Ngành Vật lí kĩ thuật y sinh

bpq

Junior Member
Các cơ sở đào tạo Kỹ thuật y sinh - Thiết bị y tế (Phần 1)

353092357_b4.jpg

Giới thiệu tổng quan một số cơ sở đào tạo lĩnh vực kỹ thuật y sinh – thiết bị y tế trên cả nước hiện nay nhằm mang tới cái nhìn đầy đủ hơn về sự phát triển của chuyên ngành kỹ thuật y sinh trong những năm vừa qua… Phần 1 giới thiệu chuyên ngành vật lý kỹ thuật y sinh - Đại học Bách Khoa Tp.HCM
1. Giới thiệu
Ngành Vật lý Kỹ thuật
Xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và nhu cầu của nền kinh tế Việt nam hiện nay thể hiện một tính chất rất thời sự: đó là tính liên ngành trong khoa học công nghệ đòi hỏi hệ thống giáo dục đào tạo phải mau chóng cung cấp cho xã hội những cán bộ, chuyên viên khoa học có kiến thức tổng hợp của nhiều ngành liên đới để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường sản xuất hiện đại, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao (hi-tech).
Nhằm mục đích trên, chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật hoặc Vật lý ứng dụng đã được đào tạo trong hệ thống các trường đại học công nghệ nhiều nước trên thế giới từ bậc đại học đến các cấp độ khác nhau sau đại học, và đáng lưu ý là nội dung đào tạo chuyên ngành không trùng lắp với những khoa đào tạo truyền thống như Điện – Điện tử, Cơ khí, Xây dựng… mà thường tập trung vào các chuyên ngành hẹp liên quan đến công nghệ cao hoặc các liên ngành như: Vật lý kỹ thuật Y sinh, công nghệ vật liệu hi-tech, công nghệ máy tính, kỹ thuật quang học lượng tử, …
image001.gif


Chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh
Ngành Vật lý Kỹ thuật là một ngành kỹ thuật tạo ra những giao diện liên đới cho những ngành kỹ thuật truyền thống khác trên cơ sở bổ sung nền tảng khoa học cơ bản (vật lý, toán, tin học) đủ để nắm vững các công nghệ mới. Ví dụ: chuyên ngành Vật lý kỹ thuật Y sinh là tổng hợp chọn lọc liên ngành Vật lý, Cơ – Điện tử và Y khoa nhằm sử dụng hiệu quả, thiết kế, chế tạo các thiết bị hoặc vật liệu tổng hợp ứng dụng trong y khoa; chuyên ngành Kỹ thuật quang học lượng tử là tổng hợp liên ngành Vật lý quang học, Điện tử viễn thông, Y sinh học nhằm nghiên cứu triển khai các ứng dụng đa dạng của Laser trong kỹ thuật, công nghệ viễn thông, y học vv… Nó không có sự trùng lắp với nội dung đào tạo của trường Đại học Tự nhiên (phát triển hướng nghiên cứu cơ bản) cũng như Đại học Y Dược (đào tạo kỹ năng y khoa với đối tượng chính là con người).
Cho nên, với mục tiêu là đào tạo kỹ sư ngành Vật lý Kỹ thuật với yêu cầu vừa có kiến thức căn bản vững về khoa học vật lý và công cụ toán - tin học để có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học, vừa có kỹ năng vận dụng thực hành và công nghệ trong chuyên ngành được đào tạo, có kiến thức tổng quan về các liên ngành liên quan và có khả năng tiếp cận lĩnh vực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu một số lĩnh vực ứng dụng cần thiết của xã hội, chương trình đào tạo ngành Vật lý Kỹ thuật tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia tp.HCM được thiết kế với triển vọng nắm bắt những xu hướng công nghệ cao phát triển trong tương lai gần, góp phần xây dựng chương trình đào tạo của nhà trường thành một chỉnh thể tương xứng với vai trò trung tâm khoa học hướng công nghệ ở phía Nam.
Vật lý Kỹ thuật Y sinh (Biomedical Engineering) là một lĩnh vực công nghệ liên ngành ứng dụng các nguyên lý và phương pháp kỹ thuật (vật lý, cơ khí, điện tử, hóa học, công nghệ thông tin) trong lĩnh vực y sinh học, đặc biệt trong y khoa. Trong xu hướng phát triển hiện nay, lĩnh vực này không còn hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ có thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị, mà còn bao gồm các lĩnh vực về vật liệu sinh học, trí tuệ nhân tạo trong ứng dụng y sinh, quy trình kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán điều trị … Cho nên đối với người kỹ sư Vật lý kỹ thuật Y sinh, phải có sự kết hợp giữa kỹ năng thành thạo về kỹ thuật với những hiểu biết tương xứng về y sinh học nhằm nâng cao hiệu quả của công việc.
Với tác động phát triển của cơ điện tử, công nghệ vật liệu và công nghệ thông tin trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20, ngành Vật lý kỹ thuật Y sinh đã đạt được những thành tựu rực rỡ trên thế giới, đặc biệt ở Bắc Mỹ thông qua sự ra đời vô số các thiết bị hiện đại ứng dụng trong y học. Đó cũng là nền tảng cho sự phát triển hệ thống đào tạo và nghiên cứu của chuyên ngành này ở hầu hết các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt ở Mỹ, Canada, Nhật, Đức, Ấn độ...
Ở Việt nam, đi đôi với việc nền kinh tế đang phát triển và mức sống người dân được nâng cao, hệ thống y tế ngày càng được hiện đại hóa nhằm phục chăm sóc sức khỏe cộng đồng với chất lượng cao hơn. Chính điều đó xác định sự cần thiết phải đào tạo kịp thời một lớp các kỹ sư Vật lý kỹ thuật Y sinh để hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế nhằm có thể chủ động thực hiện triệt để sự hiện đại hóa ngành y tế nói chung.
Sinh viên chọn ngành này trước tiên phải xác định là người của thế giới kỹ thuật, nhưng cần có sự ham mê được làm việc với đối tượng là sức khỏe con người và áp dụng công nghệ hiện đại góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Người kỹ sư Vật lý kỹ thuật Y sinh sẽ là một bộ phận không thể thiếu được trong đội ngũ cán bộ y tế, đảm nhiệm vai trò hướng dẫn sử dụng một cách hiệu quả, phụ trách bảo dưỡng, có thể vận dụng thiết kế cải tiến các thiết bị y tế mới và hiện đại, tổng hợp kiến thức liên ngành nhằm đưa ra các quy trình hỗ trợ trong chẩn đoán điều trị, hay tiến hành các nghiên cứu cơ bản nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề mới trong y học. Ngoài ra người kỹ sư Y sinh học có thể làm việc hiệu quả trong lĩnh vực môi trường, công nghệ thực phẩm, hoặc trong công nghiệp chế tạo các thiết bị, máy móc sử dụng trong y sinh học.
2. Mục tiêu đào tạo.
Mục tiêu đào tạo tổng quát của ngành là kỹ sư Vật lý Kỹ thuật với những yêu cầu sau:
- Có kiến thức căn bản vững về khoa học vật lý và công cụ toán – tin học phục vụ nghiên cứu và giải quyết vấn đề kỹ thuật chuyên môn.
- Có kiến thức cơ sở và tổng quan về liên ngành liên quan đến chuyên ngành được đào tạo.
- Có kỹ năng vận dụng thực hành và công nghệ trong chuyên ngành được đào tạo.
- Có khả năng tiếp cận lĩnh vực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu một số lĩnh vực ứng dụng cần thiết của xã hội.
Tính thực tiễn của mục tiêu đào tạo được thể hiện ở:
-Sự linh hoạt trong chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
- Sự chủ động liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khả năng đào tạo nâng cao trong việc tìm đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp.
- Sự chủ động điều chỉnh và cập nhật hóa nội dung đào tạo ngành chuyên sâu sao cho phù hợp với yêu cầu trước mắt tại Việt nam.
Đối với chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh cụ thể, căn cứ nhu cầu của tình hình Việt nam:
Các kỹ sư chuyên ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh có khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ sau:
Những nhiệm vụ trước mắt gắn liền với nhu cầu thực tế ở Việt nam:
- Thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì bảo dưỡng các thiết bị hiện đại tại các cơ sở y tế ở các bệnh viện, các tuyến điều trị khác nhau.
- Khảo sát, đánh giá chất lượng, thăm dò thị trường, cố vấn và chịu trách nhiệm kỹ thuật về quyết định đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị hiện đại cho các bệnh viện và các tuyến y tế.
- Phối hợp với các chuyên gia ngành y tế (bác sĩ, cán bộ quản lý…) xây dựng, thiết kế hoặc trang bị một cách hiệu quả và phù hợp mạng máy tính y khoa phục vụ chẩn đoán điều trị từ xa hoặc trao đổi thông tin dữ liệu liên bệnh viện (telemedicine), các chương trình ứng dụng hệ chuyên gia và trí tuệ nhân tạo theo dõi, quản lý và đánh giá bệnh nhân.
- Nắm vững tính năng các thiết bị laser, siêu âm hoặc từ trường, thực hiện vận hành, bảo trì bảo dưỡng và hỗ trợ điều trị (đặc biệt vơiù chương trình laser bán dẫn) tại các cơ sở y tế ở các bệnh viện, các tuyến điều trị khác nhau.
Những nhiệm vụ trong tương lai gần gắn liền với sự hiện đại hoá nền y tế:
-Thiết kế các phòng thí nghiệm hay đơn vị thể nghiệm trong các bệnh viện để thử nghiệm, kiểm tra, huấn luyện vận hành các thiết bị hiện đại sử dụng trong y học.
-Tiến hành nghiên cứu cơ bản hỗ trợ xây dựng các quy trình chẩn đoán hoặc điều trị mới trên cơ sở các thiết bị mới trang bị được.
-Thực hiện nghiên cứu thiết kế và chế tạo các bộ phận chức năng nhân tạo, các thiết bị vật lý trị liệu sử dụng trong các chuyên khoa trong điều kiện Việt nam.
Lĩnh vực công tác: các bệnh viện, cơ sở y tế các tuyến, các trường đại học, viện hoặc đơn vị nghiên cứu có liên quan lĩnh vực y sinh, các công ty sản xuất hoặc thương mại với các sản phẩm thiết bị y tế, cơ quan về môi trường…
3. Nội dung đào tạo.
Chương trình đào tạo xem chi tiết tại :
http://www.fas.hcmut.edu.vn/VLKT/VN/DaotaoVLKT2.htm%23CTDT
Với mục tiêu đề ra như trên, nội dung đào tạo cần đáp ứng 2 yêu cầu sau:
- Tính tổng quan: Kỹ sư Vật lý Kỹ thuật cần được trang bị một khối lượng kiến thức cơ bản đủ rộng để có thể nắm bắt tổng quan tình hình phát triển của chuyên ngành mình đang làm việc trong mối quan hệ liên ngành để có thể vận dụng sáng tạo một cách tối ưu.
- Tin chuyên ngành: bên cạnh kiến thức tổng quan, kỹ sư Vật lý Kỹ thuật vẫn phải đảm bảo nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết về chuyên ngành của mình để có thể thực hiện những ý đồ thực tiễn cụ thể trong chuyên ngành và nâng cao ở mức độ sáng tạo cái mới.
Nội dung đào tạo bao gồm:
- Phần cơ sở và tổng quan (tập trung trong 2 năm đầu cho mọi chuyên ngành) sẽ cung cấp những kiến thức căn bản trên diện rộng về các lĩnh vực của vật lý hiện đại và vật lý kỹ thuật: vật lý lượng tử, trường điện từ, quang tử học, vật lý chất rắn, quang học lượng tử, cơ sở điện – điện tử, quang điện tử, cơ sở về sợi quang, vật lý bức xạ ion hóa… và các công cụ toán – tin học học phục vụ giải quyết vấn đề kỹ thuật chuyên môn: tin học trong vật lý và kỹ thuật, phương trình toán lý, hàm phức toán tử, thống kê và xử lý dữ liệu…
Phần chuyên ngành sẽ định hướng cụ thể theo ngành đào tạo chuyên sâu phân thành 2 cụm:
- Nhóm kiến thức cơ sở các ngành liên đới ngoài vật lý (hóa, sinh học, y học, công nghệ thông tin…)
- Nhóm kiến thức chuyên ngành thuộc ngành chuyên sâu đã chọn.
Phần thực hành, kiến tập, thực tập sẽ được nâng cao theo nhu cầu thực tế, một mặt được thực hiện tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành cơ sở của trường, một mặt liên kết với các cơ sở y tế, công ty thiết bị, đặc biệt liên kết với Công ty thiết bị Y tế TW2 (VIMEC) thiết kế phần đào tạo kiến tập, thực tập.
Tính hiện đại của nội dung đào tạo được thể hiện ở:
· Các kiến thức được chuyển tải theo diện rộng, khuyến khích sinh viên đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài ngay từ những năm đầu.
· Tăng cường phương pháp dạy và học tích cực trên cơ sở tận dụng lợi thế của máy tính để phát huy khả năng tự học của sinh viên.
· Số lượng các môn tự chọn trong kiến thức chuyên ngành khá lớn nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể linh hoạt định hướng sau khi thực tập ở một cơ sở thực tế hoặc chọn đề tài tốt nghiệp.
· Tăng cường tính chủ động của sinh viên trong khả năng tự nghiên cứu thông qua việc chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp bằng các chuyên đề mà sinh viên tự soạn và trình bày, các tiểu luận kiến tập, đề án thực tập từ các năm dưới.
· Nội dung các môn học được điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình hoặc yêu cầu thực tế cũng như số lượng sinh viên trong các chuyên ngành hẹp.
Phần chuyên ngành sẽ định hướng cụ thể theo ngành đào tạo chuyên sâu:
- Ngành Vật lý Kỹ thuật Y sinh cung cấp các kiến thức cơ sở kỹ thuật và kiến thức liên ngành kỹ thuật – y sinh học như: cơ sở vật lý – lý sinh, cơ sở hoá học – hoá sinh, cơ sở sinh học, cơ sở y học (giải phẫu, sinh lý, bệnh học, cơ sở chẩn đoán và điều trị lâm sàng), điện tử, điều khiển sinh học, kỹ thuật thiết bị y học, xử lý tín hiệu sinh học, tin học sinh học, …
Các kiến thức trên nhằm cung cấp cho sinh viên một tổng quan đủ rộng và đủ sâu nhằm tạo căn bản để sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng độc lập tự vận dụng và biết cách đào sâu lĩnh vực cụ thể khi cần thiết.
Khả năng đào tạo nâng cao:
Việc đào tạo nâng cao sau đại học trong thời đại hiện nay hầu như là nhu cầu tất yếu để cho một sinh viên tốt nghiệp có thể thực thụ làm việc hiệu quả trong môi trường thực tế. Việc đó hoặc do xí nghiệp, công ty mà sinh viên xin được việc làm thực hiện dưới dạng tu nghiệp, thực tập ngắn ngày, hoặc do các trường đại học, các viện tổ chức dưới dạng đào tạo cao học, tiến sĩ vv..
Ngành Vật lý Kỹ thuật cũng đã chuẩn bị từ ban đầu phương hướng đào tạo sau đại học với phương châm chuyên môn hóa theo nhu cầu thực tiễn của học viên và tạo mọi điều kiện để học viên có thể phát huy khả năng nghiên cứu sáng tạo của mình. Hướng đào tạo nói trên được dự kiến trên hai mặt sau:
Trong nước: Đào tạo kỹ sư bằng 2 (2,5 năm), đào tạo tại chức (4 năm), đào tạo cao học (2 năm), đào tạo tiến sĩ (3 năm).
Ngoài nước: trên cơ sở những quan hệ quốc tế với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đào tạo sẽ nỗ lực tìm kiếm hoặc trao đổi học bổng để gửi các sinh viên tốt nghiệp với thành tích cao đào tạo nâng cao ở nước ngoài.
4. Thời gian và cấp đào tạo.
- Đào tạo đại học: 4.5 năm (ngành Vật lý Kỹ thuật, chuyên ngành Vật lý kỹ thuật Y sinh - Mã số: 52-52-73). Thời gian đào tạo được thiết kế phù hợp với chương trình đào tạo chung của trường Đại học Bách khoa hiện nay.
- Đào tạo cao học : 2 năm (chuyên ngành Kỹ thuật Laser & Vật lý Y sinh – Mã số: 207-07).
-
Đào tạo tiến sĩ : 3 năm (chuyên ngành Dụng cụ Quang học – Mã số: 2-05-08).
-Dự kiến:
Đào tạo kỹ sư bằng 2 : 2,5 năm, cho các s.v. tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử, Vật lý.
Đào tạo kỹ sư tại chức : 4 năm (tuyển sinh theo quy chế Đại học tại chức hoặc hợp đồng cho cơ quan, Ban ngành).
5. Phương thức tuyển sinh, bằng cấp.
a) Phương thức tuyển sinh
Tổ chức thi tuyển khối A theo nhóm ngành Vật lý Kỹ thuật theo quy chế chung của trường.
b) Tốt nghiệp và bằng cấp
Công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp theo quy định chung của Trường và bộ Giáo dục và Đào tạo.
Văn bằng công nhận hệ chính quy:KỸ SƯ VẬT LÝ KỸ THUẬT Y SINH (BIOMEDICAL ENGINEERING)
6. Phòng thí nghiệm công nghệ LASER:
LASER - Sự khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ cưỡng bức - là một trong những thành tựu lớn nhất của vật lý hiện đại trong thế kỷ 20. Mặc dù LASER mới được phát minh vào thập niên 60, ứng dụng của nó đã nhanh chóng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực: quang học ứng dụng, điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, y học... và mở ra một kỷ nguyên mới của ngành vật lý cho thế kỷ 21 - kỷ nguyên quang tử (PHOTONICS).
Việc ứng dụng laser trong y học đã tạo ra một bước phát triển mới đầy triển vọng trong chẩn đoán và điều trị. Nhiều nhà khoa học cho rằng, qua thế kỷ 21 dao mổ laser sẽ thay thế hoàn toàn lưỡi dao mổ cổ điển. Mặt khác, việc sử dụng Laser có công suất thấp trong điều trị không dùng thuốc mở ra một hướng mới đầy hứa hẹn trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Ứng dụng trong công nghệ thông tin đã phát triển đến mức mà người ta dự đoán rằng, trong thế kỷ 21 cáp quang học sẽ thay thế hoàn toàn cho các loại cáp kim loại hiện nay, khái niệm “điện tử” sẽ được thay thế bởi khái niệm “quang tử” ...
Ứng dụng của Laser có công suất lớn trong gia công vật liệu đã trở thành một trong những lĩnh vực không thể thiếu được trong công nghiệp cơ khí, và mỗi lúc mỗi trở nên thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại đòi hỏi độ chính xác và hiệu suất cao.
Từ một số minh họa trên chúng ta thấy Laser sẽ là một phương tiện kỹ thuật quan trọng trong hành trang của loài người trong thế kỷ 21. Nhận thức được tầm quan trọng đó, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay, phòng thí nghiệm “Kỹ thuật Laser” của trường Ðại học Bách khoa tp. Hồ Chí Minh, nay là phòng thí nghiệm “Công nghệ Laser” (trực thuộc Khoa Khoa học Ứng dụng) đã có bề dày hoạt động từ năm 1979 và đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong nghiên cứu khoa học cũng như trong đào tạo, đặc biệt là trên lĩnh vực ứng dụng laser trong y học, thể hiện qua việc xây dựng thành công một mạng lưới cơ sở quang châm và quang trị liệu bằng Laser bán dẫn khắp từ Nghệ An đến Minh Hải và bước đầu có quan hệ quốc tế khá phong phú. Trong kế hoạch xây dựng Phòng thí nghiệm Công nghệ Laser, các phương hướng nghiên cứu và đào tạo đều cố gắng tập trung vào các chương trình lớn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước như: công nghệ sinh học, công nghệ tin học, công nghệ vật liệu mới... Trong giai đoạn 1997-2000 phương hướng hoạt động của Trung tâm chủ yếu dựa trên nghiên cứu ứng dụng Laser bán dẫn trong y học là một hướng suy nghĩ có cân nhắc và đúng đắn, bởi vì trong hoàn cảnh kinh phí còn hạn hẹp, với tiềm lực khoa học còn mỏng, hướng nghiên cứu trên có khả năng lớn nhất tiếp cận với những vấn đề khoa học hiện đại với triển vọng có thể sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.
Hiện nay trong bối cảnh xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và nhu cầu của nền kinh tế Việt nam hiện nay thể hiện một tính chất rất thời sự: đó là tính liên ngành trong khoa học công nghệ đòi hỏi hệ thống giáo dục đào tạo phải mau chóng cung cấp cho xã hội những cán bộ, chuyên viên khoa học có kiến thức tổng hợp của nhiều ngành liên đới để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường sản xuất hiện đại, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao (hi-tech). Do vậy, từ năm 2001 Phòng thí nghiệm đã xây dựng đề án mở ngành đào tạo mới, ngành Vật lý Kỹ thuật với chuyên ngành đầu tiên là Vật lý Y sinh học - một lĩnh vực công nghệ liên ngành áp dụng các nguyên lý và phương pháp kỹ thuật (vật lý, hóa học) để xác định và giải quyết các ứng dụng trong lĩnh vực y sinh học - nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo các kỹ sư vật lý y sinh học để hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế góp phần thực hiện triệt để sự hiện đại hóa nền y tế cộng đồng trong tình hình hiện nay.
Với tình hình đó, nhiệm vụ tái tổ chức và xây dựng chương trình hành động cho Phòng Thí nghiệm Công nghệ Laser có thể nói là rất nặng nề và đòi hỏi không chỉ nỗ lực của phòng, mà còn cần có sự quan tâm hỗ trợ thích đáng của Nhà nước, của Ðại học Quốc gia và trường Ðại học Bách khoa.
Một số sản phẩm của PTN công nghệ LASER:
laser1.jpg
Các dạng thiết bị quang châm và quang trị liệu do PTN chế tạo

laser2.jpg
Thiết bị quang châm loại 5 đầu châm điều khiển bằng máy vi tính
laser3.jpg

Ứng dụng cáp quang - một trong những lĩnh vực nghiên cứu của PTN
Địa chỉ liên hệ:
TS.HUỲNH QUANG LINH
Trưởng khoa khoa Khoa học Ứng dụng
ĐH Bách Khoa –ĐH Quốc Gia Tp.HCM
101B4, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM
ĐT: (084-8) 38635869
Email:
huynhqlinh@hcmut.edu.vn
Website : http://www.fas.hcmut.edu.vn/
Các cơ sở đào tạo Kỹ thuật y sinh - Thiết bị y tế (Phần 2)


942877156_bachkhoa.jpg

Giới thiệu tổng quan một số cơ sở đào tạo lĩnh vực kỹ thuật y sinh – thiết bị y tế trên cả nước hiện nay nhằm mang tới cái nhìn đầy đủ hơn về sự phát triển của chuyên ngành kỹ thuật y sinh trong những năm vừa qua… Phần 2 giới thiệu chuyên ngành Điện tử y sinh - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Gi
ới thiệu :
Được đánh giá là một trong những ngành “HOT” nhất trong thế kỷ 21, chuyên ngành Điện tử y sinh tại trường Đại học Bách khoa Hà nội bắt đầu hình thành từ năm 1999 do nhu cầu phát triển của xã hội. Chuyên ngành đã xây dựng được một mô hình đào tạo mới tại Việt Nam về lĩnh vực Điện tử y sinh, có sự tham khảo của các mô hình đào tạo tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Trong mô hình này, sinh viên được đào tạo khối kiến thức cơ bản theo chương trình đại cương của Trường Đại học Bách khoa Hà nội, sau đó chuyển sang đào tạo về chuyên ngành gồm kiến thức cơ sở của ngành Điện tử viễn thông như Kỹ thuật mạch điện tử, Kỹ thuật số, Kỹ thuật vi xử lý, Cấu kiện điện tử, Đo lường và điều khiển tự động… và Công nghệ thông tinnhư Ngôn ngữ lập trình, Kỹ thuật phần mềm, Cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, Cấu trúc máy tính, Mạng máy tính…. Tiếp đến là khối kiến thức chuyên ngành về Điện tử y sinh gồm các lĩnh vực: Cơ sở điện sinh học, Mạch xử lý tín hiệu y sinh, Công nghệ chẩn đoán hình ảnh trong y tế, Cảm biến và kỹ thuật đo lường y sinh, Y học hạt nhân và kỹ thuật xạ trị, Mạng thông tin y tế và các chuẩn dùng trong mạng, Thiết bị điện tử y tế, Xử lý ảnh y tế, An toàn bức xạ và an toàn điện trong y tế, Thiết kế thiết bị y tế…
Trong quá trình đào tạo, sinh viên đồng thời được thực tập tại phòng thí nghiệm chuyên ngành tại trường, kết hợp với việc tham quan và thực tập tại các bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ sở y tế lớn tại Hà nội, trao đổi với các Giáo sư và sinh viên nước ngoài sang làm việc và học tập tại Việt Nam. Song song với quá trình học tập, sinh viên còn được tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô trong ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng triển khai tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, đem lại nhiều hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho nhân dân. Với phương pháp và nội dung đào tạo này, chương trình đào tạo Điện tử y sinh đã phát huy được hiệu quả đào tạo cao, sinh viên khi ra trường được trang bị đầy đủ cả về lý thuyết và thực tiễn của chuyên ngành nên có thể đáp ứng nhanh với các yêu cầu của xã hội.
nc2.jpg
phongtn2.jpg
Theo số liệu thống kê từ những cựu sinh viên ngành Điện tử y sinh cho thấy, các kỹ sư Điện tử y sinh rất dễ dàng có được cơ hội làm việc tại các tập đoàn về lĩnh vực y tế mạnh trên thế giới cũng như tại Việt nam như: Tập đoàn GE - Mỹ, tập đoàn Siemens - Đức, tập đoàn Hitachi - Nhật Bản, tập đoàn Abbott - Mỹ, tập đoàn Philips - Hà Lan, tập đoàn Shimazu - Nhật Bản, tập đoàn Roche - Thụy Sỹ, tập đoàn Bayer - Đức, tập đoàn Gambro - Thụy Điển, Nihonkohden - Nhật Bản, Aloka - Nhật Bản, Biotronik - Mỹ, Kodak - Nhật Bản… Ngoài ra, kỹ sư ngành Điện tử y sinh sẽ là những cán bộ chủ chốt trong việc quản lý trang thiết bị tại các Bệnh viện, các cơ sở y tế, các công ty kinh doanh trang thiết bị y tế, các công ty điện tử viễn thông, phần mềm ứng dụng trong y tế hiện đang rất phát triển tại Việt nam hiện nay.


bkm-d1.0.jpg

Thiết bị đo lường và theo dõi các thông số sinh học do CB và SV ĐTYS chế tạo

bk-dicom.jpg

Phần mềm xử lý ảnh y tế do CB và SV ĐTYS xây dựng

Quá trình hình thành và phát triển:
Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển thì trang thiết bị y tế cũng được đầu tư ngày càng nhiều đặc biệt là những thiết bị công nghệ cao như: máy chụp cắt lớp điện toán (CT), máy cộng hưởng từ, máy siêu âm 3D, 4D, các hệ thống xét nghiệm tự động, các thiết bị nội soi, các thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số, các thiết bị xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính… cũng như ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực y học như: hệ thống lưu trữ và truyền ảnh y tế, y tế từ xa, mạng bệnh viện, bệnh án số, bệnh viện số…. đã và đang được trang bị để đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn bệnh viện, trung tâm y tế và thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh từ các công ty trong và ngoài nước tại Việt Nam về lĩnh vực Điện tử y sinh.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực này gần như chưa có. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành chính sách Quốc gia về phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế từ năm 2002.
Trước tình hình đó, Trường Đại học Bách khoa Hà nội là đơn vị đầu tiên mở ngành đào tạo về lĩnh vực Điện tử y sinh từ năm 1999. Trực tiếp chỉ đạo xây dựng ngành Điện tử y sinh tại Trường ĐH Bách Khoa Hà nội khi đó gồm các đồng chí:
- GS.TS. Hoàng Văn Phong, hiện nay là Bộ Trưởng Bộ KHCN, nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà nội
- PGS.TS. Trần Quốc Thắng, hiện nay là Thứ Trưởng Bộ KHCN, nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà nội
- GS. TS. Hoàng Bá Chư, hiện nay là Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà nội
- PGS.TS. Nguyễn Cảnh Lương, hiện nay là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà nội
- PGS.TS. Nguyễn Đức Thuận, hiện nay là Trưởng Phòng KHCN, Trường ĐHBK Hà nội, hiện là Trưởng Bộ môn Công nghệ điện tử và Kỹ thuật điện tử y sinh
- PGS.TS. Lê Ngọc Trọng, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Y tế, hiện là Chủ tịch danh dự Hội Thiết bị y tế Việt Nam
- ThS. Dương Văn Tỉnh, hiện nay là Vụ Trưởng Vụ TTB&CT y tế, Bộ Y tế
- KS. Nguyễn Xuân Bình, nguyên là Vụ Trưởng Vụ TTB&CT y tế, Bộ Y tế, hiện là Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam
- KS. Hà Đắc Biên, Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam
Do định hướng tập trung đào tạo dựa theo nền tảng Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin nên sinh viên học tập tại ngành này được lấy từ khoa Điện tử Viễn thông. Sau khi học xong các môn cơ sở ngành thuộc khoa Điện tử Viễn thông, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành thuộc lĩnh vực Điện tử y sinh.
Cho tới nay, trường Đại học Bách khoa Hà nội đã đào tạo được 5 khóa, với tổng số gần 200 kỹ sư Điện tử y sinh đã ra trường. Tất cả đều đang tiếp tục nghiên cứu hoặc làm việc theo đúng chuyên môn tại các công ty sản xuất kinh doanh về trang thiết bị y tế, các bệnh viện, các Trường ĐH và các viện nghiên cứu.

trungtam5.jpg
Triển lãm các sản phẩm NCKH của CB và SV ngành ĐTYS tại Lễ kỷ niệm 50
Bộ môn Công nghệ điện tử và Kỹ thuật điện tử y sinh (Department of Electronic Technology and Biomedical Engineering)
Văn phòng: 414 nhà C9, Trường Đại học Bách khoa Hà nội, Số 1, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà nội
Tel/Fax: (04) 38682164
Đảm nhận chức năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điện tử y sinh và Điện tử ứng dụng.
Cơ sở vật chất:
- Phòng TN cấu kiện điện tử
- Phòng TN kỹ thuật điện tử
- Phòng TN đo lường tín hiệu sinh học
- Phòng TN mạch và xử lý tín hiệu y sinh
- Phòng TN mạng thông tin y tế
- Phòng TN thiết kế mạch điện tử
- Phòng thực hành và nghiên cứu triển khai thiết bị y tế
Trung tâm điện tử y sinh học (Biomedical Electronics Center).
Văn phòng: 307 nhà C9, Trường Đại học Bách khoa Hà nội, Số 1, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà nội
Tel/Fax: (04) 38682099
E-mail: bme@mail.hut.edu.vnThis e-mail address is being protected from spam bots, you need JavaScript enabled to view it
Chức năng và nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, khai thác và phát triển công nghệ Điện tử y sinh học và kỹ thuật Điện tử ứng dụng khác
- Tư vấn về trang thiết bị y tế
- Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án trong nước và hợp tác với nước ngoài
- Bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa, lắp đặt, sản xuất thử các trang thiết bị y tế
- Đào tạo ngắn hạn, tập huấn trong lĩnh vực Điện tử Y sinh học
Cơ sở vật chất:
Được đầu tư từ các dự án trong nước và quốc tế:
- Các thiết bị đo lường điện tử: Máy phát chuẩn tần số thấp và cao tần; Ôxylô số; máy phân tích phổ; Máy đo cường độ điện từ trường (dải tần 5Hz - 40GHz, độ nhạy cao); Máy đo công suất siêu âm; Máy đo nhiệt độ chính xác cao; Thiết bị xử lý và lưu trữ dữ liệu 32 kênh; Thiết bị chuẩn đa năng; Bộ tổ hợp tần số RF; Máy đo tham số RLC tự động; Máy đo lực; Các bộ công cụ phát triển cho các họ vi xử lý (CPLD, FPGA, DSP);
- Máy kiểm chuẩn tín hiệu sinh học; máy mô phỏng các tín hiệu sinh lý: Điện tim ECG, nhịp thở RESP, huyết áp NIBP, nồng độ ôxy trong máu SpO2, nhiệt độ TEMP, nhịp tim HR, nhịp mạch PR; Máy đo điện trở cách điện tự động; Máy kiểm tra an toàn phòng thiết bị y tế;
- Thiết bị siêu âm chẩn đoán; Máy kích thích điện; Máy kích thích điện kết hợp siêu âm điều trị; Hệ thống thiết bị theo dõi bệnh nhân không dây; Thiết bị kiểm chuẩn liều bức xạ;
Hợp tác quốc tế và trong nước:
- Viện kỹ thuật và tin học Y sinh - Trường Đại học ILMENAU - Đức, khối các trường Đại học VLIR - vương quốc Bỉ, trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Xanh-Petecbua, một số trường Đại học và công ty của Mỹ, Úc, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
- Các bệnh viện thuộc ngành Y tế, Đại học Y Hà nội, Học viện kỹ thuật Quân sự Bộ Quốc phòng, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu trong cả nước.
Liên hệ :

Ngành Điện Tử Y Sinh - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Văn Phòng: 307 Nhà C9, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Số 1, Đường Đại Cồ Việt, Hà Nội.
Điện thoại :04-38682099
Mail :
Các cơ sở đào tạo Kỹ thuật y sinh - Thiết bị y tế (Phần 3)


497263177_dai%20hoc%20quoc%20te.jpg

Giới thiệu tổng quan một số cơ sở đào tạo lĩnh vực kỹ thuật y sinh – thiết bị y tế trên cả nước hiện nay nhằm mang tới cái nhìn đầy đủ hơn về sự phát triển của chuyên ngành kỹ thuật y sinh trong những năm vừa qua… Phần 3 giới thiệu Khoa Kỹ thuật y sinh - Đại học Quốc tê - Đại học Quốc gia Tp.HCM


1. Giới thiệu chung.

Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) hiện đang là một lĩnh vực nổi bật thu hút sự quan tâm trên thế giới. Đây là một lĩnh vực đa ngành ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị phục vụ cho sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Những sản phẩm của ngành KTYS bao gồm máy CT-scan, X-quang, điện tâm đồ, nội soi, bộ phận nhân tạo trong cơ thể, vật liệu sinh học, v.v....

Bộ môn Kỹ Thuật Y Sinh tại trường Đại Học Quốc Tế
- Bộ môn KTYS của ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng Ba năm 2009 bởi GS.TS.Võ Văn Tới, giáo sư sáng lập ngành KTYS tại ĐH Tufts (nằm trong top 30 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ), giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Pennsylvania (Hoa Kỳ), nguyên giám đốc Quỹ Giáo Dục Việt Nam (VEF).
- Đội ngũ giảng viên là sự kết hợp giữa giáo sư quốc tế nhiều năm kinh nghiệm và giảng viên trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài (50% tiến sĩ, 50% thạc sĩ).
- Phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại giúp sinh viên có điêu kiện thực tập và nghiên cứu theo tiêu chuẩn đào tạo của Hoa Kỳ.

iu.jpg
Chương trình Đào tạo
Ngành Kỹ Thuật Y Sinh được đào tạo bằng tiếng Anh trong 4 năm. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng Kỹ sư Kỹ Thuật Y Sinh. Chương trình đào tạo được tập trung vào hai lĩnh vực:
- Trang Thiết Bị Y Tế: nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về kỹ sư lâm sàng để vận hành và bảo trì những trang thiết bị y tế kỹ thuật cao.
- Y Học Tái Tạo: nhằm trang bị kiến thức để sử dụng các tế bào, gen di truyền và các vật liệu sinh học thay thế các mô và cơ quan trong cơ thể, ngăn ngừa việc phát tán các vi sinh vật và các mầm bệnh gây ra dịch bệnh cho con người.
Sau khi tốt nghiệp Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể:
- Tìm được các suất học bổng sau đại học tại các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ hoặc các nước phát triển khác.
- Trở thành những Kỹ Sư Lâm Sàng suất xắc có khả năng vận hành, bảo trì, lựa chọn những thiết bị y tế hiện đại và hợp tác với các bác sĩ trong việc khám, điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài nước.
- Trở thành những doanh nhân có khả năng biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại và quản lý các trung tâm khám chữa bệnh.
2. Các phòng thí nghiệm
2.1 Phòng thí nghiệm trang thiết bị lâm sàng
Cấu trúc
Phòng thí nghiệm (PTN) này sẽ được trang bị các thiết bị y tế tiên tiến lẫn thiết bị đã cũ. Thiết bị mới sẽ được các chuyên viên y tế bao gồm bác sĩ và kỹ thuật viên bảo trì và vận hành cho việc khám và chẩn đoán bệnh cũng như sẽ được sử dụng cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Thiết bị cũ sẽ được dùng như những học cụ. Sinh viên sẽ có cơ hội được tháo ráp và nghiên cứu tự do các thiết bị này dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Như vậy, PTN trang thiết bị lâm sàn chính là một bệnh viện vừa để giảng dạy vừa để sử dụng cho mục đích y tế.
Giá trị
- Đem đến cho sinh viên ngành KTYS bậc đại học cơ hội được học hỏi cách sử dụng, cách lắp đặt, cách vận hành và bảo dưỡng những thiết bị y tế. Ngoài ra, sinh viên còn có thể học hỏi cách làm việc với bệnh nhân và cách xử lý các dữ liệu thực.
- Đem đến cho sinh viên KTYS bậc sau đại học cơ hội sử dụng các thiết bị y tế làm dụng cụ thực hiện các nghiên cứu nâng cao, ví dụ như cách gửi các dữ liệu chẩn đoán thu được đến các trung tâm y tế khác qua mạng internet.
- Tạo ra một phương thức giảng dạy mới và kiến thức mới cho sinh viên y khoa. Trong đó kiến thức kỹ thuật và thiết bị liên quan đến y sinh sẽ giữ một vai trò quan trọng.
- Cung cấp điều kiện phục vụ sức khỏe cho người dân địa phương và sinh viên.
- Phát triển phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và xử lý thuốc men hiệu quả.
- Thiết kế những thiết bị y tế mới với những đặc tính ưu việt hơn như là không quá đắt tiền, gọn nhẹ và tiện ích hơn cho môi trường và điều kiện Việt Nam , đặc biệt là cho các vùng sâu vùng xa.
-Thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế đặc biệt là Việt kiều đến để tham gia nghiên cứu khoa học về các chủ đề chỉ có ở Việt Nam .
- Kết hợp hài hòa giữa hàn lâm và kỹ nghệ cũng như giữa mục tiêu giáo dục phi lợi nhuận và đầu tư có lợi nhuận.
Nhóm quản lý
Thành phần quản lý PTN sẽ gồm một bác sĩ, một nhà khoa học, một nhà thầu doanh nghiệp và một chuyên viên kỹ thuật.
2.2 Phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu y tế
Cấu trúc
Đây là PTN đa chức năng cho phép chúng tôi tiến hành các dự án nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan đến con người, động vật và tế bào mô khoẻ mạnh. PTN này cũng sẽ làm việc với bệnh nhân như là những quan sát viên để tìm hiểu ảnh hưởng của căn bệnh trên hoạt động bình thường.
Giá trị
PTN này sẽ đóng vai trò trung tâm cho sinh viên và giảng viên để làm nơi làm thí nghiệm, học tập, giảng dạy, xây dựng nguyên mẫu và tiến hành các dự án nghiên cứu KTYS. Các chủ đề nghiên cứu sẽ đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu cơ cấu hoạt động của con người nói chung và các bộ phận nói riêng. Các nghiên cứu này sẽ hướng đến việc chế tạo các thiết bị mới và phương pháp chẩn đoán bệnh trước khi chúng xảy ra. Phòng thí nghiệm sẽ được trang bị với các:
- Thiết bị đo đạc theo tiêu chuẩn và vật liệu để thực hiện các thí nghiệm thông thường.
- Thiết bị y tế thông dụng để các sinh viên có thể tháo ráp để học hỏi chức năng, cách hoạt động cũng như cách làm ra chúng.
- Thiết bị đặc biệt cho các dự án đặc trưng như nghiên cứu sự ảnh hưởng của điện trường, từ trường và vi sóng lên các tế bào gốc.
Ngoại trừ các thiết bị phải sử dụng thường xuyên, chúng tôi sẽ điều phối các thiết bị cho phòng thí nghiệm này nhằm tránh trùng lặp với các phòng thí nghiệm đối tác khác như phòng thí nghiệm của khoa Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin và Công nghệ Sinh học của trường ĐHQT cũng như phòng thí nghiệm tế bào gốc của trường Đại học khoa học tự nhiên. Vì vậy, phòng thí nghiệm của chúng tôi sẽ được trang bị chủ yếu các thiết bị quang học.
Nhóm quản lý
Thành phần quản lý PTN gồm một kỹ thuật viên và một giảng viên chuyên về thiết kế.

3. Nghiên cứu
Các nghiên cứu dự kiến
Các vấn đề sau sẽ đây là các dự án nghiên cứu mà chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện:
1. Thu nhỏ các thiết bị hỗ trợ điều trị khô mắt: Mắt bị khô là tình trạng tuyến lệ không hoạt động bình thường. Đều này làm mắt có thể bị nhiễm trùng và có thể dẫn đến tình trạng mù lòa. GS Võ Văn Tới đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu này với mục đích thu nhỏ các thiết bị để bệnh nhân có thể tự sử dụng. Chúng có thể trở thành các sản phẩm thương mại đắt hàng. Ngoài ra nghiên cứu này cũng nhắm đến việc tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh khô mắt.
2. Các ảnh hưởng của điện từ trường lên tế bào gốc: Tế bào gốc là các tế bào có thể biệt hóa ra thành các tế bào khác. Nghiên cứu này giúp khám phá ra các ảnh hưởng của điện, từ trường và vi sóng trên các tế bào gốc. Dự án này có thể đưa ra hướng cho việc hiểu các nguyên lý gây ra ung thư do ảnh hưởng điện từ.
3. Nghiên cứu tình trạng của các trang thiết bị y tế đang có tại các bệnh viện Việt Nam để đề ra một chương trình đào tạo sát với thực tiễn cho kỹ thuật lâm sàng ở Việt Nam .
4. Công nghệ thông tin ứng dụng vào y tế: Dự án này nhắm vào việc quản lý dữ liệu y tế tại Việt Nam theo quy cách sao cho người dân ở vùng sâu vùng xa có thể được chăm sóc y tế tốt hơn.
5. Hiệu quả của thuốc đối với độ nhạy cảm của mắt người trên ánh sáng chớp tắt: Đây là phương pháp tâm-sinh học nhằm phát hiện ra các hiệu quả của một số thuốc lên hệ thống thị giác của con người. Dự án này có thể giúp tìm hiểu cơ chế của hệ thống thị giác con người.
6.Khám phá hiện tượng “Blue field entopic”: Dựa vào nhận thức thị giác trên ánh sáng xanh đặc trưng. Dự án này giúp tìm hiểu về cơ chế của hệ thống thị giác con người.
7. Khám phá mối quan hệ giữa sự mất cân bằng trong quai hàm và mất lực ở cánh tay: Mục đích của dự án này là phát triển các thiết bị mới để xác định mối quan hệ giữa độ mất cân bằng trong quai hàm và sự mất lực ở cánh tay cũng như sự liên quan của cơ quai hàm và cơ cánh tay. Các nghiên cứu này có giá trị đặc biệt cho những nghiên cứu liên quan đến y học thể thao (sport medicine).
8. Phát triển hệ thống điện tử đo lường tầm vận động cổ: Đau cơ cổ là triệu chứng rối loạn cơ xương và thường làm cho nhiều bệnh nhân phải tốn kém trong việc điều trị. Chẩn đoán và đánh giá mức thành công của việc điều trị đòi hỏi phải có vật lý trị liệu liên tục lên tầm vận động của đốt sống cổ. Vì thế việc phát triển thiết bị xách tay mà bệnh nhân có thể sử dụng để theo dõi tiến trình điều trị là rất quan trọng.
9. Nghiên cứu hiệu ứng lâu dài của thiết bị nha khoa chống ngáy: Ngáy là hậu quả của luồng không khí bị tắc nghẽn trong khí quản khi ngủ. Những trường hợp nặng có thể gây tử vong. Các thiết bị nha khoa giúp cho phế quản mở ra để luồng không khí đi vào tỏ ra rất hiệu quả cho việc chống ngáy. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thiết kế, các thiết bị này có thể gây ra các cơn đau cho các khớp xương hàm (temporomandibular, TMJ). Trong dự án này chúng tôi sẽ nghiên cứu về những hiệu ứng trước mắt và lâu dài của các thiết bị và sẽ đề nghị những thiết bị mới.
10. Nghiên cứu lưu lượng của máu trong não với tia cận hồng ngoại: Tia cận hồng ngoại có thể xuyên thấu qua mô và xương. Sự hấp thu tia cận hồng ngoại trong não cho chúng ta biết thông tin về sự oxy hóa và sự giảm oxy hóa trong máu não. Nghiên cứu này có thể giúp chúng ta hiểu cơ cấu của những bệnh liên quan đến não kể cả những bệnh như mất ngủ.
4. Hướng phát triển
4.1 Định hướng xây dựng và phát triển Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh và Phòng Thí Nghiệm
Như đã trình bày trong các phần trên và nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, Bộ môn KTYS sẽ tập trung vào hai định hướng:
- Đào tạo đội ngũ kỹ sư có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa và chế tạo các thiết bị y tế
- Nghiên cứu y học tái tạo nhằm tạo ra các “vật liệu” phục vụ cho công tác chữa bệnh. Các định hướng này được trình bày cụ thể như sau.
4.2 Đào tạo và Nghiên cứu Thiết bị Y tế
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ngày càng được trang bị với các thiết bị tân tiến bởi thế nhu cầu đào tạo các kỹ sư lâm sàng để có thể vận hành và bảo trì những thiết bị này một cách hữu hiệu là việc tối cần thiết. Lĩnh vực thiết bị y tế được hình thành trên nền tảng phối hợp giữa các ngành công nghệ kỹ thuật truyền thống, khoa học đời sống, y khoa, dược khoa và nha khoa. Các sản phẩm kỹ thuật, từ các kỹ thuật hình ảnh đến tay chân giả, đóng một vai trò thiết yếu trong hệ thống y tế và sự an sinh của con người. Việt Nam có khả năng sáng chế ra những trang thiết bị mới có tính cạnh tranh nếu chúng ta có một phương pháp giáo dục và đào tạo tốt những kỹ sư lâm sàng.
Những kỹ sư này sẽ cộng tác tích cực với các bác sĩ trong việc nghiên cứu, giúp đỡ các nhà quản lý trong việc lựa chọn các trang thiết bị phù hợp và thu hút các nhà đầu tư tài trợ trong việc phát triển các thiết bị mới. Những nước đang phát triển như Việt Nam đang sở hữu một nguồn lao động giỏi với chi phí thấp, như thế nếu có những kỹ sư lâm sàng tài năng, các nước này sẽ có thể phát triển được ngành công nghiệp thiết bị y tế cho riêng mình. Thị trường thiết bị y tế đang ngày càng trở nên hấp dẫn, các công ty nước ngoài sẽ sẵn sàng đầu tư trợ giúp gánh vác chi phí đào tạo cho các kỹ sư lâm sàng. Vì thế việc phát triển thiết bị y tế phải được đặt lên hàng đầu.
4.3 Đào tạo và Nghiên cứu y học tái tạo
Nếu việc đào tạo nhân lực trong thiết bị y tế mang đến hiệu quả trước mắt thì việc đào tạo các nghiên cứu viên trong y học tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Thực vậy, lĩnh vực này có phạm vi hoạt động rộng lớn bao gồm việc sử dụng các tế bào, gen di truyền và các vật liệu sinh học khác để chữa trị hoặc thay thế các mô và cơ quan trong cơ thể; sử dụng kỹ thuật sinh học để ngăn ngừa việc phát tán các vi sinh vật và các mầm bệnh gây ra dịch bệnh cho con người hoặc động vật; và nghiên cứu các vật liệu cảm ứng sinh học dùng trong việc nuôi cấy các cơ quan con người. Những đề tài này đặc biệt phù hợp với Việt Nam là đất nước vẫn đang chịu tàn phá bởi hậu quả chiến tranh, bệnh di truyền, khiếm khuyết bẩm sinh và tai nạn.
Bên cạnh đó việc nghiên cứu y học tái tạo trên thế giới vẫn còn đang trong tình trạng phôi thai. Các quốc gia chưa từng có những đột phá khoa học như Hàn Quốc và Singapo đã xuất hiện nhờ những đóng góp của họ . Nếu Việt Nam khám phá những đề tài đặc thù cho mình, Việt Nam sẽ hội nhập với nền khoa học tiên tiến của thế giới một cách nhanh chóng.
4.4 Phương pháp đào tạo và NCKH
Nhằm thực hiện các định hướng trên, phương pháp đào tạo tại bộ môn KTYS sẽ gắn kết lý thuyết và thực hành. Việc này đòi hỏi phải xây dựng một PTN bao gồm các trang thiết bị tiên tiến và phổ biến tại các bệnh viện. Đây là phương thức đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:
Biomedical Engineering Department International University Vietnam National University of Ho Chi Minh City
Email: bme@hcmiu.edu.vn

Website : http://www.hcmiu.edu.vn/bme/

Phone: 08-22113517

Fax: 08 – 37244271
Department Chair: Professor Vo Van Toi
E-mail: vvtoi@hcmiu.edu.vn
Website: http://www.tufts.edu/~vvobme@mail.hut.edu.vn
 
Danh mục các môn học ngành Vật Lý kỹ thuật

1447174936_image003.gif


(TBYS) - Phương thức đào tạo theo cơ chế chung của trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia tp.HCM là đào tạo theo hệ tín chỉ. Các môn học với thời lượng 154 tín chỉ được chia ra : Cơ bản : 46 TC (thuộc về chương trình khung do Bộ quy định trong giai đoạn đại cương của 3 học kỳ đầu); Kỹ thuật cơ sở : 23 TC (do trường ĐH Bách khoa quy định chung cho mọi ngành kỹ thuật); Cơ sở chuyên ngành : 54 TC; Chuyên ngành : 31 TC (bao gồm luận văn tốt nghiệp)


ud_vlkt.gif
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top