Lê Đức Dũng
Senior Member
(TT&VH) - Tiểu đường, tâm thần phân liệt và bệnh Parkinson sẽ hoàn toàn bị đẩy lùi nhờ một kỹ thuật thay đổi gien di truyền mới được các nhà khoa học Mỹ phát hiện. Đó là tuyên bố của các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại phương thức này có thể gây tranh cãi về mặt đạo đức.
Thế nào là mtDNA?
Tiến sĩ Shoukhrat Mitalipov
Giới khoa học đã tính toán rằng cứ 6.500 ca sinh nở lại có một trường hợp bị hư hỏng một gien mang tên mitochondria DNA (mtDNA). Gien này được xem là “nhà máy điện” trong các tế bào vì nó cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng và các hoạt động khác của tế bào. Vì thế, những biến đổi bất thường trong mtDNA có thể tạo ra hàng loạt rối loạn và gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe như chậm lớn, yếu cơ, mù, điếc, chậm phát triển trí tuệ, tiểu đường, tai biến và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, nó còn có thể gây ra bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer, bệnh liệt rung Parkinson và bệnh múa giật Huntington.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, tiến sĩ Shoukhrat Mitalipov cùng các cộng sự tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon đã tiến hành một nghiên cứu thay mtDNA bị lỗi. Ông đã chiết xuất các thông tin di truyền (DNA) từ nhân trong những quả trứng của một con khỉ nâu và cấy chúng vào quả trứng của con khỉ khác, vốn đã bị loại bỏ DNA nhân. Quả trứng sau khi được biến đổi chứa DNA nhân của con khỉ gốc và mtDNA của con khỉ thứ hai. Tiếp đó nhóm nghiên cứu thụ tinh các quả trứng và chuyển 15 phôi vào tử cung của 9 con khỉ cái.
Kết quả là 4 con khỉ nâu đã chào đời nhờ kỹ thuật mới. Trong đó có hai con khỉ sinh đôi được đặt tên là Mito và Tracker. Hai con còn lại được gọi là Spindler và Spindy. Hiện những con khỉ này đều khỏe mạnh. Kết quả kiểm tra gien cho thấy không một con khỉ con nào có mtDNA từ con khỉ gốc. Điều này có nghĩa là hoạt động cấy ghép nhân trứng đã thành công. “Đây là một thành công lớn” - ông Mitalipov nói trên tạp chí khoa học Nature - “Chúng tôi tin rằng kỹ thuật này có thể sớm được ứng dụng vào cơ thể người và đem lại kết quả tốt”.
Tin tức về thành công của nhóm Mitalipov đã khiến giới khoa học chia làm hai phe. Một số ca ngợi hết lời. Họ cho rằng nghiên cứu đó có thể giúp nhiều gia đình thoát khỏi các căn bệnh nan y do lỗi gien di truyền gây ra. “Đây là một sự kiện có tầm quan trọng lớn. Phương thức tiếp cận mới sẽ mang lại lợi ích cho nhiều gia đình” - Jan Smeitink, giáo sư y khoa tại Đại học Radboud Nijmegen (Hà Lan), nhận định.
Mito và Tracker, hai trong 4 chú khỉ đã được sinh ra nhờ phương pháp mới của nhóm Mitalipov
Một số chuyên gia cũng lo lắng rằng, việc thay đổi “dòng mầm” sẽ tạo nên những cơn sốt chọn lọc gien để cho ra đời những hậu duệ “ưu việt”. Bên cạnh đó là những băn khoăn về vấn đề an toàn. “Khi tiến hành thử trên cơ thể người, một số phôi thai (sau khi được thay mtDNA) vẫn sẽ có thể phát triển bất thường. Nếu chúng bị vứt bỏ, chuyện đó sẽ gây ra những vấn đề lớn liên quan tới đạo đức, bởi một số người coi phôi là những sinh linh nhỏ bé” - Cynthia B. Cohen, chuyên gia về đạo đức sinh học ở Đại học Georgetown, cho biết - “Rất nhiều người trong xã hội của chúng ta chưa sẵn lòng để thấy các phôi thai bất thường được tạo ra để rồi lại bị hủy hoại”.
Lợi nhiều hơn hại
Bản thân các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận công việc của họ có thể gây ra tranh cãi liên quan tới đạo đức và những vấn đề khác. Nhưng họ cũng kêu gọi những người hoài nghi cần xem xét nhiều hơn tới khía cạnh lợi ích do kỹ thuật mới mang lại. “Chúng tôi nhận ra rằng, đây không chỉ là một dạng đơn giản của liệu pháp gien. Phương thức mới bao gồm việc thay thế các gien trong “dòng mầm” và do đó đã gây quan ngại” - Mitalipov nói - “Tuy nhiên chúng tôi chú ý tới các bệnh nhân, những dị tật họ phải mang sau khi sinh và các căn bệnh kinh khủng do đột biến gien. Cách duy nhất để ngăn chặn chuyện này là thay thế những gien lỗi”. Mitalipov cho biết nhóm nghiên cứu của ông sẽ đệ đơn lên Ủy ban Đạo đức nội bộ và Cơ quan Thuốc & Thực phẩm Mỹ để được thử nghiệm với trứng người. Dự kiến, nếu mọi chuyện suôn sẻ, phương pháp điều trị bệnh do đột biến mtDNA sẽ được áp dụng ở các bệnh nhân Mỹ trong vài năm tới.