Alo chú ý chú ý! Sức khỏe của bạn

00792

Moderator
Staff member
'Siêu vi khuẩn' kháng thuốc đã có tại Việt Nam


"Nước ta hiện cũng ghi nhận không chỉ một mà vài loại 'siêu vi khuẩn' kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh, tương tự với loại vi khuẩn tiết ra enzym NDM-1 được phát hiện tại Anh", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết.
b11.jpg
Theo các nhà khoa học không có loại thuốc nào ngăn chặn loại "siêu vi khuẩn". Ảnh: Reuters.
Mới đây, các chuyên gia y tế thế giới có cảnh báo về một nhóm "siêu vi khuẩn" - có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất - đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
Trước thông tin này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, loại “siêu vi khuẩn” vừa được các nhà khoa học trên thế giới phát hiện là một loại vi khuẩn tiết ra men (enzym) NDM-1. Loại men này có thể kháng lại hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất là carbapenem.
"Do đặc tính chung của vi khuẩn có thể lây truyền rất mạnh qua giao lưu, tiếp xúc nên nguy cơ loại 'siêu vi khuẩn' này lan rộng ra thế giới, vào Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, tại nước ta hiện cũng đã ghi nhận một vài loại vi khuẩn tương tự có khả năng kháng tất cả loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột", bác sĩ Cấp cho biết.
Theo ông, các loại vi khuẩn này tiết ra một chất men phân hủy gọi chung là carbapenemase, làm giảm tính nhạy cảm của nhóm kháng sinh carbapenem. Men này có rất nhiều loại, trong đó men NDM -1 vừa phát hiện ở Ấn Độ.
"Nước ta chưa có nghiên cứu nào giải mã trình tự gene của tất cả các vi khuẩn kháng thuốc để xem đó có phải là NDM-1 hay không. Nhưng chúng ta đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gen IMP, VIM... cũng kháng thuốc họ carbapenem", bác sĩ Cấp cho biết.
Một số nghiên cứu tại các bệnh viện cho thấy, vi khuẩn kháng thuốc nhóm carbapenem chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 1-4% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bệnh viện nhiệt đới Trung ương thi thoảng vẫn tiếp nhận những ca nhiễm loại vi khuẩn này. Trong những trường hợp này, các bác sĩ phải chọn cách "chữa đường vòng", áp dụng nhiều biện pháp, chọn các loại kháng sinh còn nhạy cảm, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc..., tuy nhiên chi phí điều trị tăng cao và hiệu quả điều trị không đảm bảo.
Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại “siêu vi khuẩn” đa kháng thuốc.
Hải Phong
Theo Vnexpress




'Siêu vi khuẩn' kháng mọi loại thuốc có thể lây lan toàn cầu


Các chuyên gia y tế thế giới vừa cảnh báo về một nhóm "siêu vi khuẩn" - có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất - đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
vi11.jpg
Enzym NDM-1 được phát hiện trong cả vi khuẩn E.coli. Ảnh: BBC
Theo BBC, nghiên cứu đã được các chuyên gia tại Đại học Cardiff (thuộc xứ Wales), Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh và một số trường đại học quốc tế tiến hành.
Theo đó, đến thời điểm này mới chỉ xác định được khoảng 50 ca nhiễm "siêu vi khuẩn" này tại Anh, tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại chúng sẽ lây lan ra toàn cầu.
Các vi khuẩn tạo ra một enzym được gọi là NDM-1, chúng lan truyền theo các bệnh nhân khi đi du lịch chữa bệnh. NDM-1 có thể tồn tại ở cả những vi khuẩn khác như E.coli và nó khiến chúng kháng lại một trong những nhóm kháng sinh mạnh nhất là Carbapenem. Nhóm kháng sinh này thường được sử dụng trong những trường hợp cấp cứu và những ca nhiễm trùng nặng do các vi khuẩn đa kháng thuốc khác gây ra.
Tiến sĩ Timothy Walsh đã phát hiện enzym NDM-1 từ năm ngoái ở vi khuẩn viêm phổi Klebsiella và E.coli trong cơ thể một bệnh nhân Thụy Điển ở Ấn Độ. Chỉ có hai loại kháng sinh tỏ ra có công hiệu là tigecycle và colistin. Tuy nhiên, trong một số ca bệnh, cả hai loại kháng sinh này cũng không thể diệt được vi khuẩn chứa
NDM-1. Với những ca nhiễm vi khuẩn E.coli thông thường có thể dễ dàng hồi phục, nhưng nếu vi khuẩn E.coli có chứa enzym NDM-1 thì nguy cơ tử vong rất cao.

Cũng theo tiến sĩ Walsh, số ca nhiễm vi khuẩn chứa NDM-1 ở Anh đã lên đến 50 và hiện đang tăng. Ít nhất 17 trong số 33 bệnh nhân họ nghiên cứu có tiền sử đi du lịch đến Ấn Độ hoặc Pakistan trong năm vừa qua. Trong số đó 14 người từng đến một bệnh viện tại 2 nước này, phần lớn là để phẫu thuật thẩm mỹ.
Với một vài ca bệnh, sự nhiễm khuẩn chỉ ở mức nhẹ, trong khi những trường hợp khác thì thực sự nặng. Một vài trường hợp bị nhiễm trùng máu.
Một điều nhiều chuyên gia lo sợ là enzym này có thể nhảy sang các chủng vi khuẩn khác đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều này có thể gây ra bệnh nhiễm khuẩn nặng, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người và gần như khả năng chữa được rất thấp.
Ít nhất một trong những bệnh lây nhiễm do NDM-1 gây ra đang được các chuyên gia nghiên cứu đã kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có.
Những ca nhiễm trùng tương tự cũng được ghi nhận tại một số nước như Mỹ, Canada, Australia và Phần Lan.
Tiến sĩ David Livermore, thuộc Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh cho biết: "Đây là một thách thức lớn với ngành y tế của Anh. Chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh tốt trước khi nó có khả năng lây lan ra. Bộ Y tế Anh cũng đã đưa ra lời cảnh báo về vấn đề này trong năm 2009".
Cách duy nhất để chặn đứng sự lan truyền của "siêu vi khuẩn" này là nhanh chóng xác định và cách ly bất cứ bệnh nhân nào tại bệnh viện được xác định đã nhiễm khuẩn.
Phương Trang
Theo Vnexpress
 
Có thể chết vì ăn măng tươi

Mỗi kg măng củ có lượng độc tố đủ để gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi. Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, lượng chất độc vẫn còn 2/3.

mang-tuoi.jpg
Măng tươi. Ảnh: Internet
Măng là một thực phẩm ưa thích của người dân Việt Nam ở cả nông thôn lẫn thành thị, đặc biệt trong các bữa cỗ hay dịp lễ Tết. Tuy nhiên, việc sử dụng măng không đúng cách sẽ hết sức nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây tử vong.
Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã từng cấp cứu một trẻ nguy kịch vì ngộ độc sau khi gia đình cho uống nước từ măng tươi giã nát để hạ sốt. Bệnh nhân là Dương Quang T., 9 tháng tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội. Sau khi uống nước măng chưa đầy 30 phút, trẻ bị nôn, khó thở, co giật, rồi hôn mê. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm độc Cyanide do uống nước măng tươi.
Tại sao lại ngộ độc măng tươi?
Cyanide là một gốc Acid (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc Acid, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hoá là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể. Trong măng tươi có hàm lượng Cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Khi người ăn phải măng có chứa nhiều Cyanide, dưới tác động của các Enzym đường tiêu hóa, Cyanide ngay lập tức biến thành Acid Cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.
Trong cơ thể, Cyanide tác động lên chuỗi hô hấp tế bào bằng cách làm bất hoạt các Enzym sắt của Cytocromoxydase hoặc Warburgase, là nguyên nhân gây tình trạng thiếu ôxy tế bào và toan chuyển hóa nặng.
Biểu hiện của ngộ độc măng tươi
Tùy theo hàm lượng Cyanide có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn măng khoảng từ 5 đến 30 phút. Trường hợp nhẹ, biểu hiện sợ hãi, lo lắng, chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp…
Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, là nguyên nhân chính gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xử trí ngộ độc măng
Khi người ăn nhiều măng xuất hiện các dấu hiệu trên, cần ngay lập tức giúp nạn nhân nôn, làm hô hấp nhân tạo nếu ngừng thở, đưa ngay nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất.
Tại các cơ sở y tế, cần ngay lập tức giải quyết tình trạng suy hô hấp, chống toan chuyển hóa, chống co giật, loại bỏ độc chất trong máu và trong đường tiêu hóa. Một trong những đặc tính quan trọng của Cyanide là bị bất hoạt bởi đường glucose nhờ tạo ra hợp chất C7H13O6N ít độc. Do vậy phương pháp truyền đường glucose tĩnh mạch vừa có tác dụng chống toan chuyển hóa, vừa có tác dụng loại bỏ độc chất.
Đề phòng ngộ độc măng
Mỗi kg măng củ có khoảng 230 mg Cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi. Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, hàm lượng Cyanide vẫn còn khoảng 160 mg trong mỗi kg. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng Cyanide chỉ còn chưa đầy 9 mg trong mỗi kg. Đến nay, chưa có tài liệu nào hướng dẫn cách chế biến măng để đảm bảo an toàn, nhưng căn cứ vào kinh nghiệm dân gian và đặc tính hàm lượng Cyanide trong măng, để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng.
Những quan niệm sai lầm như uống nước măng tươi để hạ sốt và chữa bệnh, không nấu kỹ măng vì sợ mất chất, măng ngâm dấm chưa đủ thời gian đã ăn… sẽ là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngộ độc măng.
Theo VnMedia
 
Tìm ra gen khiến vi khuẩn vô hiệu hóa kháng sinh


Các nhà khoa học của Anh ngày 11/8 cho biết, họ đã phát hiện một loại gen mới có tên gọi New Delhi metallo-beta-lactamase hoặc NDM-1 trong cơ thể những bệnh nhân ở nước này và ở Nam Á.
avatar.aspx
NDM-1 khiến cho vi khuẩn có khả năng kháng rất mạnh đối với hầu hết tất cả các loại kháng sinh hiện có, bao gồm cả kháng sinh mạnh nhất hiện nay là carbapenem.

Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên báo chuyên ngành The Lancet Infectious Diseases, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Cardiff (Anh) do nhà khoa học Timothy Walsh đứng đầu cho biết đã phát hiện nhiều bệnh nhân có vi khuẩn chứa NDM-1 và có khả năng kháng thuốc.

Họ cho biết bệnh đã lan rộng từ các nước Nam Á sang Anh và có thể lan ra toàn thế giới đồng thời khẳng định trong tương lai gần chưa có loại thuốc nào có khả năng đối phó với căn bệnh này.

Nhóm nghiên cứu cho biết vi khuẩn chứa NDM-1 đang phổ biến tại Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và xâm nhập vào Anh theo những du khách người nước này trở về sau khi đi du lịch chữa bệnh tại Nam Á.

Theo nhóm nghiên cứu, căn bệnh này lan rộng thông qua hoạt động du lịch nói chung và đặc biệt là du lịch kết hợp chữa bệnh.

Nhiều người đã lựa chọn các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ tự nguyện như giải phẫu thẩm mỹ, ở các nước có chi phí y tế thấp hơn.

Giới chức y tế Mỹ cũng cho biết đến nay, họ đã ghi nhận ba trường hợp mắc vi khuẩn này ở Mỹ - tất cả đều là những bệnh nhân vừa tới Ấn Độ chữa bệnh.

Từ khi thuốc kháng sinh penicillin được sử dụng vào những năm 1940, vi khuẩn bắt đầu phát triển khả năng kháng thuốc, buộc các nhà nghiên cứu phải liên tục phát triển nhiều loại kháng sinh tổng hợp. Tuy nhiên, sự lạm dụng thuốc kháng sinh lại tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc./.

(TTXVN/Vietnam)

Theo Vietnamplus
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top