Có phải loài người đã ngừng tiến hóa?
Liệu con người có tiếp tục tiến hóa theo hướng này? Nếu bạn hy vọng một ngày nào đó con người có thể to lớn hay thông minh hơn nữa, hãy dẹp ý tưởng đó đi. Giáo sư Steve Jones (Anh) đã tuyên bố rằng, đây là trạng thái tốt nhất mà con người có thể có. Chúng ta đã tới ngưỡng tiến hóa và không thể thay đổi thêm nữa.
Quan điểm của Steve Jones, Đại học London, đã làm bùng lên cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học theo những trường phái khác nhau. Phe phản đối tranh luận rằng loài người vẫn đang tiếp tục bị chi phối bởi áp lực tiến hóa, vốn tạo ra vô số các loài từng ngự trị trái đất trong hơn 3 tỷ năm qua.
Giáo sư Chris Stringer, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào thời kỳ đồ đá ở châu Âu khoảng 50.000 năm về trước, bạn sẽ kết luận rằng xu hướng của loài người là ngày càng to hơn và khỏe mạnh hơn. Nhưng thực tế là sau đó, một loài người thông minh, cao và nhẹ hơn đã từ châu Phi tới và chiếm cứ toàn thế giới. Vậy đấy, đơn giản là bạn không thể dự đoán được sự tiến hóa theo cách này. Ai biết đằng trước chúng ta là gì?”.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng loài người đang kém thông minh đi và dễ bị kích thích hơn. Người khác lại nhận thấy có những dấu hiệu của sự khôn ngoan hơn và giảm sút về sức khỏe, trong khi những đại diện như Steve Jones lại cho rằng chúng ta đã "đến đỉnh".
Con người đang ở trạng thái "trì trệ"
Theo học thuyết của Darwin, những động vật đơn lẻ thích nghi tốt nhất với môi trường sẽ sống lâu hơn và có nhiều con cái hơn, vì thế, chúng sẽ truyền gene của mình qua các quần thể. Điều này tạo ra những thay đổi theo hướng tiến hóa. Chẳng hạn, động vật móng guốc với chiếc cổ dài có thể vươn tới những lá cây ngon nhất trên cao và nhờ đó ăn được nhiều hơn, sống lâu hơn và đông con cháu hơn. Cuối cùng, chúng tiến hóa thành hươu cao cổ. Trong khi những con cổ ngắn hơn thì bị chết.
Con người chúng ta cũng đã trải qua quá trình tiến hóa tương tự, nhưng nay, quá trình này chững lại vì gene của hầu như tất cả mọi người đều được truyền lại cho thế hệ sau, mà không chỉ là những người thích nghi nhất với môi trường.
GS Jones nhận định: "Ở London, trong hầu hết chiều dài lịch sử của thành phố, tỷ lệ chết luôn vượt xa tỷ lệ sinh. Nếu nhìn vào các nghĩa địa từ thời cổ đại đến thời Victoria, bạn có thể thấy nửa số trẻ sinh ra chết trước tuổi thành niên, có thể do bộ gene không giúp họ chống đỡ được bệnh tật. Nay, 98% trẻ em có cơ hội sống đến 25 tuổi. Không có gì thay đổi cả. Chúng ta đã rơi vào trạng thái trì trệ".
Hơn nữa, theo ông, các quần thể người nay không ngừng pha trộn. Nếu như trước kia, người ta sống quanh quẩn ở một thành phố và kết hôn lẫn nhau, thì nay, con người công tác, học tập và di cư khắp thế giới. Sự kết hợp giữa họ cuối cùng sẽ tạo ra một chủng người thống nhất có màu da nâu. Ngoại trừ điều này, còn lại sẽ chỉ còn những thay đổi rất nhỏ. Tuy nhiên, những tranh luận như vậy chỉ đúng trong thế giới phương Tây, nơi mà thức ăn, điều kiện vệ sinh và tiến bộ y học giúp cho hầu hết các thành viên trong xã hội được sống và truyền gene cho con cháu. Tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, những yếu tố bảo vệ như thế chưa nhiều.
Nếu có tiến hóa, điều gì sẽ thay đổi?
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác tin rằng áp lực của tiến hóa vẫn đang ảnh hưởng đến loài người. Chẳng hạn, những người sắc sảo hơn trong suy nghĩ và có khả năng tích lũy tiền cao hơn sẽ có ưu thế hơn. Họ có nhiều con hơn và cơ hội sống sót tốt hơn. Nói cách khác, trí tuệ của loài người vẫn buộc chúng ta phải tiến hóa.
Quan điểm này bị Peter Ward của Đại học Washington ở Seattle (Mỹ) bác bỏ. Trong cuốn
Tiến hoá trong tương lai của ông, Ward cũng cho rằng lối sống phương Tây đã loại con người khỏi dòng chảy tiến hóa chung của muôn loài. Theo ông, sẽ không có gì thay đổi, trừ phi chúng ta áp dụng công nghệ gene để con người có thể sống lâu hơn hoặc khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, Stringer phản đối quan điểm này. Ông cho rằng tiến hóa luôn luôn diễn ra, chỉ có điều rất khó dự đoán. Chẳng hạn, não bộ từng bé đi trong vòng 10.000 năm qua. Và vóc dáng chúng ta cũng chịu sự suy giảm tương tự. Chúng ta yếu ớt hơn và có bộ não bé nhỏ hơn so với tổ tiên chỉ vài nghìn năm trước. Vì thế mặc dù chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi sự tiến hóa, điều đó không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều được cải thiện.
Cho đến nay, mọi giả thuyết vẫn chỉ dừng lại ở mức độ gây tranh cãi.


B.H. (theo Guardian)