Việt Nam còn thiếu nhiều quy định quan trọng về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc (TBG) như luật về TBG, luật ghép tạng…
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang có tiềm năng rất lớn về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (TBG) trong chăm sóc sức khỏe. Nhưng để biến tiềm năng đó thành kết quả cụ thể thì không thể thiếu một hành lang pháp lý phù hợp.
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu TBG tại buổi hội thảo về hỗ trợ dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ TBG vừa được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức.
TP.HCM có tiềm năng lớn về nghiên cứu TBG
Tuy ra đời muộn nhưng công nghệ TBG hiện là một trong những lĩnh vực sôi động nhất trong công nghệ sinh học. 2 giải Nobel Y học được trao cho các nhà khoa học vì những công trình nghiên cứu về tế bào gốc vào các năm 2007 và 2012 là minh chứng cụ thể cho xu thế đó.
Công nghệ TBG áp dụng các kỹ thuật hiện đại và nhanh chóng phát triển thành một ngành công nghiệp mới với hàng loạt ứng dụng thiết thực trong nhiều lĩnh vực. Nổi bật trong số đó là những kết quả mà các nhà khoa học đã đạt được trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tại hội thảo, ông Eiji Kobayashi đại diện công ty Rohto Pharmaceutical cho biết, từ năm 2013 -2014 Nhật Bản đã ra các quy định về An toàn trong thực hành y học tái tạo. Điều này tạo hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu ứng dụng TBG trong y học tái tạo của Nhật Bản và góp phần thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Lấy ví dụ về quy định mới về quy trình chấp thuận sản phẩm, theo ông Eiji Kobayashi, thay vì phải qua nghiên cứu lâm sàng nhiều pha như quy định trước đây, quy định mới chấp nhận các sản phẩm đáp ứng những điều kiện nhất định. Điều này giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường từ 5 đến 7 năm.

Về tình hình nghiên cứu TBG ở TP.HCM, GS Trương Đình Kiệt, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM cho biết tiềm năng về nghiên cứu TBG của TP.HCM rất lớn. Hiện nay TP.HCM có 9 bệnh viện cũng như nhiều trường viện, trung tâm nghiên cứu đang tham gia nghiên cứu ứng dụng TBG trong chăm sóc sức khỏe.
GS Kiệt khẳng định, đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này của TP.HCM đang ngày càng phát triển và hoàn toàn có thể làm chủ các kỹ thuật về TBG. Ngoài ra, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ TBG còn hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa trong tương lai nếu được định hướng, hỗ trợ phù hợp.
Từ góc nhìn của nhà giáo dục, ThS Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc (ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM) cho biết sinh viên Việt Nam, nhất là sinh viên TP.HCM rất ham mê các nội dung về TBG. ThS Ngọc nhận định, đây là công nghệ mới đầy nhân văn và hứa hẹn sinh ra cả một nền kinh tế dựa trên công nghệ TBG.
Còn nhiều khó khăn trong phát triển công nghệ TBG
Ngoài những điều kiện thuận lợi, các chuyên gia cũng không ngần ngại nói thẳng về những khó khăn, hạn chế trong nghiên cứu tế bào gốc tại Việt Nam cũng như TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM cho rằng khó khăn hàng đầu trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TBG tại Việt Nam là chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh.
Cụ thể, Việt Nam còn thiếu nhiều quy định quan trọng về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ TBG như luật về TBG, luật ghép tạng… Theo BS Dũng dự đoán, sẽ mất ít nhất 5 năm để những luật trên được xây dựng và có hướng dẫn áp dụng thực tế.
Ý kiến trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia khác như GS Trương Đình Kiệt, bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ThS Phan Kim Ngọc…
Ngoài ra, thiếu sự hợp tác cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho kết quả hoạt động nghiên cứu TBG chưa được như mong đợi. ThS Ngọc nhận xét, các đơn vị nghiên cứu TBG ở Việt Nam vẫn chỉ nghiên cứu nhỏ lẻ, ít có sự hợp tác để tập trung nhân lực, vật lực để thực hiện nghiên cứu lớn.
Bên cạnh đó, ThS Ngọc còn cho rằng các nghiên cứu về TBG còn hạn chế do chưa có mã số nghiên cứu cho lĩnh vực này. Do vậy, các nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn khi muốn đăng ký đề tài nghiên cứu.
Từ những thực trạng trên, các chuyên gia đề nghị Sở KH&CN TP.HCM tìm cách gỡ khó, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ TBG. Đồng thời, các nhà khoa học cũng mong muốn Sở KH&CN hỗ trợ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trung tâm trong nước với các tổ chức nghiên cứu công nghệ TBG quốc tế.
Đại diện cho Sở KH&CN, Phó giám đốc Nguyễn Kỳ Phùng phát biểu: “Sở KH&CN luôn hỗ trợ cho các thầy cô, các viện nghiên cứu, trong đó có lĩnh vực y học tái tạo và TBG. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các viện, trường trong việc Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, nhãn hiệu…”.
Buổi hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu công nghệ TBG của TP.HCM với các tổ chức nước ngoài. Nhưng quan trọng hơn là tâm huyết của giới khoa học cùng với sự cam kết đồng hành của cơ quan nhà nước sẽ tạo ra cú huých thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ TBG Việt Nam.
Theo Khám Phá