Ghi tên lên "bản đồ tế bào gốc" thế giới

Trương Xuân Đại

Senior Member
PGS-TS Phan Toàn Thắng đang công tác tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), người tìm ra tế bào gốc (tbg) màng dây rốn nổi tiếng cả thế giới, đang góp sức xây dựng và triển khai ứng dụng ngành công nghệ này tại Việt Nam, mở ra triển vọng chữa trị nhiều bệnh tật phổ biến, cũng như cải thiện nhan sắc phụ nữ.

Năm 2004, tại một phòng thí nghiệm ở Singapore, Tiến sĩ Phan Toàn Thắng đã tìm ra cho nhân loại nguồn tế bào gốc (TBG) trẻ trung, dồi dào, ưu việt hơn hẳn những loại TBG đang được sử dụng lúc bấy giờ. Tên anh được ghi nhận trên toàn thế giới.

Tế bào gốc ưu việt

Tế bào gốc (stem cell) có mặt trong hầu hết các tổ chức mô của cơ thể, là loại tế bào có khả năng tự trẻ hóa nhờ quá trình phân bào và biệt hóa thành những tế bào có chức năng chuyên biệt. Công nghệ TBG xuất hiện cách đây chừng 50 năm với ứng dụng đầu tiên trong truyền máu cho bệnh nhân bạch cầu từ máu anh em sinh đôi ở Seattle (Mỹ) năm 1956. Tiếp theo là sử dụng TBG từ da để ghép cho bệnh nhân bỏng vào năm 1981 ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ). Ngày nay công nghệ TBG được sử dụng rộng rãi để chữa rất nhiều bệnh. Ở Mỹ, người ta đã phát triển nhiều mô hình ứng dụng TBG chữa trị các bệnh về da, mắt, xương, sụn, tiểu đường...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ngành công nghệ này là số lượng TBG ở mỗi tổ chức mô rất ít, để có một lượng đủ lớn cho một ứng dụng phải lấy từ nhiều nguồn, nhiều người. Mặt khác, để lấy được TBG, người ta phải can thiệp vào một phần mô lành lặn của ai đó, hoặc phải tạo nên những phôi người cho mục đích khoa học. Y đức và sự đau đớn đối với người cho mô vì thế là những trở lực của ngành công nghệ này.

Màng dây rốn, một thứ "phụ phẩm" thường được bỏ đi trong mỗi ca sinh nở, là một tổ chức mô lớn với chiều dài khoảng 50 cm, có mật độ TBG tập trung rất lớn, lại rất trẻ (chỉ 9 tháng tuổi) và sạch. Việc tình cờ phát hiện ra nguồn tế bào này của Tiến sĩ Phan Toàn Thắng có ý nghĩa to lớn đối với ngành công nghệ TBG, có thể ví như việc tìm ra mỏ kim cương vô tận có chất lượng cao.

Ghi tên lên bảng vàng

Phát minh của Tiến sĩ Phan Toàn Thắng ngay lập tức được cả thế giới biết đến. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Văn phòng cấp bằng sáng chế và tên thương mại của Mỹ (USPTO) đã cấp đăng ký sáng chế cho phát minh này năm 2004. Trong vòng 18 tháng sau đó là việc đăng ký bản quyền ở từng quốc gia (chi phí cho việc này rất cao). Hiện nay, Anh quốc và một loạt các nước trong khối Thịnh vượng chung, các quốc gia ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và các nước Ả Rập... đã cấp chứng nhận bản quyền cho phát minh này. Riêng với Mỹ, quốc gia đã nghiên cứu và ứng dụng TBG trong y khoa sớm và mạnh nhất thế giới, việc thẩm định cấp phép diễn ra lâu hơn. Tiến sĩ Thắng cho biết anh vừa nhận được bảng câu hỏi phản biện từ Cục Bản quyền Mỹ, và việc cấp phép chỉ là vấn đề thời gian.

Về khía cạnh ứng dụng, công nghệ TBG màng dây rốn từ Phòng thí nghiệm Công ty CellResearchCorp của Tiến sĩ Thắng tại NUS đang dẫn điểm cao trong cuộc cạnh tranh quốc tế ở lĩnh vực này. Nhiều cơ sở y tế lớn cũng như các công ty thương mại của Mỹ đã hợp tác mạnh với CellResearchCorp. Phương thức hợp tác là phía Mỹ đã xây dựng những mô hình chữa trị bằng TBG cho từng loại bệnh. Họ nhận công nghệ và nguồn TBG màng dây rốn từ CellResearchCorp, rồi biệt hóa thành những tế bào phục vụ cho từng mục đích chữa bệnh. Ví dụ Đại học Stanford của Mỹ biệt hóa TBG màng dây rốn thành những tế bào thần kinh thính giác chữa cho bệnh nhân điếc bẩm sinh hay do lão hóa; Viện Tim ở Texas biệt hóa thành tế bào cơ tim để chữa các bệnh về tim, Viện Bỏng Shriners ở Galveston, Texas; Đại học Duke ở North Carolina; Trung tâm chấn thương chỉnh hình Robert Jones and Agnes Hunt ở Anh... và một số tập đoàn công nghiệp khác.

Ở Singapore, CellResearchCorp là đối tác của các nhóm chuyên chữa bệnh tiểu đường, các bệnh về máu như bệnh máu loãng. Theo đánh giá của Tiến sĩ Thắng, Singapore là một trong những quốc gia đi sau nhưng theo sát những ứng dụng về TBG trong điều trị rất nhiều bệnh, không thua kém ở Mỹ. Điều trị bằng công nghệ TBG được tiến hành ở cả những bệnh viện công, bệnh viện tư và các trung tâm y tế.

1219021612img.jpg


PGS-TS Phan Toàn Thắng tại phòng thí nghiệm nơi anh phát minh ra tế bào gốc màng dây rốn (Ảnh: T.Minh)
Với phương thức kết hợp giữa một bên có mô hình chữa trị bằng TBG và một bên có kỹ thuật và nguồn tế bào dồi dào, chất lượng cao, ngành nghiên cứu ứng dụng TBG trên thế giới đã và đang đạt được những kết quả khả quan và nhanh chóng. Tiến sĩ Thắng cho biết, ngành công nghệ này đã bước sang một giai đoạn mới (version 2) với khả năng tạo ra nhiều tổ chức mới, những tạng mới, tinh vi hơn, sẵn sàng thay thế cho những tổ chức bị tổn thương, hư hỏng hay thoái hóa ở bệnh nhân. Việc thương mại hóa ngành công nghệ này cũng theo đó mà phát triển với nhiều tập đoàn thương mại lớn của Mỹ tham gia vào.

(Còn tiếp)
 
Kỳ 2: Khởi đầu mạnh mẽ ở Việt Nam

Sau khi tìm ra và nuôi cấy thành công nguồn tế bào gốc màng dây rốn (TBG MDR) từ Singapore, PGS - TS Phan Toàn Thắng đã chuyển kỹ thuật này về Việt Nam.

Năm 2004, Viện Bỏng quốc gia, nơi Phan Toàn Thắng từng làm việc trước đây, đã cử 4 học viên sang phòng thí nghiệm của anh ở Singapore học tập nuôi cấy TBG để chữa trị cho bệnh nhân bỏng. Nhóm này về nước và triển khai áp dụng thành công kỹ thuật này.
Từ đó đến nay đã có 4 đợt học viên từ Viện Bỏng sang Singapore học tập những tiến bộ mà phòng thí nghiệm CellResearchCorp của anh Thắng tìm ra. Phòng thí nghiệm này cũng đã giúp huấn luyện bác sĩ ở Học viện quân Y, Bệnh viện Nhi T.Ư, BV Chợ Rẫy...

"Thuốc trường sinh" cho làn da phụ nữ

Trong quá trình tách chiết và nuôi cấy TBG MDR, PGS Phan Toàn Thắng đã thành công trong việc tìm ra được môi trường nuôi thích hợp, đảm bảo cho những TBG giữ được tính trẻ, tính gốc (stem) và khả năng tái tạo cao. Bí quyết quan trọng này mở ra một hướng mới là điều chế các dược phẩm chăm sóc da phụ nữ.


Hiện nay PGS Thắng đã cùng với Công ty cổ phần y sinh học tái tạo FBM tại Hà Nội cho ra đời 3 sản phẩm mang thương hiệu FBM giúp duy trì làn da tươi trẻ cũng như phục hồi những làn da bị tổn thương. Cả 3 loại thuốc này chỉ có ở những bệnh viện da liễu, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc da... Người dùng các sản phẩm này phải được sự hướng dẫn của y, bác sĩ.

Việc hợp tác giữa CellResearchCorp và các bệnh viện ở Việt Nam đang diễn ra rất tốt đẹp. Vài tháng PGS Thắng lại về nước, hỗ trợ và tư vấn thêm cho những nơi này. Hiện nay, Viện Bỏng quốc gia có phòng thí nghiệm nuôi cấy và ứng dụng TBG hiện đại hơn các trung tâm y tế ngang cấp ở Singapore và Hồng Kông.

Về mặt Nhà nước, CellResearchCorp đã ký với Bộ Khoa học - Công nghệ biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ phân lập và bảo quản TBG cho Việt Nam. Lễ ký kết đã diễn ra hôm 1.3.2008 tại Hà Nội. Hiện nay, Bộ KH-CN đang triển khai với các nhóm nghiên cứu trong nước để ứng dụng TBG MDR chữa các bệnh về da, bỏng, bệnh về gan, xương và sụn...

Nguồn nhân lực cho tương lai

Hiện nay ở Việt Nam, số chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng TBG chưa nhiều, cơ sở vật chất cũng chưa lớn, nhưng PGS Phan Toàn Thắng rất lạc quan về tương lai của ngành công nghệ này. PGS Thắng kể, hồi đầu tháng 7.2008, trong chuyến công tác về TP.HCM, anh đã tận mắt nhìn thấy sự háo hức đến với ngành công nghệ này ở những người trẻ tuổi. Tại phòng thí nghiệm TBG của TS Phan Kim Ngọc, giảng viên khoa Sinh và khoa Môi trường ĐH Khoa học tự nhiên, hơn 50 sinh viên đã có mặt trong buổi nói chuyện của PGS Thắng. Các sinh viên đến với buổi nói chuyện với sự hào hứng nhiệt thành và đặt ra rất nhiều câu hỏi nghiêm túc, gợi mở nhiều triển vọng cho ngành công nghệ này ở Việt Nam. PGS Thắng nhận xét về các sinh viên: "Các em có kiến thức, có những nền tảng rất tốt, điều kiện học tập và trau dồi kiến thức từ bên ngoài nhà trường cũng tốt hơn, khả năng ngoại ngữ cũng khá. Các em có cả trang web về công nghệ TBG vinastemcell.com".

Có thể nói, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là nơi đi đầu trong cả nước về đào tạo công nghệ TBG. Theo PGS Thắng, nơi đây hiện đang có một đội ngũ cán bộ khá mạnh gồm những tiến sĩ, thạc sĩ từng học tập ở nước ngoài, các nghiên cứu sinh nhiều năng lực. Ngoài phòng thí nghiệm 7-8 tầng về công nghệ sinh học nói chung và công nghệ TBG nói riêng tại cơ sở 227 Nguyễn Văn Cừ (Q.5), Đại học Khoa học tự nhiên đang có kế hoạch xây dựng thêm những phòng thí nghiệm ở Thủ Đức và những nơi khác. Ưu thế của những phòng thí nghiệm xây dựng sau là sự hiện đại và bắt kịp những tiến bộ trên thế giới.

Cộng gộp nhiều yếu tố nội tại, PGS Phan Toàn Thắng khẳng định, ngành công nghệ TBG rồi đây sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam và mở ra khả năng chữa trị tốt cho nhiều bệnh nhân hơn, bên cạnh khả năng thương mại hóa rất cao.

Ngân hàng và công ty TBG đầu tiên

Đầu tháng 9 tới, ngân hàng TBG đầu tiên ở Việt Nam có tên MekoStem sẽ chính thức được khai trương. MekoStem được đặt tại Q.11, TP.HCM với chức năng lưu trữ và bảo quản lạnh nguồn TBG MDR để cung cấp cho nghiên cứu và ứng dụng ở các bệnh viện, cũng như phục vụ việc điều trị về sau cho chính chủ nhân của dây rốn (gọi là autologous transplant), cho những người có cùng huyết thống (gọi là donor-related transplant, gồm cha mẹ, anh chị em, ông bà, cô dì chú bác), hoặc cho cộng đồng nói chung (allogeneic transplant).

Theo đó, MekoStem sẽ kết hợp với các bệnh viện phụ sản trong thành phố cũng như từ các tỉnh xa để tiếp nhận, xử lý và trữ lạnh ngay cuống rốn từ các sản phụ. Cá nhân gửi cuống rốn và màng dây rốn tại MekoStem với giá chừng 2.000 USD và được lưu trữ trong vòng 25 năm.

MekoStem do GS Phạm Mạnh Hùng và PGS Phan Toàn Thắng đồng sáng lập. Trực tiếp vận hành ngân hàng này là đội ngũ y, dược sĩ của Mekophar, một công ty cổ phần hóa dược phẩm lớn của Việt Nam.

Cùng với MekoStem, PGS Phan Toàn Thắng cũng hợp tác với Tập đoàn FPT thành lập công ty TBG đầu tiên của Việt Nam gọi là FBM Regenerative Biology and Medicine (Công ty cổ phần y sinh học tái tạo FBM) tại Hà Nội, với mục tiêu ứng dụng công nghệ TBG vào điều trị.

Tổng giám đốc FPT Software, anh Nguyễn Thành Nam là người khơi mào và chủ nhiệm dự án này cùng với sự ủng hộ của những chuyên gia về vết thương, da liễu, bỏng và thẩm mỹ. "Tưởng chừng như công nghệ thông tin, lĩnh vực chuyên của FPT, và công nghệ TBG là hai chuyện khác biệt, nhưng thật ra lại có nhiều điểm chung. Cái chung nhất đó là lộ trình phát triển, tính mới mẻ và tiến bộ không ngừng. Công nghệ TBG ở Việt Nam hôm nay cũng giống như công nghệ thông tin ở thời điểm 1995. Với lòng đam mê khoa học, ưa nắm bắt cái mới của người đứng đầu FPT, tôi tin FBM sẽ thành công", PGS Thắng giải thích sự ra đời của công ty TBG trong lòng một tập đoàn về công nghệ thông tin.

Thục Minh (nguồn www.thanhnien.com.vn)
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,550
Members
56,918
Latest member
sv368net
Back
Top