết đằng sau pH đều có dấu =, và nhiều tài liệu lại viết kô dấu bằng, nhưng các tài liệu chính thống như bài báo, tạp chí, tự điển ?đều không hề có dấu bằng. Chuyện này tui học hồi năm 1 môn Hóa Đại cương và Hóa Phân tích, cô tui đã phân tích tại sao lại viết kô có dấu bằng, tiếc là tui chẳng nhớ gì và kô tìm lại được tài liệu. Chỉ biết nếu tui nộp bài cho các tạp chí thì tui sẽ kô dám xái dấu =, nếu muốn bài được chấp thuận (trừ báo VN).
 
Vâng đúng rồi ạ, trong tạp chí sinh học thì không ai viết dấu bằng cả chỉ nói pH 2 hoặc pH 3... (tạp chí ngành khác thì em không biết ạ).

Hồi lớp 11, 12 gì đó học hóa, cô ra bài bắt tính pH, cô hỏi đáp số thì đứa nào cũng nhao nhao pH = x, pH = y. Nếu nói tại pH thì không có "=" nhưng nói kết quả tính toán thì có dấu "=" là hợp lý.
 
Em xin lỗi vì viết hơi khó hiểu. Đây là câu hỏi của người ta chứ không phải em trả lời:
Trích dẫn:
Với Bt thì tinh thể độc chỉ giải phóng khi pH bằng 2 (trong dịch ruột của sâu), còn với người và các sinh vật khác thì xơi vô tư do thường có pH bằng 7 ?


Trong ruột của sâu pH từ 8-9 thì Bt mới giải phóng ra làm chết sâu. Còn pH thấp thì nó không giải phóng. Người bạn này được nghe từ những người làm Bt giải thích như vậy.

Còn trong dạ dày người pH bằng 1,5-2 thì sao người ăn vào lại không làm sao.


Dạ dày là nơi nghiền và làm biến đổi tính chất của thức ăn ở đấy không hấp thụ cái gì cả pH ở dạ dày người từ 1,5 - 2 thì không có gì phải bàn rồi, nơi hấp thụ là ruột non, ruột già ở tít phía sau dài hàng mét ấy, nếu pH ở đấy mà là 1,5-2 thì nó phải có cấu tạo tương tự thành vách và có nơi tiết chất bảo vệ chống pH thấp của dạ dày, mà nơi hấp thụ chất dinh dưỡng thành vách như thế thì hấp thụ nỗi gì, nên pH của dịch ruột người là trung tính thì có lý hơn (em viết thế này vì không được học môn giải phẫu, sẽ tìm tài liệu học sau vậy :D, thiệt thòi ghê) ?. Em cũng đang băn khoăn phần dịch ruột và pH để giải phóng tinh thể độc của Bt nhưng chưa tìm được tài liệu nói về cái này, khi nào tìm được sẽ trả lời.

Hì hì, có lẽ người ta không đề pH = 7 vì không thể nào đo chính xác được nồng độ ion H + có trong đó. Dấu bằng là thể hiện biểu thức toán học là 1=1 chứ không thể có xấp xỉ 1 = 1 được.
 
Ý của họ là với pH 2 ở trong dạ dày của người thì tinh thể độc giải phóng rồi, mà sao nó không phát tác để cho người chết nghẻo giống con sâu vậy :D .
 
Tui kô rành về vấn đế này, nhưng ít nhất tui nhớ 1 chi tiết rằng tinhthể BT có thể gây độc cho chuột. Một bài báo trên Natural Toxic Vol 6- I 6 năm 1998 (kô nhớ trang) có đăng bài nc, đại khái rằng:

Cây cà chưa được chuyển gene BT, độc tố sinh ra trong trái cà chua giúp nó kháng tuyến trùng, sâu bệnh, ?xong lấy cà chua cho chuột ăn. Sau thời gian thí nghiệm, mổ ruột chuột ra coi, thấy có những triệu chứng bất thường trong ruột. Nhóm tác giả kết luận là Bt có tác động đến chuột và như thế có thể có cả người.

Nhóm khác phản biện cho rằng có thể con chuột trong thí nghiệm bị nhiễm một dòng Bacillus nào đó tương tự dòng Bacillus thuringiensis. Chẳng biết ai đúng ai sai.
 
Tôi đang thử dùng Bauveria bassiana để diệt côn trùng cánh cứng, tuy nhiên hiện tại điều kiện ở phía Bắc rất khắc nghiệt, nhiệt độ phòng thường xuống dưới 20 độ, vì vậy tôi phải để lô thí nghiệm vào tủ ấm 25 độ. Tuy nhiên sau 2-3 ngày cả lô nhiễm nấm và lô đối chứng có tỷ lệ chết tương tự, rất khó xác định xem là côn trùng bị chết do nấm hay do đặt vào tủ ấm. Tôi nên làm thế nào, labor của tôi là labor côn trùng nên không có điều kiện nuôi cấy nấm để kiểm tra. Có cách nào kiểm tra nhanh nhất không?
Bauveria bassiana có gây độc cho người không, nó có thể dùng để xử lý với lương thực không? Nấm có phát triển trên môi trường của tinh bột không? Có làm giảm chất lượng của bột không?
B. bassiana có nhược điểm là không phát triển ở môi trường có nhiệt độ cao, mà vào mùa hè, khi côn trùng phát triển, điều kiện nhiệt độ tại thực địa thương lên tới 35-45 độ C. Vậy Bauveria có thể phát triển và phát huy tốt không. Tôi đang nâng nhiệt độ tủ ấm lên một lô thí nghiệm khác nhưng do chưa rõ nguyên nhân của việc gây chết côn trùng ở cả lô đối chứng lẫn lô thí nghiệm nên băn khoăn quá. Có tài liệu, sách vở, côn trình nào về việc dùng B. bassiana để xử lý thực phẩm không?
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top