"Làm cách nào để thành công trong khoa học?"

Nguyễn Ngọc Lương

Administrator
Staff member
Đây là bản dịch của một bài viết rất hài hước về cách thức làm việc của các nhà khoa học “dỏm”. Bài viết này (nguyên bản tiếng Anh) từng được trao giải thưởng “Bài báo hay nhất trong năm” của Tập san Perspectives in Biology and Medicine. Có lẽ qua bài viết, người ta muốn cảnh cáo những ai nuôi ảo vọng làm khoa học theo hiểu mà tác giả nêu lên dưới đây. Cố nhiên, ý của tác giả là nếu các bạn muốn trở thành một nhà khoa học chân chính thì phải làm tránh hay thậm chí làm ngược lại những “lời khuyên” trong bài này.
NVT

Dường như phần đông các nhà khoa học trẻ chưa được huấn luyện về những phương cách để thành công trong hoạt động khoa học, như xin tài trợ, được giới đồng nghiệp ghi nhận, hay có một bản lí lịch dài hơn danh sách các bài báo đã công bố, v.v... Để khắc phục sự thiếu sót này, tôi xin trình bày một số chỉ dẫn cụ thể sau đây. Cố nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài chú cừu đen, những chú cừu nhất định theo đuổi một lí tưởng khoa học, bất chấp thành công hay được ghi nhận hay không, và trong trường hợp đó, những chỉ dẫn sau đây sẽ không áp dụng cho họ. Tuy nhiên, chú ý rằng những nguyên lí được trình bày sau đây sẽ giúp cho các bạn một cái khung để xây dựng và bồi đấp thêm.

1. Thoải mái! Chúng ta chỉ ở giữa cái gọi là “mô thức” (paradigm) và cách mạng mà thôi. Phần lớn những lo lắng, phiền muộn gắn liền với việc nghiên cứu khoa học ngày nay đã được Thomas Kuhn giải tỏa từ lâu lắm rồi. Đại đa số các nhà khoa học ngày nay chỉ làm nghiên cứu khoa học bình thường, làm khoa học trong mô thức, chẳng hạn như phân tích các phân tử trong nước. Những tiến bộ thực sự phải chờ đến một cuộc thay đổi về mô thức và chỉ xảy ra trong tương lai.

Do vậy, các bạn nên thoải mái, vì những nghiên cứu của các bạn sẽ chẳng có tác dụng gì lâu dài cả. Dĩ nhiên, có người có thể sẽ tham gia vào việc làm thay đổi mô thức, và chẳng ai có thể ngăn cản họ. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học khác cần nhận thức rằng việc làm sáng tỏ mô thức đương đại là cần thiết cho những cuộc cách mạng khoa học trong tương lai. Thử tưởng tượng xem: muốn đưa ra những cống hiến cơ bản làm thay đổi lối suy nghĩ của mọi người, làm cho mọi người phải xem xét lại những giả định mà họ dùng trong nghiên cứu hàng ngày thì nó khó biết là dường nào. Chẳng phải là một việc đội đá vá trời ư!

2. Chiến lược để trở thành nổi tiếng. Một khi đã có một thái độ thoải mái về tầm quan trọng của nghiên cứu của chính mình, các bạn sẽ cảm thấy rất dễ dàng tập trung vào công việc của một nhà khoa học. Trong chiều hướng này, trở thành nổi tiếng là một ưu tiên thứ hai. Khổ một nỗi là rất nhiều người trong các bạn quá coi thường việc trở thành nổi tiếng, nhất là trong lĩnh vực xin tài trợ và … đi du lịch. Nhưng để trở nên nổi tiếng là một việc làm dễ hơn nhiều người tưởng. Có nhiều lựa chọn lắm. Một trong những cách chắc ăn nhất và nhanh chóng chất để trở nên nổi tiếng là làm việc với những người đã nổi tiếng. Điều này sẽ bảo đảm thanh danh hạng hai, rất cần thiết để tự mình xây dựng sự nghiệp và tên tuổi của chính mình.

Một cách khác để trở thành nổi tiếng là đứng ra tổ chức một hội thảo về một đề tài “nóng” nào đó và mời tất cả những người nổi tiếng trong lĩnh vực đó, kể cả người mà bạn đang làm chung, tham gia. Rồi liệt kê tên mình trong danh sách của chương trình hội nghị. Kĩ thuật này có hiệu quả diệu kì, và đã là con đường đưa vô số các nhà khoa học vô danh trở nên nổi tiếng trong một thời gian rất ngắn.

Một cách có hiệu quả khác là công bố những bài báo hay những bài tóm lược (abstract) mỗi tuần trong lĩnh vực mà các bạn chọn. Phương pháp này cần chút nỗ lực nhưng nếu thực thi cẩn thận (kèm theo những chỉ dẫn dưới đây) sẽ đem lại kết quả rất mĩ mãn.

3. Công bố những bài báo thường xuyên dưới dạng tóm lược. Các nhà khoa học hiện đại không có thì giờ để đọc hết tài liệu chuyên môn. Như nói trên, phần lớn nghiên cứu không có ảnh hưởng gì lâu dài, và cũng chẳng có bao nhiêu người chú ý. Thành ra, việc đọc tài liệu chuyên môn là một sự phung phí thời gian! Do đó, cần phải lợi dụng vào một thực tế là các bạn chỉ có thể ảnh hưởng các đồng nghiệp qua các công trình nghiên cứu của các bạn qua … tên tuổi. Lenin từng nói một lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lí. Áp dụng nguyên lí đó, các nhà quảng cáo hay lặp đi lặp lại những gì đơn giản, dễ hiểu, và phương pháp này cũng rất có hiệu quả trong khoa học. Tên tuổi các bạn càng hiện ra trên mặt giấy càng nhiều, mức độ ảnh hưởng của các bạn càng cao và càng nổi tiếng.

Cố nhiên, việc chọn lựa phương tiện cũng rất quan trọng; nói chung, các bạn nên công bố càng thường xuyên càng tốt trên các báo chí và tạp chí khoa học phổ thông, nhưng các tập san khoa học cũng có thể dùng đến. Các bạn nên cố gắng công bố khoảng một trang cho mỗi tuần, và tên bạn nên xuất hiện tác giả đầu hay tác giả sau cùng. Càng nhiều đồng tác giả càng tốt, bởi vì ai cũng biết chỉ có tác giả sau cùng mới thật sự là người điều hành mọi chuyện, và nó cũng cho thấy bạn chắc phải là người đã có tiếng tăm nên mới có nhiều nhà khoa học làm việc cho bạn như thế.

Một số người sẽ cãi lại rằng mỗi bài báo nên chứa những thông tin mới, nhưng những người này không biết đến những bài học từ Đại lộ Madison. Trong thực tế, khi các bạn càng nói nhiều về một điều nào đó, thì người ta càng nhớ đến tên tuổi của các bạn. Một khi các bạn công bố một dữ kiện nhiều lần, và mỗi lần với vài thay đổi nho nhỏ, bạn sẽ càng có thêm uy tín trong đồng nghiệp và trong tâm trí của chính bạn. Thêm nữa, ngay cả lĩnh vực chuyên môn mà bạn làm việc từng bị xem là ngành hẹp hay thiếu hấp dẫn, cũng có thể trở nên quan trọng khi mỗi lần chúng xuất hiện trên giấy in.

Dĩ nhiên, hình thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành công. Công bố những bài tóm lược (abstracts) có nhiều lợi điểm mà người ta thường hay không để ý đến. Thứ nhất, nó cho bạn cơ hội đi du lịch. Thứ hai, bài tóm lược ít khi nào được bình duyệt (và các bạn đã quá biết những câu chuyện khủng khiếp về việc bình duyệt bài báo khoa học. Những kẻ bất tài ghanh tị bạn không cho bạn công bố công trình tuyệt vời mà bạn theo đuổi cả … vài tháng). Thứ ba, và quan trọng nhất, những bài tóm lược cung cấp một tài liệu để các bạn có thể đề cập đến sau này, và nếu những dữ kiện trong bài tóm lược đúng thì bạn sẽ có tiếng, còn sai thì bạn chẳng cần phải đề cập đến nó. Cả hai trường hợp đều rất tiện lợi. Bài tóm lược cũng làm cho lí lịch khoa học các bạn dày hơn và oai hơn, vì có nhiều người không phân biệt được abstract và paper.

Trong vài trường hợp, nhất là một khi bạn đã có kinh nghiệm, bạn có thể công bố nhiều bài tóm lược cùng một lúc, mỗi bài viết về cùng một vấn đề với vài thay đổi nhỏ về chi tiết. Một số hiệp hội khoa học chỉ cho phép mỗi tác giả đệ trình một bài tóm lược, nhưng giới hạn này cũng rất dễ vượt qua. Phần lớn các nhà khoa học nhận thức rằng nghiên cứu sinh, cộng sự viên đều có thể trở thành tác giả, nhưng ít ai để ý đến các nhân viên hành chính, những người sẽ hoàn toàn vui vẻ để có tên xuất hiện trên báo! Với một kế hoạch soạn sẵn, bạn có thể có nhiều abstracts cùng công bố một lượt, một abstract với tên bạn đứng đầu, còn lại thì tên bạn đứng sau cùng. Có một huyền thoại rất nổi tiếng về một nhà khoa học nọ có tên trong tất cả các abstracts trong một buổi hội thảo! Bạn vẫn có thể làm nên huyền thoại đó.

4. Công bố những gì không thể phản biện hay phản nghiệm được. Nhiều nhà khoa học trẻ hiểu lầm rằng nên công bố các bài báo với những phân tích cẩn thận, và suy nghĩ sâu xa. Không hẳn thế: bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách công bố những kết quả chẳng có ý nghĩa gì cả. Rất ít người đọc báo cáo khoa học. Thành ra, không nên tốn thì giờ vô ích để phân tích kết quả. Quan trọng hơn, nên tập trung vào kết quả mà bạn ghi nhận được, với vài khác biệt về phương pháp so với các công trình trước, thì sự khác biệt về kết quả đều có thể giải thích được, nếu cần. Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy lỗi lầm, nhất là bạn không thèm bàn luận đến ý nghĩa và tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu.

Một cách đơn giản nhất để tránh khỏi những phiền phức, xấu hổ, là chỉ công bố những kĩ thuật được cải tiến. Công bố những phương pháp mới ít khi nào dẫn đến những tranh cãi mang tính lí thuyết với đồng nghiệp mà vẫn cho phép một thảo luận hào hứng về độ pH. Tốt hơn nữa, phát triển một reagent mà đồng nghiệp có thể sử dụng được và phân phối cho các đồng nghiệp khác với một yêu cầu khiêm tốn là cho tên bạn vào các bài báo nào dùng đến cái reagent. Với phương pháp này, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bản lí lịch của bạn sẽ kéo dài ra một cách đáng kể hồi nào mà bạn không hay! Nếu vì một lí do nào đó, bạn cần phải thảo luận hay suy luận về kết quả nghiên cứu trên mặt báo, thì bạn cần phải giới hạn những suy luận về những ý tưởng mà sẽ chẳng thể nào thử nghiệm trong khi bạn còn sống.

5. Trình bày công trình nghiên cứu trong mọi diễn đàn. Một trong những lợi ích của việc làm khoa học là cơ hội đi du lịch. Dĩ nhiên, càng có tiếng, cơ hội càng nhiều. Tương tự, càng xuất hiện trong công chúng càng nhiều, bạn càng dễ trở nên nổi tiếng. Thêm vào đó, phần lớn hội nghị cho bạn cơ hội để công bố ít nhất là một abstract. Khi trình bày abstract, cần chú ý đến những hình ảnh (slides) hấp dẫn, nhưng không quá chú ý đến phần chi tiết. Một lời khuyên quan trọng: bỏ đi những thông tin thống kê, đặc biệt là biểu đồ, bởi vì chúng thường làm cho người xem bị cuốn hút khỏi cái điểm chính của slide. Trái lại với trường hợp công bố bài báo trên tạp chí, trong các hội nghị, bạn cứ tự do suy luận. Thực ra, không cần phải để cho dữ kiện gò bó bạn. Nên nhớ rằng ảnh hưởng của bạn sẽ lớn hơn nếu bạn tuyên bố những kết luận vượt ra giới hạn của kết quả nghiên cứu. Nếu có ai chất vấn một cách nghiêm túc những phát biểu của bạn, thì bạn có thể tránh phiền hà bằng cách nói rằng đối phương chưa dùng đúng đúng độ pH.

Trình bày kết quả nghiên cứu trong các hội nghi khoa học là một điều cần nhưng chưa đủ để thành công. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Khi bạn được mời tham dự một hội nghị, nhớ ghi xuống ai mời bạn, để sau này khi bạn tổ chức hội nghị bạn mời lại họ. Sau nhiều lần như thế bạn sẽ thấy tổ chức một hội nghị sẽ rất dễ dàng, và bạn sẽ đi dự nhiều hội nghị như thế. Và nếu bạn đã thành công, bạn có thể nghĩ đến việc thành lập một hiệp hội gồm những người cùng cảnh ngộ hay hoạt động trong cùng một ngành nghiên cứu.

6. Viết đơn xin tài trợ cho những công trình mình đã làm xong. Thực ra, điều này không cần nói thì ai cũng biết. Có ai lại cho chúng ta tiền nếu chúng ta chưa chứng minh đã/sẽ làm được. Nhưng rất tiếc là vẫn còn nhiều nhà khoa học trẻ chưa nắm vững vấn đề, nên dám viết đơn đề nghị làm những nghiên cứu mà họ chưa từng làm. Phần đông những người duyệt đơn xin tài trợ loại bỏ những đơn đề nghị những ý tưởng mới, những công trình nghiên cứu táo bạo, họ chỉ thích yểm trợ những công trình nào mà họ nghĩ là chắc chắn sẽ thực hiện được.

Đương nhiên, trong bối cảnh như thế, bạn cần phải cẩn thận trong vấn đề thời điểm công bố những bài báo khoa học của mình sao cho những bài báo này chưa in khi đơn xin tài trợ đang được cứu xét. Những nhà khoa học loại “nai tơ” có thể sẽ lâm vào tình thế là không có khả năng làm thí nghiệm trước khi nộp đơn xin tài trợ. Cách hay nhất để giải quyết vấn đề này là để nghị công trình nghiên cứu tương tự như những gì mà mình đang làm với một nhân vật nổi tiếng nào đó. Nếu cách này không khả dĩ, thì bắt buộc bạn phải đưa ra những đề nghị mới. Nếu như thế, nhớ làm cho công trình nghiên cứu khác đi một chút so với công trình mà người khác đã làm trước đây. Điều này làm cho những người duyệt đơn nghĩ rằng công trình nghiên cứu của bạn nằm trong đường hướng nghiên cứu đương đại.

7. Không nên phí phạm thì giờ cho giảng dạy. Nên nhớ rằng mục tiêu tối hậu của bạn là thành công trên trường nghiên cứu khoa học. Dù một số giảng dạy có thể đem lại vài lợi ích, nhất là bạn có cơ hội tiếp xúc và có thể thu nhận những học sinh có khả năng làm việc cho bạn (và là nguồn tác giả cho các bài báo sau này), nhưng giảng dạy là một khía cạnh chiếm nhiều thì giờ. Chẳng ai đề bạt bạn lên chức danh giáo sư vì thành tích giảng dạy, vì thế đừng phí thì giờ với đám sinh viên gà mờ!

Có thể cấp trên sẽ làm áp lực bạn để bạn phải nhận lãnh trách nhiệm giảng dạy, nhất là trước khi bạn được vào biên chế chính thức, nhưng áp lực này có thể hóa giải một cách dễ dàng. Chẳng hạn như luôn luôn trình bày các công trình nghiên cứu của bạn một cách mà không đám sinh viên nào có thể hiểu được. Trong các khoa y, đây là một thói quen mà giới khoa bảng bên y đã dùng và khá thành công. Bác sĩ đang làm nghiên cứu sinh thì làm gì hiểu được các vấn đề chuyên sâu, nên các giáo sư y khoa tha hồ nói mà chính họ cũng chẳng biết họ nói cái gì!

Một cách khác cũng có hiệu quả là cung cấp những chi tiết về phương pháp mà bạn sử dụng trong phòng thí nghiệm, đặc biệt nhấn mạnh đến mức độ pH. Thông thường, nghiên cứu sinh bị dội một lượng bom thông tin rất nhiều, nên họ không có khả năng và thì giờ suy nghĩ để đặt những câu hỏi thông minh. Cái lợi điểm của cách này rất hiển nhiên: dần dần bạn sẽ thấy giảng dạy không tốn thì giờ nhiều, và trong khi đó bạn có thì giờ viết abstracts cho các hội nghị chuyên môn!

8. Thương mại hóa. Có tiếng tăm là một điều tốt, nhưng càng thoải mái hơn nếu tiếng tăm được kèm theo tài chính. Vai trò truyền thống của nhà khoa học không hẳn là hấp dẫn so với các ngành nghề khác. Nhưng tình trạng này đang thay đổi nhanh chóng. Một trong những lựa chọn hấp dẫn với khoa học hiện nay là khả năng ứng dụng và thương mại hóa những công trình nghiên cứu của giới khoa học. Nhiều nhà khoa học phát hiện rằng thành lập những công ti để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình cũng đem lại nhiều lợi ích tài chính. Cái “đẹp” của hệ thống này là không có một sự rủi ro nào cả. Nếu ứng dụng vào thương trường mà không đem lại lợi tức, thì bạn vẫn có thể xin tài trợ thêm để nghiên cứu tiếp. Còn nếu công trình nghiên cứu của bạn thương mại hóa thành công, đem lại lời cho công ti, thì bạn vẫn có thể dùng các chức vụ khoa bảng của mình, dùng quan hệ chuyên môn trong ngành của mình để nắm vững thông tin về các đề tài khoa học “nóng” và đem những thông tin này cho công ti của mình. Do đó, thương mại hóa đem lại khá nhiều lợi ích về tinh thần lẫn vật chất.

Tóm lại, tuân thủ theo những nguyên lí trên đây sẽ không chắc chắn đem lại thành công, nhưng kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học trong quá khứ rất nhất quán với giả thiết rằng các chỉ dẫn trên đây rất thực tế (p nhỏ hơn 0.05 dùng cách thử nghiệm Wilcoxon X-test với pH 5.5) và có thể nâng cao cơ hội bạn được kính trọng trong đồng nghiệp, giàu có, và sau cùng là được biết đến như là một nhà khoa học thành công. Nếu không hiệu quả như mong muốn, thì các chỉ dẫn trên đây cũng tối thiểu bảo vệ bạn không phải xa rời hay sa ngã quá xa những biên giới của khoa học bình thường, những lằn ranh mà bạn có thể bị chụp mũ là những người gây rối hay những con cừu đen.

Trích blog Nguyễn Văn Tuấn
 
Điểm số 7 khá kỳ cục nhỉ. Suốt ngày làm thí nghiệm hoặc đọc tài liệu thì chịu sao nổi? Có cơ hội lên lớp giảng bài vừa thoáng người vừa vui tại sao lại không tận dụng? Trao đổi với SV cũng hay chứ.
 
Thêm nữa, nếu muốn nổi tiềng trong khoa học thì học theo cách của Jose Mourinho chắc cũng có hiệu quả đấy. Mình cũng đang nhìn thấy đâu đây có vài nhà ..khoa học trẻ đang làm..mọi cách để được nổi tiếng bất chấp là cách gì..
 
Mình thấy một GS ở lab bạn mình giống hệt như mô tả ở trên.
Ông ấy đi suốt cả năm, bọn lab năm thì mười họa mới gặp mặt một lần. Ông ấy nói chuyện chủ yếu là nói đến "how to get money from government" :mrgreen:, và đương nhiên là "how to pocket some of that money too". Dạy dỗ cũng cho qua loa. 3 môn ông ấy "phải dạy" thì đều là "Plant Molecular Biotechnology". Ví dụ 1 môn là Molecular biotechnology, nhưng tập trung chủ yếu là plant; rồi một môn là Plant Biotechnology; và một môn là Molecular biology nhưng tập trung chủ yếu vào ứng dụng ở plant :buonchuyen:
Về research thì đã qua thời hăm hở đăng báo. Giờ ông ấy không làm thì tên vẫn xuất hiện đầy trên báo do "quan hệ". Thế nên lab giờ cứ làm đi làm lại cái xưa cũ. Có lẽ loại này là "burnout", hiện tượng thường thấy ở các GS già.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,548
Members
56,917
Latest member
sv368net
Back
Top