Gương Học tập: Trò chuyện với 2 học sinh thủ khoa gốc Việt tại Mỹ

sinhvienhanoi

Senior Member
Voice of American (VOA) sở hữu bản quyền bài viết này ( http://www1.voanews.com/vietnamese/...hool-year-of-2009-2010-05-29-10-95188289.html)

Trò chuyện với 2 học sinh thủ khoa gốc Việt tại Mỹ
Hoa phượng đỏ, tiếng ve sầu là dấu hiệu của mùa hè ở Việt Nam, còn tại Hoa Kỳ, lễ chiến sỹ trận vong vào cuối tháng Năm báo hiệu mùa hè đang đến. Các học sinh, sinh viên sẽ được hưởng những ngày nghỉ để các em đi chơi xa, kiếm việc làm hè hay tham gia bất cứ những hoạt động gì mà các em thích trong khoảng thời gian không phải bận rộn nhiều với sách vở. Vào lúc niên học sắp kết thúc, Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ giới thiệu cùng quí vị vài học sinh gốc Việt đã đoạt thành tích cao trên con đường học vấn, đó là hai thủ khoa của hai trường trung học, một ở California và một ở Texas. Các học sinh này chỉ là hai trong số khá đông các em học sinh trung học gốc Việt đứng đầu bảng vào dịp hoàn tất năm cuối cùng ở trung học. Mời quí vị theo dõi bài viết sau đây với Lan Phương.

Lan Phương | Washington, DC Thứ Bảy, 29 tháng 5 2010
Chia sẻ
Digg
Yahoo Buzz
Facebook
del.icio.us
StumbleUpon
Ðường dẫn liên hệ
Câu chuyện nước Mỹ
Em Jenny Lê, học sinh trường trung học Clear Lake, Houston, bang Texas, thích đọc sách từ nhỏ, sách em đọc là sách lịch sử và tiểu thuyết. Jenny cho biết cha mẹ em không muốn em đọc tiểu thuyết nhiều nên Jenny dồn chú ý vào lịch sử, vì vậy khi vào trường, em đã có sẵn kiến thức về bộ môn này. Jenny Lê giải thích lý do mà em thích lịch sử: nó thường giúp các chính trị gia tránh được vết xe cũ. Và không phải chỉ có học không thôi, Jenny còn tham gia vào các hoạt động khác của nhà trường.

Em nói: "Ở trong trường mỗi tuần con thường xuyên đi tranh luận, với các trường khác, qua tổ chức có tên là National Forensic League. Trong mỗi cuộc tranh luận có hai người, mỗi tham dự viên vừa phải là diễn giả nói chuyện một mình trước cử tọa, và sau đó tham gia cuộc tranh luận với một học sinh khác. Trong loại diễn giả nói chuyện một mình trước cử tọa, tham dự viên có 30 phút để viết một bài luận văn và rồi nói chuyện trước cử tọa không được cầm giấy, về một đề tài, thí dụ về nước Germany (Đức) đang làm gì với bà Thủ tướng mới, hoặc là chuyện gì xảy ra sau vụ động đất ở Trung Quốc. Sau đó là phần tranh luận với một học sinh khác."




Jenny Lê, thủ khoa trường trung học Clear Lake, Houston, bang Texas
Ngoài những hoạt động trong nhà trường như vừa kể, Jenny Lê còn tham gia vào các hoạt động ở bên ngoài: em đã theo học tiếng Việt vào cuối tuần từ 11 năm nay, và em đọc sử Việt cũng khá nhiều, tuy nhiên em không đọc sử hiện đại của Việt Nam mà là sử của những thời trước, và Jenny Lê cho biết em thường hay quên tên các nhân vật trong lịch sử Việt Nam vì "tên thường hay giống nhau quá".

Dự tính của Jenny Lê là sẽ theo ngành luật, nhưng trong 4 năm đầu đại học em sẽ học về kinh tế hoặc chính trị. Còn về tương lai xa Jenny muốn làm việc cho chính phủ trong ngành ngoại giao.

Được biết Jenny Lê được chọn là 1 trong số hai đại biểu của bang Texas tham gia chương trình US Senate Youth Program. Chương trình này được thành lập năm 1962, được Thượng Viện Hoa Kỳ bảo trợ và kể từ khi bắt đầu, chương trình được hội Hearst Foundation tài trợ hoàn toàn. Mục tiêu của chương trình này là "gia tăng sự hiểu biết của giới trẻ Hoa Kỳ về quan hệ giữa 3 ngành của chính phủ, tầm cỡ và trách nhiệm của các giới chức công cử cũng như các giớ chức được bổ nhiệm của liên bang, và tầm mức tối thiết yếu của việc đưa ra những quyết định dân chủ không những chỉ cho nước Mỹ mà cho người dân trên khắp thế giới nữa."

Để được tham gia chương trình này, các học sinh phải cạnh tranh gay go. Lọt vào chương trình này, các học sinh được đến thủ đô trong 1 tuần để học hỏi về chính trị, tham dự các cuộc họp và tường trình của giới lãnh đạo Thượng viện, gặp gỡ các Thượng nghị sỹ khác và ban nhân viên của quốc hội., gặp Tổng thống, một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, lãnh đạo các cơ quan trong chính phủ, một vị đại sứ của một nước nào đó tại Hoa Kỳ. Ngoài ra mỗi em còn được học bổng 5 ngàn đô la để trả tiền học bậc cử nhân. Tháng Ba vừa qua, Jenny Lê đã đến thủ đô Washingon trong chương trình này. Em kể lại một số kinh nghiệm trong một tuần lễ tham gia chương trình:

"104 học sinh chúng con đi lên đó, tụi con được nói chuyện vói ông Tổng thống Obama và rất nhiều người khác như bà Sotomayor của Supreme Court (Tối Cao Pháp Viện), thành ra tụi con được học rất nhiều về chính trị. Chúng con cũng nói chuyện với nhau để coi chúng con làm gì trong cộng đồng, và chúng con sẽ làm gì sau khi được vào đại học. Kinh nhgiệm con nhớ nhiều nhất là được gặp Tổng thống Obama. Chúng con không ngờ là được gặp ông Tổng thống. Chúng con được bắt tay và nói chuyện với ông. Chúng con không hỏi gì khó, chỉ hỏi đại khái ông có thích làm Tổng thống không, nhưng còn đối với những dân biểu, có chức nhỏ hơn, chúng con đặt những câu hỏi rất khó, thí dụ như ông dân biểu đó làm chương trình này năm 2006, tại sao năm 2007 lại không tiếp tục nữa, hoặc là tại sao ông lại sử dụng phí phạm 450 ngàn đô la trong năm này."

Khi được hỏi là các em đặt câu hỏi khó với ông dân biểu như vậy thì các ông có trả lời hay không? Em Jenny cho biết:

"Nói thật với cô, có mấy ông dân biểu không trả lời đúng câu hỏi đó, mấy ông bắt đầu nói về những chuyện khác."

Năm nay Jenny Lê tốt ngiệp hạng đầu bảng của nhà trường và đã được học bổng của đại học Harvard để theo học ban cử nhân suốt 4 năm. Học phí tại Harvard là 53 ngàn đô la một năm. Jenny chỉ phải bù thêm có 4 ngàn đô la mỗi năm, nhưng em lại được nhiều học bổng khác, nên đủ để đắp vào chỗ còn thiếu.




Amy Lê, thủ khoa trường trung học Edison, thành phố Huntington Beach
Qua sang California, em Amy Lê, 17 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Edison, thành phố Huntington Beach, với điểm số là 5.2.

Em nhận được học bổng Young Entrepreneur Awards 2010 của Sam's Club và National Charity League. Ngoài ra em còn được các đại học nổi tiếng nhận và cấp học bổng để theo học, kể cả University of Pennsylvania ở miền đông. Tuy nhiên Amy Lê quyến luyến ông bà, cha mẹ, nên đã chọn học ở UCI cho gần nhà.

Cũng giống như Jenny Lê, Amy Lê ham thích đọc sách từ nhỏ. Em rất thích toán, vật lý và văn chương.

Amy Lê dự tính sẽ theo học ngành công nghệ sinh học y khoa tại UCI. Em chưa biết là có muốn theo học ngành y hay không, nhưng biết chắc là muốn làm việc trong lãnh vực y tế. Nói về mục tiêu dài hạn trong đời, Amy Lê cho biết:

"Mục đích lớn nhất là cháu muốn sau này làm cái gì giúp ích cho mọi người. Đi học thì con mói học được nhiều advencement (tiến bộ) của nước Mỹ. Ở Mỹ người ta chế được các thứ thuốc, hầu như bệnh gì cũng đều có thuốc để chữa. Nhưng vấn đề lớn nhất là những thuốc này quá đắt. Những nơi nghèo như Việt Nam, thuốc thì có, nhưng dân nghèo không thể nào mua được để chữa trị vì thuốc quá đắt. Điều đó làm cho cháu rất buồn vì những cái chết xảy ra. Nên mục đích của cháu là học về thuốc, về y tế để sau này bào chế những thứ thuốc rẻ hơn để mọi người đều có thể có thuốc chữa bệnh. Đấy là mục đích của con nhưng không biết có đạt được hay không."

Ngoài vấn đề học hỏi ở nhà trường, Amy Lê có những sinh hoạt khác.

Em cho biết: "Cháu rất thích làm việc từ thiện, làm việc cho cộng đồng. Cháu ở Huntington Beach, trong thành phố có community service department (phân bộ về dịch vụ cộng đồng), cháu tình nguyện làm ở đấy. Tới mùa Noel, tiệm sách Barnes and Noble cho sách, cháu tới giúp sắp xếp cả ngàn cuốn sách để phân phối cho những nơi khác nhau, cho các em bị ba mẹ bỏ, hay những gia đình có vấn đề hay những trường trung học, tiểu học. Mỗi chủ nhật, cháu đi lên chùa tham gia hoạt động của Phật tử, từ đó có nhiều hoạt động khác nhau. Thí dụ như khi xảy ra trận bão Katrina hay động đất ở Haiti có những hoạt động quyên tiền, cháu cũng tham gia."

Quí vị vừa nghe câu chuyện về hai em thủ khoa gốc Việt trong kỳ tốt nghiệp trung học vào mùa bãi trường năm nay.
 
"Mục đích lớn nhất là cháu muốn sau này làm cái gì giúp ích cho mọi người. Đi học thì con mói học được nhiều advencement (tiến bộ) của nước Mỹ. Ở Mỹ người ta chế được các thứ thuốc, hầu như bệnh gì cũng đều có thuốc để chữa. Nhưng vấn đề lớn nhất là những thuốc này quá đắt. Những nơi nghèo như Việt Nam, thuốc thì có, nhưng dân nghèo không thể nào mua được để chữa trị vì thuốc quá đắt. Điều đó làm cho cháu rất buồn vì những cái chết xảy ra. Nên mục đích của cháu là học về thuốc, về y tế để sau này bào chế những thứ thuốc rẻ hơn để mọi người đều có thể có thuốc chữa bệnh. Đấy là mục đích của con nhưng không biết có đạt được hay không."
Chúc mừng những thành tích học tập của Lê Amy và mình tin với thành tích học tập tốt và những tình cảm sâu sắc giành cho quê hương như vậy thì sớm có ngày bạn sẽ thực hiện được nguyện vọng cao cả.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,654
Messages
71,604
Members
56,926
Latest member
sv368net
Back
Top