Đêm 14/3, cả phòng bệnh 305 không ai ngủ được bởi cứ vài giây, Nhã lại kêu lên một lần, lúc khe khẽ, lúc lại gào thét khuấy động khoa nhi, khoa Nội 3, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Gần sáng thì tiếng kêu ngừng hẳn.
Thay vì chắc lưỡi, ôm đầu bịt tai chịu đựng khi Nhã kêu gào như mọi khi, lúc này, vừa nghe cô bé bị ung thư tuyến tụy nằm yên không còn la khóc, mọi người trong phòng lại lần lượt kéo nhau dậy. Đèn được bật sáng như xua đi thứ bóng tối mà các bệnh nhi ung thư vốn rất sợ. Dưới ánh huỳnh quang, gương mặt cô bé 7 tuổi hiện lên xanh xao. Người co giật, mắt nhắm nghiền nhưng miệng Nhã vẫn khe khẽ: “Ba Rin ơi, cứu con, con không muốn chết”.
Chiều 15/3, bé Nhã trong những phút giây cuối đời.
Ôm cô con gái vào lòng, người cha 34 tuổi gầy nhom nhăn nhúm mặt, nước mắt giàn giụa, anh Rin biết đây là lần cuối cùng con anh có thể nói. Chị Trương Thị Ngọc, vợ anh ngồi cạnh chồng, mắt nhìn con nhưng như nhắm nghiền, người chị lúc rung lên bần bật, lúc gần như ngất đi.
Không còn đủ sức mở mắt nhìn bố mẹ, cô bé giơ cánh tay nhỏ xíu lên khoảng không trước mặt, vẫy vẫy những ngón tay nhỏ xíu xanh xao như muốn níu kéo mọi thứ về phía mình. Cả phòng bệnh, những người cũng có con đang bị bệnh ung thư hoành hành, không ai cầm được nước mắt. Vài người vội lấy bàn tay ngăn không cho con mình nhìn thấy cảnh bạn sắp lìa đời. Nhưng Nhã chưa ra đi vào lúc ấy…
3h sáng, chỉ vài phút sau khi nghe tiếng khóc thảm, điều dưỡng và bác sĩ trực có mặt. Nhã được nhanh chóng chuyển lên một cái giường cao ráo hơn thay vì phải nằm bẹp ở một góc phòng quá tải như cả năm nay em đã từng. Một bình ôxy loại lớn được mang đến. Cô điều dưỡng đặt vào hai lỗ mũi của em hai cái ống cao su để trợ thở. Thay vì đưa tay tháo phăng như mọi khi, hôm nay Nhã nằm yên. Máy đo nhịp tim cũng được đưa đến. Một bác sĩ bảo anh Rin ra ngoài thú thật: “Cháu yếu lắm rồi. Cầu mong nó qua được hôm nay”.
Nhìn thấy điệu bộ của chồng bước vào, biết ngay có điều chẳng lành, chị Ngọc khóc rú thật to, nước mắt rơi lã chã vào mặt con, khiến cô bé khẽ rùng mình. Một người nuôi con cùng bị ung thư giai đoạn cuối thấy chị Ngọc quá xúc động đã ôm chầm lấy chị rồi cả hai cùng khóc. Nhã nằm yên bất động, chỉ có bộ ngực teo rút thì thi thoảng lại phồng lên rồi xẹp xuống ngay và ngón chân cái cứ vài giây lại co co một lần.
Thời gian của đêm cứ chầm chậm trôi, nhưng khi trời bắt đầu sáng thì lại sáng rất nhanh. Bình minh Sài Gòn giữa tháng 3 chói chang từ rất sớm, ngoài cửa sổ, trên tán lá bàng vươn gần đến khung cửa sổ nơi Nhã nằm, vài chú chim sẻ vô tư ríu rít. Trên giường bệnh, anh Rin vẫn ngồi khư khư ôm con đúng tư thế của đêm qua, còn cô bé vẫn xanh như chiếc lá. Cả phòng bệnh, ai nấy đều yên lặng dõi theo.
Đúng15h ngày 15/3, sau gần một ngày trở mệt, Nhã giật giật người khe khẽ vài lần rồi gương mặt bỗng giãn ra thanh thản. Máy đo nhịp tim bên cạnh em tít lên một hồi rồi bất động với làn sóng nằm ngang.
Không còn vật vã như vài giờ trước, đôi mắt người cha lúc này ráo hoảnh, thất thần. Nhìn dáng người cha gầy bế thi thể con, ngoài những cặp mắt rưng rưng đỏ của người bệnh và người nuôi bệnh, vị bác sĩ gần một năm gần gũi với Nhã cũng nghẹn ngào. “Khi nhập viện, bệnh ung thư tuyến tụy của bé đã ở giai đoạn cuối. Chúng tôi dù cố gắng hết sức nhưng vẫn biết rằng, sự sống của cháu là rất mong manh”.
Chờ thủ tục về quê, không nghĩ đến tương lai mù mịt vì hàng năm trời cả hai vợ chồng bỏ việc nuôi con, người cha cứ nói thao thao bất tuyệt về Nhã. Rằng “Tết vừa rồi con tôi được 7 tuổi”, rằng “khi ấy con còn bảo mình thích được lì xì”. Rồi xa xôi hơn, anh trách ông Trời tại sao quá bất công, đã không thương xót cho cái gia cảnh khốn khó của anh lại còn bắt đứa con gái đang khỏe mạnh bỗng dưng mắc bệnh.
Chiều cùng ngày, chiếc xe cứu thương lăn bánh đưa bé Huỳnh Thị Thanh Nhã ra khỏi cổng bệnh viện. Nhiều phụ huynh nuôi con bệnh nan y ở cùng phòng với bé Nhã bế con dõi mắt nhìn theo xe rồi lại nhìn nhau mà khóc. Không dám nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu, “không khóc sao được bởi khi mắc phải căn bệnh ung thư quái ác này, những sinh linh bé bỏng bạc mệnh rồi không biết sẽ ra đi vào lúc nào”.
Tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, hiện có đến vài chục em bị ung thư giai đoạn cuối. Sự sống của các em không được tính bằng năm, bằng tháng mà đôi khi chỉ tính bằng ngày, bằng giờ. Tại đây, ngoài nỗi đau nhìn con tiều tụy dần, như lời của nhiều phụ huynh: “Nỗi khổ mang tên cơm áo gạo tiền như cái án treo trước mắt bởi bán nhà nuôi con đâu còn là chuyện lạ”.
Hình ảnh những phận đời con trẻ mỏi mòn vì ung thư:
Phòng bệnh thuộc khu bệnh nhân nhi khoa Nội 3, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM luôn chật chội những cảnh đời ngắn ngủi.
Cậu bé này da xạm đen do trải qua nhiều đợt hóa trị.
Chứng ung thư đã lấy đi ánh sáng của cậu bé này khi chưa đầy 1 tuổi.
Bệnh nhi nhà ở Lâm Đồng nằm phòng 305, một mắt cũng đã bị mù.
Bé Thịnh – anh cả của khu bệnh nhân nhi chỉ còn một chân vì chứng ung thư xương.
Cách đây một năm, cô bé này vẫn là học sinh lớp 2 xinh xắn luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập.
Khối u ác tính kéo gương mặt của bé gái này sang một bên.
Tuy nhiên ngoài những lúc lên cơn đau, còn lại, các em vẫn vô tư cười đùa do không biết cái chết luôn rình rập. Trong ảnh là một bệnh nhân 5 tuổi mắc chứng ung thư máu.
Giường điều trị trở thành góc giải trí. Chơi đùa đấy, song có khi chỉ vài giờ sau, cơn đau lại bắt các em phải nằm dài.
Khoảng trời xanh qua ô cửa sổ là nơi cậu bé này thích đưa mắt nhìn. Mẹ em nói: “Từ lúc nhập viện, biết mình bị bệnh ung thư, nó luôn nhìn ra cửa sổ mà không nói gì. Ánh nhìn xa xăm lắm”.