Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu sinh sản Nhật Bản đã cấy ghép thành công tế bào võng mạc tạo thành từ Tế bào gốc đa năng (iPS) trên khỉ.
(Ảnh minh họa)
Kết quả của nghiên cứu trên dự kiến sẽ được công bố tại cuộc Hội thảo Y học Sinh sản Nhật Bản diễn ra tại thủ đô Tokyo tháng Ba tới.
Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto do phó giáo sư Takahashi Masayo đứng đầu đã tạo tế bào gốc đa năng iPS từ da loài khỉ ở Philippines và chuyển đổi thành tế bào thượng bì sắc tố võng mạc hình dạng tấm có độ dày 1mm và độ dài 2mm.
Tiếp đó, các nhà khoa học tiến hành cấy ghép vào võng mạc khỉ. Hiện tại tình trạng của mắt chú khỉ được cấy ghép vẫn tiến triển tốt sau gần 2 tháng cấy ghép.
Trước đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Keio đã sử dụng iPS để điều trị thành công tổn thương cột sống của khỉ thí nghiệm. Tuy nhiên, với tổn thương ở tủy sống, các nhà khoa học chỉ cần sử dụng dạng tế bào thần kinh chuyển đổi ở mức độ trung bình còn trong trường hợp điều trị bệnh lý võng mạc này, do nghiên cứu trên có khả năng điều trị với một lượng nhỏ tế bào chuyển đổi hoàn toàn nên giới khoa học hy vọng sẽ tiến gần hơn đến việc ứng dụng điều này trên thực tế.
Theo Vietnam+