Cùng suy ngẫm: Đời này mình còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?

Lờicủagió

Senior Member
Hôm qua nghe XoneFM bài viết này, xin post lên cho mọi người cùng đọc!
Đêm qua, tắt TV xong lên giường nằm đọc sách nhưng chẳng vào. Bật điện thoại nghe FM, tình cờ nghe được một câu chuyện khiến ta giật mình tự hỏi: Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa?

Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa; chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp!

Chủ đề mà chương trình phát thanh đưa ra trò chuyện cùng thính giả xoay quanh câu chuyện của một chàng trai từ miền quê tới thành phố xa xôi lập nghiệp. Sau khi học xong, anh ở lại thành phố và bắt đầu đi làm. Rồi thời gian trôi đi; 5 năm liền anh không về quê thăm bố mẹ được một lần.

Mới đây, anh đón được bố mẹ mình đến sống cùng mình ở thành phố thì không lâu sau, người mẹ được phát hiện là bị ung thư giai đoạn cuối. Theo lời bác sĩ, thời gian cho mẹ anh chỉ còn khoảng 1 năm, và khoảng thời gian đó đang từ từ ngắn lại khi mỗi ngày trôi qua...

Giờ đây, ngoài lúc đi làm, anh dành tất cả thời gian còn lại để ở bên mẹ mình. Anh nhớ lại tất cả những gì mà bố mẹ đã dành cho anh từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi với bố mẹ. Lúc này, anh mới thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ mình.

Trên đất bạn (Trung Quốc) mà sao nghe câu chuyện lại thấy giống với cuộc sống đang diễn ra trên quê hương mình đến vậy! Đời này ta sẽ còn được gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần? Chàng trai kia cũng sẽ giống như đa số chúng ta. Nếu như mẹ anh không lâm bệnh nặng, cuộc sống cứ đều đều trôi qua thì anh cũng chẳng thể nào nhận ra được những gì quý giá đang dần rời bỏ mình.

Xã hội không ngừng phát triển, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực. Mỗi người đều mải lo cho sự nghiệp và cuộc sống bề bộn của mình: Bàn chuyện làm ăn, tìm kiếm cơ hội, quan hệ xã hội, thù tiếp khách khứa bạn bè, rồi học thêm cái này cái kia... Nhiều người ở xa quê, mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một vài lần. Nhưng cũng có người sống gần bố mẹ ngay trong cùng một thành phố mà cũng chẳng có thời gian tới thăm bố mẹ được vài lần trong năm.

Chúng ta có thực sự là bận đến mức không còn thời gian để giành cho bố mẹ mình không? Có phải như thế thật không nhỉ?

Nhớ có lần bạn tôi cũng đã hỏi: "Mỗi năm anh về thăm bố mẹ được mấy lần?". Nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm, chỉ trả lời là "hai, ba lần gì đó" rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Mới đây thôi, ngồi trò chuyện cùng anh giám đốc công ty, anh ấy bảo "các cụ cứ thích tất cả các con ở loanh quanh đâu đấy không xa nhà mình để khi muốn là gặp được ngay mới thoả". Tôi nghe xong cũng cười đồng ý rồi chẳng nghĩ ngợi gì nữa.

Lúc trước tôi chẳng hiểu sao cứ mỗi dịp có một trong 3 anh em về thăm nhà là y như rằng, mẹ tôi lại hỏi sao cả mấy đứa không cùng về, hay là "chúng nó bận việc không về được à?". Tôi chỉ cười mẹ tôi sao hay "thắc mắc" vậy, rồi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nữa...

Còn bây giờ thì tôi cũng đang nghĩ: Đời này mình còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?

Thân dành cho những bạn đang ở xa bố mẹ.
:):):):)
 
Câu chuyện có vẻ buồn quá, Gió ơi. :cry::cry::cry::cry: Nhưng nó thức tình được một số ng..... Mình hok hành kém như thế này liệu có xứng với công nuôi dạy của bố mẹ ko???
 
Câu chuyện này ko chỉ có ý nghĩa sâu sắc với nhg ng xa nhà mà còn cảnh tỉnh mọi người hãy trân trọng nhg giây phút bên gia đình, người thân vì tương lai đến ko báo trước, ko ai biết trc đc điều gì sẽ xảy ra. Cũng cần xem lại bản thân sao trước giờ thờ ơ quá...Thanks gió đã cho mình nhận ra nhg gi thật sự đáng trân trọng mà trc giờ chưa từg nghĩ.... :cry:Cảm ơn gió rất nhiều, thời gian chẳng bao giờ chờ đợi ai, sống là cho đi, là cống hiến, là quan tâm, nhất định mình sẽ trân trọg phút giây bên gia đình, người thân, bạn bè,...quan tâm hơn đến mọi người_Điều mà đáng lẽ ra phải được thực hiện tốt từ lâu rồi mới phải:cry::cry::cry::cry:............(y)
 
Tự dưng post bài này lên làm buồn quá! Coi vậy chứ chúng ta càng ngày càng đi sâu vào cuồng quay của cuộc sống, cứ như 1 cái máy. Ít để ý đi những chuyện nhỏ xung quanh. Có khi nào ta sống chậm lại 1 chút, chậm đi mà thấm, mà lắng nghe nhịp đập của trái tim, hơi thở của cuộc sống? :rose: Có khi nào ta ngồi lại cùng trò chuyện với bố mẹ như thuở bé? Có khi nào ta tan trường, đi làm về... rồi sà vào lòng mẹ như ngày nào? Hay ta cứ bị quên đi, lo cho chính bản thân? Phải chăng mỗi chúng ta đều có lòng ích kỷ? Phải chăng??? Phải chăng... rồi lại có lẽ... đáng ra... Đến khi nhận ra thì có thể đã quá muộn! :akay: Lúc này nhận ra, quá muộn! Bố mẹ, cũng như 1 đời người k biết kết thúc khi nào... chỉ có chăng là sống cho hết mình. Sau đây gửi các bạn bài viết này:
Khi bố còn khỏe
Khi còn khỏe, sáng nào bố cũng dậy từ rất sớm để quét sân. Tiếng chổi tre trong buổi sớm tinh mơ lướt trên mặt sân ràn rạt, ràn rạt. Nằm trong buồng, con gái trùm chăn kín đầu, càu nhàu: "Trưa không quét, tối không quét, sao bố lại chọn đúng lúc con còn đang ngủ để quét". Bố cười hiền hậu bảo: "Sân cũng như con người, cần được rửa mặt vào buổi sáng. Ngắm cái sân sạch giống như là sự khởi đầu cho cả một ngày tinh tươm con ạ!".

Khi còn khỏe, đến bữa, bố lại "cắp nách" chai rượu thuốc, làm vài chén... đưa cơm. Bố rất thích ăn món chân gà nhắm rượu, nhưng cả nhà thi thoảng mới được ăn gà. Vì vậy bố thay bằng món "đũa tre chấm muối tiêu". Bố bảo, cái đũa cứng từa tựa như... chân gà. Con gái lại càu nhàu, bảo bố chỉ... "khéo vẽ” để tìm cớ uống rượu. Bố cười: "Cứ để cho bố ăn, bố uống. Bố còn ăn còn uống được là còn mừng. Mai kia...".

Khi còn khỏe, bố mong muốn được ra đảo Phú Quốc một lần. Con gái hứa, mai này đi làm, có lương, con sẽ mời bố đi Phú Quốc. Nhưng khi có lương rồi, con lại chần chừ, bố cố chờ, đợi con mua được chiếc xe máy. Rồi bây giờ lại đợi con mua nhà xong đã nhé...

Khi còn khỏe, bố rất hay... giám sát sinh hoạt của con. Cứ độ 10g tối mà chưa thấy con gái về, bao giờ bố cũng bắc ghế ra sân ngồi ngóng. Một lần, con buồn chuyện tình cảm, nằm trong buồng, khóc, bố gõ cửa hỏi: "Có chuyện gì vậy con?". Con gái được thể ầm ĩ: "Có mỗi nhu cầu được ở một mình, buồn một mình, sao bố cứ can thiệp vậy...". Biệt danh "cảnh sát trưởng" được con đặt cho bố từ ngày đó.

Khi còn khỏe, bố làm đủ mọi vai trong gia đình, từ đầu bếp, bảo vệ, thợ giặt... Khi con đi làm thì bố dắt xe ra tận cổng, con chỉ việc ngồi lên phóng ra ngoài đường.



Rồi một ngày, bố đổ bệnh. Góc sân im lìm tiếng chổi tre. Từng lớp lá cứ rơi đầy trên sân. Con thèm được tiếng chổi của bố đánh thức quá.

Con gái mua về cả nửa ký chân gà, đến bữa, mang luôn chai rượu vào tận giường cho bố, giục bố dậy ăn đi. Nhưng, bố đâu thể ăn được. Bố bảo đắng miệng lắm. Bỗng thấy thấm thía câu nói của bố thuở nào: "Bố ăn được là còn mừng. Mai kia...".

Con đi làm về, chẳng còn bóng bố ngồi khắc khoải nơi sân nhà. Con treo chiếc đồng hồ thật to nơi đầu giường "cảnh sát trưởng". Nhưng, bố còn hỏi con gái: "Bây giờ là sáng hay tối rồi...".

Con vội hỏi tour đi du lịch Phú Quốc. Nhưng bố không thể đi được. Bố bảo bố biết tấm lòng con là đủ rồi.

Bố ơi, bố mau khỏe để làm ông gác cổng khó tính, làm người quản vườn tận tụy, người đầu bếp khéo tay và hơn tất cả là làm người bố tuyệt vời của con gái. Hạnh phúc ấy, lâu nay con không nhận ra.


Trung Thu​
(Trích báo PNVN số 24 06/04/2010)
 
Đọc bài mới ngồi đếm: Năm ngoái mama ở cùng mình 6 tháng, nhưng mình chỉ về với mẹ được 2 lần. Năm nay, cũng gần năm tháng, và cũng mới chỉ 2 lần gặp mẹ! Tính ra, một năm mình gặp mẹ 6 lần! Ngắn ngủi nhỉ ......................
 
Tiếng nói của mẹ

Một ngày tháng 6 năm 2005, tôi đang ngồi soạn bài một mình dưới ánh đèn hiu hắt, bỗng nhiên tiếng chuông điện thoại vang lên một cách gấp gáp. Tôi nhấc máy alô mấy tiếng, thì đầu bên kia mới truyền lại một giọng nói của đứa bé gái sợ sệt và yếu ớt “có phải mẹ đó không? Mẹ ơi”. E rằng làm đứa bé kinh sợ, tôi hỏi rất nhỏ nhẹ “Con tìm ai”?
Tôi nghe rõ một giọng nói vô cùng bi thương nhưng rất bất khuất hàm chứa một khát vọng, “Con tìm mẹ, có phải mẹ không vậy”?
Tôi hiểu, đây là một đứa trẻ đang tìm mẹ, tôi cố ý kéo dài gọng nói : “Con là...?”
Đứa trẻ như rất gấp không thể chờ đợi được, nó sợ tôi gác máy nên tiếng nói đã lớn hẳn lên “Con là An An đây!”
Tôi lấy tư cách của người mẹ hỏi: “An An con đang ở đâu vậy”. Tôi nghe từ bên kia tiếng híc híc, tiếng khóc đứa bé lớn dần. Tôi cũng lớn giọng hỏi: “Con ngoan, có chuyện gì nhanh nói cho mẹ biết, con đang ở đâu?
Thì đầu bên kia truyền lại một âm thanh của tiếng khóc thút thít: “Mẹ, con ở nhà có một mình, con rất sợ, con chưa ăn cơm và Ba thì chưa về, con đã làm bài tập xong, con rất biết nghe lời. Mẹ! Sao mẹ vẫn chưa về nhà? Ba nói: mẹ đã đi một nơi rất xa, khi nào con khôn lớn và hiểu chuyện mẹ sẽ về. Mẹ! Bây giờ con đã khôn lớn rồi, các môn học của con đều đứng đầu lớp, sao mẹ lại chưa chịu về?”
Tim tôi như thắt lại, nhưng giọng của đứa trẻ làm cho tôi sa vào một cảm giác hoang mang và buồn rười rượi, tôi nhìn ra cửa sổ cái màng cửa cứ dường như nặng trịch và dùn xuống một cách sâu lắng. Tôi không biết nên kết thúc cuộc nói chuyện này như thế nào? Chỉ nhớ tôi lấy tình thương của một người mẹ nói với bé: “Con yêu, nếu con sợ, nếu con nhớ mẹ, thì cứ gọi điện cho mẹ, con nhớ nhé, mẹ lúc nào cũng nhớ con”.
Đứa trẻ rất vui nói với tôi, con đã tìm hết quyển danh bạ điện thoại mới tìm ra tên mẹ và tra được số điện thoại và con bé rất đắc ý nói tiếp: “Mẹ, mẹ rất là khó tìm, có một lần con gọi và người bắt máy là một bà cụ nên con lập tức gác máy, có lần khác người bắt máy lại là một người chú, con nói con muốn tìm mẹ thì người đó đã quát la con rất là hung dữ, con hoảng hốt tí nữa là khóc lên, nhưng con không sợ. Con đã gọi 9 lần mới gặp được mẹ, con vui lắm”.
Tôi thật là không nghe nỗi nữa, không biết đứa bé này gặp cảnh ngộ thế nào? Bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, nhà ở đâu. Nhưng tôi không dám hỏi, đã là mẹ sao không biết mọi việc của con gái, nếu hỏi con bé sẽ nghi ngờ.
Từ hôm đó về sau, mấy ngày liên tiếp chuông điện thoại reng là tôi đi bắt máy. Rồi dần dần tôi cũng biết đuợc hoàn cảnh cửa đứa bé. Nó học lớp 2 trường tiểu học Vũ Xương, cùng tuổi với con gái tôi. Mỗi ngày đón xe bus khoảng 1 tiếng đồng hồ để đến trường, trưa thì mua 1 hộp cơm nhỏ để ăn, ba thường về nhà rất trễ. Con bé là học sinh giỏi toán nhất của lớp. Tôi còn biết tên của bé là Hoàng Oanh, thường gọi là An An, nó hát rất hay, những lúc gọi điện cho tôi nó thường hát cho tôi nghe một bài hát mới.
Tháng 7, trường đã cho nghỉ hè, cả nhà tôi đi du lịch ở Bắc Kinh 1 tháng, tối hôm đi du lịch về chuông điện thoại vang lên, tôi vừa nhấc máy thì nghe giọng của An An rất ấm ức nói rằng ngày nào nó cũng gọi điện cho tôi nhưng không có người bắt máy. Con bé hỏi tôi: “Mẹ! Mẹ đi đâu, trường nghỉ hè, bạn bè con đều được ba mẹ dẫn đi chơi. Còn con thì chỉ ở nhà có một mình, cho đến người nói chuyện củng không có, thật là cô độc. Mẹ con rất muốn mẹ dẫn con đi chơi, bạn bè con đều đi xem chiếc cầu lớn của sông Trường Giang, nói là rất đẹp, chỉ có con là không được ai dẫn đi cả”.
Lòng tôi cứ run lên, và đứng im lặng, thật tội cho con bé, chẳng lẽ tôi nói, tôi mất bận dẫn con gái đi Bắc Kinh rồi.
Tôi bắt đầu bịa đặt nói dối: “Nghỉ hè này mẹ bận đi công tác nước ngoài, sau này nếu có thời gian nhất định sẽ đưa con đi tất cả những nơi mà con muốn đi”
Thi giữa học kỳ xong không lâu An An lai gọi địên đến báo cáo tất cả thành tích của nó, con bé nói: ngữ văn đạt 99 điểm, đứng nhất lớp. Đứng thứ nhì là Diệp Lệ Lệ, 98 điểm, mẹ bạn ấy tặng bạn ấy một hộp socola lớn. Ngồi cùng bàn của con là Trương Hoa Đình chỉ được 72 điểm bị ba đánh một trận sưng đỏ cả mông.
Tôi hỏi: ba tặng con món quà gì? Tiếng điện thoại bỗng im thim thiếp, một hồi lâu con bé mới nói: “Từ xưa đến nay ba không đói hoài gì đến con cả, có mấy lần cô giáo muốn phụ huynh ký vào vở bài tập, nhưng ba về quá trễ nên con đã giả chữ ký và cô giáo biết được và phê vào vở con là: “Con là một học sinh nói dối, không thành thật”. Mẹ, sau này con không dám nữa. Mẹ! Khi nào mẹ mới trở về nhà, mẹ về là có người ký tên cho con rồi”.
Nước mắt tôi cứ trào ra không thể ngăn lại được, nhỏ nhẹ nói: “An An! Ngoan nào, cố gắng học tốt, đợi mẹ trở về, nhất định sẽ cho con rất nhiều chocolate và ký vào vở cho con. Và nếu thành tích không tốt mẹ cũng sẽ đánh đòn con đó”. Bên kia là một giọng cười vui vẻ và kế tiếp là một âm thanh nhỏ nhẹ nhưng ngọt ngào “mẹ, bye bye”.
Hai tuần sau, An An lại gọi điện đến, cũng một giọng nói rất hào hứng “mẹ, lần này thi môn toán chỉ được 72 điểm, mẹ mau về đánh đòn con đi”. Tôi rất kinh ngạc bởi niềm vui đó, tôi hiểu rõ nỗi khổ tâm của An An, vì muốn được mẹ trừng phạt đánh đòn, vì muốn có một giấc mơ ấm áp tình thương mà đã làm nên “hành động oanh liệt” sao mà bi tráng tự nhiên, tôi nghiêm khắt phê bình An An, trách nó sao cứ làm tôi lo lắng về việc học của nó. Tôi lại thêm một lần nói dối, tôi nói: “Mẹ sắp đi công tác nước ngoài rồi, không có thời gian đến thăm con. Con bé khóc ré lên, khóc một cách uất ức. Con bé sụt sùi nói “con sai rồi, con đã nói dối. Thật ra con rất muốn được 79 điểm thôi, nhưng cũng vẫn 97 điểm. Vì con muốn gặp mặt mẹ một lần nên mới nói dối như vậy, con xin cam đoan sau này con sẽ không để mẹ lo nữa”.
Năm ngày liên tiếp tôi cứ đợi điện thọai An An, vào lúc 2 giờ khuya ngày thứ 6, điện thoại lại vang lên một cách khẩn gấp, bên kia là giọng của một người đàn ông chần chừ và ngần ngại “xin lỗi, tôi là ba của An An, con bé bị bệnh, sốt cao, lại cứ nói nhẩm, muốn gọi điện thoại cho mẹ. Tôi biết như vậy hơi liều, chúng ta không quen nhau, nhưng tôi không biết vì sao An An lại cứ nhớ rõ số điện thoại của Cô, con bé còn nói: còn mấy ngày nữa là đến ngày 13 tháng 11 là sinh nhật của nó, nó mong muốn được gặp mặt mẹ một lần. Trái tim tôi đột nhiên như co lại: “An An thế nào rồi, hãy nói rõ cho tôi biết. Hoàn cảnh của anh chị như thế nào? Tại sao mẹ của An An không ở chung?”
Tiếng điện thoại bên kia như nhỏ dần: “Xin cô đừng quá lo, An An chỉ bị viêm phổi, hiện tại khá nhiều rồi, hoàn cảnh chúng tôi sau này tôi sẽ nói rõ, chỉ xin lỗi con bé thôi.”
Tôi nói “thôi đừng nói nữa, cho con bé nghe điện thoại đi “mẹ!!! mẹ...” một âm thanh như chờ đợi đã lâu, như làm nghiền nát tim tôi. “Mẹ, con bị bệnh đang nằm ở bệnh viện, mấy bạn khác đều có mẹ mà chích thuốc còn khóc, con rất kiên cường, chỉ có nhớ và muốn mẹ đến cùng con. Mẹ! Mẹ có thể đến thăm con được không?”
Cổ họng tôi dường như nghẹn lại, một hồi lâu tôi nói lắp bắp được 1 câu “con gái!” Cô... mẹ nhất định sẹ đến thăm con”. Tôi quyết định vào ngày sinh nhật An An sẽ mua thật nhiều quà đến tặng con bé.
Vào buổi chiều ngày 13 tháng 11 tôi mua 1 hộp chocolate và cột lên một cái nơ rất xinh và viết lên đó “Chúc con gái yêu của mẹ sinh nhật thật vui”. Tôi đến trường tiểu học An An tìm cô giáo Trương Ngọc Hà, nói rõ việc tôi tìm đến, cũng có nói những cuộc điện thoại kỳ duyên của tôi và An An, cả văn phòng im phăng phắc.
Cô Hà nói: “Hoàng Oanh là học sinh mà cô thương nhất. Con bé học rất tốt, lại rất hiểu chuyện, nhưng bất hạnh, năm 2 tuổi cha mẹ đã ly hôn. Hoàn cảnh con bé làm cho người người xót xa, cha đứa bé thì tinh thần sa sút, nhậu nhẹt. Cho dù mấy lần họp phụ huynh đều không thấy người đến họp. Hoàng Oanh hoàn toàn dựa vào sức học tập của chính mình, không có ai chỉ dẫn con bé, nó tự giác học tập, thật là một đứa trẻ hiếm có”.
Cô Hà cầm quyển vở bài tập đưa cho tôi nói “đây là một tác phẩm văn chương tuyệt tác có tựa đề là “Mẹ tôi” viết rằng: “Tôi chưa gặp mặt mẹ tôi, ba nói mẹ đi đến một nơi rất xa và rất xa. Nhưng tôi thường gọi điện thoại và nghe được tiếng nói của mẹ, âm thanh của mẹ rất ngọt, tôi nghĩ mẹ của tôi rất xinh. Mẹ nói mẹ sẽ từ một nơi rất xa về thăm tôi, mẹ còn nói tôi là đứa trẻ biết chuyện nhất trên đời. Tôi còn có một nguyện vọng, nguyện vọng này chỉ nói với cô Hà đó là “một ngày nào đó mẹ sẽ về ký tên lên tất cả những quyển vở bài tập của tôi và có thể nhìn thấy tôi ở đoàn biểu diễn nghệ thuật. Mẹ nhất định sẽ rất vui”, đọc đến đây, ánh mắt tôi lờ mờ và nhòa đi trong dòng lệ.
Tôi nói với cô Hà: “Nhờ cô tìm tất cả vở bài tập của An An để tôi ký vào”. Và viết một lời bình sau bài văn đó: “Con gái! Bài con viết rất hay, mẹ xem mà lệ lòng cứ từng giọt từng giọt rơi xuống. Con yêu, con nên tin tưởng, từng giây, từng phút mẹ luôn ở bên cạnh con. Ngày sinh nhật con, mẹ tặng con hộp chocolate, đây là món quà khích lệ lớn nhất với con. Sinh nhật năm sau, mẹ nhất định sẽ đến bên cạnh con.”
Tôi không biết, tôi làm như vậy có thể an ủi An An được tí nào không, nhưng tôi tự hứa với lòng mình những ngày sau này tôi sẽ cố gắng đem tất cả tình thương của người mẹ làm cho từng giọt từng giọt thấm ngầm vào tâm linh của con trẻ.

Như Nguyện dịch
Theo Jiawengongshang
 
Còn 2 ngày nữa là tết...

Như thường lệ, nó thu xếp mọi việc từ sớm, trưa hôm trước cũng ngủ một giấc dài, điều hiếm khi bắt gặp ở nó. Hôm nay, nó lên chợ giúp mẹ.

10h tối

Nó cùng mẹ lên chợ. Đây sẽ là một ngày làm việc vất vả nhất của năm, nhưng dọc đường đi nó vui lắm, tíu tít chuyện trò cùng mẹ. Gần đến nơi, những gì đặc trưng nhất của một buổi chợ được bộc lộ rõ nét. Từng hàng xe nối đuôi nhau như con trăn khổng lồ dọc hai bên đường, xung quanh người người như đàn kiến chen chúc qua lại, tiếng gọi nhau í ới, tiếng mặc cả huyên náo, tiếng còi ô tô inh ỏi. Năm nay buổi chợ có thêm một âm thanh mới, tiếng pháo hoa. Thế mới biết cánh lái xe cũng lãng mạn chẳng kém chi ai, trong lúc chờ xếp dỡ hàng, họ bắn pháo hoa. Ai cũng ngước nhìn, báo hiệu tết sắp đến, nỗi mệt mỏi vơi đi nhiều lắm.

Phù, cuối cùng cũng đã vào đến nơi. Nó cùng mẹ bắt tay ngay vào việc, xách-bán hàng. Chỉ riên hôm đó, số hàng qua tay nó xách chừng 2 tấn, quãng đường đi xấp xỉ 2km. Dù gì cũng là “Cầu lông kiệt xuất liên đấu á quân” giải VAST, vậy mà sau hôm đó khắp người nó đau ê ẩm. Ngày tết hàng nhiều gấp 2-3 thường nhật, nhưng cũng đủ nói lên cái vất vả của mẹ suốt năm.

Thật lạ, trên cái chợ này, khi mà những Khánh trắng, Sơn “lùn", Thủy “trọc", Luyến “nổ", Vinh “đồng", Triệu “con", Đức “chính ủy” là biệt hiệu thường thấy thì mẹ nó cũng có biệt hiệu, “cô giáo”. Đó là điều mà nó tự hào lắm, trong cái nơi nổi tiếng là “mắng khách như hát hay”, mẹ nó nổi lên với khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ mà kiên quyết, đặc biệt không bao giờ nói tục. Có lẽ mẹ là người phụ nữ mà nó khâm phục và yêu mến nhất trên đời.

12h đêm

Hàng vẫn chưa xuống hết. Ai nấy vẻ mặt lo lắng, mẹ nó cũng không ngoại lệ. Nhìn khuôn mặt lo âu ấy, lòng nó lại quặn đau. Không kể ngày tết, thường thì mẹ nó đi từ 1h sáng.

2h sáng

Mưa lất phất rơi, có người ngủ liền trên xe khi chờ lấy hàng, chiếc áo mưa nhờ đó có thêm một công dụng mới, chăn đắp. Dòng người vẫn hỗi hả chảy đều, đèn điện sang quắc. Sau vài chập lác đác, mưa rào rào rơi. Ở cái chợ hoa quả này, thật không ngờ cái mọi người sợ nhất lại là mưa. Mọi người ngơ ngác nhìn trời, vẻ mặt lo lắng, đôn đáo chạy đi che hàng. Đâu tiếng lầm rầm cầu khấn cho mưa mau tạnh văng vẳng trong đêm. Hàng lúc này quan trọng hơn người, hoạt động từ tối hôm trước, giờ đã là 3h30’, nước mưa hòa cùng mồ hôi không thể phân biệt được, chảy dài trên khuôn mặt mệt mỏi của mỗi người. Nó có tiếng là “đầu gấu”, bố đánh có khi nào khóc đâu, vậy mà đêm đêm khi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng mưa lộp bộp rơi trên mái tôn, lại ứa nước mắt khi nghĩ đến mẹ đang tần tảo dầm mưa xách hàng, bán hàng.

4h sáng

Nó chuyển sang trông và giao mặt hàng khác. Mẹ nó lại đôn đáo chạy qua chạy lại. Khi lo cho mặt hàng này, lúc đã ở bên mặt hàng khác. Nó nhận ra một điều, béo chưa hẳn đã đi chậm, người nhỏ chưa hẳn giọng đã nhỏ, gầy gò chưa hẳn đã yếu ớt. Thỉnh thoảng có người hỏi nó, mẹ giới thiệu đầy vẻ tự hào. Những lời khen tặng sau đó khiến nét mệt mỏi trên mặt mẹ như biến mất, khuôn mặt hiền từ thêm bừng sáng trong đêm đen.

Có lẽ không đâu như ở VN, mua hàng trả tiền rồi mới được xem mặt hàng, từ chuyên môn gọi đó là bán “úp sọt”. Nó chóng mặt với cường độ làm việc và suy nghĩ ở đây. Một thằng tốt nghiệp kinh tế như nó khó có thể cùng lúc làm được việc xách, kiểm hàng, nắm bắt xu hướng giá cả, trả giá, giao-nhận hàng, vừa phải xem thời tiết.... lại thấy phục và thương mẹ quá.

Một ngày nữa là tết

Năm nay là một năm may mắn, việc đi chợ của mẹ kết thúc tốt đẹp, hàng cũng bán hết. Mẹ nó lại tất bật với việc nhà cửa, cơm nước. Dáng vẻ hoạt bát giờ chậm đi nhiều lắm. Trong tâm trí nó lại thôi thúc lòng quyết tâm.

Giao thừa

Sắp giao thừa rồi, nó cùng bố như thường lệ lững thững thả bước lên chùa cầu khấn những điều tốt đẹp nhất cho già đình, bè bạn và trẩy lộc xuân. Mẹ nó ở nhà thắp hương cúng giao thừa. Năm nay, những lời cầu khấn của nó thêm một điều, “Mưa thuận gió hòa”......

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào Lời mẹ êm ái như đông lúa chiều rì rào ...

Hà Nội, 2006

Đã 3 năm liền rồi, nó chỉ được gặp mẹ 1 lần....
 
Người mẹ điên

Bạn đã bao lâu rồi không hỏi thăm sức khỏe ba mẹ? Cuộc sống tuy có bận rộn nhưng cũng đừng quên thường xuyên thăm nom và chăm sóc ba mẹ… đừng để “con muốn dưỡng mà cha mẹ không còn”; “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng” thành điều nuối tiếc …
Xin nhắc bạn chuẩn bị khăn xoa, vì mẩu chuyện dưới đây có thể làm bạn rơi nước mắt, mời bạn nhè nhẹ cảm nhận.

Hai mươi ba năm về trước , có một người phụ nữ trẻ lưu lạc đến thôn chúng tôi, mặt mày nhem nhuốc, nhìn thấy người là cười ngớ ngẫn.Vì thế , những phụ nữ trong thôn thường phun nước bột mỗi khi nhìn thấy người đàn bà điên này. Cũng có những phụ nữ mắng chửi kêu cô ta “cút đi thật xa”, nhưng cô ta không đi , vẫn cái cười ngớ ngẫn lẩn quẩn trong thôn . Lúc đó Ba tôi đã 35 tuổi rồi.

Ba đi làm ở nhà máy cắt đá và bị máy cắt đứt cánh tay trái, lại do gia đình nghèo nên vẫn chưa cưới vợ. Bà nội tôi nhìn thấy người phụ nữ này cũng có chút nhan sắc nên quyết định giữ cô ấy lại cho Ba tôi, đợi cô ta cho gia đình tôi một người “kế thừa hương hỏa” xong sẽ đuổi đi.

Ba tôi tuy không thích nhưng nhìn hoàn cảnh gia đình đành cắn răng cười đồng ý, thế là Ba trở thành Tân lang.

Lúc mẹ sanh tôi, Bà ôm tôi vào lòng nhấp cái miệng mốm không còn một cái răng vui vẻ nói: “đây là người đàn bà điên mang đến cho cuộc đời tôi một đứa cháu”.

Vừa sanh tôi ra, Bà liền ẵm tôi đi, và không cho mẹ đến gần. Mẹ một mực muốn bồng bế tôi, rất nhiều lần đến trước Bà cực nhọc nói: “cho…cho con ẵm…” nhưng Bà làm lơ. Tôi quá nhỏ như cục thịt đỏ, nếu mẹ lở tay làm rơi tôi xuống thì sao? Vì mẹ điên mà. Mỗi lần mẹ xin được bồng tôi thì Bà trố mắt mắng mẹ: “cô đừng hòng ẵm nó, tôi không cho cô đâu, nếu tôi thấy cô ẵm nó là tôi đánh cô chết. Không đánh chết thì cũng đuổi đi”. Bà nói một cách cương quyết như vậy. Mẹ nghe hiểu, khuông mặt sợ hãi đứng xa xa nhìn tôi mà thôi. Mặc dù sữa của mẹ cương lên rất nhiều nhưng tôi không được bú. Bà cứ từng muỗng từng muỗng sữa cho tôi uống. Bà nói trong sữa của mẹ có bệnh thần kinh nếu truyền cho tôi thì phiền phức. Lúc đó nhà tôi nghèo xơ xác, đặc biệt là sau khi thêm tôi và mẹ, trong nhà không có gạo để nấu. Vì thế, Bà quyết định đuổi mẹ đi, bởi mẹ không chỉ không biết làm việc mà nhiều lúc còn xảy ra thị phi. Một ngày nọ Bà nấu một nồi cơm, bới cho mẹ một chén đầy và nói: “Cô! gia đình này quá nghèo, tôi xin lỗi cô, cô ăn cơm xong thì đi tìm gia đình nào khá giả hơn mà sống qua ngày, sau này đừng về đây nữa”. Mẹ vừa dà một muỗng cơm lớn lên miệng, nghe Bà nói, vô cùng kinh ngạc, muỗng cơm nghẹn lại trên cổ họng, nhìn Bà đang bồng tôi, nghẹn ngào nói: “không…không thể…”

Bà gầm mặt lên lấy tư cách của người chủ nhà lớn giọng hét: “cô là người điên, còn cãi lại à, có đi không, cô vốn là người lang thang khắp nơi, tôi nhận về cho ở hai năm rồi còn muốn gì nữa, ăn xong là đi, nghe rồi chưa”?

Nói xong, Bà ra sau cánh cửa lấy cái cuốc quơ một cái thật mạnh phát ra âm thanh chát chúa. Mẹ sợ run cả người, rụt rè nhìn Bà, từ từ nhìn chén cơm trước mặt, nước mắt ràn rụa chan lên cơm, nhìn chằm chằm xuống. Đột nhiên, mẹ có cử động rất lạ lấy chén cơm phân hơn một nữa ra chén không, sau đó rất đáng thương nhìn Bà. Bà ngớ người, hoá ra là mẹ muốn nói với Bà mỗi bữa chỉ ăn nữa chén để cầu xin Bà đừng đuổi đi, Bà cũng xúc động. Bà cũng là phụ nữ tuy có thái độ cương quyết nhưng cũng giả vờ thôi. Bà quay người đi, lấy tay lau nước mắt sau đó quay lại nghiêm nghị nói: “ăn nhanh lên, ăn rồi lo mà đi, ở nhà này sẽ làm cô chết đói”. Mẹ hầu như tuyệt vọng đến nữa chén cơm cũng không ăn vô, lặng lẽ bước ra khỏi cửa nhưng ra đến cửa đứng đó mà không đi. Bà vội vàng nói: “cô đi, cô đi đi, đừng nhìn lại”. Trời như sụp xuống đè lên người mẹ, mẹ quay lại phía Bà đưa hai tay ra, có ý muốn bồng tôi. Bà do dự một hồi rồi bất đắc dĩ đưa tôi cho mẹ, đây là lần đầu tiên mẹ ôm tôi vào lòng, mẹ há miệng cười, khuông mặt rạng rỡ như mùa xuân. Bà thì ngược lại như đối diện với địch, sợ bệnh tâm thần chuyền sang tôi. Lúc mẹ ôm tôi chưa đầy ba phút, Bà càng sợ gấp gáp giành lấy tôi rồi quay lưng đi vô đóng cửa thật mạnh.

Đến lúc tôi bắt đầu ngờ nghệch hiểu thì phát hiện ra tất cả bạn bè đều có mẹ chỉ trừ tôi ra. Tôi hỏi Ba hỏi Bà họ đều nói mẹ tôi chết rồi, nhưng ngược lại mấy đứa bạn thì nói với tôi: “mẹ mầy là một người điên, bị Bà mầy đuổi đi” tôi lại tìm Bà để chất vấn, vì tôi còn mẹ, tôi chưởi thầm Bà sao ác thế, thậm chí Bà đúc cơm cho tôi, tôi hất đổ không ăn. Lúc đó tôi không biết thế nào là “điên” chỉ biết rất nhớ mẹ, mẹ hình dáng như thế nào? Có còn sống không ?

Không ngờ, xa nhà sau 5 năm, mẹ đã trở về lúc này tôi lên sáu tuổi, ngày hôm đó mấy đứa bạn chạy như bay đến báo tin cho tôi: “Thọ, nhanh lên đi xem, mẹ mày về rồi, người mẹ điên của mày về rồi” tôi lập tức vụt chạy, Bà và Ba đuổi theo, đây là lần đầu tiên tôi có ký ức gặp mẹ. Cũng vẫn quần áo tơi tã, trên đầu còn dính mấy cộng cỏ khô, tôi nghỉ mẹ đã ngủ ở đống cỏ nào đó. Mẹ không dám vào nhà, ngồi gần đống rơm đối diện nhà, tay cầm cái bong bóng lem luốc. Lúc tôi và nhóm bạn đứng trước mặt mẹ thì mẹ cũng cố tìm ra đứa con mình. Cuối cùng thì mẹ cũng tìm ra mẹ nhìn chầm chầm vào tôi không chớp mắt rồi reo lên : “Thọ… bóng…bóng” mẹ đứng lên, không ngừng dang tay cầm cái bong bóng chạy đến chổ tôi dường như ôm chầm lấy tôi, còn tôi thì ngược lại cứ lùi về phía sau. Tôi hoàn toàn thất vọng, không ngờ người mẹ mà tôi ngày đêm mong nhớ hoá ra có hình dạng như vầy. Một đứa bạn đứng bên tôi la to: “ Thọ bây giờ mầy biết điên là thế nào rồi chứ? đó là hình dáng của mẹ mầy ”. Tôi tức giận nói với nó: “bà ta là mẹ mầy, có mẹ của mầy mới điên, mẹ của mầy mới hình dạng như vậy”. Tôi quay đầu chạy, người mẹ điên đó tôi không cần. Bà và Ba dẫn mẹ về nhà, năm năm trước sau khi Bà đuổi mẹ đi lương tâm cũng cắn rứt, nên lần này chủ động giữ mẹ lại nhưng tôi thì không vui bởi vì mẹ làm mất mặt tôi. Tôi không ngước mặt lên để mẹ nhìn, không nói chuyện và cũng không gọi một tiếng ‘mẹ’. Nhà tôi không thể nuôi mẹ ăn không mà Bà quyết định chỉ cho mẹ làm một số công việc đơn giản. Lúc đi làm Bà dắt mẹ theo xem và tập làm, nói mà không nghe lời là bị đòn. Qua một vài ngày, Bà nghĩ có lẽ mẹ đã biết làm nên bảo mẹ một mình đi cắt cỏ bờm lợn, không ngờ chỉ khoảng nữa tiếng đồng hồ mẹ đã cắt được hai sọt lớn. Bà vừa nhìn thấy vừa lo vừa luống cuống, mẹ đã cắt hết những bông lúa đang trổ của người ta rồi. Bà đùng đùng nỗi giận mắng mẹ “con điên lúa và cỏ cũng không biết phân…” Bà đang nghĩ làm thế nào để cải thiện cho sau này thì chủ nhân của đám lúa đã đến rồi. Họ trách Bà đã cố ý dạy mẹ như vậy. Bà giận điên người cầm cây gậy đập vào lưng mẹ nói : “đánh chết mày con điên, mày đi đi cho tôi nhờ…” mẹ tuy là điên nhưng cũng biết đau, nên nhảy lên và chạy đến trốn vào cái cối xay, miệng không ngừng khóc thảm thiết và nói: “đừng.. đừng” người chủ nhìn thấy vậy nói: “ thôi, bỏ qua, lần sau nhớ dạy dỗ cô ta tốt hơn chứ không là…” sau khi sự việc đã ổn định mẹ ngồi dưới đất khóc. Tôi nói: “lúa với cỏ mà cũng không biết phân biệt, sao ngốc thế” tôi vừa dứt lời bị Bà đánh một nhác vào sau đầu, trừng mắt mắng tôi: “nhãi con, sao lại có thể nói như vậy, đó là mẹ cháu” tôi la lên “cháu không có người mẹ điên dại như vậy”. “hả, cháu mỗi ngày mỗi bướng không đánh không được”, Bà dơ tay lên sắp tát vào mặt tôi. Lúc đó, tôi thấy mẹ như cái lò xo từ đất nhảy tới chặn ngang giữa tôi và Bà. Mẹ chỉ vào đầu và nói đánh con đi, tôi hiểu ra mẹ bảo Bà đánh mẹ đừng đánh tôi. Cánh tay Bà trên cao từ từ để xuống lẩm bẩm nói: “người đàn bà điên này trong lòng cũng biết thương con của mình!”

Tôi đi học không lâu thì có người nuôi cá trong làng đến mời Ba đi giữ hồ cá, mỗi tháng 50 đồng. Mẹ được Bà bày chỉ công việc, chủ yếu là cắt cỏ nên cũng không xảy ra việc gì. Nhớ một lần khi tôi học lớp ba, một ngày mùa đông trời bỗng nhiên mưa như trút nước. Bà bảo mẹ cầm dù đến cho tôi, mẹ đi đường trượt không biết bao nhiêu lần toàn thân lem luốc và ướt đẫm, đứng ngoài lớp học nhìn vào tôi cười ngây ngô và gọi “Thọ… dù…” tôi mất mặt với bạn bè quá, chúng nó nhìn tôi cười khà khà. Tôi như ngồi trên bàn chông, giận mẹ mặt nóng rang, giận mẹ không hiểu biết lại càng giận cái tên Phạm Gia Hỷ dẫn đầu nhóm bạn trêu chọc tôi. Lúc hắn còn đang phách láo thì tôi nắm lấy họp bút đánh vào hắn. Nhưng hắn né qua và nhảy về phía trước bóp vào cổ tôi, tôi nhỏ người vốn không phải là đối thủ của hắn nên dễ dàng bị hắn vật ngã xuống đất. Lúc đó tôi nghe một tiếng “ó” từ bên ngoài phòng học, mẹ giống như một hiệp sĩ lao nhanh đến lôi tên Phạm Gia Hỷ ra ngoài, nhấc bỗng hắn lên và quăn ra hồ nước trước cổng trường rồi bỏ đi. Mẹ vì tôi mà chuốc họa vào thân nhưng ngược lại cứ như không có việc gì vậy. Trước mặt tôi, mẹ trở lại dáng vẽ sợ sệt nhìn tôi, tôi biết đây là tình yêu của mẹ. Mặc dù đầu óc không tỉnh táo nhưng tình thương con rất sáng suốt khi nhìn thấy người khác ức hiếp con mình. Lúc đó tôi bất chợt kêu lớn một tiếng “mẹ”, đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với mẹ. Toàn thân mẹ run lên, lâu lâu nhìn tôi sau đó như đứa trẻ mắc cở mặt ửng đỏ nhép miệng cười ngây ngô.

Hôm đó tôi cùng mẹ chống dù về nhà. Tôi đem sự việc này kể lại cho Bà nghe, Bà hoảng hồn té xuống ghế và nhờ người đi mời Ba về. Ba vừa về đến nhà thì một nhóm thanh niên trai tráng cầm dao, cầm gậy cũng vừa đến. Họ không biết trái phải mà ập vào nhà đập nát son nồi chén bát, trong nhà giống như vừa xảy ra một trận động đất lớn. Đó là những người mà nhà Phạm Gia Hỷ mời đến, ba của tên họ Phạm như con sói hung dữ chỉ vào mũi Ba tôi nói: “con tao có dấu hiệu bệnh thần kinh đang nằm ở bệnh viện. Mày đem 1000 đến trã tiền thuốc, không là tao châm lửa đốt sạch nhà mày”.

Trời, 1000 đồng ! mỗi tháng ba chỉ kiếm được 50, nhìn thấy dáng vẻ đằng đằng sát khí của nhà họ Phạm hai mắt của ba đỏ như lửa trừng mẹ vô cùng giận dữ. Hai tay chụp lấy mẹ đánh tới tấp trong nháy mắt mẹ giống như con chuột phập phồng sợ hãi chui vào góc cửa, lại giống như con mồi sắp chết trong tay người thợ săn không có chỗ trốn chỗ lánh. Mẹ bật ra âm thanh thê thảm và truyền đi khắp thân như run cầm cập … tôi một đời không thể quên được.

Cuối cùng thì có một đoàn người của Sở Trưởng đến giải quyết, kết quả hai bên đều bị tổn thất. Sau khi mọi người đi hết, Ba nhìn cảnh chén bát son nồi bể nát, nhìn những vết thẹo trên người mẹ, Ba cảm thấy thương mẹ, ba nói: “không phải tôi muốn đánh cô, lẻ ra không nên đánh, đây là vì kiềm chế không được, chúng ta không có tiền bồi thường cho họ. Đó là hoạ lớn cho gia đình nghèo chúng ta”!

Ba nhìn qua tôi nói: “Thọ, con phải cố gắng thì đậu đại học, nếu không chúng ta sẽ bị mọi người xem thường cả đời”, tôi hiểu lời Ba và gật gật đầu.

Mùa hạ năm 2000 tôi thi đỗ tốt ngiệp trung học cơ sở với thành tích cao, năm ấy Bà bệnh nặng và qua đời. Gia đình tôi trở nên khó khăn, cục dân chính của Ân Thí Châu xếp gia đình tôi vào hạng nghèo khó, mỗi tháng trợ cấp cho tôi 40 đồng và miễn giảm các loại tạp phí vì thế tôi được tiếp tục đi học.

Do phải đi học, bài vở lại nhiều tôi rất ít về nhà, Ba thì cũng chỉ làm công với lương mỗi tháng 50 đồng. Công việc lo ăn uống cho tôi lại đỗ lên vai mẹ. Người cô nhà kế bên thường giúp nấu thức ăn rồi giao cho mẹ mang lên cho tôi, không ngại gió mưa bão táp, đường núi gập gềnh 20 cây số mẹ thuộc lòng. Cũng thật kỳ lạ những chuyện về tôi mẹ tỏ ra là người rất bình thường không có một chút của dấu hiệu tâm thần. Trừ mẹ ra tôi không biết giải thích hiện tượng này thế nào, không biết y học lý giải ra sao ?

Ngày 27 tháng 4 năm 2003, là ngày chủ nhật, mẹ đến không những mang thức ăn cho tôi mà còn có mấy trái đào rừng. Tôi cầm lấy và cắn một miếng, cười hỏi mẹ: “ngọt lắm, hái ở đâu vậy”? mẹ nói “mẹ…, mẹ hái…” tôi không ngờ mẹ biết hái đào, tôi nên khích lệ mẹ nói “ồ, mẹ của con thật tuyệt vời, mỗi ngày mỗi khác lúc trước nhiều ”.

Mẹ cười hì hì. Trước khi về, tôi nhìn mẹ nói : “mẹ bảo trọng nhé”, đưa mẹ ra về, tôi lại phải chuẩn bị buổi học ôn cuối cùng để thi. Ngày hôm sau tôi bắt đầu lên lớp, thì người cô gần nhà chạy đến trường nhờ thầy giáo gọi tôi ra. Cô hỏi: “mẹ có mang thức ăn đến cho cháu không” ? tôi nói: “có và về hôm qua rồi”, cô nói: “không có, bây giờ mẹ cháu không có ở nhà”. Trong lòng tôi hơi lo, lẻ nào mẹ đi lạc đường? con đường này mẹ đã đi ba năm rồi, không thể lạc được. Cô hỏi “ mẹ cháu không nói gì à”? tôi nói “không”, mẹ đưa tôi mười trái đào rừng rất tươi. Cô vỗ hai tay thật mạnh nói: “vậy là nguy rồi, có lẻ vấn đề là ở đây”, cô bảo tôi xin phép thầy giáo đi dọc theo đường về tìm mẹ. Trên đường về có mấy cây đào rừng, từng chùm trái treo lơ lững trên cao, chỉ đứng ở vách núi cao thì mới hái được.

Chúng tôi cùng phát hiện một cành đào gãy chắn ngang con đường, dưới gốc là một cái hố sâu thẳm, cô nói :“chúng ta xuống đó xem xem”. Tôi la lên “cô, cô đừng làm cháu sợ,” cô không nói không rằng kéo tay tôi chạy xuống… mẹ nằm im thiêm thiếp dưới vách núi bên cạnh có mấy trái đào, trong tay nắm chặt một trái. Máu trên người chảy ra đông cứng lại thành màu đen. Tôi bủn rủn chân tay bần thần ôm lấy mẹ, mẹ ơi ! mẹ còn sống không? mẹ ơi! con làm khổ mẹ rồi, lẻ ra con không nên nói “đào ngọt”con cần mẹ…, mẹ ơi! lúc mẹ sống không được một ngày vui…”

Tôi đầu buột khăn tang trắng khóc như đá núi ven đường cùng tôi rơi lệ chia buồn. Ngày bảy tháng tám năm 2003, lo xong lễ 100 ngày cho mẹ. Bức thư báo tin tôi thi đỗ đại học từ Đại học Hồ Bắc xuyên qua con đường mẹ đi, xuyên qua những trái đào mẹ hái, bay đến cánh đồng lúa trước nhà, chạy thẳng vào nhà tôi. Tôi cầm bức thư dán lên nắm mộ lạnh tanh của mẹ nói: “mẹ ơi! con thi đậu rồi, mẹ có nghe không? mẹ có thể tươi cười nơi chín suối”.

Nhân ngày lễ Vu Lan, xin chân thành gửi đến những ai đang còn mẹ lời cầu chúc hạnh phúc nhất, may mắn nhất đồng thời xin thành kính chia buồn với những ai không còn mẹ. Chúc tất cả quý vị cùng hưởng một mùa Vu Lan thật ý nghĩa.

:rose:
(Như Nguyện trích dịch)
 
Các bạn biết thương bố mẹ sớm như vậy là rất tốt. Đó sẽ là động lực lớn để vượt qua được nhiều khó khăn.
Tôi thuộc loại thiểu năng tình cảm nên đến năm 23 tuổi, nhân kỳ nghỉ phép về VN mới biết thế nào là thương mẹ.
Hy vọng tình thương của các bạn là một nhận thức cả về lý trí lẫn tình cảm để có thể hiện thực hóa được cái tình cảm đó.
 
"Con biết rằng,khi con nói lời yêu thương,cũng là lúc cần nói lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả mọi người,lúc con hạnh phúc nhất là lúc con cười,và khi ấy con biết nói hai tiếng yêu thương"(y)
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,550
Members
56,918
Latest member
sv368net
Back
Top