Tản văn thứ Sáu- Song Thao- Cỏ

Trần Hoàng Dũng

Administrator
Staff member
Song Thao
Cỏ

[1]

Tiếng Anh có từ hair rất dễ chịu. Hair là hair tuốt tuột. Vì thế, khi kịch Hair ra đời, người ta chẳng cần biết hair này là hair nào. Tiếng Việt của chúng ta khó tính hơn nhiều. Hair ở trên đầu thì là tóc. Hair mọc ở ngoài đầu lại là lông. Nói tới từ lông nhiều khi chúng ta ngại miệng. Nó không được thanh. Thi sĩ Bùi Giáng chắc cũng ngại như vậy nên khi hỏi thăm người em gái ở xa, ông rất thơ.

Bây giờ em ở nơi đâu?
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?


Ờ thì cỏ. Nhưng lông mi chẳng lẽ lại gọi là cỏ mi? Nghe không đắt. Mà việc chi phải cỏ! Lông mi là một nét đẹp, cớ gì bắt nó mai danh ẩn tích? Ðừng làm cái chuyện mà một ông thi sĩ khác, ông Quan Dương phải buồn.

Ai thả mây làm thu bâng khuâng?
Ðể lá rơi thừa thãi lời buồn
Lòng chẳng yên lành như bữa trước
Giết chết anh rồi sợi mi cong.


Sợi mi cong của người em nhỏ làm dấu ấn cho khuôn mặt thân thương. Bên cạnh lông mi, chúng ta có lông mày. Mi đi với mày bạn bè hết biết! Ðẹp như ca dao.

Cầu này là cầu ái ân,
Một trăm con gái rửa chân cầu này
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.


Xuống một chút xíu nữa, đi ngang qua sống mũi, chúng ta tới một vùng cũng có thể rậm rì. Những sợi lông mọc ở đây nó lại mang tên khác: ria! Nó là nét nam nhi của giới mày râu. Cứ tưởng tượng ông Clark Gable, ông Hitler hay ông Charlot không có tí “tóc” ở đây thì nó ra làm sao. Khó coi lắm! (Tôi không có ria, đúng ra là sáng nào tôi cũng cạo ria, nhẵn nhùi nhụi, thế mà trông vẫn được. Chắc nhiều người trong chúng ta cũng vậy. Chúng ta ăn đứt các ông nổi tiếng trên!) Nhưng nếu các bà mà lại có tí ria thì rất phiền phức. Các bà Việt Nam chúng ta ít mang nỗi phiền muộn này, nhưng nhiều bà Trung Ðông, Nga hay Nam Âu thì không được may mắn bằng. Tại sao vậy? Có nhiều nguyên nhân lắm. Có thể đó là hậu quả của sự rối loạn chức năng của tuyến thượng thận và buồng trứng, làm tăng nồng độ của nội tiết nam (testosteron) trong máu, dẫn đến kích thích mọc nhiều lông ở một số vùng phụ thuộc trong đó có mép. Cũng có thể đó là hậu quả sau nhiều ngày dùng một số thuốc như minoxidil, diazoxide, cocticosteroid, phenothiazin…Thường thì sự tăng lông này có đi kèm với việc mọc trứng cá hoặc một số triệu chứng nam tính như giọng nói ồ ồ, tác phong và tính tình cứng rắn, thậm chí có bà còn không có kinh nguyệt! Chứng tăng lông thông thường không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng bộ ria mép không mời mà tới này rất phiền phức cho cuộc sống, mang lại mặc cảm và sự thiếu tự tin khi giao tiếp với người khác. Muốn bứng đi cái bộ ria đáng ghét này, tùy theo từng bệnh, người ta có thể dùng các phương pháp diệt lông tại chỗ như: nhổ, cạo, đốt điện, bôi kem có sáp ong, dùng kem làm trắng lông hay dùng các loại thuốc nhổ lông như Cleo, Web… Hoặc, nếu cần, có thể dùng các loại thuốc ức chế nội tiết tố nam như glucococticoit, cimetidin hay ketoconazole. Dù dùng cách nào đi nữa, cũng phải do bác sĩ hướng dẫn sử dụng và theo dõi chặt chẽ vì chúng dễ gây phản ứng phụ.

Các bà ghét anh chàng ria nhưng số đông các ông lại thích. Không những thích ria mà còn thích cái thứ vượt qua miệng mà mọc là râu. Ðàn ông mà mồm miệng không có tí râu tí ria, trông nó nhạt nhẽo ẻo lả lắm. Nhiều khi bị các em nghi ngờ không phải là…thứ thiệt! Không có thì phải bỏ tiền ra làm cho có với người ta. Dịch vụ cấy râu ra đời. Cấy ra làm sao? Trong các thẩm mỹ viện, người ta lột một mảng da đầu, lấy chân tóc cấy vào chỗ muốn mọc râu. Nói thì dễ nhưng mỗi ca cấy râu phải mất từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Tóc trở thành râu, chúng có… đáo giang tùy khúc không? Không! Bắt mang thân phận râu, nhưng tóc vẫn cứ bướng bỉnh giữ lấy dòng giống. Kết quả là một sự… khóc cười theo râu tóc nổi trôi. Ðược cấy vào mép, tóc không mọc xuôi về khóe miệng như sự xếp đặt của con Tạo. Khi dài ra, nó cứ rũ xuống như liễu rủ màn che, như râu mấy anh dê già, trông rất khó coi. Cắt ngắn đi thì anh tóc giả râu lại chơi trò chĩa ra phía trước như một cái bàn chải! Khi râu… gốc tóc dài thì cũng không cạo được, vì cạo là hư chân tóc được ghép vào sống rất èo uột trên cằm. Chỉ còn cách dùng kéo cắt tỉa cho gọn! Giá cấy một bộ râu quai nón tại Việt Nam khoảng 30 đến 40 triệu đồng, râu Beckham từ 15 đến 20 triệu, râu Hitler khoảng 10 triệu đồng!

Các đấng mày râu được tạo hóa rộng lượng ban cho bộ râu rậm rạp tự nhiên thì lại làm tới. Chơi râu! Các tay chơi này uốn tỉa bộ râu như uốn tỉa cây cảnh. Ở Việt Nam bây giờ chơi râu là một cái mốt. Anh râu thì tôi cũng phải râu! Mà râu phải độc đáo, sáng tạo mới không đụng kiểu. Có anh mỗi tháng chơi một kiểu râu. Có bao nhiêu kiểu? Không ai đếm được vì nó biến hóa vô lường. Kiểu lọ nghẹ: cạo sạch bộ râu quai nón, chỉ chừa lại đúng một chỏm ở cằm, dài chừng 3 phân, chạy từ mép môi dưới thẳng xuống cằm. Kiểu nhà lá: râu mép để thưa, sợi này chồng lên sợi kia, hai bên để hai đường mảnh tạo thành bằng một hai sợi râu, chạy thẳng xuống cằm, nhìn rất giống nhà mái lá trong tranh vẽ của con nít! Kiểu Quan Trường: mép ngắn, một đường giữa và hai đường bên cằm. Kiểu sư phụ: một chỏm rậm dài khoảng 7 phân từ dưới cằm tỏa xuống. Kiểu vòm: những sợi ria mảnh mai, nhạt, chạy vòng quanh mép kéo thẳng xuống hai bên.

Có râu, uốn éo chơi râu, chuyện thường. Ai mà care? Nhưng ông Stockwell Day lại không có cái tự do như vậy. Ông này là cựu Ðảng trưởng Ðảng Liên minh Canada, một đảng đối lập trong Hạ viện. Mới đây, ông cùng ba Dân biểu khác đi công du bốn quốc gia vùng Trung Ðông là Ba Tư, Ả Rập Seoudite, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Rủi ro hành lý của ông bị thất lạc tới chậm mất một ngày, ông không có đồ cạo râu, nên râu ria có hơi dài. Bỗng ông nảy ra ý định… ngoại giao. “Chung quanh tôi ai cũng để râu, tôi thấy mình cũng nên để râu cho giống với người ta!” Hai tuần sau, ông vác bộ râu đó về Canada. Báo chí đăng hình ông với bộ râu và làm một cuộc thăm dò. Dân chúng khoái bộ râu! Nhưng ngày hôm sau, khi tới họp ở Hạ viện, cằm ông lại trơn tru sạch sẽ như xưa. Hỏi, ông mới thổ lộ tâm tình. “Mọi người thích bộ râu, nhưng bà xã tôi đã bỏ lá phiếu chót!”

Râu xuống đến cằm là hết đất sống. Ði xuôi xuống miền nam là một chủng loại khác, thứ mà ông Bùi Giáng gọi là cỏ. Cỏ khác tóc và râu ra sao? Cứ hỏi ông Thần đèn Aladin khắc biết. Khi hai vợ chồng Aladin đang vui vẻ với nhau, công chúa bỗng sơ ý đụng phải cây đèn thần. Thần đèn bèn hiện ra chờ lệnh sai bảo. Aladin muốn Thần đèn xê ra cho người ta… vui thú điền viên, bèn giao cho một công việc thật khó. “Ngươi xây cho ta một cung điện thật lớn trên đỉnh núi kia!” Chỉ hai phút sau, Thần đèn đã dẫn xác vào báo cáo hoàn thành nhiệm vụ và đợi lệnh mới. Aladin nghĩ ngợi rồi ra lệnh. “Ngươi dời tất cả những ngọn núi xung quanh nhà ra xa 5 ngàn dặm cho ta!” Năm phút sau Thần đèn đã lại vào chờ lệnh. Aladin tức tối ôm đầu chịu thua, bỏ đi ngủ. Lúc đó công chúa mới gọi Thần đèn ra một chỗ, nói nhỏ. Từ đó tới sáng, không thấy Thần đèn đâu nữa. Aladin và công chúa mặc tình vui vầy với nhau. Sáng hôm sau, khi thức dậy, Aladin bỗng nghe thấy tiếng thút thít ngoài cửa. Mở ra coi thì thấy Thần đèn đang khóc. “Tại sao ngươi lại ngồi khóc ở đây?” Thần Ðèn thút thít thưa. “Tối qua công chúa đưa con sợi này, bảo vuốt thẳng nó ra, con vuốt mãi nó vẫn cứ xoăn tít, con không biết phải làm sao nữa!”

Có trời mới vuốt thẳng được những sợi mọc trên thân thể loài động vật có vú! Con người là một loài có vú khá trơn tru sạch sẽ. Cứ so với loài linh trưởng gần với con người nhất thì thấy. Thí dụ như khỉ cũng lông lá rậm rì khắp thân thể. Có lông là đặc tính của loài có vú. Trong số hơn 5 ngàn loài có vú, chỉ có dăm ba loài không có lông như voi, tê giác, hà mã, cá voi, chuột chũi… Voi và tê giác là những con thú lớn sống trong môi trường nóng và gặp khó khăn trong việc làm mát cơ thể nên không có lông. Cá voi sống trong nước, hà mã sống vừa nước vừa cạn, chuột chũi sống trong hang, nơi nhiệt độ không dao động nhiều như trên mặt đất, nên không có lông tóc gì ráo. Con người cũng… lông như ai, nhưng ngắn và mịn nên không nhìn thấy. Nếu tính theo số nang lông thì con người cũng có số nang ngang ngửa với loài khỉ cùng kích thước. Chúng ta cứ thử quan sát làn da của chúng ta thì biết. Lỗ chân lông nằm khắp, nhưng lông thì không nhìn thấy.

Tại sao chúng ta lại suy thoái lông như vậy? Có nhiều lý thuyết cố giải thích. Một trong những lý thuyết phổ biến nhất trong nhiều thập niên cho rằng lý do lông nơi con người mịn và ngắn dần là để giữ mát. Lông tóc quá rậm rạp sẽ làm thân nhiệt tăng cao, có hại cho thân thể. Khi con người có thể đứng thẳng và đi ra từ rừng thảo nguyên, nhiều lông sẽ có hại dưới ánh mặt trời. Giả thuyết này khó đứng vững vì, cùng sống ở thảo nguyên, chẳng có loài thú nào mà lại… no hair như con người. Da trần làm giảm nhiệt nhưng đồng thời cũng dễ bị ánh nắng mặt trời hâm nóng hơn, và dễ bị nhiễm lạnh khi màn đêm buông xuống.

Hai nhà khoa học Mark Pagel của Ðại học Reading và Walter Bodmer thuộc bệnh viện Radcliffe ở Oxford, Anh lại đưa ra giả thuyết khác. Hai ông tin rằng ký sinh trùng là chìa khóa giải bài toán không lông của con người. Giảm lông là để giảm môi trường sinh sôi của các ký sinh trùng như bọ chét, một tác nhân truyền bệnh. Khi con người thời săn bắn-hái lượm sống gần nhau, tốc độ lây lan ký sinh rất cao, da không lông dễ giữ sạch sẽ hơn. Lúc đó, con người không cần giữ ấm bằng lông mà đã có quần áo, nơi cư trú, lửa sưởi ấm.

Năm 1874, nhà sinh vật Charles Darwin đã viết: “Tại các vùng nhiệt đới, không lông sẽ giúp con người thoát khỏi các ký sinh”. Một số bức vẽ trong các hang động cũng ghi lại hình ảnh con người cạo lông, râu để chống những sinh vật ăn bám tai hại này. Họ dùng vỏ sò để cạo lông. Sau đó, tới thời đại đồ đá, con người mới chế ra dao cạo. Lý thuyết này cũng giải thích tại sao đàn bà ít lông hơn đàn ông. Cả hai giới tính đều có xu hướng chọn người ít lông vì sẽ ít bị lây bệnh, nhưng xu hướng này nơi đàn ông mạnh hơn nơi phụ nữ, vì vậy phụ nữ ghét có lông trên cơ thể mình hơn là đàn ông! Lập luận của lý thuyết này nghe không ổn lắm. Nếu nói lông là môi trường cho ký sinh ẩn nấp thì tại sao nách và vùng kín, hai nơi ẩm thấp, rất thuận lợi cho ký sinh trùng phát triển thì lại có nhiều lông hơn, thay vì biến mất trong quá trình tiến hóa? Theo một số người phản bác lý thuyết này, ký sinh chỉ trở thành vấn đề cho con người khi họ sống trong hang hốc kín đáo, còn không lông thì đã tiến hóa trước đó, khi con người cổ đại bắt đầu đi thẳng cách nay hơn 2 triệu năm!

Robin Dunbar lại mặn mà với lý thuyết con người không có lông để giữ mát và giúp cho con người di chuyển nhanh nhẹn hơn. Nhiều người cho rằng lông hay không lông là tùy theo loài và tùy môi trường sống. Chẳng hạn, voi sống trong môi trường lạnh sẽ trở thành voi mammouth có lông. Quan sát chung quanh, chúng ta dễ thấy những giống dân sanh đẻ và định cư ở những vùng lạnh lẽo thường có lông nhiều hơn những giống dân ở những vùng nhiệt đới.

Suy thoái lông nơi con người là một điều hiển nhiên dù vì bất cứ nguyên nhân nào. Nhưng đôi khi, do sự sơ ý của tạo hóa, một vài con người vẫn cứ lông như xưa. Con số không nhiều. Cứ một tỷ người mới có một người… dính chấu. Từ thời Trung Cổ đến nay người ta mới đếm được khoảng 50 người… rừng này. Năm 1547, dưới triều vua Pháp Henry II, một ông vua rất khoái những chú hề hay những chú lùn làm trò mua vui, người ta đưa đến cho ông một cậu bé 10 tuổi, nửa người nửa thú. Toàn bộ khuôn mặt, từ trán đến mũi, má, tai, cằm đều bao bọc bởi một lớp lông màu hung dài khoảng 10 phân. Chỉ có cặp mắt và đôi môi là được tha. Tên cậu ta là Pedro Gonzalez, sinh ở Teneriffa, Tây Ban Nha. Cậu chăm chỉ học tiếng Pháp và tiếng La Tinh rồi được sung vào đội hầu cận của nhà vua. Sau đó cậu được một công chúa Pháp để mắt đến. Họ có rất nhiều con, trong đó có 3 gái và 2 trai cũng rậm lông như bố! Gần đây hơn, Bác sĩ Nhi khoa Baumeister đã phát hiện ở Ðức một cô gái 14 tuổi có một lớp lông phủ trên mặt và toàn bộ vùng lưng. Cứ mỗi hai tuần, cô phải mất hàng tiếng đồng hồ để cạo lông. Cách đây vài năm, tại một vùng núi hẻo lánh gần biên giới Trung Quốc, người ta phát hiện một cậu bé 6 tuổi, trên người phủ một lớp lông dày đặc như lông khỉ. Cậu bé này vẫn phát triển bình thường. Tại sao lại có những con người hẩm hiu như vậy? Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là vì một sai lệch về gene làm cơ thể không điều khiển được chu trình sinh trưởng của lông. Sự sai lệch này có thể xuất phát từ một gene có trong động vật tiền thân của con người. Vẫn theo các nhà khoa học, nhiều gene đó vẫn còn ngủ trong bộ gene của con người ngày nay. Trong quá trình tiến hóa, chúng chỉ bị khóa lại mà thôi. Dưới một tác động đột biến nào đó, gene này sẽ bị đánh thức. Thế là lông um tùm!

Chúng ta ngày nay trơn tru là kết quả của bao nhiêu ngàn năm tiến hóa. Nhưng có những vùng trên cơ thể chúng ta vẫn chưa… tiến hóa được là tại sao? Các nhà khoa học lý giải rằng câu trả lời nằm ở sự hấp dẫn giới tính, vì chính tại những vị trí bí hiểm này, mùi đặc trưng nam nữ phát sinh rõ nhất! Chẳng là khoa học gia, chắc mỗi người chúng ta cũng cảm thấy như vậy. Ðó là những nẻo về miệt mài trải dài từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thứ cỏ nha phiến đó là thứ mà thơ văn thường mon men tới.

lửa rạo rực còn nguyên trong mạch máu
sóng cuồng quay ẩn náu dưới làn da
gỡ mưa mềm cho nắng ấm phù sa
cởi sương mỏng – thôi ngượng ngùng mắc cỡ
em hoang dại cồn dâng vùng rêu cỏ

(Hoàng Anh Tuấn)

Cồn lau cỏ lách là chốn thơ của Bùi Giáng. Nhà thi sĩ bất cần đời này lại vẫn cứ thiết tha ôm lấy tinh hoa của cuộc sống.

Ðường cong có cỏ mọc ven bờ
Ðứng trong vườn rậm lá chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ

Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều


Cũng đậm đà với cỏ, cũng mượt mà với thơ, Luân Hoán lăn từ bờ cỏ này đến bờ cỏ khác. Lăn mà vẫn nhìn được cỏ, thế mới tài.

đồi cao, cỏ tỉa gọn gàng
con chim mở mắt làng quàng muốn bay
đầu trần trụi, đứng, loay hoay
mùi hương phấn cỏ ứa đầy môi hoa
nguyệt đong đưa ánh nhạt nhòa
rừng trầm bỗng nổi điệu ca huê tình


Thơ đã mon men thì văn cũng mon men. Ông bạn văn Kiệt Tấn của tôi hết đen nhánh “Ðêm Cỏ Tuyết” lại vàng hoe “Người Em Xóm Học”.

“Hơi thở nồng nàn chụp phả nắng ấm hơ sưởi đồi xuân, trên đỉnh đồi còn in dấu tam giác trắng tinh khuất nắng. Hai dốc đồi hun hút đổ xuống một khe thung lũng thẳm sâu, chân nàng khép hờ, cỏ óng vàng bắt đầu xuất hiện lơ thơ e dè dưới đáy lũng”.

Mấy trăm năm trước, Nguyễn Du cũng cỏ đã từng.

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa


Sao lạ vậy cà? Cỏ làm gì có cỏ xanh! Màu gì khác thì được chứ xanh thì nhất định không có. Ai đánh cuộc cái gì tôi cũng cuộc hết! Thi hào Nguyễn Du chắc đã bị bệnh loạn sắc!

03/2005

© 2005 talawas
 
Mấy trăm năm trước, Nguyễn Du cũng cỏ đã từng.

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Sao lạ vậy cà? Cỏ làm gì có cỏ xanh! Màu gì khác thì được chứ xanh thì nhất định không có. Ai đánh cuộc cái gì tôi cũng cuộc hết! Thi hào Nguyễn Du chắc đã bị bệnh loạn sắc!

Bài bác viết dài quá, dọc xong chưa hiểu mô tê răng rứa gì cả. Bác dùng ngôn từ trong bài này cũng ỡm ờ quá, để tôi xem có thể đánh cuộc được với bác hay không rồi sẽ trả lời sau!

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du thì có một màu mà trước kia tôi không hiểu đó là "màu Quan san trong câu

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu cũng nhuộm màu quan san".

Còn cỏ màu xanh thì "trời sinh ra nó đã vậy" còn giải thích theo khoa học kiểu bác thì tôi chưa nghĩ ra được lúc này!
 
này mỗi tuần một chủ đề của ông chuyển sang đây hả?
Nhhưng ông chưa nêu được cỏ trong thơ Hồ xuan Hương?
ttôi thấy câu này hay

""Hơi thở nồng nàn chụp phả nắng ấm hơ sưởi đồi xuân, trên đỉnh đồi còn in dấu tam giác trắng tinh khuất nắng. Hai dốc đồi hun hút đổ xuống một khe thung lũng thẳm sâu, chân nàng khép hờ, cỏ óng vàng bắt đầu xuất hiện lơ thơ e dè dưới đáy lũng”. ""

xin phép chị em chút 8O tôi nhắm mắt rùi :twisted:
 
hì hì, đã nói bài này hay lắm mà, cả văn học lẫn khoa học.

Tuần sau ta sẽ làm 1 bài về "Thịt Cầy" nhé
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,550
Members
56,918
Latest member
sv368net
Back
Top