Bệnh tiểu đường

T.rex

Senior Member
Mình thường thấy người bệnh tiểu đường giai đoạn cuối sẽ bị suy thận, điều này đúng không? Nếu đúng thì tại sao?
Suy thận sẽ để lại những hậu quả gì cho những cơ quan nào?
Mong các bác trình bày cụ thể giúp!
Thanks!
 
Biến chứng thận do bệnh đái tháo đường

Hơn 40% số bệnh nhân lọc máu chu kỳ ở Mỹ là biến chứng thận do đái tháo đường (ĐTĐ). Ở Việt Nam, bệnh ĐTĐ đang gia tăng về tần suất mắc bệnh, cùng với những tiến bộ trong điều trị bệnh, tuổi thọ của người bệnh ĐTĐ kéo dài hơn, làm cho biến chứng thận ở bệnh nhân ĐTĐ cũng ngày càng tăng.
Qúa trình tổn thương thận
daubung_14.jpg
Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, ĐTĐ là nguyên nhân chính gây suy thận giai đoạn cuối. Hiểu biết biến chứng thận ở bệnh nhân ĐTĐ có thể giúp dự phòng để hạn chế và làm chậm biến chứng này.

ĐTĐ là một bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Đặc trưng của bệnh là tăng glucose máu cùng với các rối loạn về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, và các chất khoáng. Tổn thương mạch máu, đặc biệt là vi mạch do bệnh ĐTĐ, dẫn tới tổn thương nhiều cơ quan trong đó có thận. Biểu hiện tổn thương thận trong bệnh ĐTĐ được chia làm hai pha, pha sớm và pha muộn. Pha sớm khởi đầu là xuất hiện microalbumin niệu (30-299mg protein/24 giờ) không thường xuyên, cho đến khi xuất hiện macroalbumin niệu (trên 300mg protein/24 giờ) thường xuyên. Pha muộn được tính từ khi xuất hiện macroalbumin niệu thường xuyên đến suy thận giai đoạn cuối. Pha sớm là pha im lặng về lâm sàng, biến đổi quan trọng của thận trong pha này là thận to lên, tăng mức lọc cầu thận, tăng áp lực trong cầu thận, xuất hiện microalbumin niệu không thường xuyên, về sau xuất hiện thường xuyên và nồng độ tăng dần. Pha muộn là pha lâm sàng, biểu hiện lâm sàng tổn thương thận bao gồm: hội chứng cầu thận mạn với phù, protein niệu, hồng cầu niệu, tăng huyết áp, đôi khi có hội chứng thận hư, chức năng thận giảm rồi suy thận và suy thận giai đoạn cuối. Biến đổi cấu trúc mô bệnh học thận đặc trưng bởi tổn thương dạng hạch và tổn thương rỉ ở cầu thận do thấm các thành phần của huyết tương qua mao mạch cầu thận, không có lắng đọng phức hợp miễn dịch ở vùng tổn thương. Dần dần cầu thận bị xơ hóa, làm mất dần chức năng thận.
Triệu chứng
Đái tháo đường týp 1, triệu chứng của bệnh thận thường xuất hiện sau khi được chẩn đoán bệnh tiểu đường 3-5 năm. Đối với đái tháo đường týp 2, do khó xác định thời gian khởi phát của bệnh, nên chưa rõ bệnh thận xuất hiện sau khởi phát bệnh ĐTĐ bao nhiêu năm. Ở giai đoạn sớm chỉ có triệu chứng của bệnh ĐTĐ, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh thận mặc dù thận đã tổn thương. Biểu hiện duy nhất của tổn thương thận trong giai đoạn này là microalbumin niệu. Vì vậy khi xét nghiệm nước tiểu có microalbumin niệu là báo hiệu có tổn thương thận. Microalbumin niệu lúc đầu chỉ xuất hiện khi bệnh nhân kiểm soát glucose máu kém. Việc kiểm soát đường máu tốt là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tổn thương thận. Mức độ nặng của microalbumin niệu có liên quan với thời gian bị bệnh ĐTĐ và mức độ kiểm soát đường huyết. Điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển có thể làm giảm hoặc không còn microalbumin niệu. Vì vậy sử dụng thuốc ức chế men chuyển trong giai đoạn này được coi là có tác dụng bảo vệ thận. Giai đoạn muộn hay còn gọi là giai đoạn bệnh thận lâm sàng, thường khởi phát bằng phù, cũng có thể khởi phát là hội chứng cầu thận cấp (phù, protein niệu, hồng cầu niệu, tăng huyết áp), hiếm hơn có thể khởi phát bằng hội chứng suy thận cấp (đái ít, vô niệu, ure và creatinin máu tăng). Một số bệnh nhân khởi phát bằng hội chứng thận hư (phù nặng, tràn dịch màng bụng, màng phổi, màng tinh hoàn, protein niệu trên 3,5g/24 giờ, protein máu giảm <60g/l, albumin máu giảm <30g/l, lipid máu tăng). Diễn biến bệnh thường biểu hiện bằng hội chứng viêm cầu thận mạn với phù từng đợt, protein niệu trung bình (2-3g/24 giờ), hồng cầu niệu vi thể, tăng huyết áp. Các triệu chứng nặng lên khi kiểm soát glucose máu kém. Dần dần chức năng thận suy giảm, xét nghiệm thấy ure, creatinin máu tăng, rồi dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị thay thế thận.
Bệnh thận do ĐTĐ còn hay gặp hoại tử nhú thận, có thể phát hiện được bằng chụp thận thuốc tĩnh mạch. Nhú thận hoại tử bong ra trôi theo nước tiểu, có thể gây tắc ở niệu quản làm giãn đài bể thận, bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn đau quặn thận, đau dữ dội ở vùng hố thắt lưng lan xuống bộ phận sinh dục. Bệnh bàng quang thần kinh cũng gặp khoảng 1-26% số bệnh nhân. Biểu hiện lâm sàng là bệnh nhân đi đái không tự chủ, nước tiểu tự chảy ra mà không nhịn được. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu gặp tới 90% số bệnh nhân tiểu đường. Nhiễm khuẩn cả hai bên thận gặp khoảng 10% số bệnh nhân. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu chủ yếu là các vi khuẩn đường ruột như E. Coli, proteus.
Dự phòng biến chứng thận
Kiểm soát tốt đường huyết, thường xuyên duy trì glucose máu <7mmol/l, HbA1C <7%, có thể làm chậm được biến chứng thận và ngăn chặn được biến chứng thận tiến triển, đây là vấn đề quan trọng nhất. Người bệnh cần thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn cho người tiểu đường chặt chẽ, bỏ hút thuốc lá, giảm cân nặng và có chế độ tập luyện và sinh hoạt thích hợp, không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn giảm được biến chứng thận, và giảm được 25% nguy cơ các biến chứng khác. Kiểm soát huyết áp tốt, cùng với kiểm soát mỡ máu, cũng giúp làm chậm biến chứng thận và làm chậm tiến triển của tổn thương thận. Người bệnh ĐTĐ cũng cần được định kỳ xét nghiệm microalbumin niệu. Khi microalbumin niệu âm tính thì 6 tháng xét nghiệm một lần. Khi microalbumin niệu dương tính thì 3 tháng xét nghiệm một lần. Trong giai đoạn sớm của bệnh thận do ĐTĐ cần dùng thuốc ức chế men chuyển để bảo vệ thận. Nếu bệnh nhân không có tăng huyết áp thì dùng liều thấp, nếu có tăng huyết áp thì dùng liều có tác dụng kiểm soát huyết áp. Microalbumin niệu phản ánh tổn thương vi mạch không chỉ ở thận mà còn ở các cơ quan khác của cơ thể như tim, não. Vì vậy microalbumin niệu không chỉ là biểu hiện sớm của tổn thương thận mà còn là chỉ điểm nguy cơ cao các biến chứng tim mạch và tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ĐTĐ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những bệnh nhân có microalbumin niệu thì nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, cao gấp hai lần so với những bệnh nhân chưa có microalbumin niệu. Vì vậy người bệnh cần được theo dõi cẩn thận microalbumin niệu và sử dụng các biện pháp dự phòng sớm.
(BS Hoàng Hà // Sức khỏe & Đời sống)
 
Nhận biết dấu hiệu suy thận

Nhận biết dấu hiệu suy thận

ImageView.aspx
Bệnh nhân suy thận mãn được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: L.T.H TT - Hai quả thận người có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Người ta có thể mất 50% số đơn vị thận mà vẫn sống bình thường. Vì vậy mới có chuyện cho người khác một quả thận. Tuy nhiên, nếu mất trên số lượng đơn vị thận này, tình trạng suy thận sẽ bắt đầu. Thận của một người có thể chết đi, tạm ngưng hoạt động hoặc không thể hoạt động được vì một bệnh lý nào đó. Nếu chỉ tạm ngưng hoạt động trong thời gian ngắn và được điều trị đúng, kịp thời, thận sẽ hoạt động trở lại.
Có thể nhận biết triệu chứng của suy thận cấp qua số lượng nước tiểu thải ra trong ngày. Nếu bệnh nhân không có nước tiểu, hoặc nước tiểu đi được có lượng dưới 100ml trong vòng 24g là dấu hiệu cho biết bị suy thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như phù, sưng mặt, sưng mi mắt do ứ nước trong cơ thể.
Trong khi đó, triệu chứng của bệnh suy thận mãn lại kín đáo hơn. Bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thiếu máu (thận còn có chức năng tiết ra kích thích tố để sinh hồng cầu). Nếu không để ý, bệnh nhân sẽ không đi khám bệnh và bỏ qua các triệu chứng này.
Để chẩn đoán suy thận mãn, phải cần đến những xét nghiệm cơ bản là đánh giá nồng độ urê máu và créatinine máu. Để phát hiện sớm một bệnh nhân có bị suy thận mãn hay không, trong quá trình theo dõi các bệnh lý nội khoa (cao huyết áp, tiểu đường…) bác sĩ phải thường xuyên cho bệnh nhân kiểm tra định kỳ hai chỉ số urê và créatinine.
Để phòng ngừa suy thận mãn, khi bị nhiễm trùng đường tiểu phải đi khám và điều trị đúng cách; tránh bị sạn thận bằng cách uống nước nhiều. Khi bị sạn thận (cũng có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu) phải điều trị ngay để không gây bế tắc. Uống đủ nước để duy trì lượng nước tiểu khoảng 1,5 lít/ngày. Không nên ăn quá nhiều đạm động vật, vì ăn nhiều đạm sẽ làm thận phải hoạt động nhiều hơn (chức năng chính của thận là biến dưỡng chất đạm). Tránh ăn mật cá, mật rắn, tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc… Khi bệnh nhân có bệnh cao huyết áp, tiểu đường... cần tuân thủ điều trị thuốc và thực hiện chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ.
Với những người chỉ còn một thận (cho người khác một thận, có bệnh lý bị teo một thận, bị sạn thận làm hư mất một thận, bị chấn thương mất một thận...), không có dự trữ thứ hai, tuyệt đối tránh các biến chứng do những bệnh khác gây ra.
Vậy còn nước tiểu đục, tiểu ra máu, tiểu đêm, đau lưng liên quan đến bệnh thận hay không? Nước tiểu đục có ba nguyên nhân. Tiểu ra máu có đến hơn... 100 nguyên nhân. Đau lưng có nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều lý do làm ta phải thức dậy tiểu đêm.
Vì vậy, để biết chính xác việc tiểu đục, tiểu ra máu, đau lưng, tiểu đêm... liên quan đến bệnh lý thận hay không, bệnh nhân đến bệnh viện để khám bệnh. Hiện nay ở TP.HCM, các bệnh viện đã làm được nhiều loại xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng... để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về thận. :cry:
 
Suy thận bao gồm có suy thận cấp và suy thận mạn.
1/Suy thận cấp: là một hội chứng xuất hiện khi chức năng thận bị suy sụp nhanh chóng do nhiều nguyên nhân cấp tính dẫn đến. Mức lọc cầu thận có thể bị giảm sút hoàn toàn. Bệnh nhân có thể bị vo niệu – ure máu tăng dần, tỉ lệ tử vong rất cao; nhưng nếu xử lý kịp thời và chính xác thì bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Chức năng thận có thể được hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.
Nguyên nhân gây nên suy thận cấp:
- Nguyên nhân mất muối, mất nước nặng
- Sốc do nhiều nguyên nhân như mất máu, chấn thương, sau phẫu thuật, bỏng nặng, dị ứng, suy tim, tan máu, nhiễm khuẩn, nhiễm độc…
- Ngộ độc
- Bệnh thận như: Viêm ống thận cấp, viêm cầu thận cấp, viêm bể thận cấp, tắc mạch thận…
- Hội chứng gan thận…
Triệu chứng suy thận cấp:
- Đái it hoặc vô niệu
- Ure, creatinine máu tăng dần
- Rối loạn thăng bằng nước, kiềm toan, nặng nhất là khi Kali máu tăng dần
- Cuối cùng nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể: Hoặc tử vong do phù phổi cấp, hoặcngừng tim do kali máu cao; hoặc chết trong bệnh cảnh của hội chứng ure máu cao
Điều trị bệnh suy thận cấp:
- Điều trị cho bệnh nhân bệnh chính và các biến chứng như bội nhiếm, suy tim
- Điều chỉnh thể dịch. chủ yếu là chống phù não, phù phổi do truyền dịch và uống quá nhiều, đồng thời chống kali máu tăng cao do ăn nhiều hoa quả hoặc do xuất huyết hoại tử.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Để hạn chế ure và creatinine máu tăng cao, cần đảm bảo cng cấp năng lơpngj từ tinh bôtj và mỡ, hạn chế protit bằng ăn chất bột, ít đạm như các loại rau củ, chỉ cho ăn 1 lạng thịt, cá nạc trong ngày.
- Chống bội nhiễm: Chọn kháng sinh ít độc cho thận
- Lọc máu khi cần: Nhằm mục đích tạm thời thay thế thận suy. Lọc máu có thể loại trừ được các sản phẩm giánghoá như ure, creatinine, loại bỏ chất độc, góp phần điều chỉnh cân bằng kiềm toan trong máu.
- Chăm sóc bệnh nhân tốt.
- Bệnh phải được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.
2/ Suy thận mạn: Là hậu quả của các bệnh thận mạn tính gây giảm sút từ từ số lượng các đơn vị chức năng của thận (nephron) làm suy giảm chức năng thận. Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 60ml/phút thì được coi là suy thận mạn. Thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi và sẽ dấn đến hàng loạt các rối lạon về sinh hoá và lâm sàng của các cơ quan trong cơ thể. Quá trình này có thể kéo dài 5 đến 10năm hoặc lâu hơn tuỳ theo từng trường hợp cũng như số lượng giảm sút các đơn vị chức năng của thận.
Nguyên nhân gây suy thận mạn:
- Bệnh viêm cầu thận mạn
- Viêm thận bể thận mạn
- Bệnh mạch thận
- Bệnh thận bấm sinh di truyền như thận đa nang, loạn sản thận, thận chuyển hoá…
Triệu chứng của suy thận mạn
- Phù mềm ấn lõm
- Thiếu máu: suy thận càng nặng càng thiếu máu nhiều
- Tăng huyết áp
- Suy tim
- Viêm ngoại tâm mạc
- Nôn, ỉa chảy
- Xuất huyết: Như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, dưới da, hoặc có thể chảy máu rất nặng
- Ngứa, chuột rút, viêm thần kinh ngoại vi
- Hôn mê: Do ure máu cao là biểu hiện lâm sàng cuối cùng của suy thận mạn. Bệnh nhân có thể co giật, rối loạn tâm thần ở giai đoạn tièn hôn mê
- Xét nghiệm máu: Ure,creatinine, acide uric, kali tăng, hồng cầu giảm
- Nước tiểu có prrotein niệu, hồng cầu niệu, bạch cấu niệu và vi khuẩn niệu, trụ niệu (Khi có tổn thương cầu thận)
Điều trị suy thận mạn theo xu hướng nào:
Tuỳ thuộc vào giai đoạn suy thận mà có điều trị thích hợp bao gồm: Điều trị bảo tồn; lọc máu ngoài thận chu kỳ; ghép thận
Lọc máu ngoài thận khi suy thận ở giai đoạn độ 3 hoặc độ 4 hoặc khi creatinine máu từ 500 đến 900 Micromol/lít.
(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)
 
Suy thận và bệnh tim

Bệnh tim mạch là bệnh biến chứng phổ biến ở bệnh nhân suy thận, bất kể suy thận ở giai đoạn nào. Do những nguyên nhân cơ bản gây ra suy thận là huyết áp cao và tiểu đường làm bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao.

Bệnh tim mạch là gì?

Quả tim của người to khoảng bằng 1 nắm tay và nặng hơn 3 lạng. Tim bơm ô xy và máu đến các bộ phận trong cơ thể qua các mạch máu, đưa đến cả não và các mô. Bệnh về tim mạch là một từ chung để miêu tả các bệnh ảnh hưởng đến tim và các mạch máu.

Bệnh về tim mạch có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim và các mạch máu, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Gián đoạn hay không cung cấp đủ ô-xy đến các bộ phận trong cơ thể có thể làm các cơ quan nội tạng bị phá huỷ hoặc thậm chí gây ra chết người. Nếu bị bệnh tim mạch, tim và não có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Rất nhiều bệnh nhân suy thận bị các bệnh về tim mạch, bệnh tim là từ chung để miêu tả bệnh, nhưng có những bệnh cụ thể sau:

Bệnh động mạch vành: Bệnh này ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp máu cho cơ tim. Nếu động mạch bị nghẽn và dòng máu đưa vào tìm bị hạn chế, có thể gây ra cơn đau tim đột qụy, bệnh động mạch vành cũng có thể gây ra cơn đau ngực (chứng đau thắt ngực).

Đột quỵ: Đột quỵ khi một động mạch, cơ quan mang máu và ô-xy đến một phần nào đấy của tim bị chặn lại. Không có ô-xy, phần cơ này của tim không hoạt động và sẽ có cảm giác đau ở ngực.

Suy tim: Tim khoẻ mạnh sẽ bơm máu đến khắp cơ thể. Một quả tim yếu sẽ không đủ khả năng làm việc bơm máu này một cách hiệu quả. Khi tim không bơm đủ máu, sẽ bị suy tim.

Xơ vữa động mạch: Khi các mạch máu bị tắc bởi sự tích tụ cholesterol, chất béo và can-xi (còn được biết đến như là những mảng bám), đây chính là điều kiện dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch. Những mảng bám tạo thành trên thành của mạch máu, mạch máu trở nên kém mềm dẻo, và sự lưu thông trong mạch máu cũng kém hơn, làm dòng máu khó chảy qua. Đột quỵ hay cơn đau tim có thể xuất hiện nếu sự tích tụ mảng bám trở nên dày và mạch máu bị tắc nghẽn nên dòng máu không thể chảy qua được.

Huyết áp cao: Huyết áp cao xuất hiện khi máu được đẩy đi trong mạch máu với áp suất cao. Khi huyết áp lên cao, thành mạch trở nên yếu và có thể gây ra các biến chứng như đột quỵ hay cơn đau tim.

Suy thận và nguy cơ bệnh liên quan đến tim mạch

Những biến chứng từ suy thận, cũng như các bệnh dẫn đến suy thận có thể làm bạn ở nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. Một số biến chứng do suy thận kể sau đây cũng có thể dẫn đến bệnh tim mạch:

Thiếu máu: Thiếu máu là khi cơ thể không có đủ hồng cầu. Thận sản xuất ra một loại hóc-môn là erythropoietin, hóc-môn này làm cho tuỷ sản sinh ra hồng cầu. Nhưng khi thận bị phá huỷ, mức erythropoietin cũng bị giảm và cơ thể không có đủ hồng cầu. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu máu có liên quan đến các bệnh về tim mạch. Hồng cầu gồm một protein gọi là huyết cầu tố, giúp vận chuyển ô-xy đi khắp cơ thể. Ít hồng cầu sẽ làm giảm lượng ô-xy cung cấp đến các cơ quan nội tạng và các mô. Nếu cơ thể không có đủ ô-xy, tim cũng không đủ ô-xy, khi không đủ ô-xy cho các cơ tim hoạt động, rất dễ bị lên cơn đau tim. Thiếu máu cũng làm tim phải bơm nhiều hơn để có thể đủ lượng ô-xy cung cấp cho cơ thể, vì tim phải làm việc nặng hơn, các cơ tim cũng bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến bệnh phì đại tâm thất trái hoặc suy tim thất trái.

Cao huyết áp: Thận tạo ra Renin, là một Enzyme giúp kiểm soát huyết áp. Khi huyết áp thấp, thận khoẻ mạnh sẽ giải phóng Renin để kích thích những hóc-môn khác và làm tăng huyết áp lên. Khi thận bị suy yếu, sẽ giải phóng quá nhiều Renin, và làm huyết áp tăng cao. Huyết áp cao sẽ tăng nguy cơ bị bệnh tim, lên cơn đau tin và dần dần có thể làm suy tim.

Mức homocysteine quá cao: Homocysteine là một Amino Acid thường thấy trong máu. Thận khoẻ mạnh điều hoà lượng Homocysteine và loại bỏ những chất thừa. Nhưng khi bị suy thận, thận không còn khả năng loại bỏ homocysteine dư thừa. Mức homocysteine quá cao thường liên quan đến việc tạo thành những mảng bám ở thành mạch, dẫn đến những bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, ngoài ra nó cũng làm tăng nguy cơ bị nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ.

Mức Can-xi và phốt-pho:
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng mức Can-xi và phốt-pho ở bệnh nhân suy thận, đặc biệt ở bệnh nhân phải lọc máu có liên quan đến bệnh tim mạch. Thận khoẻ mạnh giữ cho mức Can-xi và phốt-pho cân bằng nhưng khi thận suy thì không còn khả năng làm việc đó nữa. Khi có quá nhiều phốt-pho và Can-xi trong máu, nguy cơ bệnh tim mạch cũng tăng cao.

Tiểu đường và huyết áp cao là 2 nguyên nhân đầu tiên dẫn đến suy thận, và chúng cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến bệnh tim mạch cao nhất.

Chữa trị bệnh tim mạch ở bệnh nhân suy thận

Bất kể bị bệnh tim mạch là do biến chứng của suy thận hay đó là nguyên nhân gây ra suy thận, điều quan trọng cần biết là ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ của bạn. Chữa trị nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và giữ các bệnh khác như thận, tiểu đường, huyết áp cao ở trong vòng kiểm soát sẽ giúp bạn thấy khoẻ hơn.

Cần kiểm tra sức khoẻ thường xuyên và xem xét các dấu hiệu của bệnh tim mạch. Bạn cần kiểm soát những bíen chứng bệnh một cách chặt chẽ, đặc biệt là thiếu máu và huyết áp cao. Một phần trong phác đồ điều trị có thể bao gồm dùng một số thuốc, và cân bằng mức can-xi, phốt-pho trong cơ thể. Bạn cần theo thực đơn ăn kiêng để giữ cho thận & tim khoẻ như cần ăn các thực phẩm ít cholesterol và chất béo.

Nếu bạn bị tiểu đường và/hoặc cao huyết áp, bạn cần phải kết hợp cả dùng thuốc và ăn kiêng. Kiểm soát mức tiểu đường và huyết áp khi mới suy thận ở giai đoạn đầu có thể làm chậm tiến trình phát triển bệnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Ngoài ra, bác sỹ có thể yêu cầu bạn tập thể dục, dựa vào thể trạng thực tế, tuổi tác và các yếu tố khác mà bác sỹ sẽ đưa ra bài tập phù hợp với bạn. Nếu bạn đang hút thuốc lá, cần phải bỏ thuốc ngay vì hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Suy thận ảnh hưởng không chỉ đến thận, nó còn làm cho một số cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng, vì vậy cần kiểm soát những nguyên nhân gây ra bệnh thận như tiểu đường và huyết áp cao, khi huyết áp được kiểm soát, chữa trị kịp thời thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch do biến chứng cũng sẽ giảm đi.

 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,650
Messages
71,549
Members
56,915
Latest member
fgfdghgfngmnjhhjm
Back
Top