Tâm sự của Bác sĩ Trần Đông A

Nguyễn Ngọc Lương

Administrator
Staff member
“Bằng cấp gì cũng kệ, nếu không có tâm với nghề”

GS-BS Trần Đông A
TT - Mở đầu cuộc trò chuyện, bác sĩ Trần Đông A, đại biểu Quốc hội, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, nói: “Mình mới dự một hội nghị tại Bangkok. Ở đó người ta khen VN mình, từ chuyện chống cúm gia cầm, HIV/AIDS hiệu quả, cho đến vào WTO, tổ chức thành công APEC.
Thế rồi về nhà nghe thấy chuyện ở một bệnh viện, một bệnh nhân đã chết vì “ngoại” đẩy qua “nội”, rồi “nội” đẩy qua “ngoại”, và cuối cùng chẳng ai khám cả khiến dẫn đến tử vong, sao mà quá đau”.


* Thưa ông, đó là y đức. Và đó cũng là một vấn đề mà Bộ Y tế vừa khởi động để chấn chỉnh. Ông sẽ tham gia đợt phát động này của bộ như thế nào?

- Ôi, tôi nói quá nhiều rồi. Nói công khai tại Quốc hội, nói riêng với những người có trách nhiệm và thậm chí cả lãnh đạo cao nhất. Tôi đang rất kỳ vọng vào Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vì đây là vấn đề ông rất quan tâm, rất trăn trở và đang hành động để chấn chỉnh.

* Ông đã nói những gì?

- Cơ bản là không thể chấn chỉnh y đức bằng nói chung chung, bằng hô khẩu hiệu mà phải có biện pháp xử lý. Đã đến lúc phải có luật hành nghề y, và theo tôi biết, đến Quốc hội khóa sau sẽ có. Hiện nay, ngành y chúng ta không có qui định gì rõ ràng. Bệnh nhân vào, bác sĩ phải khám ít nhất mấy phút? BS dỏm bị kỷ luật, nhưng lãnh đạo bệnh viện thì sao? Cũng phải có trách nhiệm chứ sao không, trách nhiệm ở chỗ đã nhận người dỏm vào.

* Vấn đề y đức sa sút hiện nay, theo ông, từ đâu?

- Điều tôi muốn nói trước tiên là ở khâu đào tạo. Ở nước ngoài, người ta tuyển sinh vào trường y không phải chỉ dựa vào điểm cao, mà phải qua những cuộc phỏng vấn để hội đồng đánh giá xem con người này có say sưa với nghề y hay không. Hiện nay, trên thế giới người ta đang đánh giá rất cao ngành khoa học định giá - lượng giá.

Cái gì cũng vậy, phải có đánh giá, phân loại, xếp loại. Còn ở mình, cứ thi điểm cao là vào, chưa kể cái điểm ấy chưa chắc thể hiện bằng sức học thật của mình. Và đã nhận vào 200 thì cũng phải ra đúng 200! Điều đáng tiếc là ở ta chưa có khoa học định giá - lượng giá. Trong Binh thư yếu lược Trần Hưng Đạo đã nêu ra mười điều để chọn tướng. Đó là “Hỏi xem trả lời thế nào. Hỏi đi hỏi lại để xem đầu óc có minh mẫn không. Đem sắc đẹp mà thử xem có đạo đức không. Đem gián điệp thử xem có trung thành không...”.

Trong ngành y, anh bằng gì, cấp gì cũng kệ nếu không say sưa, không có cái tâm với nghề. Thậm chí cho dù anh có thành bác sĩ đi nữa thì cũng không thể là vĩnh viễn. Không thể có cái biên chế suốt đời, mà chỉ ký hợp đồng từng hai năm. Bởi có ai lường được anh thay đổi, tham tiền, chỉ lo kiếm ăn từ bệnh nhân nên phải định giá để sắp xếp lại thường xuyên.

* Nhưng thưa ông, đó vẫn chưa phải là gốc?
- Đúng. Gốc là từ năm chữ “thà yếu còn hơn thiếu”. Có một lần tôi đi cùng một số anh trong Quốc hội lên thăm một bản hẻo lánh trên núi ở Cao Bằng. Ở đó, nếu cho người ta con bê thì mang lên được, nhưng khi nuôi lớn rồi thì chỉ có thịt mà mang xuống. Ở những nơi như thế, áp dụng quan điểm “thà yếu còn hơn thiếu” thì được. Và thực tế chúng ta đã cử tuyển những người tại chỗ, đào tạo cấp tốc và dù không đạt được một bác sĩ đúng nghĩa nhưng cũng còn hơn ông... thầy mo!

Vì vậy, quan điểm bây giờ không thể như thế mà phải ngược lại, đó là “thà thiếu còn hơn yếu”!

* Ông nghĩ sao việc lý giải cho sự sa sút y đức là hệ quả của việc thu nhập thấp, sự bất hợp lý về lương?

- Vừa đúng vừa sai. Đúng ở chỗ phải có thực mới vực được đạo. Nhưng sai ở chỗ cái việc lương thấp do đâu mà có? Vì chúng ta quản lý kém chứ không phải do khó khăn. Tôi lấy ví dụ thế này nhé, một bệnh viện chuyên ghép gan ở Bỉ mà chúng tôi đang hợp tác chỉ cần có ba bác sĩ thật giỏi, còn chúng tôi ở đây thì 60 người! Giảm bớt đi, cần tinh chứ không cần đông, và khi ấy lương của mấy chục con người trả cho vài người thì ắt là không thấp.

* Nhưng thưa ông, có mâu thuẫn không khi hiện tại chúng ta vẫn kêu quá tải ở các bệnh viện thì làm sao có chuyện giảm được bác sĩ?

- Quá tải là vì sao? Vì khám qua loa ở khâu nhận bệnh, cho bệnh nhân vào tràn ngập trong bệnh viện thì sao không quá tải. Tôi lấy ví dụ ở ngay Nhi Đồng 2 này đây, đến 200 bác sĩ. Quá nhiều. Nếu làm việc đàng hoàng chỉ cần 60 bác sĩ có trình độ thôi. Số dôi ra ấy đưa về để nâng cấp các bệnh viện tuyến dưới nhằm chia lửa bớt tuyến trên ở những bệnh lặt vặt thì làm gì quá tải.

* Ông đề cập chuyện đào tạo ở các trường y, nhưng có vẻ căn bệnh này không phải chỉ ở mỗi ngành y. Với tư cách một đại biểu Quốc hội, hẳn ông cũng nghe đến thực trạng mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói tại kỳ họp vừa qua là “đào tạo tại chức là nồi cơm của các trường”. Ông nghĩ gì về tình trạng “học giả bằng thật” hiện nay?- Hôm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói đến chuyện “đào tạo tại chức là nồi cơm của các trường” nên khó thể dẹp ngay tức thời được, bọn tôi ngồi dưới này lắc đầu. “Không thể như thế được”. Đó là cái gốc của mọi sự yếu kém.

Các bạn có hình dung được là cả nước VN có 15.000 tiến sĩ, mà chỉ có khoảng 300 công trình được các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới đăng tải hay không? Không thể chấp nhận được. Theo yêu cầu, 15.000 ông tiến sĩ ấy ít nhất phải có 30.000 công trình đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Chứ kiểu đào tạo như thế thì chỉ tốn tiền nhà nước mà thôi. Chúng tôi tâm đắc với một kiểu chơi chữ trên một tờ báo là “học tại... chức (vì chức đấy mà), và dạy thì... tại tiền”!

Riêng với ngành y, theo tôi, nếu có bắt tay chấn chỉnh ngay từ bây giờ, VN ta cũng mất một thế hệ mới đào tạo được những bác sĩ tầm cỡ.

* Và ông có tin chúng ta sẽ làm được?

Điều mà ngành y thế giới đã đúc kết:

1- Một bác sĩ không có kiến thức mà đưa vào bệnh viện thì chẳng khác nào đẩy một thủy thủ lên một chiếc tàu không có la bàn, không bánh lái, và kết quả sẽ không biết trôi dạt về phương nào.

2- Ngược lại, không thể dạy y khoa khi người thầy không sống và làm việc hết mình ở bệnh viện.

Chúng ta đang hết sức khó khăn nhưng tôi tin mọi chuyện sẽ khá hơn. Bởi không có niềm tin vào một tương lai tốt lành thì làm sao mà sống. Tôi nghĩ một khi lãnh đạo đất nước quyết tâm, và điều này tôi đã thấy, thì sẽ làm được.

* Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông có tâm sự gì để nói với những bạn trẻ có ước mơ vào ngành y?- Tôi chỉ xin kể lại những điều mà mình đã được giáo huấn ngay từ khi đặt chân vào trường y:

1- Chiếc ống nghe của người bác sĩ vừa là cần câu cơm, vừa là dây treo cổ;

2- Không ai như người bác sĩ, một ngày kê hàng chục, thậm chí cả trăm tờ “lệnh xé xác” liên quan đến hạnh phúc, sinh mạng của con người. “Lệnh xé xác” ở đây là tờ toa kê đơn thuốc ấy, bởi thuốc đều là “độc dược” cả mà.

Nói thế để luôn phải nhớ rằng không say sưa, không yêu nghề thật sự thì xin đừng đặt chân vào nghề y.

Đọc bài này, và xem phim Vượt Vũ Môn mới thấy cái bộ mặt của những người "dĩ hòa vi quý" xem ra đều là vì lợi ích cá nhân cả. Một người có đạo đức "thẳng băng" thì cách nói chuyện sẽ gai góc như Trương Hiếu Tiên hay Bs Trần Đông A này
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,548
Members
56,922
Latest member
188bettone
Back
Top