Ở Việt Nam, thù lao mà giới đầu nậu trả cho kẻ săn tê giác cao hơn nhiều so với khoản đài thọ Nhà nước dành cho nhà bảo tồn.
Ngày 27/5, tổ công của tác Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa ra kết luận về xác con tê giác một sừng được kiểm lâm tìm thấy ngày 29/4 tại tiểu khu 513, vườn quốc gia Cát Tiên, Lâm Đồng là do những kẻ săn trộm bắn để lấy sừng.
Viên đạn găm vào xương tê giác. Ảnh: WWF.
Theo chuyên gia giám định của WWF, xương chân trái phía trước của con tê giác trên bị một viên đạn găm vào khá sâu. Có thể nó đã bị bắn nhiều phát đạn và bị thương nặng trước khi chết. Bên cạnh đó, vết cắt trên xương hàm lấy đi chiếc sừng là chứng cứ không thể chối cãi về nguyên nhân gây ra cái chết cho cá thể tê giác này. Trong nhiều năm qua, loài tê giác một sừng đã mất dạng trước con mắt của các nhà khoa học ở Việt Nam. Giờ đây, chúng tái xuất hiện, nhưng trong một hình hài thật thê thảm.
Hộp sọ bị cắt của tê giác. Ảnh: WWF.
Theo giáo sư Lê Nguyên Ngật, giảng viên khoa sinh ĐH Sư phạm Hà Nội, ở Việt Nam có một thực trạng đáng buồn là khả năng theo chân các loài động vật hoang dã quý hiếm của đội ngũ khoa học còn kém xa những kẻ săn trộm. Kinh phí dành cho các nhà khoa học không đủ để tiến hành thường xuyên các cuộc khảo sát động vật rừng và nếu có thì mỗi cuộc khảo sát thường kéo dài không quá 7 ngày. “Với quỹ thời gian hạn hẹp như vậy, cơ hội bắt gặp nhiều loài động vật quý hiếm là rất thấp, dù người dân địa phương nói rằng vẫn còn gặp chúng trong rừng”, giáo sư Ngật cho biết.
Trong khi đó, để có được những mặt hàng siêu lợi nhuận như sừng tê giác, giới đầu nậu sẵn sàng trả cho dân địa phương cái giá cao hơn rất nhiều khoản đài thọ Nhà nước dành cho các nhà khoa học.
Với mức sống thấp và gắn bó với núi rừng, người dân các bản làng vùng sâu vùng xa sẵn sàng bỏ hàng tháng trời băng rừng lội suối để nhận được những khoản tiền đó. Với họ, bị gọi là kẻ săn trộm chẳng phải là mất mát gì lớn.
Đã có bao nhiêu tê giác bị bắn chết? Câu hỏi này có lẽ sẽ không bao giờ có lời giải đáp. Nhưng theo một số ý kiến chuyên gia, rất có thể, con tê giác bị bắn chết và phát hiện trong rừng quốc gia Cát tiên là cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam.
Theo Báo Đất Việt