Những bài viết tâm huyết về nền giáo dục.

Ho Huu Tho

Senior Member
“Từng người thầy bỏ giáo dục, ra đi...”

Tác giả: DÂN CHOA - KỲ DUYÊN
Bài đã được xuất bản.: 09/04/2010 06:00 GMT+7

Ba người thầy, ba điểm xuất phát khác nhau, ba lối thoát cá nhân khác nhau… Nhưng vẫn còn đây hơn một triệu giáo viên, họ liệu có “lối thoát” ra khỏi con đường giáo dục đang nhiều bí bức, khủng hoảng và tụt hậu? Hay hàng ngày họ vẫn phải gồng mình vật lộn trong guồng máy tư duy giáo dục cũ kỹ, tiếp tục cho ra những sản phẩm giáo dục chất lượng thấp?

1. Vụ việc nữ sinh Trường PTCS Lê Lai (Q8- t/p Hồ Chí Minh) đánh hội đồng gây ầm ĩ trong xã hội, dẫn đến sự kiện thầy Ngô Đức Bình, hiệu trưởng nhà trường đệ đơn từ chức, tôi thiết nghĩ, thầy cũng đã rất đau khổ, dằn vặt. Vì ở cương vị người quản lý giáo dục cơ sở, một người có chức năng tổ chức kiến tạo kiến thức, đạo đức cho công dân tương lai, bắt buộc từ bỏ mục đích cao cả của nghề, có gì buồn và đau hơn thế? Cho dù thầy viện dẫn lý do cá nhân- sức khỏe của mình.


Thầy Ngô Đức Bình. Ảnh: VNNTrước quyết định ra đi của thầy, ai trong hoàn cảnh ấy mà không cảm thấy nỗi cô đơn. Bởi họ- những người chở đạo học, dường như đã không còn cảm thấy được sự "tôn sư trọng đạo" của xã hội, không cảm nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền. Thậm chí vì lòng nhiệt tình với nghề mà từng bị thân nhân của học sinh xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm.
Người thầy, trong sự dồn nén nhiều tâm trạng, và "lực bất tòng tâm" chỉ có thể phản ứng yếu ớt bằng cách xa rời môi trường từng gắn bó biết bao buồn vui của đời mình. Đó thực là một nốt trầm lặng lẽ trong bản giao hưởng buồn của ngành giáo dục đương đại Việt Nam.

Tôi chia sẻ với thầy Bình. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều bậc phụ huynh học sinh, hay các đồng nghiệp trong ngành của thầy cũng cảm thấy thế. Xin từ chức, về hưu, có lẽ đó là lối thoát riêng khả dĩ cho thầy. Nhưng còn đồng nghiệp, các em học sinh của thầy thì sao? Lối thoát nào đây?

Đã hàng chục năm nay, những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam, đều không khỏi hoang mang, thậm chí chán nản, bất bình, vì sự xuống cấp của chất lượng giáo dục. Nhưng hầu như chúng ta biết mà vẫn cam chịu không lối thoát, vẫn "sống chung cùng lũ".


GS Hoàng Tụy. Ảnh: VNN2. Nếu ở trường hợp thầy Bình, ta mới chỉ thấy được sự "phản ứng" đầy bất lực của một người thầy ở cơ sở thì ở một trường hợp khác, ở những con người thuộc lớp trí thức lớn như thầy Hoàng Tụy, sự "phản ứng', sự từ bỏ những mục đích cao cả của nghề lại diễn ra kiểu khác.
GS Hoàng Tụy với tầm tư duy nhìn xa, trông rộng đã nhận ra sự tụt hậu và bế tắc của ngành GD và ĐT ở góc độ vĩ mô, những khiếm khuyết, khuyết tật của một nền giáo dục chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của quá khứ- một nền giáo dục "hư học"- chữ ông từng dùng. Một nền giáo dục vừa xơ cứng về tư duy, vừa nặng nề về nội dung, chương trình, vừa lạc hậu về phương pháp.

Ông đã có nhiều đề xuất, giải pháp để giải cứu. Ông kêu gọi chấn hưng nền giáo dục nước nhà, coi như một mệnh lệnh khẩn thiết của cuộc sống.

Nhưng đáng tiếc, những ý kiến đóng góp tâm huyết của ông và nhiều trí thức nữa luôn rơi vào khoảng trống im lặng. Để rồi cuối cùng, năm vừa qua, ông có lá thư ngỏ buồn bã thừa nhận thất bại của mình, chấp nhận lặng lẽ "rút lui" vào tuổi già, khi mà tư duy giáo dục của ông chưa hề cỗi. Ông vẫn ở ngành giáo dục, nhưng sự im lặng của ông có khác gì một sự từ bỏ?

3. Rồi mới đây thầy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD và ĐT cũng đã bàn giao nhiệm vụ quản lý giáo dục để trở thành nhà chính trị chuyên nghiệp. Tôi vốn đánh giá cao thầy Nguyễn Thiện Nhân khi thầy từ t/p HCM ra nhận trách nhiệm cao nhất của ngành.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VNN

Nhưng tôi thực sự hoài nghi những phong trào giáo dục, những cuộc vận động với cách làm xưa cũ, như từ những năm 70-80 của thầy. Cỗ máy GD và ĐT thì cổ hủ, quan liêu, xơ cứng...Ngành GD-ĐT vẫn đi theo lối mòn vốn có.
Thầy mới vén bức màn giáo dục lên một chút, đã thấy bao khối trầm tích lưu cữu tồn đọng. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học...đâu đâu cũng có những mớ rối bòng bong, và không biết gỡ ra từ đâu, bằng cách nào?.

Có thể thầy Nguyễn Thiện Nhân sẽ còn đi xa hơn hơn trên con đường quan lộ hanh thông của mình. Thế nhưng bây giờ rời Bộ GD và ĐT, có nghĩa là thầy cũng đến lúc phải nói lời chia tay. Cương vị mới, nhiệm vụ mới của nhà chính trị Nguyễn Thiện Nhân có thể vĩ mô hơn, nhưng tôi nghĩ ông cũng không thể nào thanh thản hơn khi nghĩ về những kỳ vọng của người dân như tôi, từng gửi gắm nhiều vào nhiệm kỳ GD và ĐT do ông làm Bộ trưởng.

Ba người thầy, ba điểm xuất phát khác nhau, ba lối thoát cá nhân khác nhau. Nhưng cả ba đều lần lượt rời bỏ mục đích cao cả của người thầy, với những lý do cá nhân hoặc lý do trách nhiệm chung.

Nhưng vẫn còn đây hơn một triệu giáo viên, họ liệu có "lối thoát" ra khỏi con đường giáo dục đang nhiều bí bức, khủng hoảng và tụt hậu? Hay hàng ngày họ vẫn phải gồng mình vật lộn trong guồng máy tư duy và hệ thống giáo dục xơ cứng, cũ kỹ, bảo thủ, tiếp tục cho ra sản phẩm giáo dục chất lượng thấp?

(Tít bài mượn ý lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-04-08-trang-page
 
Xã hội sẵn sàng 'trả giá' cho cái tài của tiến sĩ?

Xã hội sẵn sàng 'trả giá' cho cái tài của tiến sĩ?
Cập nhật lúc 06:56, Thứ Năm, 08/04/2010 (GMT+7)
,
Lời tòa soạn: VietNamNet nhận được bài viết của bạn đọc có bút danh Nguyễn Hoàng, tốt nghiệp tiến sĩ ở Đức năm 1975, hiện đã 62 tuổi. Bài viết có tiêu đề "Tiến sĩ "ngoại", trí thức "salon" và các hệ quy chiếu" của ông như một tiểu kết cho câu chuyện mà đông đảo bạn đọc quan tâm thời gian qua. Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết này. Sau “tiến sĩ ngoại” là “trí thức salon”, sau “sự nhức lòng của tiến sĩ ngoại“ là các yêu cầu họ phải “hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước”. Sau ý kiến của những người trong cuộc, ý kiến của các tác giả, là ý kiến của các bà vợ tiến sĩ cùng rất nhiều bạn đọc thuộc các giai tầng khác nhau. Họ thường xuất phát từ hệ quy chiếu đơn lẻ, mang tính chủ quan áp đặt của riêng mình, đôi khi khá xa lạ với chủ đề đặt ra ở đây. Một cuộc tranh luận như thế này sẽ không có hồi kết thỏa đáng cho các bên tham gia. Càng khó tìm ra lời giải chung cho vấn đề tạm coi là bức xúc này.
Ở đây, chỉ xin lạm bàn một chút về các hệ quy chiếu hay cách nhìn nhận và đánh giá một vấn đề, mong sao tìm được mẫu số chung để cho các bên tranh luận hiểu và thông cảm với nhau hơn.
Xin tạm nêu ra một vài hệ quy chiếu có liên quan tới vấn đề TS và “trí thức salon":
1. Hệ quy chiếu phương tiện và mục đích hay TS và nhu cầu TS (theo các chức năng TS) của xã hội.
1.1.Điểm xuất phát thứ nhất của hệ quy chiếu này là nhu cầu và khả năng đầu tư xã hội cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mà TS hay tri thức chỉ là một loại phương tiện để thực hiện mục đích đó mà thôi.
Ở các nước phát triển, nhu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm mới rất cao mang tính sống còn. Nguồn lực đầu tư khổng lồ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chủ yếu đến từ các công ty tập đoàn kinh tế tư nhân (thường chiếm khoảng 90% tổng mức đầu tư) và từ ngân sách nhà nước (thường chiếm dưới 10%).
Có thể so sánh như thế này: Một công ty đa quốc gia như Samsung có nhu cầu đầu tư nghiên cứu phát triển là 2.600-3.000 triệu USD/ năm.
Trong khi đó, toàn bộ ngân sách (tiền thuế của dân) của Bộ KH&CN VN cho hoạt động của tất cả các ngành khoa học và công nghệ của một nước 85 triệu dân là khoảng chưa đầy 2% GDP mà đôi khi không dùng hết (ước khoảng 500 triệu USD/ năm). Nhu cầu và khả năng đầu tư cho KHCN của khu vực tư nhân Việt Nam, ngược lại, còn rất nhỏ bé, chủ yếu là ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến của thế giới.
Như vậy, nhu cầu và khả năng đầu tư của đất nước cho lĩnh vực này còn quá hạn chế (nếu đem so sánh chỉ bằng một phần của một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc) chủ yếu dựa vào ngân sách ít ỏi của nhà nước.
Từ đó, còn nhiều bất cập giữa phương tiện và mục đích. Ta có thể hiểu các TS, GS của VN chưa thể có công trình khoa học xứng đáng cả về lượng và chất. Ngược lại, họ cũng không có lý do chính đáng để kêu ca về vai trò và sự đãi ngộ một khi xã hội chưa sẵn sàng trả giá cho điều này.
Tạm bỏ qua những tiêu cực trong môi trường làm việc, trong phân bổ kinh phí và một số hiện tượng tham nhũng mức độ cao trong thực hiện các đề tài của giới khoa học và quản lý khoa học nước nhà thì những tranh luận về tài năng, sự đãi ngộ hay hy sinh thực ra chưa có nhiều ý nghĩa thực tiễn vào giai đoạn hiện nay.
1.2. Đào tạo ĐH và CĐ - chức năng thứ hai của các TS và GS
Việt Nam đang "lạm phát" các trường ĐH và CĐ và rất thiếu các GS, TS trong đội ngũ giảng dạy của họ. Đây lẽ ra là môi trường lý tưởng cho các TS, đặc biệt là TS ngoại.
Tuy nhiên, sự khủng hoảng về chất lượng đầu vào, về chất lượng đội ngũ giảng dạy, về chất lượng giáo trình và chương trình, về phương pháp đào tạo và cái cách đào tạo theo chỉ tiêu tiền chùa kiểu bao cấp khiến cho các TS, GS rất khó thực thi chức năng đào tạo của mình một cách có giá trước các nhu cầu chính đáng của xã hội. “Tị nạn giáo dục “ mà báo chí phải nói tới có thể là biểu hiện sâu sắc về sự khủng hoảng, mất phương hướng của lĩnh vực này.
Khi mà giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ VN vẫn còn mang tính tự thân, chưa thực sự tương thích với các nhu cầu thực tiễn kinh tế xã hội vì chất lượng bất cập như hiện nay, hoặc xã hội chưa có được những nhu cầu về những chuyên ngành cao sâu nào đó (vì ngay ứng dụng các thành tựu của thế giới cũng còn khó khăn) hoặc bộ máy đang cần những tài năng kiểu khác thì vấn đề ưu đãi các TS ngoại, những “người tài” (nhưng chưa khả dụng) như đang nêu ở đây vẫn chưa thể có lời giải.
Nguyên tắc cơ bản mang tính quy luật là “cái tài “ tự nó phải có giá, và xã hội cũng phải sẵn sàng trả giá cho nó. Đi ngược lại nguyên lý này, cả xã hội và TS đều cùng thất bại hoặc dẫn đến sự biến chất, đánh mất mình và phải trả giá. Chúng ta sẽ tiếp tục nói về những điều này ở các hệ quy chiếu tiếp theo.
2. Hệ quy chiếu của sự biến chất và trả giá khi tiến sĩ và giáo sư thành “tri thức salon”
Khi nói về “ tri thức salon”, tác giả Lê Thị Liên Hoan có một cái nhìn ghê gớm và không khoan nhượng. Tuy nhiên, cần tìm “cái lý tồn tại“ của hiện tượng này mới mong khắc phục được.
2.1. Do hoàn cảnh: Khi khá nhiều TS, GS không thực thi được thiên chức của mình như là công cụ phát triển KH&CN để thực thi các mục tiêu phát triển của xã hội như nêu ở điều 1 do xã hội chưa có nhu cầu hoặc chưa có cơ chế sàng lọc chất lượng các nhà khoa học thì hệ quả của nó thường là sự biến chất và biến tướng của chính các thành phần này.
Bằng cấp trở thành các cổ phiếu đặc biệt hùn vốn cho việc đầu tư thăng quan tiến chức hoặc thành thẻ VIP cho các hội nghị kiểu câu lạc bộ trưng diện và đánh bóng cá nhân bằng các phát biểu ồn ào. Nhưng nếu theo dõi hệ thống, sẽ thấy đấy chỉ là những đoạn ghi âm được phát đi phát lại khá nhiều lần.
2.2. Do truyền thống văn hóa chuộng bằng cấp: Từ trong truyền thống của người Việt, mục tiêu của việc học hành, thi cử là giật lấy mảnh bằng, đỗ đạt làm quan cho vinh thân, phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ.
Trong tâm thế của người Việt, cái sự học không phải để hành, để làm ra sản phẩm giúp ích cho đời. Ngay cả Văn Miếu nổi tiếng cũng chỉ đề cao sự học, sự đỗ đạt làm quan ăn lộc vua ban chứ ít nói đến sự hành, sự đóng góp cụ thể của các bậc sĩ phu ấy cho sự phát triển mang tính cải cách khai sáng cả một dân tộc kém phát triển trong suốt thời phong kiến lạc hậu.
Chẳng thế mà ở ta, thày luôn nhiều hơn thợ. Nhiều năm, con đường duy nhất của hàng triệu học sinh phổ thông là thi vào đại học và đi làm quan chức nhà nước. Người ta sẵn sàng học suốt đời để lấy các bằng cấp thật cao như TS, TSKH mà ít lo xem phải làm gì khi mang mảng bằng đó ở trên đời.
Vậy “trí thức salon” Việt Nam có thể có truyền thống và nguồn gốc sâu xa hơn nhiều và giải quyết nó không thể bỏ qua yếu tố tâm lý, văn hóa truyền thống cũ kỹ của dân tộc.
3. Hệ quy chiếu quyền lợi và nghĩa vụ
Đây là phần tranh luận sôi nổi nhất, nhưng tiếc rằng, không thể là điểm gốc để giải quyết các vấn đề có liên quan.
Một bên ủng hộ các TS ngoại bức xúc về chế độ làm việc và đãi ngộ, ủng hộ họ đi làm cho nước ngoài. Một bên kêu gọi sự hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước với tất cả sự hăng hái của mình.
Có nhiều thí dụ rất đời thường và sống động được dẫn ra: TS, PGS đi làm cục phó, nhưng vẫn đào tạo nhiều chuyên gia giỏi và tổ chức cơ sở nghiên cứu riêng; sau khi tập trung “chơi chứng khoán” được đôi chục tỷ, hai vợ chồng tiến sĩ nọ ra nước ngoài sống và làm việc; những bức xúc về môi trường làm việc chứ không đơn thuần về tiền lương, v.v... Có thể hiểu và thông cảm, nhưng có nước nào đào tạo TS chủ yếu để đi làm quan chức hoặc kinh doanh không và nếu kế hoạch 2 vạn TS thành công thì VN sẽ làm gì với họ cho có hiệu quả?
Chúng ta có nhầm lẫn một lần nữa ở đây giữa phương tiện và mục đích?
3.1. Khi hệ quy chiếu 1 không được giải quyết triệt để theo “Nguyên tắc cơ bản mang tính quy luật là “cái tài TS “ tự nó phải có giá, và xã hội cũng phải có nhu cầu và sẵn sàng trả giá cho nó”, thì không có cơ sở để giải quyết mối tương quan quyền lợi và nghĩa vụ. Khi chưa xác định rõ mục đích thì phương tiện dù có tốt đến mấy cũng chỉ là trả giá đắt mà thôi.
3.2. Cách tư duy phải hy sinh cái này cho cái kia, đặt các quyền lợi hoặc nghĩa vụ đối kháng với nhau thực ra rất lạc hậu, dễ gây ra sự phân rã các nguồn lực và không giúp cho một dân tộc trưởng thành, một đất nước phát triển và con người sống nhân bản hơn.
Tại sao không áp dụng cơ chế win- win cho tất cả: cá nhân, cộng đồng và đất nước trên cơ sở nhất thể hóa các lợi quyền và nghĩa vụ của các thành phần xã hội?
Từ lâu thế giới đã đi theo con đường như vậy và nhiều nước đã gặt hái được những thành công và phát triển rực rỡ. Bao giờ Việt Nam có được nhận thức, cơ chế và môi trường cho giải pháp này?
Nếu không, sẽ tiếp tục có: sự chảy máu chất xám (thứ mà ta chưa dùng được hoặc chưa muốn dùng), sự “tị nạn giáo dục” đáng buồn cho một dân tộc có tiềng là hiếu học, sự biến chất của con người: tiến sĩ sẽ không còn là tiến sĩ nữa (không gắn bó với nghiên cứu khoa học và đào tao, thích làm quan chức và kinh doanh hơn), hoặc tri thức biến dạng thành “tri thức salon”.
• Nguyễn Hoàng
Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201004/Tien-si-62-tuoi-tranh-luan-ve-TS-ngoai-tri-thuc-salon-903098/
 
Xã hội sẵn sàng 'trả giá' cho cái tài của tiến sĩ?
Cập nhật lúc 06:56, Thứ Năm, 08/04/2010 (GMT+7)
....
Ở các nước phát triển, nhu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm mới rất cao mang tính sống còn. Nguồn lực đầu tư khổng lồ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chủ yếu đến từ các công ty tập đoàn kinh tế tư nhân (thường chiếm khoảng 90% tổng mức đầu tư) và từ ngân sách nhà nước (thường chiếm dưới 10%).
Có thể so sánh như thế này: Một công ty đa quốc gia như Samsung có nhu cầu đầu tư nghiên cứu phát triển là 2.600-3.000 triệu USD/ năm.
Trong khi đó, toàn bộ ngân sách (tiền thuế của dân) của Bộ KH&CN VN cho hoạt động của tất cả các ngành khoa học và công nghệ của một nước 85 triệu dân là khoảng chưa đầy 2% GDP mà đôi khi không dùng hết (ước khoảng 500 triệu USD/ năm). Nhu cầu và khả năng đầu tư cho KHCN của khu vực tư nhân Việt Nam, ngược lại, còn rất nhỏ bé, chủ yếu là ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến của thế giới.
Như vậy, nhu cầu và khả năng đầu tư của đất nước cho lĩnh vực này còn quá hạn chế (nếu đem so sánh chỉ bằng một phần của một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc) chủ yếu dựa vào ngân sách ít ỏi của nhà nước.
Từ đó, còn nhiều bất cập giữa phương tiện và mục đích. Ta có thể hiểu các TS, GS của VN chưa thể có công trình khoa học xứng đáng cả về lượng và chất.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201004/Tien-si-62-tuoi-tranh-luan-ve-TS-ngoai-tri-thuc-salon-903098/
Các bạn cho mình hỏi, không biết ngành công nghệ sinh học của nước ta thì nhu cầu và khả năng đầu tư của xã hội có giống với những gì tác giả phân tích không nhỉ?
 
Chạy theo bài báo khoa học?

Chạy theo bài báo khoa học?
Nhiệm vụ chủ yếu của các trường ĐH là đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu khoa học là hoạt động cần thiết để nâng cao hiệu quả đào tạo nhưng không thể đặt lên hàng đầu.
Nếu các giảng viên tập trung vào việc nghiên cứu khoa học, cố viết nhiều công trình có thể đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín, đi dự các hội nghị khoa học quốc tế... để được điểm tốt trong các đợt xét công nhận giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) thì tôi e rằng hiệu quả đào tạo sẽ gặp vấn đề. Có người nói rằng GS của ta chỉ có một số ít người xứng tầm thế giới.

Điều đó có thể đúng và có một số sinh viên nói rằng: “Chúng em chỉ được nghe các GS không xứng tầm giảng bài, còn chưa bao giờ được nghe các GS xứng tầm”. Tôi trả lời rằng các GS xứng tầm thường giảng bài ở nước ngoài hoặc đi dự hội nghị, hội thảo nên... đành vậy. Thật là may, nếu tất cả các GS ta đều có tầm cỡ thế giới thì không biết lấy ai giảng bài cho sinh viên ta?

Lực lượng giảng viên trẻ hiện nay khá đông đảo, phần lớn có bằng thạc sĩ và thường đang cố gắng lấy bằng tiến sĩ (TS). Và đó cũng là lực lượng đứng lớp giảng bài. Khuyến khích họ làm TS, PGS, GS, nâng cao thành tích nghiên cứu khoa học là đúng nhưng cũng cần khuyến khích họ nâng cao thành tích giảng dạy, mang lại hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo. Một số nhà khoa học đưa ra những con số thống kê để chứng tỏ tình hình nghiên cứu khoa học của ta là thấp kém, nào là số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, bằng 1/6 so với Singapore, trung bình mỗi GS mỗi năm chưa có đến một bài báo, số phát minh được cấp bằng sáng chế rất ít...

Điều đó là đúng để chúng ta thấy mình đang đứng ở vị trí nào về nghiên cứu khoa học. Nhưng từ đó không nên đi đến kết luận là các giảng viên ĐH cần phải tập trung cao độ nghiên cứu khoa học để có thể nâng số bài báo nhiều lần. Không nên khuyến khích việc có bài đăng trên tạp chí quốc tế bằng cách thưởng cho mỗi bài báo số tiền tính bằng USD, như quyết định của Bộ GD-ĐT. Chúng ta đã có một hệ thống viện nghiên cứu, mà nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu khoa học và cũng khuyến khích họ tham gia giảng dạy ĐH.

Trong tình hình hiện nay, trường ĐH cần tập trung cao độ về đào tạo, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học để đưa vào bài giảng những kiến thức hiện đại, cập nhật kết quả mới nhất... Ngay cả việc xem xét chức danh GS, PGS cũng phải phân biệt hai ngạch: ngạch nghiên cứu và ngạch giảng dạy. Trong ngạch giảng dạy cần xét đến những thành tích về đào tạo như: số lượng sinh viên được đào tạo, số các sách tham khảo, chuyên đề đã công bố, số luận văn cao học, luận văn TS đã hướng dẫn...
GS Văn Như Cương
Nguồn trích dẫn.
 
Tham nhũng học thuật
Chỉ riêng vụ "luộc" hai cuốn sách Nguyên lý bảo hiểm và Tài chính quốc tế của Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đã có tới 7 giảng viên của Khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM can dự (chiếm 32% tổng số 22 giảng viên của khoa).
> Trí thức như vậy sao ?
> Kẻ thù của nghiệp trồng người
Thực ra, đây chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi, còn những vụ “luộc” sách tinh vi hơn đang diễn ra hà rầm trong cuộc sống hiện nay thì không thể kể hết.
Vì sao hiện tượng “đạo văn” trong giới sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, đặc biệt là trong giới học thuật là những nhà giáo đáng kính, nở rộ trong thời gian gần đây? Có nhiều lý do, dưới đây là một số lý do chính:

Một là, do chiến lược phát triển và phổ cập giáo dục ĐH đang bộc lộ những bất cập nghiêm trọng cần phải chỉnh sửa. Hàng loạt trường ĐH “ba không” (không đủ giảng viên, không có hệ thống giáo trình, không đủ cơ sở vật chất) mọc lên như nấm sau mưa nên “tham nhũng học thuật” là cứu cánh duy nhất để thành trường “dở sống dở chết”. Dở sống dở chết, thà vậy còn hơn trường “ba không”, coi bằng như chết. Dở sống dở chết cũng được, miễn là tồn tại để có sinh viên thu học phí, vẫn lãi to!

Hai là, bệnh thành tích và háo danh đang hoành hành. Ngày nay, muốn tiến thân, đối với nhiều người, cách duy nhất là có học hàm, học vị thật kêu. Mà cũng chỉ cần kê khai thật nhiều công trình là xong, không cần biết chất lượng ra sao. Nhiều vị mang danh chủ biên đáng kính nhưng thực tế chỉ toàn sai cấp dưới làm.

Ba là, chiến lược phát triển 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 cũng đã góp phần khiến tệ nạn “đạo văn” ngày càng đến mức không thể kiểm soát. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định rằng với thực trạng giáo dục hiện nay, đây là kế hoạch không khả thi chút nào; chỉ khả thi với điều kiện chúng ta thả lỏng chất lượng, mặc cho các tiến sĩ tương lai đạo văn thế nào không cần biết.

Bốn là, kinh doanh giáo dục đang trở thành khuynh hướng báo động. Hiện rất nhiều người đang xem giáo dục là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, muốn có lợi nhuận phải có vốn ứng trước. Thế là các trường ĐH “ba không” tiến hành rút ruột giảng viên từ các trường công lập để có “vốn con người”. Nhưng rút ruột nhanh nhất là “đạo văn” để có “vốn giáo trình”.

Cuối cùng, chỉ cần kiếm thêm vài mặt bằng để có “vốn vật chất”. Hiện đang có quan điểm sai lầm rằng chúng ta nên lựa chọn một số trường ĐH công lập để cổ phần hóa. Không nên triển khai chủ trương này. Muốn đất nước tiến nhanh và sánh vai cùng cường quốc năm châu, cách duy nhất là Nhà nước phải tăng cường đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa thay vì chỉ nghĩ đến chọn kinh doanh giáo dục hoặc cổ phần hóa giáo dục làm lối đi.
GS-TS Trần Ngọc Thơ
(Nguồn trích dẫn)
 
Biện minh cho đạo sách !

Wednesday, May 5, 2010
Biện minh cho đạo sách !
Hôm qua, có 3 bạn đọc gửi email bàn chuyện đạo văn. Hai bạn đồng ý cho tôi post lên mạng, còn một bạn nói thôi. Bạn HY “biện minh” cho đạo sách và có một ý hay hay. HY nói rằng thà các giáo sư dỏm dịch sách nước ngoài làm giáo trình để dạy, chứ để họ tự viết sách thì sẽ rất nguy hiểm vì họ có thể viết sai.

Bạn Quý cũng có ý kiến chung quanh việc giáo sư đạo sách, nhưng em này có cái nhìn bi quan hơn.

Thôi, tôi mời các bạn đọc. Tôi sẽ quay lại đề tài này nay mai. Bây giờ phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” rồi.

NVT
===

Anh Tuấn này! Đúng là sách giáo trình ở VN toàn là “chôm” của người ta không hà. Em nghĩ ông GS T rất dại khi la làng lên như vậy. :) Ví dụ ở khoa em, mấy anh cũng dịch từ sách nước ngoài, rồi chêm thêm một số ví dụ minh họa của mình rồi in thành sách! Người ta in sách để đối phó tính điểm nhận chức phó giáo sư và giáo sư thôi anh à.

Ở VN mình được mấy ai có đủ tầm cỡ, bề dày nghiên cứu và khảo cứu để viết sách? Mình thiếu từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Chưa kể nhiều giáo sư không đọc rành ngoại ngữ nữa, dịch được sách cũng xem là "có cố gắng" rồi; nếu không, họ mà tự viết thì còn nguy hiểm hơn nữa. :)

Vậy anh hãy xem như "Copy" là hình thức sáng tạo bậc thấp vậy. :). Em nhớ, trong phương pháp luận sáng tạo, copy được xếp là bậc 5, bậc thấp nhất, có điều là nó kèm theo điều kiện phải biết áp dụng vào đúng context :).

H.Y.

===

Thầy Tuấn kính,

Thầy hỏi còn bao nhiêu sách giáo khoa cấp đại học ở VN là sách đạo? Thầy đã phân tích tình hình công bố quốc tế của giáo sư mình rồi mà còn hỏi như thế thì em hơi ngạc nhiên. Hay Thầy giả bộ? :) Xin trả lời Thầy là đại đa số.

Giáo sư mình có làm nghiên cứu đâu mà đủ trình độ để viết sách giáo khoa! Thầy thử đi tìm mấy cuốn sách nội khoa hoặc sách ngoại khoa đi. Thầy sẽ thấy toàn là sách dịch, mà dịch có khi không chính xác vì giáo sư mình làm gì có đủ chuyên sâu để hiểu. Thầy thử lấy vài cuốn về sinh học phân tử đọc xem, vui lắm, ngớ ngẩn lắm.

À, còn chưa nói đến những bài nói chuyện cho các công ty dược của các thầy cô mình cũng toàn là ăn cắp. Thầy biết không, có lúc chính em soạn slides cho mấy thầy cô mà, nên em biết tỏng trình độ của mấy thầy cô mình.

Tình hình học thuật của VN mình là bótay.com rồi Thầy ơi.

Quý
(Nguồn trích dẫn)
 
Vai trò của tư duy phản biện trong học tập ở bậc đại học

Vai trò của tư duy phản biện trong học tập ở bậc đại học
Thứ năm, 20 Tháng 5 2010 08:58


Hôm qua, tôi đã giới thiệu các bạn bài phỏng vấn Gs Huỳnh Hữu Tuệ về chất lượng giáo dục đại học. Hôm nay, tôi tiệp tục giới thiệu bài thứ 2 của anh Tuệ, bàn về phản biện trong giáo dục đại học. Thật ra, bài này cũng có bàn về vấn đề ngụy biện mà tôi đã post một bài trước đây trên trang web này. Mời các bạn theo dõi.

Học là gi? Học chính là quá trình thu thập và chắc lọc kiến thức (cả về thông tin cơ bản và phương pháp luận) một cách có hệ thống và biến nó thành máu thịt của mình. Như thế học là một hoạt động thường trực, trong lúc còn là sinh viên và ngay cả lúc đã ra đời. Nhờ đó, học tập giúp con người có đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để đánh giá và lấy quyết định, và như thế giúp con người nâng cao khả năng đối diện với các vấn đề mà cuộc đời đặt ra, dù là trong lĩnh vực chuyên môn hay trong lĩnh vực xã hội. Để đạt dược mục tiêu đó, trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần nắm vững phương pháp học tập để tôi luyện bản lĩnh cá nhân, xây dựng động lực học tập giúp cá nhân càng ngày càng trở nên tích cực hơn, và chấp nhận trách nhiệm của mình đối với bản thân và đối với xã hội. Học thật sự để trở thành một người có khả năng tư duy độc lập, nâng cao khả năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, để trở thành một người hữu ích cho xã hội. Khả năng sáng tạo phụ thuộc khá nhiều vào tố chất cá nhân; nhưng tư duy độc lập và tư duy phản biện lại phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đào tạo và học tập của môi trường giáo dục.

Học tập giúp sinh viên phát triển đời sống trí tuệ của mình; hoạt động trí tuệ lại là cơ sở của khả năng tư duy độc lập và tư duy phản biện. Như thế, chất lượng tư duy phụ thuộc chặc chẽ vào quá trình phát triển trí tuệ. Có nhiều mô hình về quá trình phát triển trí tuệ; tuy nhiên tất cả mô hình đều có một số điểm cơ bản giống nhau, được chia ra một số giai đoạn (W. G., Jr. Perry, Forms of intellectual and ethical development in the college years: A scheme. Holt, Rinehart & Winston, New York, 1968, được trích dẫn lại trên trang Web http://www.cmu.edu/teaching /index.html, thuộc Đại học Carnegie Mellon)

Giai đoạn 1 đối ngẫu (dualism): trong giai đoạn phát triển sơ khởi này, sinh viên thường nhìn cuộc đời dưới dạng tốt-xấu, trắng-đen; và trong suy nghĩ của sinh viên ở giai đoạn này, kiến thức thu thập là rõ ràng minh bạch, không có mập mờ; học tập đơn giản chỉ là một quá trình trao đổi thông tin. Đối với họ, người thầy giảng bài tức là trình bày những kiến thức mới dưới dạng sự kiện; và sinh viên chỉ cần học thuộc lòng là hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ở giai đoạn đối ngẫu này, sinh viên sẽ bức xúc nếu người thầy cho những câu trả lời có điều kiện, hoặc là không trả lời mà lại đặt ra những câu hỏi khác.

Giai đoạn 2 đa dạng (muliplicity): giai đoạn kế tiếp bắt đầu lúc sinh viên nhận thức được rằng ngay những chuyên viên cao cấp có lúc cũng chưa hẳn đồng ý với nhau trên một số vấn đề và đôi lúc còn hoàn toàn có quan điểm đối lập nữa. Đối với sinh viên ở giai đoạn phát triển này, mọi chuyện đều phục thuộc vào viễn ảnh và ý kiến cá nhân. Họ cãm thấy đủ sức để tự mình suy nghĩ, và cũng đủ sức để đặt lại vấn đề về những kiến thức do người thầy truyền đạt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, người sinh viên chưa hẳn đã đủ sức để đánh giá những cái nhìn khác nhau, và hẳn cũng chưa đủ sức để đưa ra những lập luận nhằm khẳng định quan điểm của mình. Và ở giai đoạn này, sinh viên xem đánh giá của người thầy đối với cá nhân mình là hoàn toàn có tính chủ quan.

Giai đoạn 3 tương đối hóa (relativism): trong giai đoạn phát triển tương đối phức tạp tiếp theo, sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng của chứng cớ và lý luận lúc tìm cách nâng cao tính thuyết phục quan điểm của mình. Người sinh viên ở giai đoạn này chấp nhận người khác có thể không đồng ý với cái nhìn của họ; và ngay cả ý kiến của lãnh đạo cũng cần được phân tích và phản biện cẩn thận, chứ không nhất quyết là nhắm mắt tuân thủ tuyệt đối. Cũng như ở trong các giai đoạn trước, bây giờ họ có thể có những suy nghĩ quyết liệt; tuy nhiên những suy nghĩ này đã được họ phân tích và đánh giá một cách nghiêm túc. Ở giai đoạn này, sinh viên bắt đầu nhìn thầy của mình với một cặp mắt khác: người thầy là một người hướng đạo có trình độ và cũng là một người đồng hành trong lĩnh vực tư duy trao đổi ý kiến, chứ không phải là một người lãnh đạo không hề có sai lầm, mà cũng không phải chỉ là một người nào đó có quan điểm khác mình.

Giai đoạn 4 chấp nhận trách nhiệm của một trí thức (commitment): theo Perry, giai đoạn cuối của quá trình phát triển trí tuệ không phải là bước nhảy vọt về mức độ phức tạp của trí tuệ, mà đúng hơn là cách tiếp cận vấn đề; áp dụng tất cả những kiến thức thu lượm được trong giai đoạn tương đối hóa để đưa ra những lựa chọn hay những quyết định dựa trên những phân tích và tư duy phản biện.

Theo Baxter-Magolda (M.B. Baxter-Magolda, Knowing and reasoning in college: Gender-related patterns in students' intellectual development, Jossey-Bass, San Francisco, 1992) thì lúc sinh viên ghi danh vào đại học, mức độ trí tuệ của họ thấp hơn rất nhiều so với những gì ta hình dung, và trong quá trình học tập ở đại học (hệ thống 4 hoặc 5 năm), trí tuệ của họ cũng không phát triển đến mức độ mà ta hy vọng. Đồ thị sau đây, dựa trên một điều tra diện rộng trên toàn nước Mỹ, cho thấy mức độ phát triển trí tuệ của sinh viên.

Ta nhận thấy cách suy nghĩ đối ngẫu giảm đần và tư duy đa dạng phát triển theo thời gian; tuy nhiên cách tư duy tương đối lại phát triển khá chậm, không đạt đúng mức ta mong đợi.

Cố nhiên, kết quả học tập phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vừa chủ quan, vừa khách quan. Nhưng theo tôi, yếu tố chính yếu nhất vẫn là phương pháp học tập. Để trí tuệ được phát triển toàn diện, sinh viên phải có phương pháp học tập đúng đắn.

Nhìn lại mô hình phát triển trí tuệ của sinh viên, ta thấy khá rõ dấu ấn của tư duy phản biện (critical thinking) trong quá trình học tập. Như ta sẽ thấy, tư duy phản biện là phương pháp luận đúng đắn, là phong cách hữu hiệu của một trí thức lúc tiếp cận những vấn đề mà ta phải đối diện. Trong trao đổi ý kiến, trong tiếp nhận kiến thức mới, trong trường hợp phải đánh giá một quan điểm, một luận cứ, ta phải nhìn vấn đề với một đầu óc thoáng mớ, không thiên kiến. Phương pháp tư duy duy phản biện chính là công cụ giúp ta sử dụng toàn bộ kiến thức và trí tuệ để có một cái nhìn tổng hợp và chính xác về những vấn đề hay luận cứ ta quan tâm.

Một luận cứ thường được xây dựng trên những giả thiết được gọi là tiên đề. Từ tập hợp các tiên đề này, tác giả của luận cứ áp dụng các lý luận lôgíc hình thức để suy luận và đi đến một số kết luận. Lý luận lôgíc hình thức là một số qui tắc suy luận được các triết gia đúc kết suốt quá trình phát triển của con người, và hiện nay được xem là công cụ thiết yếu của lý luận trong tất cả mọi lĩnh vực; cố nhiên lý luận lôgíc hình thức là một bộ phận của tư duy phản biện. Tư duy phản biện giúp ta đánh giá luận cứ này, xem có chấp nhận hay cần loại bỏ nó. Về thực chất, tập hợp các tiên đề được xây dựng trên nền tảng kiến thức tích lũy của người đưa ra luận cứ. Như thế, nếu suy luận không phạm lỗi lôgíc hình thức, thì kết luận sẽ đúng nếu tiên đề là đúng. Từ đó, ta có thể thấy tư duy phản biện gồm những bước chính sau đây:

1) Đọc và theo dõi cẩn thận những bước đi của luận cứ nhằm xác định các tiên đề và các kết luận mà tác giả luận cứ nêu ra (trong trường hợp theo học một môn học mới, đây cũng chính là các kiến thức mới mà người thầy muốn sinh viên tiếp nhận).

2) Nếu trong luận cứ, ta thấy không có suy luận mà chỉ là những khẳng định (facts), thì luận cứ chỉ chứa đựng những thông tin, có thể chính xác hay sai lệch; như thế, ta có quyền không quan tâm đến những gì mà tác giả của luận cứ muốn thuyết phục người nghe.

3) Trong trường hợp suy luận của luận cứ không tuân thủ các qui tắc lôgíc hình thức, thì đây chỉ là một luận cứ ngụy biện (fallacy). Chữ ngụy biện trong tiếng Việt thường mang ý nghĩa xấu, tương ứng với tình huống người ta tìm cách thuyết phục người khác bằng cách nói dối một cách hùng hồn. Nhưng đúng ra, cũng có những lúc, người trình bày luận cứ không có ý muốn nói dối, nhưng chỉ phạm sai lầm trong lý luận mà thôi. Ngụy biện vô tình hay hữu ý có thể xuất hiện dưới rất nhiều dạng khác nhau; nếu ta muốn đánh giá chính xác một luận cứ, một trong những yếu tố quan trọng là phải hiểu rõ cấu trúc ngụy biện.

4) Cuối cùng, nếu suy luận của tác giả (hoặc người thầy) hoàn toàn chặc chẽ về mặt lôgíc hình thức, thì luận cứ được xem là đúng đắng.Vấn đề cuối cùng là xét xem có nên chấp nhận những tiên đề mà tác giả sử dụng trong luận cứ hay không. Đây là điểm mấu chốt của tư duy phản biện. Bởi vì nếu ta Chấp nhận tập hợp các tiên đề của luận cứ, tức là ta hoàn toàn chấp nhận kết luận của tác giả; nói cách khác, ta chấp nhận luận cứ. Ngược lại, nếu ta phủ nhận những tiên đề này có nghĩa là ta loại bỏ luận cứ đề ra, hay nói cách khác ta không chấp nhận những kết luận mà tác giả của luận cứ tìm cách thuyết phục ta (trong học tập, tức là từ chối hay chấp nhận những kiến thức mới như một thành phần của hệ thống kiến thức mà ta cần tích lũy trong quá trình học tập).

Cách đánh giá các tiên đề của một luận cứ, có nghĩa là chấp nhận hay từ chối những tiên đề mà tác giả của luận cứ sử dụng, phải dựa trên kiến thức đã đựơc tích lũy của mình, dựa trên kinh nghiệm và lòng tin cá nhân. Kiến thức phụ thuộc vào môi trường giáo dục, phương pháp giảng dạy của người thầy cũng như phương pháp học tập của sinh viên; kinh nghiệm phụ thuộc vào môi trường xã hội và cuối cùng là lòng tin lại phụ thuộc vào môi trường giáo dục gia đình.

Trong quá trình áp dụng phương pháp tư duy phản biện, bất cứ ở tại thời điểm nào, người sinh viên cũng phải sẵn sàng động não, suy luận và đánh giá; những hoạt động này sẽ tạo thành một phong cách tư duy, luôn luôn sẵn sàng lắng nghe, nhưng trước khi chấp nhận bất cứ ý kiến nào, người sinh viên phải chủ động phân tích và đánh giá. Hoạt động của não bộ theo phong cách này sẽ giúp sinh viên hình thành vững vàng tư duy duy độc lập và tư duy phản biện. Với tư duy độc lập và tư duy phản biện như nền tảng, và với kiến thức tích lũy thành hệ thống, sinh viên sẽ có điều kiện phát triển tư duy sáng tạo của mình.

Ta thấy ngay, kết quả của học tập và vận tốc phát triển trí tuệ phụ thuộc mạnh mẽ vào phương pháp học tập của sinh viên. Người nào nắm vững phương pháp tư duy phản biện, thì chất lượng học tập càng cao và trí tuệ càng phát triển vững chắc.

Huỳnh Hữu Tuệ

Phụ lục

Trên mạng Internet, có một địa chỉ của chủ biên J. Landsberger trình bày tất cả mọi khía cạnh cụ thể của một quá trình học tập có chất lượng. Độc giả quan tâm có thể kết nối đến địa chỉ của Study Guides And Strategies là http://studygs.net/

Độc giả cũng có thể làm quen nhanh chóng với tư duy phản biện tại địa chỉ sau đây http://www.criticalthinking.org/aboutct/ctquestionsanswers.cfm

Về cấu trúc ngụy biện, độc giả có thể tham khảo trang http://www.fallacyfiles.org/

(Nguồn trích dẫn)
 
Hiệu ứng Đỗ Việt Khoa: Ai sẽ là Người đương thời?

Hiệu ứng Đỗ Việt Khoa: Ai sẽ là Người đương thời?

Tác giả: Phạm Anh Tuấn
Bài đã được xuất bản.: 26/05/2010 06:00 GMT+7

"Muốn thắng nền giáo dục lạc hậu phải đánh vào chỗ mạnh nhất của nó". Đánh cho mất thăng bằng cái "chân trụ". Chân trụ của nền giáo dục lạc hậu là triết lý giáo dục- học vẹt. Học vẹt dẫn đến nạn dạy chay, nhồi sọ, áp đặt. Học vẹt dẫn đến loạn học thêm. Dẫn đến loạn sách tham khảo. Dẫn đến nạn thi cử, nạn gian lận thi cử. Dẫn đến nạn háo danh, háo thành tích.
"Nền giáo dục học vẹt"
Nền giáo dục hiện nay giống như một cơ thể đang ốm nặng. Nó ắt đã mắc một căn bệnh gì đó. Nhưng chắc chắn nó mắc một căn bệnh "nguyên thủy"- một khối u. Vì không được chữa trị tận gốc nên căn bệnh đó bung ra, lan ra, dẫn đến những bệnh thứ cấp khác, thể hiện ra ngoài bằng những triệu chứng. Có điều hiện nay chúng ta lại đang chăm chú nhìn vào những triệu chứng, triệu chứng của cả căn bệnh nguyên thủy lẫn các bệnh thứ cấp phát sinh "ăn theo".
Khối u nguyên thủy ấy là khối u gì? Chỉ biết rằng chữa trị khối u giáo dục khó gấp bội so với chữa trị khối u của cơ thể.
Giống như mọi sự chữa trị, việc đầu tiên là phải chữa trị cái ảo tưởng 'không có bệnh'. Ảo tưởng hay cũng chính là điệp khúc thông thường, phổ biến của ngành giáo dục- "đã đạt được những thành tích to lớn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khuyết điểm như thế, như thế..."
Ảo tưởng thứ hai là ảo tưởng 'có bệnh thì vái tứ phương'. Thấy ai mách có thuốc hay là đến liền, thuốc Đông, thuốc Tây! (người khác dùng được thì mình cũng dùng được!) Cứ chợt nghĩ ra cái gì thấy 'có vẻ được' là lập tức dấy lên một phong trào thi đua thực hiện!
Dovietkhoa1.jpg
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Ảnh: VnE
Một nhà tâm lý học giáo dục người Việt sống cùng thời với chúng ta có lần đã nói, "Muốn thắng nền giáo dục lạc hậu thì phải đánh vào chỗ mạnh nhất của nó". Đánh cho mất thăng bằng cái "chân trụ". Chân trụ của nền giáo dục lạc hậu là triết lý giáo dục- học vẹt. Học vẹt dẫn đến nạn dạy chay, nhồi sọ, áp đặt. Học vẹt dẫn đến loạn học thêm. Dẫn đến loạn sách tham khảo. Dẫn đến nạn thi cử, nạn gian lận thi cử. Dẫn đến nạn háo danh, háo thành tích.
Những học sinh được hưởng "nền giáo dục học vẹt" khi lớn lên nếu theo nghề sư phạm thì các em sẽ lại tiếp tục là những người thầy người cô làm việc theo triết lý học vẹt. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế tồn tại dai dẳng.
"Người đương thời" đang ở đâu?
Ai "đạp đổ" được cái chân trụ này và thay thế nó bằng một cái chân trụ khác, người đó chưa chắc được coi là một người "đương thời". Thậm chí có khi người đó còn bị những người cùng thời với mình cản trở hoặc phá bằng được. Nhưng người đó nhất định là một nhà cải cách giáo dục đúng nghĩa.
Trong khi chờ đợi "Người đương thời", chúng ta chẳng nên trách phương pháp giải quyết của thầy Đỗ Việt Khoa, không nên giễu cợt cái máy ghi âm tai quái, cái máy ảnh hay "săm soi" của thầy. Bởi chưng nhìn đi nhìn lại, nhìn cho thật kỹ hiện trạng giáo dục hiện nay thì thấy rằng chỉ có một vài người nói trúng hoặc đủ khả năng nói trúng phóc cái khối u nguyên thủy, cái căn bệnh chết người của nền giáo dục.
Thầy Khoa là một trường hợp của lương tâm. Không nghi ngờ gì nữa, thầy hoàn toàn xứng đáng được nhận sự quý trọng. Nếu may mắn thầy có thể tạo ra một hiệu ứng - hiệu ứng Đỗ Việt Khoa.
Nhưng cải cách giáo dục không đơn thuần là câu chuyện của lương tâm. Cũng không phải là chuyện cầu may.
(Nguồn trích dẫn)
 
Con đường nào để đi đến hiện đại?

Con đường nào để đi đến hiện đại?
Bộ trưởng Bộ Giao thông Hồ Nghĩa Dũng nói ông muốn làm ngay "đường sắt cao tốc" vì muốn "đi ngay vào hiện đại" [3].
Nhưng, không có đường tắt để "đi ngay vào hiện đại".
"Đi tắt đón đầu" thì bài học "đại nhảy vọt" của Trung Hoa hiện đại vẫn chưa đủ sao? Con đường đi đến hiện đại là con đường rải đầy chất xám, đầy mồ hôi và nước mắt của các dân tộc đã đến đích. Đó là con đường của vinh quang và cay đắng, không phải là con đường dành cho những dân tộc lười biếng trong hành động và dễ dãi trong tư duy.
Con đường hiện đại hóa không phải là con đường bằng phẳng. Chỉ có những dân tộc nào dám can đảm bước đôi chân trần lên những nẻo đường đầy chông gai của nó, vượt qua những sa mạc khổng lồ mà nó đi qua, leo những đỉnh núi "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" thì mới đủ tư cách trở thành một dân tộc hiện đại mà thôi.
Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong hồi ký "The Singapore story - from third world to first", đã kể rằng, khi đi thăm Mỹ năm 1966, ngay lúc Singapore mới bị bắt buộc phải tách khỏi Malaysia với vô vàn khó khăn, ông đã tuyên bố với các nhân vật quan trọng nhất của nước Mỹ rằng:
"Tôi đến đây không phải để cầm cái bát ăn xin"
Lý Quang Diệu dẫn dắt dân tộc Singapore "đi vào hiện đại" bằng tinh thần ấy, để rồi đến lúc về già, ông có thể kể cho hậu thế về "câu chuyện Singapore", câu chuyện của một đất nước "đi từ thế giới hạng ba đến thế giới hạng nhất" chỉ trong một thế hệ, câu chuyện khiến không ít người Việt phải thao thức vì được khai sáng một điều căn bản: "Trí tuệ lớn không thể sinh ra nếu thiếu lòng tự trọng. Và, con đường của những người hành khất không bao giờ là con đường thay đổi số phận".
(Nguồn trích dẫn)
 
Du học để “tị nạn giáo dục”

Các ông bố, bà mẹ hiện đại ở các đô thị đang có xu hướng “ấn” con đi du học càng sớm càng tốt? Xu hướng này phản ánh điều gì về tâm lý và sự thay đổi trong xã hội hiện nay?

Xin đừng quên người Việt mình rất chăm con, bất đắc dĩ người ta mới chịu xa con sớm và họ biết rõ, con mình sẽ “lóng ngóng” ở xứ người một thời gian dài.

Nhưng tại sao có tâm lý đua nhau cho con đi sớm ? Là vì cung cách của nền giáo dục không còn khiến người ta an tâm.

Tính hiếu học của người Việt đang bị thách thức. Những người có tiền không dại gì để con mình chịu đựng sự thể nghiệm mãi của những nhà cải cách và phải học theo kiểu “nhồi sọ” ở trường, lại còn phải học thêm học nếm mãi.
...
Liệu gia đình và chính các em HS đó có phải trả cái giá nào không?

Đừng có mà đùa dai với truyền thống hiếu học của người Việt. Sẽ còn đi nhiều, đi trống rỗng, đi bằng hết, nếu những người cầm trịch của chúng ta không giật mình thì sẽ không cứu vãn được làn sóng tị nạn này đâu.

Rồi sẽ có thêm những thế hệ Việt kiều không biết tiếng Việt, quê hương đất nước xa vời. Đừng nghĩ người Việt sẽ cố kết tình quê hương và đất nước như cộng đồng người Tàu. Chúng ta là những người Việt trần ai, rất dễ bời rời và mất gốc khi ở xứ người.

(Nguồn trích dẫn)
 
[FONT=&quot]Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có , mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện. ( Vijaya Lakshmi Pandit ) :chuan:

[/FONT]
 
“Chống tham nhũng trong giáo dục - có muốn làm thật không?”

Bà có thể giải thích rõ hơn cụm từ "phi thiêng liêng hóa giáo dục"?

Chúng ta hay nói ra rả về truyền thống "tôn sư trọng đạo". Bây giờ nên bớt thiêng liêng hóa truyền thống này. Bởi, bây giờ người ta chỉ hay bày tỏ "tôn sư" bằng hình thức quà cáp, chạy chọt, học thêm..., chứ không hiểu suy nghĩ thật của học trò về thầy cô giáo của chúng, kinh khủng lắm. Hằng ngày các em đối diện với sự thật "tầm thường" trong quan hệ thầy - trò, các em sẽ bị rối loạn trong nhận thức giữa cái hư ảo và thực tế. Gia đình tôi cũng 5, 6 đời làm giáo dục. Tôi hiểu, rất nhiều giáo viên đáng kính trọng, nhưng trong cái nhiễu nhương hôm nay họ bị trộn lẫn, bị mờ khuất, đau lòng lắm. Việc thể hiện tình nghĩa thầy trò, dù chỉ bằng một món quà dễ "lập lờ đánh lận con đen" giữa sự kính trọng biết ơn thật với sự hối lộ. Thế giới không ai kính trọng thầy cô giáo kiểu như mình cả.

(Nguồn trích dẫn)
 
GS.TS NGUYỄN VĂN TUẤN: “Trên hết, tôi là một người con đất Việt”

Ông có thể tiết lộ “bí quyết” tự vươn lên cho các bạn trẻ?

Thật ra thì không có bí quyết gì cả, tùy hoàn cảnh mỗi người mà ứng phó thôi. Khi tôi mới sang Úc, tiếng Anh lôm côm, công việc chưa có, làm gì để vươn lên là một câu hỏi lớn. Bây giờ nhìn lại quãng đường mình đi qua, tôi thấy có thể chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn trẻ và những người đi sau.

Trước hết là phải phấn đấu vượt trội. Để vượt trội hơn người khác thì chỉ có hai cách. Một là làm việc có hiệu quả và thông minh hơn họ; hai là nếu không thông minh hơn thì phải làm việc nhiều hơn. Để có nhiều thì giờ cho công việc, chúng ta cần phải hi sinh một số nhu cầu cá nhân, hạn chế những tiệc tùng, giao tiếp không cần thiết. Rồi phải có mục tiêu rõ ràng và kiên trì. Tôi có thói quen mỗi sáng viết ra những việc mình cần làm hôm nay và để danh sách ấy trên bàn, đặng nhắc nhở mình.

Phải biết nắm lấy phương pháp, vì có phương pháp trong tay cũng có nghĩa là mình có một thế đứng bậc trên khi cạnh tranh với người khác. Bên cạnh đó, để thành công trong khoa học, mỗi người cần chọn cho mình một người thầy giỏi. Những người thầy có tiếng thường chỉ làm những nghiên cứu lớn, và do đó, làm cho họ cũng có nghĩa là chúng ta làm quen với cách suy nghĩ lớn. Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng là một môi trường rất tốt để giao lưu với những nhà khoa học giỏi.

Tiếp nữa là biết làm việc theo nhóm và hợp tác, để có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp lẫn nhau, và nhất là phát triển ý tưởng mới liên ngành; qua đó, nâng cao “năng suất” khoa học.

Cuối cùng và đương nhiên là tiếng Anh. Trong khoa học, tôi không ngần ngại mà nói rằng tiếng Anh là một chìa khóa thành công, bởi vì phần lớn các tập san khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Anh.

(Nguồn trích dẫn)
 
Bệnh thành tích khó chữa quá

Bệnh thành tích khó chữa quá

Bạn có biết tại sao người ta hô hào về chuyện xoá bỏ bệnh thành tích trong giáo dục không? Có người đã nói rằng "Một thầy thuốc kém có thể làm nặng thêm bệnh cho bệnh nhân, thậm chí có thể làm hại tới sinh mạng một vài người bệnh. Thế nhưng người giáo viên kém thì cứ mỗi năm lại giết chết một thế hệ học trò".

Bởi vậy việc đẩy lùi căn bệnh thành tích là phải làm một cách khoa học, thật triệt để. Cách đây một thời gian không phải là xa xôi gì, người người và nhà nhà thầm cám ơn sự mạnh tay của người lãnh đạo khi xiết chặt quản lý trong thi cử. Và kết quả thì ra sao mọi người đều biết, có những trường chỉ có được một lượng học sinh rất ít đỗ tốt nghiệp.

Còn năm nay ư? Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lại cao vượt trội. Nếu nói là không tự hào thì không phải, con em mình giờ học giỏi mà, thông minh và đầy trí tuệ. Nhưng một con quạ hoá công trong một sớm một chiều thì khó quá.

Ngồi một quán nước mà nghe mấy cô cậu học trò trò chuyện với nhau thì mới ngã ngửa ra. Trong phòng thi các em lại được tha hồ chép bài của nhau và quay cóp. Để được vậy, các em phải đóng tiền và được giám thị trong phòng thi nhẹ tay cho. Và những khuôn mặt vừa bước ra khỏi cổng trường cấp 3 đã gọi thầy cô "Lão ấy ngồi ở cửa phòng. Cứ thanh tra đi qua thì lão ấy lại nhắc để chúng tao ngồi yên".

Thi cử giờ là vậy đấy. Lại căn bệnh trầm kha quay lại. Người ta thấy nếu để tỷ lệ học sinh trượt cấp 3 quá cao thì thành ra đào tạo đội ngũ cán bộ giáo dục đã thiếu lại yếu. Bệnh thành tích là căn bệnh mãn tính và chữa mãi không khỏi. Hỏi tới bao giờ mới chế được phương thức hữu hiệu?

(dactanhang)
(Nguồn trích dẫn)
 
Một văn bản cổ xưa vừa tìm thấy

Tác giả: TRỰC NGÔN
Bài đã được xuất bản.: 18/06/2010 06:00 GMT+7

Với 2.400 chữ của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tựa đề "Bốn năm giáo dục qua các con số", năm người bạn tôi đều là giáo viên ở các cấp từ PTTH đến Đại học đều cười và nói: "Bài viết này giống một bản báo cáo thành tích cách đây nhiều năm của ngành giáo dục". Còn tôi, tôi gọi đó là "văn bản cổ xưa vừa tìm thấy trong... máy vi tính".
Những gì ngành giáo dục đã làm thiết nghĩ nhiều người đều biết cả, đặc biệt những người công tác trong ngành giáo dục. Tôi không hiểu ông Thứ trưởng kia viết bài báo này và gửi bài báo này để in lên báo làm gì???

(Nguồn trích dẫn)
 
Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tăng lương GV gấp 2,1 lần!

images403534_1.jpg


Mấy năm trước, các nhà giáo chúng ta rất phấn khởi khi Bộ GD&ĐT tuyên bố “năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương của mình”. Tuy vậy, có người tin, có người không tin…

Bây giờ đã là giữa năm 2010. Vừa rồi đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ GD&ĐT về vấn đề này và Bộ đã trả lời: So với năm 2006 thì tiền lương giáo viên năm 2010 đã tăng lên gấp 2,1 lần. Ví dụ một Giáo viên tốt nghiệp Đại học ra trường năm 2010 có mức lương 2.306.000 đồng. Nếu có thâm niên 10 năm thì mức lương là 3.300.000 đồng.

Có giáo viên cho rằng với mức lương như thế cũng sống được, cũng có người cho rằng không sống được…

Thưa các thầy cô giáo mới ra trường!

Theo thiển ý của tôi thì các thầy cô hoàn toàn có thể sống bằng mức 2.306.000đ/tháng, nếu biết cách ăn tiêu cho khoa học, theo truyền thống thắt lưng buộc bụng... Sợ các thầy cô còn trẻ quá chưa có kinh nghiệm quản lí quỹ lương của mình, nên tôi muốn các thầy cô đọc mấy lời khuyên sau đây của tôi, một nhà giáo già có kinh nghiệm lâu năm trong việc sống bằng lương thầy giáo:


Trước hết, về nhu cầu ăn, chúng ta cần thấm nhuần câu cách ngôn tuyệt vời: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Chúng ta có thể ăn ngày ba bữa: buổi sáng 5 ngàn, buổi trưa 15 ngàn, buổi tối 15 ngàn. Thế là một ngày chi cho việc ăn là 35 ngàn, một tháng vị chi là 1.050.000 đ. Như thế cũng là khá lắm rồi, nếu chúng ta biết rằng nhiều nhà máy cho công nhân ăn bữa trưa một bát mì giá chỉ 5 ngàn mà thôi.

Tuyệt đối không nên uống bia, uống rượu vì rất tốn tiền, rất có hại cho sức khỏe, và nhất là rượu vào lời ra ảnh hưởng đến tư thế tác phong của thầy giáo. Tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội, mát mẻ và vệ sinh lắm.

Sau chuyện ăn uống là chuyện ở. Cũng nên nhớ là “ăn hết nhiều chứ ở thì hết bao nhiêu” để mà đừng chi quá nhiều cho chuyện ở. Nếu chưa có nhà ở thì cố nhiên tạm thời phải đi thuê, rồi ta sẽ góp tiền dần dần để mua nhà giá rẻ. Cố tìm mà thuê lấy một căn phòng bình dân với giá khoảng 1 triệu đồng một tháng, nhưng nên rủ thêm một thầy giáo cùng giới ở chung cho vui, cho có bạn cùng đàm đạo nhân tình thế sự. Vậy là ta chỉ tốn 500.000đ cho khoản ở.

Về phương tiện sinh hoạt và làm việc thì cũng nên mua lấy cái quạt, nhưng đừng cho nó chạy nhiều quá, phải chú ý đến tiền điện. Khoản tivi thì có thể xem nhờ nhà nào đó nếu người ta dễ tính và mến khách. Máy vi tính thì cố gắng chờ đợi, tôi tin chắc rằng đến một lúc nào đó, Bộ sẽ phát không cho thầy giáo mỗi người một cái (hôm nay đọc báo, thấy học sinh tiểu học ở Uruguay được phát không máy tính rồi). Còn khoản điều hòa nhiệt độ thì đừng nghĩ đến, đó là chuyện dành cho tương lai. Nên cố gắng chỉ chi khoảng 100.000 đ cho tiền điện, tiền nước, tiền bột giặt, xà phòng tắm, xà phòng đánh răng…

Vấn đề trang phục nên hết sức giản dị, không nên chạy theo thời trang; nhà giáo thì phải ăn mặc đứng đắn để làm gương cho học sinh. Nên mặc quần áo mầu sẫm để đỡ tốn bột giặt. Giầy dép, áo vét , áo da… nên mua hàng Tàu giá rất rẻ so với hàng Việt.

Nếu chưa có xe máy thì đừng mua vội. Xe đắt mà giá xăng tăng theo tốc độ lớn hơn lương tăng. Nên mua vé ô tô tháng để đi dạy, chỉ dăm chục ngàn một tháng là nhiều. Nếu không tiện thì nên mua một cái xe đạp Xuân Hòa, đi làm bằng xe đạp là cách tập thể dục tốt nhất.

Đừng mua sách, mua báo làm gì, đến trường tranh thủ vào thư viện mà đọc báo ngay ở đó, còn sách thì mượn về nhà mà đọc.

Đừng mua vé xem phim, xem kịch, mất thì giờ vào trò nhảm nhí, nhố nhăng… lại khổ vì nóng nực và đông người.

Có đám tang thì nên đi vì nghĩa tử là nghĩa tận, còn đám cưới thì cố mà trốn (lấy cớ là bận dạy, hoặc bận đi họp, hoặc phải về quê…). Một tháng mà đi dự vài ba tiệc cưới là tiêu đời rồi đó.

Một điều hết sức quan trọng là hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe bằng cách sống điều độ và thanh đạm. Cương quyết “nói không” với đau ốm, bệnh tật…, “nói không” với bệnh viện, với bác sĩ với thuốc men…. Nếu không “nói không” như thế thì khó mà sống bằng lương.

Với cách phân bổ quỹ luơng như trên, tính toán lại tôi thấy mỗi tháng các thầy giáo mới ra trường sẽ phải chi không đến 2 triệu đồng, vẫn còn thừa ba đến bốn trăm ngàn đồng để gửi vào sổ tiết kiệm và mua vài cái vé sổ số…

Cố nhiên tính toán trên chỉ đúng đối với các thầy cô giáo chưa xây dựng gia đình, chưa có con cái, không phải nuôi bố mẹ già đau ốm, không phải giả tiền vay của nhà nước để học đại học, không phải đóng học phí cho em…

Đối với các trường hợp sau thì phải điều chỉnh cho phù hợp hoàn cảnh thực tế. Chẳng hạn ăn sáng thì có thể xơi vài củ khoai lang, bắp ngô luộc, hoặc cùng lắm là một gói mì ăn liền; hai bữa ăn trưa và ăn chiều có thể giảm từ 15 ngàn xuống 10 ngàn… có nghĩa là “liệu cơm mà gắp mắm”.

Dẫu sao cũng phải cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng lương cho chúng ta gấp 2,1 lần so với năm 2006. Thế là chúng ta có thể cố mà sống bằng đồng lương của chính mình, chứ không phải bằng lương của… ai khác.
Nhà giáo Văn Như Cương



(Nguồn trích dẫn)
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,548
Members
56,922
Latest member
188bettone
Back
Top