Chất độc màu da cam

Chúng ta không thể vô cảm trước nỗi đau dân tộc mình


Trang web petitiononline.com/AOVN đến 8 giờ 52 phút sáng 5-8 mới có 29.342 chữ ký
Tôi thật sự biết nhìn lại chính mình sau khi đọc bài viết “Chúng ta có vô cảm không?”. Bài báo nêu câu hỏi về tình cảm và thái độ của chúng ta - những người được coi là trẻ tuổi năng động nhất của đất nước - đối với các nạn nhân chất độc da cam trên chính quê hương mình.


Có lẽ tôi đã từng vô cảm và thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh mình, dù hằng ngày tôi đọc 4-5 tờ báo. Tôi đọc, biết, hiểu, cảm thương hay giận dữ ngay lúc đó rồi quên mất nó đi sau ngày làm việc. Những mảnh đời bất hạnh, những bất công của cuộc đời hằng ngày, hằng giờ được truyền tải, được thông tin rộng rãi qua báo, đài, truyền hình... tôi đều có xem qua nhưng rồi lại tiếp tục vô cảm ngay sau một phút giây xúc cảm.

Tôi có thể rơi nước mắt vì xúc động nhưng sau đó tôi chẳng làm gì hết. Không biết từ bao giờ tôi đã không còn chìa cánh tay mình ra để làm một điều gì đó giúp những người bất hạnh.

Và còn rất nhiều, rất nhiều điều vô cảm trong tôi cho đến khi đọc được bài báo đó. Ngay chiều hôm ấy tôi đã về nhà và tìm vào website http://www.petitiononline.com/AOVN để ký tên mình vào. Sau đó tôi gặp tất cả các bạn bè trên net của tôi và cho họ biết thông tin về website đó.Tất cả họ cũng đều đã ký vào và còn bàn nhau lập một quỹ dành cho những nạn nhân của chất độc da cam.

Phải nói thêm rằng hằng ngày tôi online khoảng bốn tiếng để tán gẫu với các bạn bè trên khắp thế giới, tôi còn làm admin (quản trị mạng) của một forum quốc tế đông nhất trong một website nổi tiếng. Với lợi thế này tôi sẽ gửi thông điệp cho các bạn của tôi, những người yêu con người và hòa bình.

Điều mà tôi muốn nói ở đây là chúng ta may mắn được học hành, được tiếp cận với những gì gọi là văn minh, hiện đại, tân tiến nhất của loài người. Chúng ta may mắn hơn hàng chục triệu người khốn khổ, vật vã trong đói khát, chiến tranh, lạc hậu. Họ không có cả cái ăn chứ đừng nói đến đọc báo hay xem tivi. Chúng ta may mắn hơn hàng triệu người ngày mai sẽ chết vì căn bệnh ung thư, AIDS... dù họ còn muốn sống thêm dù chỉ một ngày để làm điều gì đó cho đời.

Vậy thì, hãy sử dụng điều may mắn của mình để làm điều có ích, dù rất nhỏ nhoi cho chính đất nước mình. Có không ít bạn trẻ sử dụng lợi thế của mình để làm tổn thương người khác như việc ghép hình sex để đưa lên mạng như vừa qua, nhưng cũng có rất nhiều người dùng nó để xoa dịu nỗi đau đồng loại. Bạn sẽ là ai trong hai loại người này?

Các bạn, hãy làm một điều gì đó vì đồng bào của mình. Tôi thật sự không biết giải thích thế nào khi có một người bạn người Mỹ hỏi tôi sau khi vào website ấy: “Nước của bạn có bao nhiêu dân mà ở đây tôi thấy có ít người ký tên vào, họ không quan tâm về việc này à?”.

Tôi đã phải trả lời rằng do phương tiện truyền thông bằng Internet của Việt Nam còn chưa được phổ cập nên có ít người có thể tiếp cận được với Internet, chứ không phải họ không quan tâm đến những nạn nhân chất độc da cam khốn khổ.

Các bạn, chúng ta không vô cảm và không thể vô cảm trước chính nỗi đau của dân tộc mình! Và chúng ta hãy cùng nhau làm một cái gì đó.

Anh Đào
Báo Tuổi Trẻ
 
Dành một ngày vì nạn nhân chất độc da cam


(Ảnh TTXVN)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức công bố lấy ngày 10-8, ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam, hằng năm làm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam”.


Nhân ngày10-8 năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa gửi bức thư ngỏ đến toàn thể nhân dân Mỹ. Bức thư có đoạn: Đến nay, chiến tranh đã chấm dứt và lùi xa, Việt Nam đang hồi sinh, phát triển. Nhưng, hàng triệu người Việt Nam đã bị nhiễm dioxin và mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ, đầy phẫn nộ kẻ gây ra tội ác...

Trong tuyên bố của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện 37 công ty sản xuất hóa chất của Hoa Kỳ có đoạn: “Đây là vụ kiện lớn của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty Hoa Kỳ ra Tòa án Hoa Kỳ, theo luật pháp Hoa Kỳ, đòi làm rõ trách nhiệm pháp lý về những sản phẩm của các công ty Hoa Kỳ sản xuất gây hại to lớn đến sức khỏe con người Việt Nam. Đây là vụ kiện đầy tính nhân đạo, vì quyền lợi của hàng triệu người bị hại và bảo vệ công lý, hòa bình của nhân loại”.

Tính đến 17 giờ 50 phút ngày 9-8, đã có 53.786 người trên khắp thế giới ký tên ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện đối với các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn cần khoảng 250.000 chữ ký nữa mới đạt mục tiêu thu thập 300.000 chữ ký ủng hộ. Mỗi người đều có thể ký ủng hộ các nạn nhân tại địa chỉ website: http://petitiononline.com/AOVN.

Theo Tuổi Trẻ, Người lao động
 
Từ những nỗi đau da cam...


Hai chị em Lâm Thị Tuyết và Lâm Thành Nhân hằng ngày đan liếp kiếm tiền phụ gia đình và đóng học phí.
Sinh ra trong những gia đình không những nghèo mà còn đau đớn bởi chất độc da cam, họ vẫn như những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ. Những bạn trẻ này sớm mang lên mình trách nhiệm lớn lao bởi gia đình đang trông mong tất cả vào họ. Ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đang có những mầm xanh như thế...


Khi cổng trường đã xa...

Năm rồi Nguyễn Thị Hoàn Thiện đóng tiền, nộp hồ sơ tuyển vào Trường TH Quân y, nhưng đến sáng hôm thi cô học trò quyết định không đi thi nữa vì biết chắc nếu đậu cũng không thể đi học được.

Nhà Thiện đã quá nghèo, còn chứa đầy bất hạnh. Trong khi hai cô con gái đầu Hoàn Thiện và Bạch Yến lớn lên lành lặn thì hai đứa em trai một qua đời, một còn sống, 9 tuổi nhưng ngây dại chẳng biết gì, vật vã trong những cơn động kinh về đêm.

Nhà chỉ có hai cao (công) ruộng nên người cha, người mẹ của đàn con ấy phải thường xuyên đi cấy, cắt lúa thuê, đan giỏ kiếm tiền nuôi con..., mà túng vẫn hoàn túng. Nỗi ám ảnh lớn nhất là phải làm sao lo được gần 200.000 đồng tiền thuốc hằng tháng để chữa bệnh cho con. Mùa không đi làm mướn được thì đan giỏ, nhưng nhiều nhất cũng chỉ làm được 5 giỏ /ngày với tiền công 1.500đ/cái.

Hoàn Thiện và Bạch Yến lớn lên, vừa học vừa giúp má chăm em, vừa tranh thủ đan giỏ. Nhưng giờ đây vì không đành lòng nhìn ba má ngày đêm vất vả và muốn nhường đường đến trường cho em gái, Hoàn Thiện từ bỏ giấc mơ y sĩ để xin vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Củ Chi đã mấy tháng rồi, nhận lương 580.000đ/tháng. Bạch Yến sắp vào lớp 11 đang nuôi mơ ước trở thành y sĩ.

Tuổi xuân nặng trĩu hai vai

Tại ấp Bàu Trăng, xã Nhuận Đức, hai chị em Lâm Thị Tuyết, Lâm Thành Nhân miệt mài ngồi đan liếp tre kiếm tiền phụ giúp ba má, dành dụm cho năm học mới. Tuyết đan lại, Nhân dùng kéo cắt, sửa để mỗi ngày có thể làm 2-3 cái liếp, được 6.000 - 7.000 đồng...

Hai cô con gái còn lại bị nhiễm chất độc da cam. Một người 23, một người 16 tuổi vẫn không nói, không cười, chỉ thốt ra những tiếng ú ớ...

Người cha của gia đình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và nhiễm chất độc da cam, may mắn cho ông là vẫn có ba đứa con mang dáng vẻ lành lặn.

Cả ba vẫn ít nhiều mang di chứng da cam, nhất là Tuyết và Nhân gặp nhiều khó khăn trong việc thuộc lòng bài vở, nhưng đã cố gắng hết mức để học hành bởi như Tuyết tâm sự: “ Em biết phải học hết cấp III mới có thể học tiếp một nghề, rồi đi làm kiếm tiền giúp má”.

Vì ngày mai...

Những bạn trẻ ấy vừa nhận học bổng của chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 173. Họ xứng đáng được xã hội quan tâm và chia sẻ... Bởi khi cha mẹ già yếu thì chính họ sẽ phải chăm lo, nuôi dưỡng những anh chị hay em ruột bị bệnh nặng trong gia đình...

Vũ Thanh Bình
Báo Tuổi Trẻ
 
Đốm lửa ấm trong ngôi nhà nhỏ


Lynh Phương hằng ngày chăm sóc người chị bị bại não
Một đôi vợ chồng đầy đau khổ khi đứa con đầu lòng sinh ra bị bại não vì nhiễm chất độc da cam. Bảy năm sau họ lại khắc khoải lo âu khi đứa con thứ hai ra đời. Nhưng em đã lớn lên xinh xắn, ngoan ngoãn và học rất giỏi. Lynh Phương đã trở thành một chỗ dựa cho cả gia đình...


Từ lúc bé tí Lynh Phương đã coi trong nhà có hai chị em là chuyện đương nhiên, cho đến một hôm em bỗng thắc mắc: “Sao chị Hai chẳng thấy nói chuyện gì cả?”. Rồi cô bé Phương dần hiểu về căn bệnh bại não của chị mình.

Chị Hai chỉ nằm như vậy suốt tháng ngày. Thương quá, cô bé luôn ôm chị vào lòng. Lynh Phương luôn tìm thấy niềm vui khi được lên võng nằm thủ thỉ với chị hay rót nước cho chị uống, đút cơm chị ăn... Nhiều năm rồi, cô bé đã không biết đến việc chơi ngoài giờ học, chỉ đến trường rồi về nhà chăm lo cho chị.

Nỗi đau dần vơi đi từ hình ảnh chị em thân thiết, dù nó đã đeo đuổi dai dẳng suốt hơn 20 năm trong gia đình này khi đứa con đầu lòng Nguyên Phương sinh ra đã bị bại não, hở hàm ếch. Ba tuổi đi phẫu thuật môi bên ngoài, bốn tuổi làm phẫu thuật bên trong, rồi đến các trung tâm phục hồi chức năng nhưng đành bất lực, chẳng làm gì thêm được nữa...

Người ta nghĩ ông Diện, ba Phương, bị nhiễm chất độc da cam hồi đi thanh niên xung phong ở Xuân Lộc (Đồng Nai) và Phước Long (Bình Phước) thuộc Tổng đội TNXP kinh tế mới TP.HCM những năm 1976-1977.

Căn nhà sơ sài của ông Diện được nâng đỡ bằng tường... nhà hàng xóm hai bên nhưng vẫn đầy sức sống. Ba mẹ rạng rỡ với những điểm 9, 10 con gái mang về từ trường - tám năm liền Lynh Phương là học sinh giỏi của Trường Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM.

Một người con suốt ngày nằm trên giường, nhưng một người con khác như bông hoa trong nhà cũng đã như bù đắp hơi ấm từ sự hồn nhiên thơ trẻ. Người cha từng tham gia phong trào SV của ĐH Khoa học Sài Gòn, đi tù Côn Đảo, làm cán bộ Thành đoàn, đi TNXP lên rừng xuống biển..., nay lại một đời tận tâm lo cho con cái.

Người vợ nhớ lại: “Hồi đầu tôi cũng tính ở nhà để ảnh đi làm. Nhưng sức tôi không chịu nổi. Có lần ảnh đưa bé Lynh Phương đi học, tôi ở nhà đưa bé chị đi vệ sinh. Trèo lên giường kéo con xuống mà không được, hai mẹ con té lăn đùng”.

Những đêm thức trông con làm đôi mắt người mẹ thâm quầng, còn mái tóc người cha bạc đi rất nhanh dù ông mới 52 tuổi. Trong nhà tài sản đáng giá nhất là hai chiếc xe đạp: một chiếc của các cán bộ Đoàn tặng ông Diện dành để đưa con đi học; còn bà Phượng hằng ngày đi làm ở trạm y tế phường với chiếc xe mini nhỏ xíu, chẳng còn biết hiệu gì vì đã mờ hết nước sơn...

Tài sản giá trị nhất trong căn nhà này có lẽ là tình thương yêu và nghị lực vươn lên trong sự bất hạnh và niềm vui cuộc sống từ Lynh Phương. Bà mẹ nói về những bài tập điểm 9, 10 của em đã được cô giáo mượn làm mẫu cho học sinh, được photo làm “tài liệu tham khảo” cho các cô bé cậu bé trong xóm.

Bạn bè của Lynh Phương thì chuyền tay nhau đọc những câu chuyện do cô bé tưởng tượng ra và viết lại như “Vương quốc kỳ bí”, “Những câu chuyện kỳ lạ”... nói về những giấc mơ và điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Vũ Thanh Bình
Báo Tuổi Trẻ
 
Chúng ta có vô cảm không?



Tôi vẫn thường vào trang web: www.petitiononline.com/AOVN/, nơi có thể ký tên bày tỏ sự ủng hộ với các nạn nhân chất độc da cam. Ký tên thì đã lâu rồi nhưng tôi chỉ muốn theo dõi những con số từ từ tăng lên theo từng ngày. 25.868 chữ ký (chiều 1-8), có thể là nhiều nhưng cũng có thể là ít nếu đem so với con số trên 3 triệu địa chỉ email của VN hay với số dân hơn 80 triệu của cả nước.


Cuộc sống tất bật hằng ngày của người dân đô thị khiến người ta dễ hờ hững với điều này. Tôi cũng khác chi..., cho đến khi tôi có dịp tiếp xúc với người trong cuộc: một gia đình bị nhiễm dioxin trong chiến tranh! Đã qua hai thế hệ mà giờ đây họ vẫn còn tiếp tục gánh chịu hậu quả: thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, thiếu các chi hoặc dị dạng...

Bạn có thể hình dung ra sự hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần của cái chất độc khủng khiếp này không? Bạn có thấy sự chối bỏ trách nhiệm của quốc gia, của các công ty đã tạo ra và sử dụng cái sản phẩm hủy diệt dần dần con người này không?

Không thể cứ mãi làm người đứng ngoài cuộc, các bạn đã từng ký vào tấm băngrôn gần triệu chữ ký để ủng hộ đội tuyển Việt Nam... Các bạn vẫn cho rằng những người đứng đầu ngành là vô cảm, vậy tại sao lại mãi chần chừ trước việc này?

Liệu... ngay cả chúng ta có vô cảm không? Trong hàng giờ lướt trên Internet, chỉ cần nhín ra hai phút thôi, tương đương với chỉ 300 đồng nhưng cũng đủ thể hiện lời kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới tới các nạn nhân chất độc da cam.

Đã từng có cuộc vận động quy mô cho 1 triệu chữ ký ủng hộ đội tuyển bóng đá nước ta, do một doanh nghiệp tài trợ và được đông đảo mọi người ủng hộ, thậm chí còn tổ chức những ngày “hội ký” rầm rộ.

Vậy mà ký ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam chỉ có khoảng 26.000 chữ ký, mà trong đó có một phần không nhỏ là do công dân các nước khác tham gia. Đội tuyển bóng đá nước ta năm nào cũng đi thi đấu, hai năm là một Sea Games, vẫn chưa thể vô địch được.

Nhưng chất độc da cam thì vẫn còn mãi, tồn tại trong lòng đất nước những nỗi đau tinh thần không thể nào nguôi ngoai và những nỗi đau về thể xác đến khủng khiếp. Lẽ nào tôi và các bạn cứ vô cảm?

Hãy hỏi vì sao? Thật đơn giản, vì chúng ta cùng là người Việt!


Nguyễn Hoàng (TP HCM)
Báo Thanh Niên
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,548
Members
56,922
Latest member
188bettone
Back
Top