Khi tôi sinh ra không giàu
- Hồ Ngọc Đoan Khương -
Năm tuổi, tôi cắp bên hông thằng em xanh xao, ẽo uột lượn lờ trước cửa phòng học chất kín những đứa trẻ với cặp mắt thèm thuồng. Tôi chưa đến tuổi đi học nhưng thay vì được đến mẫu giáo với những thứ trò chơi đủ màu xanh đỏ, những bài hát vui nhộn, những phiếu bé ngoan vào cuối tuần như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác, tôi phải quanh quẩn trong cái phạm vi chật hẹp của khu tập thể, những dãy phòng học cũ kỹ của một ngôi trường nằm khuất trong xóm lao động nghèo với nhiệm vụ duy nhất là bồng bế và bảo vệ đứa em hay đau ốm của tôi. Không có nó lẽ ra tôi đã được ngồi ngay ngắn cạnh một chiếc bàn xinh xắn nào đấy và bi bô đọc chữ. Đã có lúc tôi thấy thù hận nó bởi nó đã nheo nhéo khóc dù tôi đã xin phép cô được đem nó vào cạnh bên trong lớp học, nó xé tập vở của đứa bên cạnh, thậm chí nó tè cả trong lớp cô cũng bỏ qua. Cô thương tôi chưa đủ tuổi vừa phải trông em nhưng lại học giỏi nhất lớp. Nhưng đến cái lần sau khi nó ốm nặng phải đưa đi Sài Gòn, khi về nhà, ngay ngày đầu tiên tôi có thể cắp nó khoẻ mạnh đến lớp để theo học tiếp thì nó không chịu ngồi yên một chỗ nữa. Nó bò loanh quanh ngoài hiên, rồi sau đó .. rất thơ ngây nó chập chững đi vào lớp vừa tiến về phía tôi vừa gọi tên. Cái đáy quần thun trĩu xuống gần đụng sàn. Và cứ thế sau lưng nó giữa khoảng cách được tính từ chân phải sang chân trái nó "vô tư" để lại một thứ chất nhầy nhụa làm cho người ta ghê người. Cái mùi khủng khiếp ấy bốc lên làm cả lớp bỏ chạy tán loạn. Cô giáo ngay lập tức ra lệnh cho tôi phải dọn dẹp sạch sẽ lớp học trong một khoảng thời gian càng ngắn càng tốt. Và sau đó là quyết định tôi sẽ không được theo học trong lớp nữa bởi vì em tôi đã gây ra quá nhiều rắc rối. Ba tôi dù là đồng nghiệp của cô cũng không thể cứu vãn tình hình. Thế là từ đó tôi vẫn phải thường bế thằng em đáng chán ấy ngấp nghé ngoài cửa lớp học mỗi ngày - càng thèm thuồng học chữ, tôi lại càng cảm thấy "căm ghét" em tôi.
oOo
Mẹ tôi làm việc ở đoàn văn công tỉnh, gánh chè đi bán ngoài chợ. Một công việc mới lạ hoàn toàn không phù hợp với trình độ hay cả vóc dáng của mẹ tôi nhưng bà vẫn phải lựa chọn. Dù sao thì cái công việc tầm thường ấy cũng dành cho mẹ một khoảng thời gian để chăm sóc gia đình, để lo lắng cho ba chị em tôi thay vì những buổi tập, những chuyến lưu diễn kéo dài từ sáng cho đến tận đêm khuya, thậm chí là từ ngày này sang hôm khác không có phút nghỉ ngơi - Cái công việc kéo mẹ tôi ra xa gia đình, xa sự lo lắng thường trực của một người mẹ. Đó là bước chuyển biến lớn lao trong đời mẹ tôi. Thời ấy người ta sống cực khổ, âm nhạc đâu làm nên cái no, đồng lương của ba tôi mỗi tháng chắt bóp cũng quá khiêm tốn. Xung quanh chúng tôi ai cũng hối hả tìm cách để kiếm tiền, càng nhiều càng tốt, bằng đủ mọi thứ nghề. Mẹ tôi ngoài sắc đẹp trời phú, một giọng hát quyến rũ, một ngón đàn tuyệt diệu .. mẹ chẳng có thứ gì đáng giá bằng vật chất để làm vốn buôn bán lớn. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi lại chọn lựa cái nghề nhọc nhằn ấy .. thì cũng từ chữ yêu thương chồng con mà ra cả. Giá như ngày ấy mẹ tôi vẫn giữ lấy nghề xướng ca mà người ta vẫn cho là bạc bẽo kia thì gia đình tôi hẳn đã rách tan ra như cánh buồm vốn đã xơ xác mà người ta còn đem giăng ra trước gió biển lồng lộng.
Vẫn năm tuổi, gia đình có nhiều sự đổi thay. Bên hông trái vẫn là thằng em ốm đau, bên hông phải còn trống không tôi cặp thêm một rổ bánh cam đem bán trước cổng trường. Khi trời còn mờ sáng em tôi chưa thức, tôi ngoe nguẩy cái xô nhôm đi về xóm dép lốp lấy bánh - đếm cẩn thận rồi lại len qua những ngõ hẻm chật hẹp, ấm ướt, ngập rác những buổi trời có mưa, về nhà, đón lấy em từ tay mẹ sau khi nó đã được ăn no. Kiếm một chỗ ngồi dựa vào trụ cổng từ đó cho đến khi chiếc xô nhôm có đậy cái rổ nhỏ trống không. Tôi sẽ ra về sung sướng, một tay bế em, một tay vừa cắp cái xô vừa bấu chặt vào mấy đồng bạc nhơn nhớt mồ hôi mà tôi đã cẩn thận cho vào một cái túi nhỏ mẹ khâu bên trong lưng quần đen ống rộng được sửa lại từ quần của mẹ.
oOo
Có mấy mùa lá bàng đã rụng, khi tôi đã được đi học, khi tôi đã nhẵn mặt với rổ bánh cam ở cổng trường với số tiền lời đã lớn hơn mức ban đầu. Nghĩa là tôi ranh ma và biết tính toán hơn thì nhà tôi chuyển đi nơi khác. Và tôi đành phải chia tay với cái trụ cổng quen thuộc tôi vẫn ngồi tựa vào mỗi ngày. Năm đó tôi tám tuổi. Gia đình tôi chuyển đến một nơi cách xa thành phố, sống trong một căn nhà lợp tranh, bốn vách làm bằng thân nứa, riêng bếp thì làm bằng đất trộn rơm. Nước phải quay từng thùng từ một lỗ giếng đen ngòm và thắp đèn dầu thay cho điện. Hoàn cảnh buộc cả năm người chúng tôi phải nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Dù sao đây cũng là mảnh đất riêng của gia đình tôi, thực sự độc lập, không ràng buộc với ai, không nương nhờ ai cả. Thế đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Mẹ vẫn bán chè, chỉ thay thế đôi quang gánh bằng cách buộc nồi chè vào yên sau của chiếc xe đạp cà khổ màu xanh nước biển. Tôi thôi bán bánh cam để phụ ba làm vườn, dẫy cỏ trồng những thứ rau, đậu thu hoạch theo mùa xen giữa những hố cà phê thấp lè tè còn rất nhiều năm nữa mới đến vụ thu hoạch.
Mảnh vườn, căn nhà đã đón nhận tôi nhưng bạn bè ở lớp học mới thì hoàn toàn ngược lại. Sai lầm là ở chỗ ba tôi đã gởi tôi vào một trường tiểu học danh tiếng chỉ với quyển học bạ với hai năm liên tiếp là học sinh giỏi của tôi, mà không nghĩ đến việc tôi sẽ là người trông thế nào trong một trường học ở trung tâm vốn chỉ dành cho những đứa trẻ con nhà giàu có. Ngày đầu đến lớp, bộ quần áo đẹp nhất của tôi bỗng trở nên xấu xí vô cùng trước những chiếc áo đầm voan đủ màu xinh xắn của bọn con gái cùng lớp. Còn bọn con trai tinh nghịch kéo cái đuôi tóc tôi cháy nắng màu nâu bắp. Chúng vênh váo chìa trước mắt tôi những cây bút kim tinh đắt tiền cười cho cái cây bút lá tre cổ lỗ chấm mực của tôi. Tôi dửng dưng ngồi ở cái chỗ ngồi cô đã sắp đặt cho tôi; mắt tôi dán chặt vào bảng. Một con nhỏ tự giới thiệu là Diên từ bàn trên quay xuống, khuôn mặt trắng trẻo xinh xắn kênh lên, nó hất cái cằm nhỏ nhắn hỏi tôi:
- Ba mày có "xe ụn" không?
Tôi ngơ ngác nhìn nó. Từ khi tôi lớn tôi chưa bao giờ nghe đến cái danh từ xa lạ kia. Tôi tò mò hỏi:
- Nó là cái gì?
Diên lấy cây thước kẻ gõ vào tay tôi một cái rõ đau cong cớn:
- Sao mày ngu thế! Xe ụn là xe máy có cái bình xăng to đằng trước, màu đen, máy nổ bình bịch đấy.
- Không, nhà tớ chỉ có xe đạp thôi.
- Xì .. thế thì tao không chơi với mày đâu. Tao chỉ chơi với đứa nào có ba đi xe ụn thôi.
Tôi đã từng nhìn thấy chiếc xe ấy chạy xập xình trên phố mà chỉ không biết tên thôi. Nhưng chưa một lần tôi được ngồi trên tấm nệm bọc da đen thật êm kia, thậm chí cả bình xăng to phía trước cũng không nốt. Tôi không hiểu nó quan trọng đến thế nào mà nhỏ Diên tuyên bố sẽ không thèm chơi với tôi cho đến khi nào ba tôi có được chiếc xe giống như ba nó. Tôi đem chuyện ấy hỏi ba, ba tôi bảo:
- Chiếc xe ấy đắt lắm. Phải góp rất nhiều tiền, rất nhiều những đồng tiền mà sau những lần bán bánh con có được đến khi nào đầy cái lu đựng nước nhà mình thì sẽ đủ.
Chiều, tôi đứng tần ngần nhìn vào cái lu đất cao gần bằng mình ước lượng. Và tôi nhận ra rằng chỉ có chuyện cổ tích mới đem đến cho tôi đủ một lu đầy tiền để mua xe ụn. Thế là mỗi ngày tôi vẫn vui vẻ ngồi sau cái yên xe đạp đòn dong của ba có cột cái đệm nhỏ mẹ tôi nhồi bằng vải vụn cho đỡ ê mông, tíu tít đủ chuyện đến trường. Bỏ qua những lời châm chọc của Diên, im lặng cả trong những buổi hát đầu giờ khi mà tất cả đều biết hát những bài hát từ mẫu giáo còn tôi thì không.
Giờ chơi, tôi thèm thuồng đứng nhìn lũ bạn cùng lớp xênh xang nắm tay nhau ra căntin trường. Hồi ấy như bao đứa trẻ khác, tôi mê ăn kem lắm. Thấy kem là mắt tôi cứ sáng rực lên, nước miếng nếu tôi không nuốt ực xuống thì hẳn nó đã trào ra hai mép. Sở thích của tôi cũng giống những đứa trẻ đang mút những cây kem xanh đỏ ngoài sân trường kia, nhưng chỉ khác một điều là tôi không có tiền để mua chúng. Ba mẹ tôi quá vất vả để có thể cho tôi tiền quà mỗi ngày. Đó là thứ xa xỉ mà không ai trong gia đình tôi nghĩ đến. Tôi đã từng nhiều lần chịu đựng như thế, đứng trong ngạch cửa nhìn ra và nghĩ về sự thiếu thốn của mình. Cho đến một lần khi nhỏ Liên cầm một cây kem dâu màu hồng thơm lựng đến đứng cạnh tôi thì tôi không còn đủ ý chí để bắt "con thèm" trong tôi trốn sâu vào ruột gan như mọi lần tôi đã làm được. Tôi nhìn cây kem trân trân, rồi tôi nhìn Liên, lại nhìn cây kem .. Cuối cùng tôi mở miệng ấp úng:
- Có .. ngon không? Liên!
Cô nhỏ mở lớn mắt kênh kiệu gật đầu. Cái gật càng làm tôi nôn nao tợn. Tôi cứ nuốt nước miếng ừng ực:
- Liên, .. cho tớ một .. miếng nhé!
- ..
- Chỉ liếm một cái thôi, tớ thề đấy - chỉ một thôi ..
Nhỏ Liên ngừng mút kem, trợn mắt nhìn khuôn mặt thảm hại của tôi .. Rồi nó co những ngón tay thành một nắm tròn và .. đấm thẳng vào mặt tôi. Tôi té nhào xuống đất và nó phá lên cười sằng sặc. Khi tôi lồm cồm bò dậy thì vòng tròn xung quanh đã kín những đứa trẻ lớp tôi có, lớp khác có. Liên đang kể cho bọn chúng nghe tôi đã nói gì bằng cái giọng trẻ con the thé. Chúng cười rú lên:
- Xem kìa. Đi xin ăn .. lêu lêu .. xấu hổ thế .. lêu lêu ..
- Kem này, tao cho mày liếm một cái đấy ..
Có đứa nào đó giơ cây kem ra trước mắt tôi rồi vội vã rụt lại, thè lưỡi liếm để lôi cục tức của tôi ra khỏi cổ họng.
.. Tôi đã không lao vào đánh chúng nó như trong đầu tôi nghĩ thế. Tôi tiu nghỉu trốn vào chỗ ngồi của mình, khuôn mặt lầm lì, đôi môi mím chặt và tôi đã không khóc ở lớp, trước mặt bạn bè cho đến lúc ba đến đón, khi ba nhìn thấy cái dấu bầm be bé trên má tôi và hỏi vì sao, thì tôi không chịu đựng được nữa. Tôi ôm lấy chân ba và khóc, khóc rống lên. Ba đã để cho tôi khóc rất lâu cho đến khi mọi việc đã tan biến hết theo những giọt nước mắt .. Ba mua cho tôi một cây kem dâu thật to, ngậm vào lạnh tê nơi đầu lưỡi. Tôi một tay ôm hông ba, một tay đưa kem lên miệng mút lấy mút để .. Chiều về nhập nhoạng trên con đường đất đỏ hai bên phơi phới cỏ tranh dẫn về căn nhà bé nhỏ của tôi. Tôi thấy mình bình yên.
Tôi vẫn bị bọn cùng lớp đem ra làm trò cười sau lần ấy. Thấy tôi là bọn chúng tru tréo lên, còn tôi sau khi ba giảng giải cho tôi nghe tôi cần phải làm gì ở lớp thì tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi đã từng ra chợ, đã từng buôn bán từ lúc năm tuổi, tôi có đủ suy nghĩ để kiềm chế mọi nỗi tức tối mà bọn trẻ ấy đem lại cho tôi .. Tôi cần phải học thật giỏi, ba tôi bảo thế .. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ba giao một cách xuất sắc. Tôi được lên lớp bốn với danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngày tôi đứng trên bục chào cờ nhận thưởng tôi nhìn xuống những đứa đã từng trêu chọc, đã từng đấm vào mặt tôi với đôi mắt kiêu hãnh. Tôi biết chúng thèm biết bao cái vị trí của tôi lúc này hệt như tôi đã từng chết thèm vì cây kem, cây bút máy đẹp đẽ của chúng, mà biết đâu cái thèm của bọn ấy lại còn to hơn của tôi thì sao.
- Hồ Ngọc Đoan Khương -
Năm tuổi, tôi cắp bên hông thằng em xanh xao, ẽo uột lượn lờ trước cửa phòng học chất kín những đứa trẻ với cặp mắt thèm thuồng. Tôi chưa đến tuổi đi học nhưng thay vì được đến mẫu giáo với những thứ trò chơi đủ màu xanh đỏ, những bài hát vui nhộn, những phiếu bé ngoan vào cuối tuần như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác, tôi phải quanh quẩn trong cái phạm vi chật hẹp của khu tập thể, những dãy phòng học cũ kỹ của một ngôi trường nằm khuất trong xóm lao động nghèo với nhiệm vụ duy nhất là bồng bế và bảo vệ đứa em hay đau ốm của tôi. Không có nó lẽ ra tôi đã được ngồi ngay ngắn cạnh một chiếc bàn xinh xắn nào đấy và bi bô đọc chữ. Đã có lúc tôi thấy thù hận nó bởi nó đã nheo nhéo khóc dù tôi đã xin phép cô được đem nó vào cạnh bên trong lớp học, nó xé tập vở của đứa bên cạnh, thậm chí nó tè cả trong lớp cô cũng bỏ qua. Cô thương tôi chưa đủ tuổi vừa phải trông em nhưng lại học giỏi nhất lớp. Nhưng đến cái lần sau khi nó ốm nặng phải đưa đi Sài Gòn, khi về nhà, ngay ngày đầu tiên tôi có thể cắp nó khoẻ mạnh đến lớp để theo học tiếp thì nó không chịu ngồi yên một chỗ nữa. Nó bò loanh quanh ngoài hiên, rồi sau đó .. rất thơ ngây nó chập chững đi vào lớp vừa tiến về phía tôi vừa gọi tên. Cái đáy quần thun trĩu xuống gần đụng sàn. Và cứ thế sau lưng nó giữa khoảng cách được tính từ chân phải sang chân trái nó "vô tư" để lại một thứ chất nhầy nhụa làm cho người ta ghê người. Cái mùi khủng khiếp ấy bốc lên làm cả lớp bỏ chạy tán loạn. Cô giáo ngay lập tức ra lệnh cho tôi phải dọn dẹp sạch sẽ lớp học trong một khoảng thời gian càng ngắn càng tốt. Và sau đó là quyết định tôi sẽ không được theo học trong lớp nữa bởi vì em tôi đã gây ra quá nhiều rắc rối. Ba tôi dù là đồng nghiệp của cô cũng không thể cứu vãn tình hình. Thế là từ đó tôi vẫn phải thường bế thằng em đáng chán ấy ngấp nghé ngoài cửa lớp học mỗi ngày - càng thèm thuồng học chữ, tôi lại càng cảm thấy "căm ghét" em tôi.
oOo
Mẹ tôi làm việc ở đoàn văn công tỉnh, gánh chè đi bán ngoài chợ. Một công việc mới lạ hoàn toàn không phù hợp với trình độ hay cả vóc dáng của mẹ tôi nhưng bà vẫn phải lựa chọn. Dù sao thì cái công việc tầm thường ấy cũng dành cho mẹ một khoảng thời gian để chăm sóc gia đình, để lo lắng cho ba chị em tôi thay vì những buổi tập, những chuyến lưu diễn kéo dài từ sáng cho đến tận đêm khuya, thậm chí là từ ngày này sang hôm khác không có phút nghỉ ngơi - Cái công việc kéo mẹ tôi ra xa gia đình, xa sự lo lắng thường trực của một người mẹ. Đó là bước chuyển biến lớn lao trong đời mẹ tôi. Thời ấy người ta sống cực khổ, âm nhạc đâu làm nên cái no, đồng lương của ba tôi mỗi tháng chắt bóp cũng quá khiêm tốn. Xung quanh chúng tôi ai cũng hối hả tìm cách để kiếm tiền, càng nhiều càng tốt, bằng đủ mọi thứ nghề. Mẹ tôi ngoài sắc đẹp trời phú, một giọng hát quyến rũ, một ngón đàn tuyệt diệu .. mẹ chẳng có thứ gì đáng giá bằng vật chất để làm vốn buôn bán lớn. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi lại chọn lựa cái nghề nhọc nhằn ấy .. thì cũng từ chữ yêu thương chồng con mà ra cả. Giá như ngày ấy mẹ tôi vẫn giữ lấy nghề xướng ca mà người ta vẫn cho là bạc bẽo kia thì gia đình tôi hẳn đã rách tan ra như cánh buồm vốn đã xơ xác mà người ta còn đem giăng ra trước gió biển lồng lộng.
Vẫn năm tuổi, gia đình có nhiều sự đổi thay. Bên hông trái vẫn là thằng em ốm đau, bên hông phải còn trống không tôi cặp thêm một rổ bánh cam đem bán trước cổng trường. Khi trời còn mờ sáng em tôi chưa thức, tôi ngoe nguẩy cái xô nhôm đi về xóm dép lốp lấy bánh - đếm cẩn thận rồi lại len qua những ngõ hẻm chật hẹp, ấm ướt, ngập rác những buổi trời có mưa, về nhà, đón lấy em từ tay mẹ sau khi nó đã được ăn no. Kiếm một chỗ ngồi dựa vào trụ cổng từ đó cho đến khi chiếc xô nhôm có đậy cái rổ nhỏ trống không. Tôi sẽ ra về sung sướng, một tay bế em, một tay vừa cắp cái xô vừa bấu chặt vào mấy đồng bạc nhơn nhớt mồ hôi mà tôi đã cẩn thận cho vào một cái túi nhỏ mẹ khâu bên trong lưng quần đen ống rộng được sửa lại từ quần của mẹ.
oOo
Có mấy mùa lá bàng đã rụng, khi tôi đã được đi học, khi tôi đã nhẵn mặt với rổ bánh cam ở cổng trường với số tiền lời đã lớn hơn mức ban đầu. Nghĩa là tôi ranh ma và biết tính toán hơn thì nhà tôi chuyển đi nơi khác. Và tôi đành phải chia tay với cái trụ cổng quen thuộc tôi vẫn ngồi tựa vào mỗi ngày. Năm đó tôi tám tuổi. Gia đình tôi chuyển đến một nơi cách xa thành phố, sống trong một căn nhà lợp tranh, bốn vách làm bằng thân nứa, riêng bếp thì làm bằng đất trộn rơm. Nước phải quay từng thùng từ một lỗ giếng đen ngòm và thắp đèn dầu thay cho điện. Hoàn cảnh buộc cả năm người chúng tôi phải nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Dù sao đây cũng là mảnh đất riêng của gia đình tôi, thực sự độc lập, không ràng buộc với ai, không nương nhờ ai cả. Thế đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Mẹ vẫn bán chè, chỉ thay thế đôi quang gánh bằng cách buộc nồi chè vào yên sau của chiếc xe đạp cà khổ màu xanh nước biển. Tôi thôi bán bánh cam để phụ ba làm vườn, dẫy cỏ trồng những thứ rau, đậu thu hoạch theo mùa xen giữa những hố cà phê thấp lè tè còn rất nhiều năm nữa mới đến vụ thu hoạch.
Mảnh vườn, căn nhà đã đón nhận tôi nhưng bạn bè ở lớp học mới thì hoàn toàn ngược lại. Sai lầm là ở chỗ ba tôi đã gởi tôi vào một trường tiểu học danh tiếng chỉ với quyển học bạ với hai năm liên tiếp là học sinh giỏi của tôi, mà không nghĩ đến việc tôi sẽ là người trông thế nào trong một trường học ở trung tâm vốn chỉ dành cho những đứa trẻ con nhà giàu có. Ngày đầu đến lớp, bộ quần áo đẹp nhất của tôi bỗng trở nên xấu xí vô cùng trước những chiếc áo đầm voan đủ màu xinh xắn của bọn con gái cùng lớp. Còn bọn con trai tinh nghịch kéo cái đuôi tóc tôi cháy nắng màu nâu bắp. Chúng vênh váo chìa trước mắt tôi những cây bút kim tinh đắt tiền cười cho cái cây bút lá tre cổ lỗ chấm mực của tôi. Tôi dửng dưng ngồi ở cái chỗ ngồi cô đã sắp đặt cho tôi; mắt tôi dán chặt vào bảng. Một con nhỏ tự giới thiệu là Diên từ bàn trên quay xuống, khuôn mặt trắng trẻo xinh xắn kênh lên, nó hất cái cằm nhỏ nhắn hỏi tôi:
- Ba mày có "xe ụn" không?
Tôi ngơ ngác nhìn nó. Từ khi tôi lớn tôi chưa bao giờ nghe đến cái danh từ xa lạ kia. Tôi tò mò hỏi:
- Nó là cái gì?
Diên lấy cây thước kẻ gõ vào tay tôi một cái rõ đau cong cớn:
- Sao mày ngu thế! Xe ụn là xe máy có cái bình xăng to đằng trước, màu đen, máy nổ bình bịch đấy.
- Không, nhà tớ chỉ có xe đạp thôi.
- Xì .. thế thì tao không chơi với mày đâu. Tao chỉ chơi với đứa nào có ba đi xe ụn thôi.
Tôi đã từng nhìn thấy chiếc xe ấy chạy xập xình trên phố mà chỉ không biết tên thôi. Nhưng chưa một lần tôi được ngồi trên tấm nệm bọc da đen thật êm kia, thậm chí cả bình xăng to phía trước cũng không nốt. Tôi không hiểu nó quan trọng đến thế nào mà nhỏ Diên tuyên bố sẽ không thèm chơi với tôi cho đến khi nào ba tôi có được chiếc xe giống như ba nó. Tôi đem chuyện ấy hỏi ba, ba tôi bảo:
- Chiếc xe ấy đắt lắm. Phải góp rất nhiều tiền, rất nhiều những đồng tiền mà sau những lần bán bánh con có được đến khi nào đầy cái lu đựng nước nhà mình thì sẽ đủ.
Chiều, tôi đứng tần ngần nhìn vào cái lu đất cao gần bằng mình ước lượng. Và tôi nhận ra rằng chỉ có chuyện cổ tích mới đem đến cho tôi đủ một lu đầy tiền để mua xe ụn. Thế là mỗi ngày tôi vẫn vui vẻ ngồi sau cái yên xe đạp đòn dong của ba có cột cái đệm nhỏ mẹ tôi nhồi bằng vải vụn cho đỡ ê mông, tíu tít đủ chuyện đến trường. Bỏ qua những lời châm chọc của Diên, im lặng cả trong những buổi hát đầu giờ khi mà tất cả đều biết hát những bài hát từ mẫu giáo còn tôi thì không.
Giờ chơi, tôi thèm thuồng đứng nhìn lũ bạn cùng lớp xênh xang nắm tay nhau ra căntin trường. Hồi ấy như bao đứa trẻ khác, tôi mê ăn kem lắm. Thấy kem là mắt tôi cứ sáng rực lên, nước miếng nếu tôi không nuốt ực xuống thì hẳn nó đã trào ra hai mép. Sở thích của tôi cũng giống những đứa trẻ đang mút những cây kem xanh đỏ ngoài sân trường kia, nhưng chỉ khác một điều là tôi không có tiền để mua chúng. Ba mẹ tôi quá vất vả để có thể cho tôi tiền quà mỗi ngày. Đó là thứ xa xỉ mà không ai trong gia đình tôi nghĩ đến. Tôi đã từng nhiều lần chịu đựng như thế, đứng trong ngạch cửa nhìn ra và nghĩ về sự thiếu thốn của mình. Cho đến một lần khi nhỏ Liên cầm một cây kem dâu màu hồng thơm lựng đến đứng cạnh tôi thì tôi không còn đủ ý chí để bắt "con thèm" trong tôi trốn sâu vào ruột gan như mọi lần tôi đã làm được. Tôi nhìn cây kem trân trân, rồi tôi nhìn Liên, lại nhìn cây kem .. Cuối cùng tôi mở miệng ấp úng:
- Có .. ngon không? Liên!
Cô nhỏ mở lớn mắt kênh kiệu gật đầu. Cái gật càng làm tôi nôn nao tợn. Tôi cứ nuốt nước miếng ừng ực:
- Liên, .. cho tớ một .. miếng nhé!
- ..
- Chỉ liếm một cái thôi, tớ thề đấy - chỉ một thôi ..
Nhỏ Liên ngừng mút kem, trợn mắt nhìn khuôn mặt thảm hại của tôi .. Rồi nó co những ngón tay thành một nắm tròn và .. đấm thẳng vào mặt tôi. Tôi té nhào xuống đất và nó phá lên cười sằng sặc. Khi tôi lồm cồm bò dậy thì vòng tròn xung quanh đã kín những đứa trẻ lớp tôi có, lớp khác có. Liên đang kể cho bọn chúng nghe tôi đã nói gì bằng cái giọng trẻ con the thé. Chúng cười rú lên:
- Xem kìa. Đi xin ăn .. lêu lêu .. xấu hổ thế .. lêu lêu ..
- Kem này, tao cho mày liếm một cái đấy ..
Có đứa nào đó giơ cây kem ra trước mắt tôi rồi vội vã rụt lại, thè lưỡi liếm để lôi cục tức của tôi ra khỏi cổ họng.
.. Tôi đã không lao vào đánh chúng nó như trong đầu tôi nghĩ thế. Tôi tiu nghỉu trốn vào chỗ ngồi của mình, khuôn mặt lầm lì, đôi môi mím chặt và tôi đã không khóc ở lớp, trước mặt bạn bè cho đến lúc ba đến đón, khi ba nhìn thấy cái dấu bầm be bé trên má tôi và hỏi vì sao, thì tôi không chịu đựng được nữa. Tôi ôm lấy chân ba và khóc, khóc rống lên. Ba đã để cho tôi khóc rất lâu cho đến khi mọi việc đã tan biến hết theo những giọt nước mắt .. Ba mua cho tôi một cây kem dâu thật to, ngậm vào lạnh tê nơi đầu lưỡi. Tôi một tay ôm hông ba, một tay đưa kem lên miệng mút lấy mút để .. Chiều về nhập nhoạng trên con đường đất đỏ hai bên phơi phới cỏ tranh dẫn về căn nhà bé nhỏ của tôi. Tôi thấy mình bình yên.
Tôi vẫn bị bọn cùng lớp đem ra làm trò cười sau lần ấy. Thấy tôi là bọn chúng tru tréo lên, còn tôi sau khi ba giảng giải cho tôi nghe tôi cần phải làm gì ở lớp thì tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi đã từng ra chợ, đã từng buôn bán từ lúc năm tuổi, tôi có đủ suy nghĩ để kiềm chế mọi nỗi tức tối mà bọn trẻ ấy đem lại cho tôi .. Tôi cần phải học thật giỏi, ba tôi bảo thế .. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ba giao một cách xuất sắc. Tôi được lên lớp bốn với danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngày tôi đứng trên bục chào cờ nhận thưởng tôi nhìn xuống những đứa đã từng trêu chọc, đã từng đấm vào mặt tôi với đôi mắt kiêu hãnh. Tôi biết chúng thèm biết bao cái vị trí của tôi lúc này hệt như tôi đã từng chết thèm vì cây kem, cây bút máy đẹp đẽ của chúng, mà biết đâu cái thèm của bọn ấy lại còn to hơn của tôi thì sao.