Bài trên Tạp chí Hoạt động khoa học số 9/2009
Gần đây, với các kết quả nghiên cứu nổi bật như: Tạo cá ngựa vằn phát sáng bằng công nghệ chuyển gen, tạo ra tinh trùng chuột từ tế bào mầm sinh dục thu nhận từ tinh hoàn chuột, tạo ra bò con từ tế bào trứng đông lạnh..., nhóm các nhà khoa học đứng đầu là ThS Phan Kim Ngọc - Trưởng Phòng thí nghiệm (PTN) Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh đã góp phần khẳng định tiềm năng của công nghệ sinh học Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tế bào gốc.THS PHAN KIM NGỌC: NÊN TIN TƯỞNG VÀ TRÂN TRỌNG CÁC NHÀ KHOA HỌC TRẺ
Tạp chí đã có cuộc trao đổi với ThS Phan Kim Ngọc về tiềm năng, cách trọng dụng, sử dụng tài năng của các nhà khoa học trẻ và một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng các PTN.
Những kết quả của nhóm nghiên cứu do ông phụ trách có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học trẻ. Vậy bằng cách nào ông đã khuyến khích họ phát huy tính sáng tạo và lòng yêu nghề?
Từ nhiều năm nay, khi giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp, tôi có điều kiện tiếp cận với nhiều sinh viên, học viên ở nhiều trường khác nhau. Tôi nhận ra rằng, chúng ta đã rất lãng phí một nguồn tài nguyên quý, đó là lực lượng khoa học trẻ. Rất nhiều em khá giỏi, có khát vọng lập nghiệp bằng con đường khoa học. Vấn đề là làm sao tuyển chọn được những em tốt nhất trong khi cơ chế tuyển dụng biên chế của Nhà nước lại rất khó khăn. Hơn nữa khi tuyển chọn rồi, làm sao để các em có được những điều kiện tạm ổn để sống và làm việc (nhất là các tiến sỹ trẻ từ nước ngoài về).
Khi tập hợp các em lại, tôi luôn tâm niệm mấy nguyên tắc sau: Phải thật sự tin tưởng và trân trọng các em theo tinh thần thế giới phẳng; phải để các em được tự do tư tưởng (tư tưởng không tự do, con người không thể sáng tạo và không có cơ hội bộc lộ mọi tố chất); phải thật sự dân chủ (không có dân chủ, tập thể mất sức sống và các em rơi vào cảm giác làm thuê, không phải của mình); phải làm sao để các em thấy được, “sờ nắn” được quyền lợi và tương lai của mình và nghiêm túc hiểu rằng: Sự nghiệp của bản thân mình có thể được bắt đầu từ đề tài nghiên cứu này, từ PTN này; không để ngọn lửa đam mê lao động sáng tạo của các em nguội đi, các em chỉ thực hiện các nghiên cứu mà bản thân mình ham thích (tất nhiên trong chương trình định sẵn trước đó của hướng nghiên cứu); phải xây dựng được tính chuyên nghiệp trong suy nghĩ và trong công việc, thông qua những quy chế chung. Với các tiến sỹ trẻ, phải làm sao để các em đừng già vội, phân công các em phụ trách các nhóm chuyên đề cụ thể, cho phép các tiến sỹ tự đào tạo tuyển dụng nhân sự, sau đó tôi ký duyệt hợp đồng.
ông đã hiện thực hoá các nguyên tắc đó như thế nào?
Tôi xây dựng cơ chế làm việc theo những cách sau:
- Không làm hợp đồng tuyển dụng mà làm hợp đồng nghiên cứu khoa học trên cơ sở cổ phần trí tuệ (tức là các em cùng tham gia sáng tạo, cùng tham gia quyền sở hữu trí tuệ).
- Về quyền lợi vật chất, hợp đồng hoạch định rõ hai phần: Phần cứng và phần mềm. Phần cứng: Chỉ đảm bảo cho các em có thu nhập hàng tháng đủ ăn, thuê nhà ở và đi lại một cách ổn định. Phần mềm: Thu nhập từ sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ (nếu có), các thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật khác (các test đặt hàng cho PTN), tiền thưởng. Thu nhập này có sự khác biệt từ tiến sỹ xuống tới kỹ thuật viên.
- Khuyến khích làm việc thêm với các cơ sở nghiên cứu khác, các công ty trong và ngoài nước (tất nhiên họ phải có cùng kỹ thuật, cùng hướng nghiên cứu, hướng sản phẩm, cùng ý tưởng hoặc cùng chuyên môn) với nguyên tắc mang về chứ không mang đi (nghĩa là phải học hỏi được người ta, nhưng phải gìn giữ được thành quả của mình). Điều này có nhiều cái lợi như: Tăng thêm thu nhập cho cán bộ trẻ, các em có thêm nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, mở rộng liên kết, phong phú thông tin...
- Sử dụng chính các đề tài nghiên cứu của PTN làm các đề tài tốt nghiệp (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ). Như vậy, PTN đã hỗ trợ các em một khoản kinh phí lớn, đồng thời nhiệm vụ của PTN vẫn được hoàn thành.
- Khuyến khích và trân trọng các ý tưởng mới, sáng tạo (khen thưởng lớn bằng vật chất), kỷ luật nghiêm minh.
- Duy trì nghiêm ngặt chế độ báo cáo và seminar khoa học, chế độ cập nhật thông tin hàng tuần.
- Có các chương trình phấn đấu về chuyên môn, ngoại ngữ, kể cả việc du học... cụ thể cho từng cán bộ trẻ (ví dụ với các tiến sỹ trẻ, bắt buộc họ phải có bài báo khoa học quốc tế trong năm).
Gần đây, nhiều PTN hiện đại đã được trang bị cho các trường đại học lớn. PTN Tế bào gốc với vốn đầu tư 40 tỷ đồng do ông phụ trách cũng là một ví dụ. ông nhận xét thế nào về sự đầu tư này?
Theo tôi đây là một hướng đầu tư đúng. Xin nêu một công thức như thế này: PTN hiện đại bao gồm: Thiết bị hiện đại + con người hiện đại + kỹ thuật hiện đại + cơ chế và chính sách hiện đại = sản phẩm công nghệ cao (cần nói rõ thêm: Từ cuối năm 2007 cho đến nay, chúng tôi chỉ mới nhận được 15 tỷ, và vẫn chưa có mặt bằng tương thích, tức cái vỏ, do vậy có gặp nhiều khó khăn).
Nhà nước đã có cố gắng lớn, sự đầu tư nói trên theo tôi, chắc chắn là không thừa, kể cả về nhận thức lẫn hiệu quả. Tôi tin vào tâm huyết và năng lực sáng tạo của các nhà khoa học (tất nhiên, chúng ta cần phải học hỏi thế giới nhiều hơn nữa).
Sự đầu tư này, trước tiên là góp phần thay đổi bộ mặt của trường đại học. Trước đây các nhà khoa học trên thế giới đến với ta, cho dù rất muốn hợp tác thì họ cũng ngần ngại bởi chúng ta thiếu các điều kiện cần thiết. Còn bây giờ, khi đã có các thiết bị, có PTN, cơ hội để giao lưu hội nhập sẽ cao hơn. Thứ hai, đối tượng hưởng lợi chính là các sinh viên. Họ sẽ có nhiều cơ sở hơn để đặt niềm tin vào ngôi trường của mình, họ có cơ sở để tiếp cận với khoa học hiện đại, với thực hành kỹ thuật cao. Điều này kích thích sinh viên hào hứng trong học tập cũng như mong muốn thực hiện các hoài bão.Thứ ba, các giảng viên, các nhà khoa học có phương tiện, có sự phấn chấn để nghiên cứu khoa học. Thứ tư, trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm, chúng ta sẽ không thể có các công bố, bài báo khoa học quốc tế nếu không tiến hành các nghiên cứu theo một quy trình chuẩn của quốc tế với các PTN chuẩn, trang thiết bị chuẩn.
Bên cạnh những ưu điểm như ông vừa nêu, liệu còn có gì bất cập trong việc liên kết, sử dụng các PTN này không, thưa ông?
Tất nhiên không phải mọi cái đều có thể tốt đẹp trong một, hai ngày. Theo tôi, trong vấn đề này chúng ta còn có một số bất cập:
- Báo chí vẫn phàn nàn rằng chúng ta mua thiết bị về rồi để đắp chiếu. Thực tế này cho thấy, rõ ràng chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về chuyên gia, các kỹ thuật viên, tức chưa có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xây dựng được các chiến lược, chương trình nghiên cứu cụ thể. Nhiều nơi còn lúng túng khi lựa chọn giữa nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản. Lác đác có nơi thiết bị xuống cấp do không có tiền, không có chế độ và nhân lực để bảo hành, bảo trì.
- Tính chuyên nghiệp của các PTN ở nước ta chưa cao, điều này còn phụ thuộc nhiều vào văn hóa, nhận thức và cơ chế, chính sách, rõ ràng chúng ta cần có thời gian. Tôi mới làm việc ở Đại học Quốc gia Đài Loan về, họ cho biết được như thế này mới cách đây khoảng 10 năm, họ phải có nhiều năm quá độ, xây dựng về mọi mặt. Về việc này, tôi cho rằng chúng ta không nên có những đòi hỏi quá nóng vội. Không cẩn thận dễ đẩy nhà khoa học vào bệnh thành tích hoặc nảy sinh sự gian dối trong nghiên cứu. Không hẳn là hôm nay anh có PTN, ngày mai anh phải vận hành được ngay, hoặc phải có thành tựu ngay. Giống như không thể yêu cầu một cầu thủ ở trình độ chân đất, hôm nay anh ta được phát đôi giày thì ngày hôm sau anh ta phải tham dự giải ngoại hạng, thậm chí phải thắng. Vấn đề ở đây là, các nhà khoa học phải thể hiện tính nghiêm túc, trung thực, có ý thức trách nhiệm cao đối với tiền bạc của nhân dân và có quyết tâm nghiên cứu.
- Một vấn đề nữa dễ nhìn thấy, đó là việc chúng ta chưa xây dựng được sự liên kết, hợp lực giữa các nhà khoa học, các PTN, các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng, đặc biệt là sự liên kết với các doanh nghiệp. Đây là một sự lãng phí rất lớn trong khoa học và công nghệ, nó triệt tiêu sự tích hợp trí tuệ, lãng phí trang thiết bị, thời gian và ngân sách. Ví dụ, có thiết bị hàng chục đơn vị sử dụng cũng chưa hết công suất, thế nhưng đơn vị nào cũng mua? Nên chăng, trong mỗi dự án cần có thẩm định sự liên kết, kiểm tra tiềm năng, tính liên thông với các PTN quanh khu vực đó.
- Về cơ chế và chính sách, tôi thấy vẫn có cái gì đó chưa tương thích giữa tầm nhìn, khát vọng so với thực tế. Song song với việc đầu tư trang thiết bị, chúng ta nên có kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ quản trị, kỹ thuật viên, thậm chí phải cần cả người làm công tác PR, marketing. Các PTN được đầu tư hầu hết đều gặp khó khăn về mặt bằng, tức ruột có nhưng vỏ thì không, như vậy không thể cấu trúc PTN sao cho liên hoàn, hợp lý với trang thiết bị. Cần lưu ý rằng, rất nhiều thiết bị bắt buộc phải có không gian riêng với các tiêu chuẩn ngặt nghèo.
- Chưa có đại học nghiên cứu thì chắc chắn hiệu quả các PTN trong các trường đại học chưa cao (thậm trí cản trở). Cần có quy chế và chính sách khuyến khích các trường đại học tiến tới đại học nghiên cứu thông qua hạt nhân là các PTN. Nên cho phép các PTN được tự tuyển chọn nhân sự, tự chủ về tài chính và tự trị về chiến lược, kế hoạch... Như vậy, các PTN mới có điều kiện, động cơ để cạnh tranh trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
- Một vấn đề lớn nữa là “nguồn sữa” ban đầu để nuôi các PTN trong giai đoạn còn non yếu, chưa trưởng thành. Cần lưu ý rằng, chưa kể tới việc sử dụng thiết bị, chỉ kể đến việc bảo trì, bảo hành thiết bị thôi cũng đã rất tốn kém. Hầu hết các dự án chưa tính đến khoản này, mà có tính cũng khó mà được duyệt.
- Chưa có chính sách cụ thể khuyến khích sự kết nối, liên kết hoạt động giữa thị trường - doanh nghiệp - PTN.
Theo tôi, đó là một số tồn tại chính mà chúng ta cần tập trung khắc phục để khai thác hiệu quả hơn các PTN.
Xin cảm ơn ông!