longnguyen
Junior Member
GÓP Ý VÀI MỤC TỪ TRONG BÁCH KHOA TOÀN THƯ VIỆT NAM
Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) trên Internet là công trình biên soạn tầm cỡ, có uy tín đối với những người muốn tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, khi tra cứu một số mục từ thông thường về động vật và thực vật tôi cảm thấy băn khoăn, vì chúng không có hoặc còn thiếu những dẫn chứng quan trọng, cần thiết cho từng mục từ cụ thể. Tôi xin phép trao đổi vài mục từ dưới đây.
Cá ngựa
BKTTVN giải thích: “ Cá ngựa: (Hippocampus), chi cá biển, họ Cá chìa vôi (Syngnathidae). Phần đầu tựa đầu ngựa, đuôi dài xoắn ốc. Thân dài 20-25cm (có khi 30cm), màu vàng đỏ, xanh hay trắng. Bơi thẳng đứng bằng vây lưng …”.
Không có một dòng nào trong mục từ trên cho biết có khoảng bao nhiêu loài cá ngựa trên thế giới và có những loài cá nào trùng tên với cá ngựa trong tiếng Việt. Ngoài ra:
- Cách viết “Cá ngựa: (Hippocampus)” khiến người đọc có thể hiểu rằng Hippocampus chỉ là tên tiếng Latin của cá ngựa. Cần phải viết chính xác là: cá ngựa thuộc giống (hoặc chi) Hippocampus. Bởi vì, trên thực tế, tất cả các loài cá ngựa đều nằm chung một giống duy nhất là Hippocampus và đều cùng một họ là Syngnathidae. Nếu cần có thể giải thích thêm: cái tên giống Hippocampus xuất phát từ tiếng Hy Lạp, gồm có hai phần: hippos (ngựa) và campus (quái vật biển).
- Cách gọi “chi cá biển” quá chung chung, vì có rất nhiều chi (hay giống) cá đều là cá biển, không riêng gì cá ngựa.
Nhìn chung, hơn 200 năm qua, người ta đã đặt tên khoa học tổng cộng trên 120 loài cá ngựa (H. abdominalis , H. barbouri, H. capensis, H. histrix…) , song có một số loài lại mang nhiều tên khoa học khác nhau. Sở dĩ có sự khác biệt trong tên gọi là vì cá ngựa có thể thay đổi màu sắc và phát triển tơ da để hòa hợp với môi trường xung quanh. Nhiều nhà khoa học ngộ nhận là họ đã khám phá ra một loài mới, nhưng thật sự thì loài ấy đã được miêu tả từ lâu (do hạn chế về mặt kiến thức hoặc không nghiên cứu những mẫu cá ngựa gốc đã được mô tả từ trước). Theo Seahorse.com, hiện nay có khoảng 35 loài cá ngựa chính thức đã được xác nhận, tuy nhiên, số lượng loài còn tăng lên nếu trong tương lai có nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn nữa. Một điều quan trọng khác, theo trang web Sinh vật rừng Việt Nam, tại nước ta có hai loài cá nước ngọt đều được gọi là cá ngựa nhưng thực chất chúng không phải là cá ngựa (seahorse), đó là “cá ngựa” (Tor brevifilis) và “cá ngựa xám” (Tor tambroides). Hai loài này nằm trong họ cá chép (Cyprinidae) và đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam ở bậc V (vulnerable), nghĩa là có thể bị đe dọa tuyệt chủng.
Dế
Khi tra cứu các mục từ: “dế, dế than, dế lửa, dế cơm, dế ché, dế trũi (dế dũi, dế nhũi)”…đều không tìm thấy, còn khi tìm mục từ “dế mèn” thì kết quả lại là “Dế mèn phiêu lưu ký”, nghĩa là giải thích về một quyển sách chứ không phải là về loài vật. Thiết nghĩ, dế là loại côn trùng khá phổ biến ở nước ta, nếu không biết tên khoa học, người biên soạn vẫn có thể viết được những mục từ trên bằng cách mô tả khái quát về ngoại hình, tập tính, sinh sản, môi trường sống...của chúng nếu chịu nghiên cứu. Nhưng tất cả đều bằng không (!). Theo Wikipedia, hiện nay có khoảng 900 loài dế trên thế giới, trong đó 3 giống dế phổ biến và thường được nuôi nhiều nhất là dế đồng (giống Gryllus ), dế nhà (giống Acheta ) và dế Jerusalem (giống Stenopelmatus). Những loài dế thật sự nằm trong họ Gryllidae, song cũng có rất nhiều loài khác cũng được gọi là dế. Chúng nằm trong những họ phụ của họ Gryllidae (đó là họ: Eneopterinae, Gryllinae, Nemobiinae, Oecanthinae…). Một số loài thuộc bộ cánh thẳng khác cũng được gọi là dế, đó là dế có vảy (họ Mogoplistidae); dế kiến (họ Myrmecophilidae); dế cây bụi (họ Tettigoniidae)… Dĩ nhiên, ở Việt Nam, đối với những loài dế có vảy, dế kiến và dế cây bụi người ta không gọi chúng là dế. Tuy nhiên, cần công nhận rằng một số loài trong các giống dế đồng, dế nhà kể trên khá giống với dế lửa và dế than phân bố tại Việt Nam. Thí dụ: dế đồng cát (loài Gryllus firmus, loài Gryllus firmus Scudder…); dế đồng tây nam (loài Gryllus texensis Cade & Otte); dế đồng đen (loài Gryllus lineaticeps). Riêng dế trũi phương bắc (Neocurtilla hexadactyla) khá giống với dế trũi Việt Nam.
Lời kết
Tính đến nay, có hàng triệu lượt truy cập BKTTVN (hơn 1000 lượt/ngày). Điều này chứng tỏ BKTTVN có giá trị tham khảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng khi truy cập trang web này, bởi vì, có thể ai đó sẽ cảm thấy băn khoăn trước cách giải thích một mục từ nào đó hoặc không tìm thấy điều cần tìm, dẫu đó là những từ thông thường như “mai tứ quý” (Ochna atropurpurea DC ) hay “mai chiếu thủy” (Wrightia religiosa)… Hy vọng rằng, trong tương lai, BKTTVN sẽ mở rộng thêm nhiều mục từ để đủ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc, xứng đáng là Bách khoa thư mang nhãn hiệu Việt Nam.
Vương Trung Hiếu
(Nguồn: trích từ ngonnguhoc.org)
Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) trên Internet là công trình biên soạn tầm cỡ, có uy tín đối với những người muốn tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, khi tra cứu một số mục từ thông thường về động vật và thực vật tôi cảm thấy băn khoăn, vì chúng không có hoặc còn thiếu những dẫn chứng quan trọng, cần thiết cho từng mục từ cụ thể. Tôi xin phép trao đổi vài mục từ dưới đây.
Cá ngựa
BKTTVN giải thích: “ Cá ngựa: (Hippocampus), chi cá biển, họ Cá chìa vôi (Syngnathidae). Phần đầu tựa đầu ngựa, đuôi dài xoắn ốc. Thân dài 20-25cm (có khi 30cm), màu vàng đỏ, xanh hay trắng. Bơi thẳng đứng bằng vây lưng …”.
Không có một dòng nào trong mục từ trên cho biết có khoảng bao nhiêu loài cá ngựa trên thế giới và có những loài cá nào trùng tên với cá ngựa trong tiếng Việt. Ngoài ra:
- Cách viết “Cá ngựa: (Hippocampus)” khiến người đọc có thể hiểu rằng Hippocampus chỉ là tên tiếng Latin của cá ngựa. Cần phải viết chính xác là: cá ngựa thuộc giống (hoặc chi) Hippocampus. Bởi vì, trên thực tế, tất cả các loài cá ngựa đều nằm chung một giống duy nhất là Hippocampus và đều cùng một họ là Syngnathidae. Nếu cần có thể giải thích thêm: cái tên giống Hippocampus xuất phát từ tiếng Hy Lạp, gồm có hai phần: hippos (ngựa) và campus (quái vật biển).
- Cách gọi “chi cá biển” quá chung chung, vì có rất nhiều chi (hay giống) cá đều là cá biển, không riêng gì cá ngựa.
Nhìn chung, hơn 200 năm qua, người ta đã đặt tên khoa học tổng cộng trên 120 loài cá ngựa (H. abdominalis , H. barbouri, H. capensis, H. histrix…) , song có một số loài lại mang nhiều tên khoa học khác nhau. Sở dĩ có sự khác biệt trong tên gọi là vì cá ngựa có thể thay đổi màu sắc và phát triển tơ da để hòa hợp với môi trường xung quanh. Nhiều nhà khoa học ngộ nhận là họ đã khám phá ra một loài mới, nhưng thật sự thì loài ấy đã được miêu tả từ lâu (do hạn chế về mặt kiến thức hoặc không nghiên cứu những mẫu cá ngựa gốc đã được mô tả từ trước). Theo Seahorse.com, hiện nay có khoảng 35 loài cá ngựa chính thức đã được xác nhận, tuy nhiên, số lượng loài còn tăng lên nếu trong tương lai có nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn nữa. Một điều quan trọng khác, theo trang web Sinh vật rừng Việt Nam, tại nước ta có hai loài cá nước ngọt đều được gọi là cá ngựa nhưng thực chất chúng không phải là cá ngựa (seahorse), đó là “cá ngựa” (Tor brevifilis) và “cá ngựa xám” (Tor tambroides). Hai loài này nằm trong họ cá chép (Cyprinidae) và đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam ở bậc V (vulnerable), nghĩa là có thể bị đe dọa tuyệt chủng.
Dế
Khi tra cứu các mục từ: “dế, dế than, dế lửa, dế cơm, dế ché, dế trũi (dế dũi, dế nhũi)”…đều không tìm thấy, còn khi tìm mục từ “dế mèn” thì kết quả lại là “Dế mèn phiêu lưu ký”, nghĩa là giải thích về một quyển sách chứ không phải là về loài vật. Thiết nghĩ, dế là loại côn trùng khá phổ biến ở nước ta, nếu không biết tên khoa học, người biên soạn vẫn có thể viết được những mục từ trên bằng cách mô tả khái quát về ngoại hình, tập tính, sinh sản, môi trường sống...của chúng nếu chịu nghiên cứu. Nhưng tất cả đều bằng không (!). Theo Wikipedia, hiện nay có khoảng 900 loài dế trên thế giới, trong đó 3 giống dế phổ biến và thường được nuôi nhiều nhất là dế đồng (giống Gryllus ), dế nhà (giống Acheta ) và dế Jerusalem (giống Stenopelmatus). Những loài dế thật sự nằm trong họ Gryllidae, song cũng có rất nhiều loài khác cũng được gọi là dế. Chúng nằm trong những họ phụ của họ Gryllidae (đó là họ: Eneopterinae, Gryllinae, Nemobiinae, Oecanthinae…). Một số loài thuộc bộ cánh thẳng khác cũng được gọi là dế, đó là dế có vảy (họ Mogoplistidae); dế kiến (họ Myrmecophilidae); dế cây bụi (họ Tettigoniidae)… Dĩ nhiên, ở Việt Nam, đối với những loài dế có vảy, dế kiến và dế cây bụi người ta không gọi chúng là dế. Tuy nhiên, cần công nhận rằng một số loài trong các giống dế đồng, dế nhà kể trên khá giống với dế lửa và dế than phân bố tại Việt Nam. Thí dụ: dế đồng cát (loài Gryllus firmus, loài Gryllus firmus Scudder…); dế đồng tây nam (loài Gryllus texensis Cade & Otte); dế đồng đen (loài Gryllus lineaticeps). Riêng dế trũi phương bắc (Neocurtilla hexadactyla) khá giống với dế trũi Việt Nam.
Lời kết
Tính đến nay, có hàng triệu lượt truy cập BKTTVN (hơn 1000 lượt/ngày). Điều này chứng tỏ BKTTVN có giá trị tham khảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng khi truy cập trang web này, bởi vì, có thể ai đó sẽ cảm thấy băn khoăn trước cách giải thích một mục từ nào đó hoặc không tìm thấy điều cần tìm, dẫu đó là những từ thông thường như “mai tứ quý” (Ochna atropurpurea DC ) hay “mai chiếu thủy” (Wrightia religiosa)… Hy vọng rằng, trong tương lai, BKTTVN sẽ mở rộng thêm nhiều mục từ để đủ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc, xứng đáng là Bách khoa thư mang nhãn hiệu Việt Nam.
Vương Trung Hiếu
(Nguồn: trích từ ngonnguhoc.org)