Hormone và hệ nội tiết

he-noi-tiet.gif
Hệ nội tiết là một mạng lưới các tuyến của cơ thể sản xuất ra hơn 50 loại hormon hoặc những chất dẫn truyền hóa học để duy trì và điều hòa những chức năng cơ bản của cơ thể.
Nó là một hệ thống kiểm soát toàn bộ cơ thể lớn thứ hai (chỉ sau hệ thần kinh). Trong khi các xung thần kinh được hệ thần kinh phát ra có thể kích thích cơ thể hoạt động thì những hormon được hệ nội tiết tiết ra hoạt động chậm hơn để đạt được tác dụng lan tỏa và biến đổi của nó. Những quá trình hoạt động của cơ thể được điều hòa bởi hệ nội tiết có thể diễn ra trong một thời gian tương đối dài. Một số quá trình diễn ra liên tục. Những quá trình sống này bao gồm sự lớn lên, phát triển, sinh sản, miễn dịch (khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể), và quá trình cân bằng nội môi (khả năng duy trì sự cân bằng của những chức năng bên trong của cơ thể).

NHỮNG THÀNH PHẦN CỦA HỆ NỘI TIẾT

Các tuyến là những cơ quan có thể tiết ra những chất được cơ thể giữ lại để sử dụng hoặc tiết ra những chất được đưa ra ngoài cơ thể. Những tuyến tiết ra các chất được đưa ra ngoài cơ thể được gọi là tuyến ngoại tiết ("ngoại" có nghĩa là bên ngoài). Các tuyến ngoại tiết có các ống dẫn để mang những chất tiết của chúng ra bề mặt da hoặc vào các khoang của cơ thể. Một số ví dụ về tuyến ngoại tiết là tuyến mồ hôi và gan.
Tuyến nội tiết ("nội" có nghĩa là bên trong) tiết ra hoặc phóng thích những chất được dùng bên trong cơ thể. Những tuyến này không có các ống mà phóng thích chất tiết của chúng trực tiếp vào các mô xung quanh và vào máu. Những chất tiết này - hay còn gọi là các hormon - sau đó sẽ đi theo hệ tuần hoàn để đến nhiều điểm khác nhau trong cơ thể.
Từ hormone có bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "đánh thức" hoặc "làm cho vận động". Các hormon kiểm soát hoặc phối hợp các hoạt động của những mô, cơ quan, và hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể. Hầu hết các hormon có thành phần cấu tạo là các amino acid, là các đơn vị xây dựng cơ bản của protein. Corticoid là một nhóm nhỏ thuộc hormon được hình thành từ các phân tử cholesterol (một chất giống như mỡ được gan sản xuất).
NHỮNG TỪ CẦN BIẾT

Vỏ thượng thận: là lớp bên ngoài của tuyến thượng thận tiết ra cortisol và aldosterone.
Tuyến thượng thận: là tuyến nằm phía trên mỗi thận bao gồm lớp ngoài (vỏ thường thận) và lớp trong (tủy thượng thận).
Tủy thượng thận: lớp bên trong của tuyến thượng thận tiết ra epinephrine và norepinephrine.
Hormon kích thích tuyến thượng thận: là loại hormon được tiết ra bởi thùy trước tuyến yên có khả năng kích thích vỏ thượng thận tiết ra cortisol.
Aldosterone: là loại hormon được tiết ra bởi lớp vỏ thượng thận có chức năng kiểm soát sự cân bằng muối và nước trong cơ thể.
Androgen: là loại hormon kiểm soát những đặc điểm giới tính thứ phát của nam giới.
Hormon kháng bài niệu: là loại hormon được sản xuất bởi vùng dưới đồi và dự trữ ở thùy sau tuyến yên làm tăng sự hấp thu nước của thận.
Calcitonin: là những hormon được tiết ra bởi tuyến giáp làm giảm nồng độ canxi trong máu.
Cortisol: là loại hormon được tiết ra bởi vỏ thượng thận có chức năng làm cải thiện hiệu quả sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể khi gặp những tình huống căng thẳng.
Epinephrine: còn được gọi là adrenaline, là loại hormon được tiết ra bởi tủy thượng thận kích thích cơ thể phản ứng lại với những tình huống căng thẳng.
Estrogen: là hormon corticoid sinh dục nữ được buồng trứng chế tiết để tạo ra những đặc điểm giới tính thứ phát và điều hòa chu kỳ sinh sản của nữ.
Tuyến: là những cơ quan chế tiết hoặc bài tiết ra các chất để được cơ thể sử dụng hoặc để thải ra ngoài.
Glucagon: là những hormon được tiết ra bởi các đảo Langerhans làm tăng nồng độ đường trong máu.
Tuyến sinh dục: là cơ quan sinh dục nơi các tế bào sinh dục phát triển.
Hormon gonadotropic: là những hormon được chế tiết từ thùy trước tuyến yên làm ảnh hưởng hoặc kích thích sự phát triển hoặc hoạt động của các tuyến sinh dục.
Cân bằng nội môi: là khả năng của cơ thể hoặc tế bào duy trì sự cân bằng nội tại của các chức năng của nó, chẳng hạn như giữ nhiệt độ cơ thể không đổi bất kể nhiệt độ môi trường như thế nào.
Vùng dưới đồi: là một vùng của não có chứa nhiều trung tâm kiểm soát các chức năng và cảm xúc của cơ thể; ngoài ra nó còn điều hòa sự chế tiết của tuyến yên.
Insulin: là hormon được chế tiết bởi đảo Langerhans có chức năng điều hòa lượng đường trong máu.
Đảo Langerhans: là các tế bào nội tiết của tụy chế tiết ra insulin và glucagon.
Hormon hoàng thể hóa: là loại hormon gonadotropic được chế tiết ra bởi thùy trước của tuyến yên. Ở phụ nữ nó kích thích sự rụng trứng và sự phóng thích estrogenprogesterone từ buồng trứng. Ở nam giới nó kích thích sự chế tiết testosterone từ tinh hoàn.
Melatonin: là loại hormon được chế tiết từ tuyến tùng giúp cơ thể có cảm nhận được 24 giờ trong ngày và đóng vai trò trong việc xác định thời điểm dậy thì và sự phát triển giới tính.
Quá trình chuyển hóa: là tất cả những quá trình sinh lý để duy trì sự sống của sinh vật.
Phản hồi âm tính: là hệ thống kiểm soát hoạt động như sau: một tín hiệu kích thích tạo ra một phản ứng, phản ứng này làm giảm tín hiệu kích thích đó, nhờ vậy phản ứng này cũng ngừng lại.
Norepinephrine: còn được gọi là noradrenaline, là một loại hormon được tiết ra bởi tủy thượng thận làm nâng huyết áp của cơ thể lên trong những tình huống căng thẳng.
Buồng trứng: tuyến sinh dục của nữ, là nơi trứng được sản xuất và là nơi tiết estrogenprogesterone.
Tuyến cận giáp: 4 tuyến nhỏ nằm ở mặt sau của tuyến giáp điều hòa nồng độ canxi trong máu.
Tuyến tùng: là tuyến nằm sâu ở phần sau của não giúp ổn định chu kỳ ngày đêm của cơ thể.
Tuyến yên: là tuyến nằm phía dưới vùng dưới đồi kiểm soát và phối hợp sự chế tiết của các tuyến nội tiết khác.
Progesterone: là loại hormon dạng corticoid của phụ nữ được buồng trứng chế tiết để làm tử cung sẵn sàng hơn để nhận trứng đã được thụ tinh.
Prolactin: là loại hormon gonadotropic được chế tiết bởi thùy trước tuyến yên để kích thích tuyến vú sản xuất sữa.
Tinh hoàn: là tuyến sinh dục nam sản xuất ra các tinh trùng và chế tiết testosterone.
Testosterone: là loại hormon được chế tiết bởi tinh hoàn thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan sinh dục nam và những đặc điểm giới tính thứ phát.
Thymosin: là hormon được chế tiết bởi tuyến ức có khả năng thay đổi một số nhóm tế bào lympho thành những tế bào T chống lại vi trùng.
Tuyến ức: là một cơ quan tuyến bao gồm mô lympho nằm phía sau đỉnh của xương ức sản xuất ra các tế bào lympho biệt hóa, phát triển đến mức cực đại ở giai đoạn sớm của tuổi thiếu nhi và hầu như biến mất ở người lớn.
Tuyến giáp: là tuyến bao xung quanh phần trước và phần bên của khí quản ở đáy họng ngay phía trước thanh quản ảnh hưởng đến sự phát triển và các quá trình chuyển hóa.
Thyroxine: là loại hormon được tuyến giáp chế tiết để điều hòa tốc độ chuyển hóa và tác động đến sự phát triển ở trẻ em.
Mỗi loại hormon chỉ tác động đến một loại tế bào hay một cơ quan nhất định nào đó, được gọi là tế bào đích hay cơ quan đích. Mỗi tế bào đích có các receptor (thụ thể) nằm trên màng hoặc bên trong nó, các thụ thể là nơi các hormon đặc hiệu có thể bám hoặc nối vào. Chỉ khi sự nối kết này xảy ra thì hormon mới có thể mang lại sự thay đổi trong hoạt động của tế bào. Một số hormon ảnh hưởng đến gần như tất cả các tế bào trong cơ thể, một số loại khác chỉ ảnh hưởng đến một cơ quan duy nhất. Một số tế bào có nhiều thụ thể khác nhau, đóng vai trò làm tế bào đích của nhiều loại hormon khác nhau.
Không giống như các cơ quan hay bộ phận thuộc những hệ thống khác của cơ thể, những tuyến nội tiết chính không có mối liên kết vật lý với nhau nhưng lại được phân bố khắp cơ thể. Nằm ở trong hộp sọ là vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến tùng; nằm trong cổ họng là tuyến giáp và tuyến cận giáp, nằm ở phần trên ngực là tuyến ức, và nằm ở bụng là tụy và tuyến thượng thận; nằm ở vùng chậu của nữ là buồng trứng và trong bìu dái của nam giới là tinh hoàn.
uchr_01_img0050.jpg

Chú thích hình: những thành phần của hệ nội tiết bao gồm buồng trứng (ở nữ) và tinh hoàn (ở nam giới).

  • Hypothalamus: vùng dưới đồi
  • Pineal: tuyến tùng
  • Pituitary: tuyến yên
  • Parathyroid: tuyến cận giáp
  • Thyroid: tuyến giáp
  • Thymus: tuyến ức
  • Adrenal: tuyến thượng thận
  • Pancreas: tụy
  • Ovaries: buồng trứng
  • Testes: tinh hoàn.
Hầu hết các tuyến nội tiết đều chỉ hoạt động ở hệ nội tiết, nhưng một số tuyến khác còn hoạt động ở những hệ khác nữa. Do đó, chúng được gọi là các tuyến hỗn hợp. Tuyến tụy ngoài chức năng là tuyến nội tiết nó còn là một thành phần của hệ tiêu hóa do nó chế tiết ra dịch tụy vào ruột non. Buồng trứng và tinh hoàn còn là một phần của hệ sinh dục cho chúng sản xuất ra các giao tử hay còn được gọi là các tế bào sinh dục của nam và nữ - tinh trùng và trứng. Tuyến ức là một phần của hệ bạch huyết do chúng hỗ trợ sự phát triển của một số loại bạch cầu để chiến đấu chống lại vi trùng và những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài khác.


VÙNG DƯỚI ĐỒI

Vùng dưới đồi không phải là một tuyến mà là một vùng nhỏ trong não chứa nhiều trung tâm kiểm soát các chức năng và cảm xúc của cơ thể. Nó có thành phần là chất xám (mô não gồm những tế bào thần kinh không có lớp vỏ bảo vệ bên trong), có kích thước khoảng bằng một quả hạnh và có trong lượng chỉ bằng khoảng 1/300 tổng trọng lượng của não.
Vùng dưới đồi thường được xem là một phần của hệ nội tiết do nhiều lý do. Nó gửi các tính hiệu đến tuyến thượng thận để tiết ra hormon epinephrine và norepinephrine. Nó cũng sản xuất ra hormon riêng của nó: hormon kháng bài niệu (ADH - antidiuretic hormone), oxytocin, và các loại hormon điều hòa. Cả ADH và oxytocin đều được dự trữ ở thùy sau của tuyến yên cho đến khi vùng dưới đồi gửi một tín hiệu thần kinh đến tuyến yên để phóng thích chúng. Các loại hormon điều hòa được chia ra làm 2 nhóm: hormon chế tiết (RH - Releasing hormone) và hormon ức chế (IH - Inhibiting hormone). Cả 2 loại hormon này đều có chức năng kiểm soát sự chế tiết hormon của tuyến yên. RH kích thích tuyến yên sản xuất hormon. IH ức chế hoặc ngăn sự chế tiết hormon của tuyến yên.
TUYẾN YÊN

Nằm ở vùng đáy của não, phía trên mũi, tuyến yên là một tuyến nhỏ, hình bầu dục, có kích thước xấp xỉ một quả nho. Nó được treo bởi một mảng mô mỏng xuất phát từ mặt trong của vùng dưới đồi. Tuyến yên được chia ra làm 2 thùy hay 2 vùng riêng biệt nhau: vùng trước tuyến yên (hay thùy trước) và vùng sau tuyến yên (hay thùy sau). Thùy trước tuyến yên sản xuất và chế tiết ra 6 loại hormon. Thùy sau tuyến yên chế tiết ra 2 loại hormon nhưng không sản xuất ra chúng mà những loại hormon này được sản xuất bởi vùng dưới đồi và thùy sau tuyến yên chỉ đóng vai trò là nơi dự trữ và sẽ phóng thích chúng ra khi có nhu cầu sử dụng.
Sáu trong tám loại hormon được chế tiết bởi tuyến yên có chức năng kích thích hay khởi động những tuyến nội tiết khác. Vì lý do này, chúng còn được gọi là các hormon tropic (từ tropic bắt nguồn từ một từ Hy Lạp là tropos, có nghĩa là thay đổi). Hai loại hormon còn lại kiểm soát những chức năng khác của cơ thể. Do sự chế tiết của tuyến yên có vai trò kiểm soát và điều hòa sự chế tiết của các tuyến nội tiết khác nên nó thường được gọi là "tuyến kiểm soát" (master gland) của hệ nội tiết.
SỰ KHÁM PHÁ RA CÁC HORMON CỦA VÙNG DƯỚI ĐỒI

Có một khoảng thời gian, các nhà nghiên cứu y học biết rằng vùng dưới đồi kiểm soát hoạt động của tuyến yên nhưng cho đến những năm cuối thập kỷ 1960, họ vẫn không thể biết được chính xác nó kiểm soát bằng cách nào. Vào năm 1968, một nhà nội tiết học người Mỹ sinh tại Pháp là Roger Guillemin (1924-) và các cộng sự cuối cùng cũng tìm ra được câu trả lời: đó chính là hormon.
Trước khi có sự khám phá đó, nhà giải phẫu học người Anh Geoffrey W. Harris đã đặt giả thuyết rằng vùng dưới đồi tiết ra hormon để điều hòa hoạt động của tuyến yên, mặc dù vậy Harris và các cộng sự của ông vẫn không thể phân lập và xác định được bất kỳ loại hormon nào từ vùng dưới đồi.
Vào những năm 1950, Guillemin bắt đầu nghiên cứu để tìm ra những bằng chứng còn thiếu. Làm việc với một nhà nội tiết học đồng sự là Andrew V. Schally, Guillemin đã sử dụng một công cụ được phát triển bởi nhà vật lý học Rosalyn Sussman Yalow để phân lập và xác định cấu trúc hóa học của các hormon. Không lâu sau đó, Guillemin và Schally kết thúc sự hợp tác với nhau và theo đuổi công trình nghiên cứu của mình một cách riêng biệt.
Cuối cùng vào năm 1968, trong khi làm việc với vùng dưới đồi lấy từ não cừu, Guillemin và những đồng sự của ông đã phân lập được hormon của vùng dưới đồi làm tuyến yên chế tiết ra hormon kích thích tuyến giáp (TSH - thyroid-stimulating hormone). Vào năm kế tiếp, cả Guillemin và Schally đều xác định được cấu trúc của TSH. Guillemin sau đó tiết tục phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của những hormon vùng dưới đồi khác.
Vì những khám phá của họ, dẫn đến sự hiểu biết về các loại hormon được sản xuất bởi vùng dưới đồi, Guillemin, Schally, và Yalow chia nhau giải Nobel vào năm 1977 cho ngành Vật Lý và Y Học.
TUYẾN TÙNG

Tuyến tùng hay thể tùng là một tuyến nhỏ hình nón nằm sâu ở phần sau của não. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn còn đôi chút hoang mang về chức năng nội tiết của tuyến này là chế tiết ra hormon melatonin.
TUYẾN GIÁP

Một trong những tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể là tuyến giáp, nó có dạng con bướm bao quanh phần trước và phần bên của khí quản ở đáy họng ngay phía dưới thanh quản (là phần trên của khí quản có chứa dây thanh). Nó được chia ra làm 2 thùy nối với nhau bằng một dải mô được gọi là eo giáp. Do tuyến giáp chứa một lượng lớn mạch máu nên nó có màu đỏ xẫm.
Tuyến giáp bao gồm những cấu trúc rỗng hình cầu được gọi là các nang giáp. Các nang giáp chế tiết ra 2 loại hormon chính là thyroxine và calcitonin. Thyroxine điều hòa tốc độ chuyển hóa và ở trẻ em nó tác động đến quá trình phát triển. Calcitonin làm giảm nồng độ canxi trong máu.
uchr_01_img0051.jpg

Chú thích hình : Hình cắt ngang của não. Có thể nhìn thấy tuyến yên nằm ở đáy não, ngay phía trên mũi, tuyến yên có kích thước xấp xỉ một quả nho.

  • Cerebrum: đại não
  • Pineal gland: tuyến tùng
  • Cerebellum: tiểu não
  • Spinal cord: tủy sống
  • Cerebral peduncle: cuống não
  • Pituitary gland: tuyến yên.
TUYẾN CẬN GIÁP

Tuyến cận giáp là 4 khối mô tuyến nhỏ, mỗi khối có kích thước khoảng bằng hạt đậu Hà Lan nằm ở mặt sau của tuyến giáp (mỗi thùy tuyến giáp có 2 tuyến cận giáp nằm phía sau). Tuyến cận giáp chế tiết ra các hormon cận giáp (PTH - parathyroid hormon) có chức năng kiểm soát nồng độ canxi trong máu.
TUYẾN ỨC

Tuyến ức là một khối mô lympho mềm, phẳng, có màu hồng xám nằm ở phần ngực trên phía dưới xương ức. Ở thai nhi và trẻ sơ sinh, tuyến ức tương đối lớn (bằng khoảng 1 nắm tay của trẻ). Tuyến ức tiếp tục phát triển từ lúc đó cho đến tuổi dậy thì. Sau thời điểm đó, nó thu nhỏ lại và dần dần hòa lẫn vào với các mô xung quanh. Chỉ còn rất ít mô tuyến ức còn sót lại ở người lớn.
uchr_01_img0052.jpg

Tuyến tùng (vị trí sáng nhất) chế tiết ra hormon melatonin.
TUYẾN TỤY

Tụy là một tuyến mềm, hồng có dạng hình tam giác, dài khoảng 6 inch (15cm). Nó nằm bên dưới dạ dày, trải dài từ khúc uốn của tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) đến lách. Vai trò chính của tụy là một cơ quan tiêu hóa, nó chế tiết dịch tụy vào tá tràng qua ống tụy. Những enzyme tiêu hóa trong dịch tụy giúp phân giải các carbonhydrate, chất béo và protein trong ruột non. Ngoài vai trò là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, tụy còn là một cơ quan của hệ nội tiết sản xuất ra các hormon điều hòa nồng độ glucose (đường) trong máu.
uchr_01_img0053.jpg
Hình chụp qua kính hiển vi điện tử của tuyến cận giáp. Tuyến cận giáp chế tiết ra hormon PTH kiểm soát nồng độ canxi trong máu.
Giống như các đảo nhỏ, nằm rải rác giữa các tế bào sản xuất dịch tụy là một nhóm nhỏ các tế bào nội tiết được gọi là các tiểu đảo Langerhans (hay tiểu đảo tụy). Chúng được đặt theo tên của Paul Langerhans (1847-1888), là bác sĩ và là nhà giải phẫu học, người đã phát hiện ra chúng. Tụy chứa khoảng từ 1 đến 2 triệu tiểu đảo chiếm khoảng 2% tổng khối lượng của tụy. Mỗi tiểu đảo tụy chứa các loại tế bào khác nhau sản xuất ra những hormon khác nhau, trong đó loại hormon quan trọng nhất là insulin và glucagon. Cả 2 đều có chức năng điều hòa lượng glucose trong máu nhưng theo 2 hướng khác nhau.
TUYẾN THƯỢNG THẬN

Tuyến thượng thận là 2 tuyến nằm giống như cái mũ ở đầu của mỗi thận. Tuyến thượng thận được chia ra làm 2 lớp riêng biệt nhau: vỏ thượng thận (lớp ngoài) và tủy thượng thận (lớp trong).
Lớp vỏ thượng thận chiếm khoảng 80% mỗi tuyến thượng thận. Nó có màu vàng xám do sự hiện diện của chất béo được chứa trong đó, đặc biệt là cholesterol và nhiều loại acid béo khác nhau. Vỏ thượng thận đặc biệt quan trong trong các chu trình của cơ thể, nếu nó ngừng hoạt động thì chủ nhân của nó cũng sẽ tử vong trong vòng vài ngày sau đó. Vỏ thượng thận chế tiết ra khoảng 30 loại hormon corticoid, trong đó loại quan trọng nhất là cortisol (còn được gọi là hydrocortisone) và aldosterone. Cortisol được chế tiết ra trong những tình huống căng thẳng (như bị tổn thương thực thể, bị bệnh, sợ hãi, giận dữ, đói) để điều hòa những hoạt động chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo của cơ thể. Aldosterone điều hòa sự cân bằng muối và nước của cơ thể.
Tủy thượng thận có màu đỏ nâu chủ yếu là do nó chứa nhiều mạch máu bên trong. Nó chế tiết ra 2 loại hormon là epinephrine (còn được gọi là adrenaline) và norepinephrine (noradrenaline). Cả 2 loại hormon này đều được chế tiết ra khi cơ thể phải đối đầu với những hoàn cảnh nguy hiểm hoặc căng thẳng. Nó chuẩn bị cho cơ thể để đối đầu với những tình huống khẩn cấp bằng cách tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng máu đến các cơ và những quá trình tương tự như vậy.
BUỒNG TRỨNG

Buồng trứng là một cơ quan sinh dục và giới tinh của phụ nữ. Mỗi phụ nữ có 2 buồng trứng với kích thước khoảng bằng quả hạnh nhân nằm 2 bên khung chậu, mỗi buồng trứng nằm ở đầu tận cùng của một vòi dẫn trứng. Buồng trứng được nối với tử cung bằng dây chằng buồng trứng.
Buồng trứng chế tiết ra 2 nhóm hormon corticoid là estrogenprogesterone. Estrogen thúc đẩy sự phát triển của những đặc điểm giới tính thứ phát như: sự nảy nở của ngực, sự xuất hiện của lông nách và lông ở vùng sinh dục, và sự tích tụ mỡ ở hông và đùi. Estrogen còn phối hợp với progesterone để kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, chuẩn bị cho nó có thể tiếp nhận được trứng đã thụ tinh vào làm tổ.
TINH HOÀN

Tinh hoàn là cơ quan sinh dục ở nam giới. Chúng là 2 cấu trúc nhỏ, có hình dạng tương tự quả trứng được treo bên trong bìu, là một túi da lỏng lẻo treo bên ngoài khung chậu giữa 2 đùi. Ngoài chức năng sản xuất ra tinh trùng, tinh hoàn còn sản xuất ra những hormon giới tính nam được gọi là androgen (trong tiếng Hy Lạp, từ andros có nghĩa là "đàn ông"), một trong những loại hormon quan trọng nhất là testosterone. Loại hormon này thúc đẩy sự phát triển của cơ quan sinh dục nam và sự sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, testosterone còn tạo ra những đặc điểm giới tính thứ phát cho nam giới như: làm giọng nói trầm hơn, mọc lông ở nách, mặt, và ở vùng sinh dục, tăng sự phát triển của các cơ và các xương nặng.
uchr_01_img0054.jpg

Cắt dọc tuyến thượng thận của người. Tuyến thượng thận được chia ra làm 2 lớp riêng biệt là vỏ thượng thận và tủy thượng thận.
uchr_01_img0055.jpg

Hệ thống hormon của phụ nữ. 2 buồng trứng (nằm ở 2 bên của khung chậu) là cơ quan sinh dục của phụ nữ.


Chức năng chính của hệ nội tiết và những hormon truyền tin của nó là duy trì sự cân bằng nội môi (sự ổn định của môi trường bên trong cơ thể) và thúc đẩy những thay đổi cấu trúc vĩnh viễn. Duy trì sự cân bằng nội môi chính là đáp ứng với những thay đổi của cơ thể, chẳng hạn như khi nồng độ đường hoặc canxi trong máu xuống thấp. Những thay đổi cấu trúc vĩnh viễn, chỉ xảy ra trong một giai đoạn nhất định, là những thay đổi liên quan đến sự lớn lên và phát triển.
Các loại hormon tác động lên các tế bào của cơ thể chủ yếu bằng cách thay đổi những hoạt động chuyển hóa của tế bào: tăng lên hay giảm đi tốc độ làm việc của chúng. Những hiệu quả này thường xảy ra nhanh chóng, chẳng hạn như tăng hoặc giảm nhịp tim. Một số loại hormon sau khi gắn vào tế bào đích có thể làm cho những tế bào này sản xuất ra các protein tạo ra những tác động lâu dài chẳng hạn như sự phát triển hoặc trưởng thành giới tính.
Các loại hormon di chuyển bên trong máu hoặc bên trong các dịch kẽ (dịch giữa các tế bào). Một số loại hormon có thể di chuyển đi xa, khắp cơ thể để tìm những tế bào đích của mình. Một số loại hormon thì lại chỉ di chuyển một khoảng cách ngắn do nó được chế tiết gần tế bào đích.
CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN VÀ NHỮNG LOẠI CORTICOID ĐỒNG HÓA

Nhiều vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư khắp thế giới sử dụng corticoid đồng hóa với hy vọng cải thiện những thành tích của họ trong thể thao. Corticoid đồng hóa là những loại thuốc nhân tạo có nguồn gốc từ hormon nam giới là testosterone. Tên đầy đủ của nó là androgenic (phát triển những đặc điểm của nam giới) anabolic (xây dựng) steroid (tên của nhóm thuốc).
Có khoảng 10 đến 20% vận động viên nam ở các trường trung học, 30% ở các trường đại học và vận động viên chuyên nghiệp, và trên 80% các vận động viên thể hình sử dụng những loại corticoid này để tăng khối lượng của cơ bắp và khối lượng thịt của cơ thể. Thuốc có thể sử dụng qua đường uống hoặc đường tiêm.
Corticoid đồng hóa làm tăng trọng lượng cơ thể và khối lượng cơ. Chúng cũng làm tăng sức mạnh và khả năng chịu đựng của cơ. Đó là một số lợi ích ít ỏi của chúng.
Nhưng ngược lại, những tác dụng có hại của nó thì lại nhiều và nghiêm trọng. Những tác dụng phụ chính bao gồm u gan, vàng da, tụ dịch, tăng huyết áp, nổi mụn nặng, và run. Ở nam giới, corticoid có thể làm teo tinh hoàn, giảm sự sản xuất tinh trùng, vô sinh, rụng tóc và phát triển vú. Ở nữ, thuốc có thể gây mọc lông mặt, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ngực nhỏ và giọng trầm. Ở những trẻ mới lớn, thuốc có thể gây ngừng phát triển xương vĩnh viễn dẫn đến lùn.
Thuốc không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tâm thần nữa. Những người sử dụng thuốc có thể sẽ cảm thấy có thái độ gây hấn, kích động, hoang tưởng, hoang tưởng ganh tị, và giảm khả năng phán xét.
Sử dụng loại thuốc này không phải vì lý do bệnh tật là trái pháp luật. Luyện tập tích cực luôn là cách hiệu quả nhất và an toàn nhất để cải thiện sức mạnh của cơ và thành tích thể thao của mình.
PHẢN HỒI ÂM TÍNH

Các loại hormon được chế tiết bởi các tuyến nội tiết là để đáp ứng với các kích thích. Những kích thích này có thể là sự thay đổi nồng độ trong máu của một số chất dinh dưỡng hoặc những loại hormon khác. Khi một tuyến nôi tiết cảm nhận được sự thay đổi trong những thành phần của máu hoặc dịch mô (chẳng hạn như hạ đường huyết) và chế tiết ra hormon của nó, hiện tượng này được gọi là đáp ứng trực tiếp. Khi một tuyến nội tiết chế tiết ra hormon do nó bị kích thích bởi những loại hormon khác được chế tiết ra bởi những tuyến nội tiết khác thì được gọi là đáp ứng gián tiếp.
Hệ thống phản hồi kiểm soát chặt chẽ những hoạt động tắt/mở của các tuyến nội tiết. Hệ thống này cũng tương tự như bộ điều nhiệt tự động của lò sưởi. Khi nhiệt độ trong phòng xuống thấp hơn giá trị nhiệt độ tối thiểu được cài đặt sẵn trong bộ điều nhiệt, nó sẽ bị kích thích và gửi tín hiệu đến lò sưởi để lò sưởi bật lên và bắt đầu sưởi ấm. Sau khi lò sưởi sưởi ấm không khí trong nhà đến nhiệt độ cao hơn giá trị nhiệt độ tối đa được cài đặt trong bộ điều nhiệt, nó sẽ gửi một tín hiệu để tắt lò sưởi đi.
Các tuyến nội tiết phản ứng lại với những thay đổi bên trong máu và cơ thể với một cách gần giống như vậy. Khi các chất dinh dưỡng và hóa học trong các dịch của cơ thể trở nên bất thường (quá thấp hay quá cao), các tuyến nội tiết sẽ tiết ra các hormon của chúng. Sau khi nồng độ của chúng quay trở về bình thường (đạt được tình trạng cân bằng nội môi), các tuyến này sẽ ngừng chế tiết hormone. Cơ chế kiểm soát sự chế tiết hormon này, khi các thông tin được phản hồi lại đến các tuyến nội tiết để ngừng sản xuất hormon, được gọi là cơ chế phản hồi âm tính.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA VÙNG DƯỚI ĐỒI

Nhận tín hiệu thần kinh từ những vùng khác của não, vùng dưới đồi có chức năng như là một trạm theo dõi và kiểm soát cho nhiều hoạt động của cơ thể. Do đó nó đóng một vai trò rất quan trọng trong sự hoạt động của các tuyến nội tiết khác, đặc biệt là tuyến yên. Do đó, vai trò của nó sẽ được đánh giá một cách tốt nhất dưới sự phân tích những hoạt động của các tuyến khác.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN YÊN

Tuyến yên có kích thước nhỏ nhưng vai trò của nó thì lại lớn. Tám loại hormon được 2 thùy của tuyến yên tiết ra cho tác dụng trực tiếp lên hoạt động của các tuyến nội tiết khác, kiểm soát sự phát triển và cân bằng dịch trong cơ thể. Thùy trước tuyến yên tiết ra 6 loại hormon: hormon tăng trưởng, hormon kích thích tuyến giáp, hormon adrenocorticotropic, và 3 loại hormon sinh dục. Thùy sau tuyến yên tiết ra hormon kháng bài niệu và oxytocin.

  • Hormon tăng trưởng: Hormon tăng trưởng (GH - Growth hormone) kích thích sự tăng trưởng của toàn bộ cơ thể bằng cách thúc đẩy các tế bào đích phát triển kích thước và phân chia. GH làm gia tăng tốc độ thu nhận và sử dụng protein của các tế bào đích (cấu trúc của tế bào được tạo thành phần lớn từ protein). GH cũng làm cho chất béo bị phân giải và được các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Hiệu quả lớn nhất của tuyến yên là trên sự phát triển của cơ và xương, đặc biệt là ở trẻ em. Sự chế tiết GH được kiểm soát bởi 2 loại hormon điều hòa được tiết ra từ vùng dưới đồi: hormon chế tiết hormon tăng trưởng (GHRH - Growth hormone releasing hormone) và hormon ức chế hormon tăng trưởng (GHIH - Growth hormone inhibiting hormone). GHRH kích thích tuyến yên chế tiết ra GH trong quá trình luyện tập, khi nồng độ đường trong máu thấp và nồng độ amino acid trong máu cao, hoặc khi cơ thể đang chịu áp lực. Khi cơ thể quay trở về trạng thái cân bằng nội môi hoặc khi nồng độ đường trong máu cao, vùng dưới đồi sẽ chế tiết hormon GHIH ra làm tuyến yên ngừng chế tiết hormon GH.
  • Hormon kích thích tuyến giáp: hormon kích thích tuyến giáp (TSH - Thyroid-stimulating hormone), như cái tên của nó đã nói, TSH ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của tuyến giáp. TSH thúc đẩy tuyến giáp chế tiết ra thyroxine để kích thích các tế bào trong cơ thể tăng chuyển hóa (tạo ra năng lượng) và tiêu thụ oxy. Vùng dưới đồi phóng thích hormon ra để báo hiệu cho tuyến yên tiết ra TSH. Hiện tượng này xảy ra khi tốc độ chuyển hóa của cơ thể giảm xuống.
  • Hormon adrenocorticotropic: hormon adrenocorticotropic (ACTH) kích thích vỏ thượng thận tiết ra cortisol và các loại hormon khác. Trong những tình huống như bị chấn thương, hạ đường huyết, và tập luyện thể dục, vùng dưới đồi chế tiết ra hormon để kích thích tuyến yên chế tiết ra ACTH.
ĐỒNG HỒ BÁO THỨC TỰ NHIÊN CỦA CƠ THỂ

Chúng ra đều biết rằng có một số người có thể tự động thức dậy vào buổi sáng mà không cần đồng hồ báo thức. Các nhà nghiên cứu người Đức đã tìm kiếm lời lý giải cho hiện tượng này, và vào đầu năm 1999, họ đã công bố kết quả. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hoạt động của 2 loại hormon là ACTH và cortisol chính là nguyên nhân của hiện tượng này.
Trong những tình huống căng thẳng, vùng dưới đồi chế tieetsra một loại hormon kích thích thùy trước tuyến yên chế tiết ra ACTH. Sau đó ACTH đi đến vỏ thượng thận, kích thích nó tiết ra cortisol. Trong một thời gian ngắn, cortisol kích thích hầu như toàn bộ các tế bào trong cơ thể tăng sản xuất năng lượng làm tăng khả năng của cơ thể phản ứng lại một cách nhanh chóng đến những tình huống căng thẳng hoặc khẩn cấp.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trong những giai đoạn sau cùng của giấc ngủ, những loại hormon này được chế tiết ra, làm cơ thể thức dậy. Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng giấc ngủ là một trạng thái không ý thức. Tuy nhiên, từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng ngay cả trong khi ngủ, tâm trí vẫn còn duy trì một số sự kiểm soát tự ý. Khi một người leo lên giường và biết rằng anh ta hay cô ta sáng mai cần phải dậy sớm hơn bình thường vì có việc quan trọng (một bài kiểm tra tại trường hoặc phải báo cáo tại công ty), tâm trí của người đó sẽ "ghi nhớ" lại và đánh thức cơ thể dậy đúng giờ.
  • Các hormon sinh dục: như cái tên của nó đã nói, các hormon sinh dục ảnh hưởng đến các cơ quan sinh dục. Vùng dưới đồi chế tiết các hormon để điều hòa sự chế tiết cả 3 loại hormon sinh dục này bao gồm: prolactin, hormon kích thích nang trứng (FSH - follicle-stimulating hormone) và hormon hoàng thể hóa (LH - Luteinizing hormone). Ở phụ nữ, prolactin kích thích sự phát triển của tuyến vú và sự chế tiết sữa của chúng. FSH kích thích sự phát triển các nang trứng trong buồng trứng của người nữa. Nang trứng là những cấu trúc nhỏ, có dạng giống như túi có các tế bào trứng phát triển bên trong. FSH cũng kích thích sự chế tiết estrogen từ các tế bào nang. Ở nam giới, FSH khởi động sự sản xuất tinh trùng ở tinh hoàn. LH kích thích sự rụng trứng (làm cho trứng rời khỏi buồng trứng) và chế tiết estrogenprogesterone từ buồng trứng ở phụ nữ. Ở nam giới, LH kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone.
  • Hormon kháng bài niệu: hormon kháng bài niệu (ADH - antidiuretic hormon) được vùng dưới đồi sản xuất và dự trữ ở thùy sau tuyến yên. ADH làm cho thận tái hấp thu lại nước từ nước tiểu khi nó đang trong giai đoạn hình thành. Số nước này sau đó sẽ được chuyển vào máu, điều hòa huyết áp. Khi cơ thể bị mất quá nhiều nước, chẳng hạn như khi bị chảy mồ hôi, tiêu chảy, hoặc bất kỳ kiểu mất nước nào, vùng dưới đồi sẽ cảm nhận được sự gia tăng lượng muối trong máu. Sau đó nó sẽ kích thích thùy sau tuyến yên chế tiết ra ADH. Thận giảm sản xuất nước tiểu và huyết áp tăng lên. Tuy nhiên, rượu và một số loại thuốc có thể ức chế sự chế tiết ADH. Một lượng lớn nước tiểu khi đó sẽ được bài tiết ra ngoài khỏi cơ thể và huyết áp sẽ tụt xuống. Nếu lượng dịch đó không được thay thế, có thể sẽ gây ra triệu chứng hoa mắt do huyết áp thấp.
  • Oxytocin: oxytocin được sản xuất từ vùng dưới đồi và được dự trữ ở thùy sau tuyến yên. Loại hormon này đóng vai trò quan trọng trong khi sinh con. Khi một người phụ nữ đi vào giai đoạn chuyển dạ, tử cung bắt đầu căng ra và các tín hiệu thần kinh được dẫn truyền đến vùng dưới đồi. Sau đó vùng dưới đồi sẽ kích thích thùy sau tuyến yên chế tiết ra oxytocin để đi đến tử cung. Khi đã ở tử cung, nó sẽ kích thích các cơ tử cung co bóp mạnh giúp đẩy em bé ra ngoài. Sau khi sinh, oxytocin thúc đẩy quá trình tiết sữa của tuyến vú. Khi em bé bú núm vú của mẹ, các xung thần kinh sẽ được gửi đến vùng dưới đồi của người mẹ để vùng dưới đồi gửi tín hiệu chế tiết oxytocin. Hormon này kích thích sự co lại của các tế bào cơ xung quanh ống tuyến vú giúp sữa chảy ra từ núm vú.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN TÙNG

Các nhà khoa học tin rằng melatonin được chế tiết từ tuyến tùng có chức năng duy trì thời gian biểu của quá trình ngủ và tỉnh thức hằng ngày của cơ thể. Do nó giữ cho cơ thể được đồng bộ với chu kỳ của ngày (sáng) và đêm (tối) nên tuyến tùng đóng vai trò như là một chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể. Các nhà khoa học biết được rằng thông thường sự chế tiết ra melatonin được thúc đẩy bởi bóng đêm. Được biết đến như là tác nhân kích thích giấc ngủ, melatonin được chế tiết theo chu kỳ để đáp ứng với sự xuất hiện của màn đêm vào cuối mỗi ngày. Vào buổi sáng, khi ánh sáng chiếu vào mắt, thông tin thị giác này truyền từ mắt đến vùng dưới đồi. Sau đó tuyến tùng sẽ được kích thích để giảm chế tiết melatonin vào ban ngày. Các nhà khoa học cũng đặt giả thuyết rằng loại hormon này cũng đóng vai trò trong việc xác định thời điểm dậy thì và sự phát triển giới tính, ngăn nó không xảy ra trong giai đoạn thơ ấu trước khi chủ nhân của nó đạt được đến kích thước của một người lớn.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN GIÁP

Thyroxine, hormon chính yếu được tiết ra bởi các nang giáp, thường được xem là hormon chuyển hóa chính của cơ thể. Khi tốc độ chuyển hóa của cơ thể giảm xuống, thùy trước tuyến yên sẽ chế tiết ra hormon kích thích tuyến giáp (TSH) để kích thích tuyến giáp chế tiết ra thyroxine. Thyroxine sau đó kích thích quá trình tạo ra năng lượng ở các tế bào trong cơ thể, tăng tốc độ tiêu thụ oxy và sử dụng carbohydrate, chất béo, protein của chúng. Khi các tế bào tăng sản xuất năng lượng, chúng cũng tạo ra nhiều nhiệt năng hơn. Hiện tượng này rất quan trọng khi cơ thể cố gắng thích hợp với nhiệt độ lạnh của môi trường bên ngoài. Ở trẻ em, thyroxine đóng vai trò cơ bản trong sự phát triển bình thường của hệ cơ, hệ thần kinh và hệ xương. Ở người lớn, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sự lớn lên và phát triển của mô. Iod là một thành phần quan trọng của thyroxine. Nếu trong chế độ ăn không có đủ lượng iod, thyroxine sẽ không thể sản xuất ra được và sự phát triển cùng với các khả năng về thể lực và tinh thần sẽ bị sụt giảm.
SAD: KHÔNG CHỈ VÌ MỘT MÙA ĐÔNG BUỒN BÃ

Từ thời Hy Lạp cổ đại người ta đã ghi nhận thấy rằng những sự thay đổi của các mùa khác nhau trong năm có thể gây tác động lên tâm trạng và hành động của con người. Thông thường, một ngày ngắn và u tối vào cuối mùa thu và mùa đông có thể làm nhiều người xuống tinh thần, và một ngày dài, sáng sủa của mùa xuân và mùa hè lại cho tác dụng ngược lại.
Tuy rằng các thành viên của cộng đồng y khoa đã biết được những tác động của mùa đông mỗi năm lên con người, nhưng họ vẫn chưa khám phá được hết nguyên nhân của nó cho đến những năm đầu thập kỷ 1980. Từ lúc đó, các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng sự thiếu ánh sáng mặt trời vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm thực sự chịu trách nhiệm cho cái thường được gọi là "mùa đông buồn".
Nhiều người cảm thấy bị trầm cảm nhẹ trong suốt mùa đông, nhưng một số người lại gặp những triệu chứng nặng nề hơn. Chúng có thể bao gồm ngủ lơ mơ vào ban ngày, mệt mỏi, ít năng lượng, giảm tập trung, bứt rứt, thèm ăn tinh bột, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cân, và cô lập khỏi xã hội. Sự rối loạn tâm trạng này chỉ ảnh hưởng đến con người vào mùa thu và mùa đông nên được gọi là rối loạn do ảnh hưởng của mùa (SAD - seasonal affective disorder)
SAD là một vấn đề thực sự ảnh hưởng đến xấp xỉ 10 triệu người mỗi năm tại Hoa Kỳ (phụ nữ bị nhiều gấp 4 lần nam giới). Các nhà nghiên cứu tin rằng những người bị SAD bị mất nhịp điệu tự nhiên báo hiệu cho cơ thể cảm thấy buồn ngủ hay tỉnh dậy vào những thời điểm thích hợp. Melatonin được chế tiết bởi vùng dưới đồi khi ánh sáng xung quanh tối đi đưa cơ thể rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Ánh sáng ban ngày báo hiệu cho tuyến tùng ngừng sản xuất hormon để giúp cơ thể tỉnh táo.
Các nhà khoa học không biết được lý do tại sao có một số người lại bị ảnh hưởng nhiều hơn một số người khác. Tuy nhiên, họ đã khám phá ra được cách điều trị hiệu quả đối với những người bị SAD là ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng vào buổi sáng. Khi tiếp xúc với hộp phát sáng, ánh sáng mặt trời nhân tạo (còn được gọi là liệu pháp ánh sáng) trong vòng 30 phút mỗi ngày, gần 80% bệnh nhân bị SAD cho thấy có sự cải thiện rõ rệt trong tâm trạng của mình.
Calcitonin là loại hormon quan trọng thứ hai được chế tiết bởi tuyến giáp, giúp duy trì nồng độ canxi bình thường trong máu. Nó được chế tiết trực tiếp vào máu khi tuyến giáp phát hiện ra nồng độ canxi trong máu tăng cao. Calcitonin sau đó sẽ đi đến xương, kích thích các tế bào tạo xương hấp thu canxi từ máu. Nó cũng nhắm mục tiêu đến thận, kích thích thận hấp thu và bài tiết canxi thừa ra ngoài. Khi nồng độ canxi trong máu trở về bình thường, tuyến giáp sẽ ngừng chế tiết calcitonin.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN CẬN GIÁP

Cũng giống như hormon calcitonin của tuyến giáp, hormon cận giáp (PTH - parathyroid hormone) cũng điều hòa nồng độ canxi trong máu. Tuy nhiên, nó kích thích theo chiều ngược lại. Do đó, calcitonin và PTH là 2 chất đối vận với nhau: chúng hoạt động ngược với nhau để giữ nồng độ canxi trong máu ở mức bình thường.
Tuyến cận giáp chế tiết ra PTH khi nồng độ canxi trong máu xuống thấp. Cũng giống như calcitonin, mục tiêu của PTH là xương và thận. Trong xương, PTH kích thích các tế bào phân giải xương hoạt động để tiết canxi (là một thành phần của xương) vào máu. Ở thận, PTH làm giảm lượng canxi được bài tiết vào nước tiểu. Cả 2 hoạt động trên đều nhằm mục đích tăng nồng độ canxi trong máu. Khi nồng độ canxi quay trở về mức bình thường, tuyến cận giáp sẽ ngừng chế tiết PTH.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN ỨC

Tuyến ức và các hormon chung của nó, thymosin, đóng một vai trò quan trọng trong sựu phát triển miễn dịch của cơ thể (khả năng chống lại bệnh tật). Ở thai nhi và trẻ sơ sinh, các tế bào lympho chưa trưởng thành hoặc chưa phát triển đầy đủ được sản xuất bên trong tủy xương, một chất xốp như bọt biển chứa đầy bên trong các khoang trong xương. Một nhóm nhất định trong số các tế bào lympho kể trên đi đến tuyến ức. Sau đó tuyến ức biến chúng thành tế bào lympho T hay còn được gọi là tế bào T (chữ T là viết tắt của chữ thymus, trong tiếng Anh có nghĩa là tuyến ức). Trong khi được trưởng thành, phân chia, và nhân lên trong tuyến ức, các tế bào lympho T được lập trình để nhận biết sự khác biệt giữa các tế bào của cơ thể với các tế bào lạ hoặc những tế bào bất thường. Một khi chúng đã trưởng thành hoàn toàn, lympho T sẽ rời khỏi tuyến ức và đi vào máu. Chúng đi đến lách, các hạch lympho, và những mô bạch huyết khác để chờ đợi được gọi ra bảo vệ cơ thể.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN TỤY

Mặc dù các tiểu đảo Langerhans chỉ chiếm một phần nhỏ bên trong tụy, nhưng chúng làm việc không mệt mỏi, hoạt động như là một cơ quan nằm trong một cơ quan khác. Những loại hormon chính mà chúng chế tiết là glucagon và insulin đóng vai trò sống còn trong chức năng bình thường của cơ thể. Chúng điều hòa nồng độ đường huyết theo một cách tương tự như hormon cận giáp và calcitonin điều hòa nồng độ canxi máu.

  • Glucagon: glucagon được chế tiết bởi các tiểu đảo Langerhans để đáp ứng với tình trạng nồng độ đường trong máu thấp. Để làm tăng nồng độ này lên (và tăng năng lượng của cơ thể), glucagon đi đến gan. Gan có rất nhiều vai trò trong cơ thể. Một trong những vai trò đó là dự trữ lượng đường dư thừa mà các tế bào của cơ thể không cần dùng để tạo ra năng lượng ngay lúc đó. Để có thể dự trữ được lượng đường đó, gan chuyển nó thành glycogen (một dạng tinh bột của đường glucose được tạo thành từ hàng nghìn đơn vị glucose). Glucagon kích thích gan chuyển glycogen ngược trở lại thành glucose và chế tiết nó vào máu để các tế bào sử dụng để tạo ra năng lượng. Khi nồng độ glucose tăng lên đến mức bình thường, các tiểu đảo Langerhans ngừng chế tiết glucagon.
  • Insulin: insulin có tác động ngược lại: nó làm hạ nồng độ đường huyết xuống nếu nồng độ này tăng lên quá cao. Khi phát hiện ra nồng độ đường trong máu tăng cao, các tiểu đảo Langerhans này chế tiết ra insulin, sau đó insulin đi đến hầu hết các tế bào trong cơ thể để kích thích các tế bào này nhận vào nhiều glucose hơn để tạo năng lượng. Insulin cũng kích thích gan nhận vào nhiều glucose hơn để dự trữ chúng dưới dạng glycogen để dùng cho những lần sau. Sau khi phân giải glucose, các tế bào sử dụng phần năng lượng vừa mới tạo ra để xây dựng protein và cải thiện sự dự trữ năng lượng của chúng. Insulin là loại hormon duy nhất làm giảm nồng độ đường huyết và tuyệt đối cần thiết cho các tế bào khi sử dụng glucose. Không có nó, các tế bào không thể nhận glucose được. Sau khi nồng độ glucose trong máu trở về bình thường, các tiểu đảo Langerhans ngừng chế tiết insulin.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TUYẾN THƯỢNG THẬN

Tuyến thượng thận là 2 tuyến nhỏ nằm phía trên thận kiểm soát nhiều hoạt động trong cơ thể. Những loại hormon mà chúng chế tiết ra hỗ trợ cho sự chuyển hóa của các tế bào, điều chỉnh cân bằng nước, và tăng hoạt động của hệ hô hấp và hệ tim mạch.

  • Cortisol: vào những thời điểm cơ thể chịu những stress vật lý (chấn thương, tập thể dục, nổi giận, sợ hãi), vùng dưới đồi chế tiết ra một loại hormon kích thích làm thùy trước tuyến tụy chế tiết ra hormon ACTH. ACTH sau đó đi đến vùng vỏ thượng thận, kích thích vùng này chế tiết ra cortisol. Giống như insulin, cortisol kích thích hầu hết các tế bào của cơ thể tăng sản xuất năng lượng. Không giống như insulin, cortisol làm các tế bào tăng sản xuất năng lượng bằng cách sử dụng chất béo và các amino acid (protein) thay vì dùng glucose. Trong những tình huống căng thẳng, chúng hết sức quan trọng do glucose cần phải được bảo tồn để não sử dụng (glucose là nguồn năng lượng duy nhất cho các neuron hay các tế bào thuộc mô thần kinh). Cortisol cũng có tác dụng kháng viêm, ức chế hoạt động của các tế bào bạch cầu và những thành phần khác thuộc tuyến phòng vệ của cơ thể. Quá trình viêm là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình sữa chữa các mô, nếu nó không ngừng lại sẽ dẫn đến sự phá hủy mô quá mức. Cortisol có tác dụng giới hạn quá trình viêm xuống mức cần thiết để có thể sửa chữa mô ngay lập tức bằng cách ngăn chặn tác dụng của histamine (một chất hóa học được chế tiết bởi các tế bào bị tổn thương có tác dụng làm cho máu đến vùng tổn thương nhiều hơn).
  • Aldosterone: aldosterone là một loại hormon corticoid khác được chế tiết ra bởi vỏ thượng thận, mục tiêu của nó là các tế bào thận để điều hòa sự hình thành nước tiểu. Sự giảm áp lực máu hay thể tích máu, sự giảm nồng độ Natri (muối) trong máu và sự gia tăng nồng độ Kali trong máu đều gây kích thích chế tiết aldosterone. Khi được chế tiết ra, nó thúc đẩy các tế bào thận tái hấp thu Natri ngược trở lại từ nước tiểu và thay vào đó là bài tiết Kali ra ngoài. Natri sau đó quay trở về máu. Khi Natri được tái hấp thu trở về máu, nước trong cơ thể cũng đi theo nó, do đó làm tăng thể tích và áp lực máu. Aldosterone cũng làm giảm lượng Natri và nước mất đi qua quá trình bài tiết mồ hồi và nước bọt. khi nồng độ natri, kali và máu trở về bình thường, vỏ thượng thận sẽ ngừng tiết aldosterone.
  • Epinephrine và norepinephrine: khi một người cảm thấy bị đe dọa về thực thể cũng như về cảm xúc, vùng dưới đồi sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho cơ thể "chiến đấu" bằng cách gửi các xung thần kinh đến vùng tủy thượng thận. Để đáp ứng lại, tủy thượng thận sẽ chế tiết ra norepinephrine (với một lượng nhỏ) và epinephrine (với lượng lớn hơn). Norepinephrine làm các mạch máu ở da và ở cơ xương co lại, làm tăng áp lực máu. Epinephrine làm tăng co bóp tim và tăng nhịp tim, kích thích gan chuyển đổi glycogen thành glucose để các tế bào sử dụng làm năng lượng, và kích thích các mô mỡ phân giải và phóng thích mỡ dự trữ ra để các tế bào sử dụng làm năng lượng. Những hoạt động của cả 2 loại hormon trên đều làm tăng nồng độ oxy và glucose trong máu và làm tăng tốc độ tuần hoàn của máu đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não, cơ và tim. Phản xạ và khả năng di chuyển của cơ thể cũng nhanh hơn giúp cơ thể có thể ứng phó được tốt hơn với những tình huống nguy ngập ngắn hạn.
SCHARRER VÀ CÁC CON GIÁN NAM MỸ

Nhà sinh lý học người Mỹ gốc Đức Berta Scharrer (1906-1995) và chồng bà là nhà sinh lý học Ernst Scharrer đã đi tiên phong trong lĩnh vực nội tiết-thần kinh học với các nghiên cứu về sự tương tác giữa hệ thần kinh và các tuyến nội tiết cùng sự chế tiết của chúng. Chiến đấu chống lại một niềm tin đã được chấp nhận của các nhà khoa học về các tế bào - cũng như chống lại thành kiến đối với phụ nữ trong khoa học - Scharrer đã thiết lập ra khái niệm về sự chế tiết thần kinh, hay còn gọi là sự chế tiết ra các chất như hormon của các tế bào thần kinh.
Trước khi sự khám phá của Scharrer và chồng của bà diễn ra, các nhà khoa học tin rằng các neuron hay các tế bào thần kinh không thể có cả 2 chức năng một lúc. Chúng chỉ có thể hoặc là tiết ra các hormon trong trường hợp chúng là các tế bào nội tiết thuộc hệ nội tiết hoặc dẫn truyền các tín hiệu thần kinh nếu chúng là các tế bào thần kinh thuộc hệ thần kinh.
Vào những năm 1930, sau khi đến Hoa Kỳ, Scharrer và chồng bà bắt đầu chứng minh cho các giả thuyết của mình trong khi không hề có một địa vị thật sự nào trong giới chuyên môn và do đó họ cũng thiếu luôn cả ngân sách để mua các động vật thí nghiệm. Theo như các bản tường trình ghi lại, Scharrer thu thập các con gián trong tầng hầm của phòng thí nghiệm và sử dụng chúng làm thí nghiệm. Không lâu sau đó, bà bắt đầu thí nghiệm trên các con gián Nam Mỹ này và bà nhận thấy rằng chúng có thể trở thành đối tượng nghiên cứu tốt hơn do chúng chậm hơn các con gián ở Mỹ. Từ thời điểm đó trở đi, bà sử dụng các con gián Nam Mỹ này và chúng đi theo bà bất cứ nơi nào bà và chồng minh di chuyển đến.
Vào khoảng năm 1950, nghiên cứu và những giả thuyết của bà về chế tiết thần kinh được giới khoa học chấp nhận là sự thật. Vì công trình khoa học tiên phong của mình, Scharrer đã nhận được nhiều tước vị danh dự. Trong số đó, bà được lấy tên để đặt cho loài gián, scharrerae.
HOẠT ĐỘNG CỦA BUỒNG TRỨNG

Buồng trứng không hoạt động cho đến tuổi dậy thì, thường vào khoảng từ 11 đến 14 tuổi ở nữ. Vào thời điểm này, thùy trước tuyến yên chế tiết ra hormon kích thích nang trứng làm cho các nang trứng, là những cấu trúc dạng túi nhỏ, lớn lên và trưởng thành trong buồng trứng. Trứng nằm bên trong những cấu trúc biệt hóa này cũng bắt đầu trưởng thành. Khi trứng đang phát triển bên trong các nang trứng, các tế bào nang xung quanh trứng bắt đầu chế tiết estrogen. Nồng độ estrogen tăng lên trong máu báo hiệu cho thùy trước tuyến yên chế tiết ra hormon hoàng thể hóa làm buồng trứng phóng thích ra 1 trứng đã trưởng thành - quá trình này được gọi là sự rụng trứng.
Sau khi rụng trứng, buồng trứng bắt đầu tiết progesterone để ngăn không cho các trứng khác phát triển và làm cho lớp niêm mạc tử cung phát triển dày hơn với nhiều mạch máu (estrogen cũng tham gia vào quá trình này). Trứng trưởng thành sau đó đi dọc theo vòi trứng để đến tử cung. Nếu trứng không được thụ tinh với tinh trùng, nó sẽ bị phân hủy. Khoảng 10 ngày sau, lớp niêm mạc tử cũng bắt đầu bị tách ra và tống xuất ra khỏi cơ thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt xảy ra mỗi tháng.
Nếu trứng được thụ tinh, nó sẽ dính vào thành tử cung và bắt đầu thai kỳ. Sau đó estrogenprogesterone sẽ được sản xuất với nồng độ cao để ngăn không cho các trứng khác trưởng thành. Ngoài ra, progesterone còn ngăn không cho các cơ tử cung co bóp gây kinh động đến trứng. Cả estrogenprogesterone đều có chức năng chuẩn bị cho tuyến vú sẵn sàng tiết sữa.
Khi dậy thì, estrogen được chế tiết bởi các tế bào nang còn có chức năng tạo ra các đặc điểm giới tính thứ phát của nữ. Vú sẽ lớn ra và hệ thống ống dẫn sữa của chúng cũng phát triển, tử cung lớn ra, mỡ tích tụ lại ở hông và đùi, lông bắt đầu mọc ở nách và vùng sinh dục.
HOẠT ĐỘNG CỦA TINH HOÀN

Quá trình dậy thì ở nam giới xảy ra ở độ tuổi từ 12 đến 16. Vào thời điểm này, thùy trước tuyến yên chế tiết ra hormon hoàng thể hóa kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone. Loại hormon này tạo ra nhiều sự thay đổi trong quá trình phát triển ở một cậu thanh niên mới lớn: sự phát triển của các cơ quan sinh dục, mọc lông mặt và cơ thể, sự phát triển của thanh quản (làm cho giọng trầm hơn), và sự phát triển của cơ xương. FSH cũng được chế tiết từ thùy trước tuyến yên để khởi động quá trình sản xuất tinh trùng ở tinh hoàn. Testosterone sau đó giúp cho tinh trùng trưởng thành. Quá trình này bắt đầu vào lúc dậy thì và tiếp tục trong suốt cuộc đời.
uchr_01_img0060.jpg

Biểu đồ thay đổi nồng độ hormon trung bình trong một chu kỳ buồng trứng.

Có khoảng 10% dân số sẽ gặp một số rối loạn về nội tiết trong cuộc đời của mình. Hầu hết các rối loạn nội tiết gây ra bởi sư tăng lên hoặc giảm đi của một số loại hormon nào đó. Các khối u (sự phát triển bất thường của mô) trong hệ nội tiết là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sản xuất hormon quá nhiều. Sự sản xuất hormon quá ít thường là do khiếm khuyết của các receptor ở các tế bào dẫn đến kết quả là các tế bào không thể báo động cho tuyến nội tiết sản xuất hormon của nó khi nồng độ hormon này xuống quá thấp. Tổn thương hoặc bệnh của tuyến nội tiết cũng có thể dẫn đến nồng độ hormon thấp.
Dưới đây chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều loại rối loạn có thể gây ra do hệ nội tiết hoạt động không hoàn chỉnh:

  • Bệnh to cực hay bệnh khổng lồ: là một rối loạn trong đó thùy trước tuyến yên sản xuất quá nhiều hormon tăng trưởng dẫn đến sự phì đại bất thường của các phần xa cơ thể, chẳng hạn như mũi, hàm, các ngón tay, và các ngón chân, rối loạn này nếu xảy ra ở trẻ em thì được gọi là bệnh khổng lồ.
  • Bệnh Addison: là rối loạn trong đó vùng vỏ thượng thận sản xuất quá ít cortisol và aldosterone dẫn đến sự gián đoạn của nhiều chức năng của cơ thể.
  • Hội chứng Cushing: là rối loạn gây ra bởi sự sản xuất quá mức corticoid (chủ yếu là cortisol) của vỏ thượng thận gây béo phì và yếu cơ.
  • Đái tháo đường: là rối loạn trong đó các tế bào của cơ thể không thể hấp thu được glucose, có thể là do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào không đáp ứng được với tác động của insulin đã được sản xuất.
  • Cường giáp: là rối loạn trong đó tuyến giáp tăng hoạt sản xuất quá nhiều thyroxine.
  • Nhược giáp: là rối loạn trong đó tuyến giáp sản xuất quá ít thyroxine.
BỆNH TO CỰC HAY BỆNH KHỔNG LỒ

Bệnh to cực là một rối loạn trong đó thùy trước tuyến yên tiết ra quá nhiều hormon tăng trưởng (GH) làm gia tăng sự phát triển của xương và mô mềm, đặc biệt là ở những vùng xa, chẳng hạn như mũi, hàm, các ngón tay và các ngón chân. Nếu rối loạn này xảy ra ở trẻ em là đối tượng mà cơ thể vẫn chưa phát triển đầy đủ thì sự gia tăng nồng độ GH còn làm cho sự phát triển khác thường xảy ra ở các xương dài. Tình trạng này là một biến thể của bệnh to cực còn được gọi là bệnh khổng lồ.
Bệnh to cực là một rối loạn hiếm gặp, xuất hiện trong khoảng 50 phần triệu người. Cả nam lẫn nữ đều có thể bị. Do các triệu chứng của chúng diễn ra từ từ nên rối loạn này thường không được phát hiện ra cho đến khi bệnh nhân đã ở tuổi trung niên.
uchr_01_img0062.jpg
Bệnh to cực là một rối loạn hiếm gặp trong đó thùy trước tuyến yên sản xuất ra quá nhiều hormon tăng trưởng dẫn đến tăng phát triển xương và mô mềm.
Khoảng 80% trường hợp to cực chi có nguyên nhân từ các u lành tính phát triển bên trong tuyến yên. Các khối u này làm thùy trước tuyến yên từ chối tác động của hormon ức chế hormon tăng trưởng (GHIH - Growth hormone inhibiting hormone), là một loại hormon điều hòa được chế tiết từ vùng dưới đồi có chứng năng ngăn không cho tuyến yên sản xuất ra GH. Do đó, GH sẽ được chế tiết ra mà không có cơ chế làm ngừng lại.
Bước đầu tiên trong quá trình điều trị to cực chi là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau đó, một số bệnh nhân sẽ cần phải sử dụng thuốc để làm giảm chế tiết GH. Nếu được điều trị, bệnh nhân to cực chi có thể sống một cuộc sống bình thường đến cuối đời. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có nhiều khả năng sẽ chết sớm do những tác dụng bất lợi của bệnh trên tim, phổi, và não.
BỆNH ADDISON

Bệnh Addson là một rối loạn trong đó vùng vỏ thượng thận chế tiết ra quá ít cortisol và aldosterone dẫn đến sự ngừng trệ của nhiều chức năng của cơ thể. Khoảng 4/100.000 người gặp loại rối loạn này. Nó có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ ở mọi độ tuổi.
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh Addison là sự phá hủy hoặc co nhỏ lại của vỏ thượng thận. Khoảng 70% trường hợp bệnh có nguyên nhân là do rối loạn tự miễn, là một tình trạng cơ thể sản xuất ra các kháng thể tấn công và tiêu diệt các mô của chính cơ thể thay vì tiêu diệt những tác nhân lạ xâm nhập chẳng hạn như virus và vi khuẩn. Trong trường hợp bệnh Addison, các kháng thể tấn công và tiêu diệt các tế bào của vỏ thượng thận.
Bệnh Addison có khuynh hướng phát triển chậm, từ từ. Vào thời điểm phát hiện ra các triệu chứng thì khoảng 90% các tế bào của vỏ thượng thận đã bị tiêu hủy. Những triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi và mất năng lượng, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, yếu cơ, chóng mặt khi đứng, và mất nước. Xuất hiện những vùng da bị đen và tàn nhang bất thường. Phụ nữ bị bệnh này có thể không còn có kinh như bình thường nữa. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng cũng trở nên nặng hơn: nhịp tim bất thường, nôn và buồn nôn không kiểm soát được, huyết áp tụt mạnh, suy thận, và mất ý thức.
Những bệnh nhân bị bệnh Addison được điều trị bằng thuốc corticoid để thay thế cortison và aldosterone trong cơ thể. Nếu sử dụng thuốc liên tục, những bệnh nhân này có thể hy vọng sống được một cuộc sống bình thường trong suốt khoảng đời còn lại.
HỘI CHỨNG CUSHING

Hội chứng Cushing là một rối loạn gây ra bởi sự chế tiết quá mức corticoid - chủ yếu là cortisol - của vỏ thượng thận dẫn đến béo phì và yếu cơ. Rối loạn này xảy ra khoảng 15 phần triệu người mỗi năm. Nó thường xảy ra ở người trưởng thành (cả nam lẫn nữ) giữa độ tuổi từ 20 đến 50.
Hội chứng Cushing có thể có nguyên nhân từ khối u ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Thùy trước tuyến yên chế tiết ra ACTH kích thích vỏ thượng thận chế tiết cortisol. Khối u ở tuyến yên có thể làm ACTH được sản xuất quá nhiều dẫn đến hậu quả là cortisol được sản xuất quá mức. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Một khối u ở tuyến thượng thận cũng có thể dẫn đến tình trạng cortisol được vỏ thượng thận sản xuất quá mức.
Dưới đây là một số triệu chứng có thể xuất hiện khi cortisol được sản xuất quá mức: tăng cân một cách bất thường (đặc biệt theo hình tròn hoặc mặt trăng), dải màu tía và hồng xuất hiện dọc theo bụng và hông, tăng huyết áp, yếu xương và cơ, năng lượng thấp, cảm xúc bất ổn và trầm cảm, mọc lông mặt bất thường ở phụ nữ.
Cách điều trị hội chứng Cushing bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Sau khi phẫu thuật, một số bệnh nhân cũng có thể được cho thuốc để giúp làm giảm sản xuất cortisol. Nếu phải cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận, bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc corticoid suốt phần đời còn lại.
uchr_01_img0063.jpg
Một phụ nữ bị hội chứng Cushing, là một rối loạn gây ra bởi sự sản xuất quá mức corticoid.

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

(Xem thêm bài viết: Đái tháo đường)
Đái tháo đường là một rối loạn trong đó các tế bào của cơ thể không thể hấp thu được glucose. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do tụy không thể sản xuất đủ insulin được nữa hoặc có thể do các tế bào không đáp ứng được với tác dụng của insulin. Xấp xỉ 14 triệu người Hoa Kỳ - khoảng 5% dân số - bị đái tháo đường, và gần 50% trong số họ không biết được rằng mình đang bị bệnh. Khoảng 300.000 người Hoa Kỳ tử vong mỗi năm do đái tháo đường.
Những triệu chứng thường gặp của đái tháo đường bao gồm: tiểu nhiều, khát nước nhiều, mệt mỏi, sụt cân, đói, và chậm lành vết thương. Những tác động lâu dài của đái tháo đường bao gồm giảm thị lực, giảm máu đến cung cấp cho tay và chân, và đau. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy thận, bệnh tim, đột quỵ, hôn mê, và tử vong. Có 2 loại đái tháo đường là đái tháo đường type I và đái tháo đường type II.
Đái tháo đường type I, đôi khi còn được gọi là đái tháo đường ở tuổi vị thành niên, thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ em hoặc tuổi mới lớn. Ở dạng đái tháo đường này, tụy tiết ít hoặc hoàn toàn không tiết ra insulin. Các nhà khoa học tin rằng đái tháo đường type I có thể có nguyên nhân là do một loại virus hoặc vi sinh vật kích thích phản ứng tự miễn: các kháng thể khi bình thường có chức năng tiêu diệt những tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể bây giờ lại tấn công vào các tiểu đảo Langerhans, là các tế bào tụy chế tiết insulin.
Rối loạn này có thể được kiểm soát bằng cách tiêm insulin mỗi ngày (dùng kim tiêm và ống bơm nhỏ) và ăn theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Ăn quá ít thức ăn (hoặc ăn quá trễ (để phù hợp với quá trình tiêm insulin), uống rượu, hoặc tăng tập thể dục đều có thể dẫn đến hạ đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường có thể trở nên cáu kỉnh, bối rối, mệt mỏi, vã mồ hôi, và run rẩy. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể mất ý thức và tai biến. Trước khi diễn tiến bệnh trở nên quá xấu, người bệnh nên được ăn hay uống đồ ngọt, chẳng hạn như kẹo, viên đường, nước trái cây, hoặc những loại snack có nồng độ đường cao để làm cân bằng lại đường huyết.
Đái tháo đường type II, đôi khi còn gọi là đái tháo đường khởi phát ở tuổi trưởng thành, là một dạng đái tháo đường thường gặp hơn. Hơn 90% bệnh nhân đái tháo đường tại Hoa Kỳ thuộc thể bệnh này. Nó thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân thừa cân và những người không tập thể dục. Nó thường gặp nhiều ở dân Mỹ gốc, dân Mỹ La tinh, và dân Mỹ gốc Phi.
Trong đái tháo đường type II, tụy có thể sản xuất đủ insulin, nhưng các tế bào của cơ thể trở nên đề kháng với tác dụng của insulin. Tuổi tác, béo phì (nặng hơn 20% cân nặng lý tưởng), và có người thân trong gia đình bị đái tháo đường là những yếu tố có vai trò trong nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng của đái tháo đường type II có thể bắt đầu một cách từ từ nên người bệnh có thể không biết rằng mình đang mắc bệnh. Đôi khi các triệu chứng có thể xuất hiện trong vài năm ở những người trưởng thành thừa cân trên 40 tuổi.
Cũng như đái tháo đường type I, bệnh đái tháo đường type II cũng không có cách điều trị khỏi hẳn. Quá trình điều trị tập trung vào mục đích giữ nồng độ đường huyết trong giới hạn bình thường. Đối với nhiều bệnh nhân đái tháo đường type II, giảm cân là một mục tiêu quan trong trong việc giúp kiểm soát đái tháo đường trong đó thì tập thể dục vừa phải và ăn uống hợp dinh dưỡng, cân bằng là những bước chính. Để giữ nồng độ đường trong máu không tăng quá cao, nên chia bữa ăn ra làm nhiều lần ăn nhỏ trong ngày. Có một số loại thuốc giúp những bệnh nhân bị đái tháo đường type II làm giảm đường huyết.
uchr_01_img0064.jpg
Loét chân do đái tháo đường.

CƯỜNG GIÁP

(Xem thêm bài Cường giáp)
Cường giáp là một rối loạn trong đó tuyến giáp tăng hoạt sản xuất quá nhiều thyroxine. Thông thường nguyên nhân là do có khối u ở tuyến giáp. nó cũng có thể là do một rối loạn tự miễn trong đó các kháng thể nối kết với các tế bào của tuyến giáp, thúc đẩy chúng sản xuất thyroxine với một lượng dư thừa, dạng này còn được gọi là bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Cushing).
Bất kể bệnh nhân đang ở thể bệnh nào, cường giáp đều gây ra một số triệu chứng tương tự nhau: sụt cân và tăng cảm giác thèm ăn, khó thở, căng thẳng và lo âu, nhịp tim nhanh, yếu cơ, không chịu được nóng, và khó khăn trong việc thư giãn và ngủ. Ngoài ra, mắt có thể bị lồi ra và tuyến giáp có thể phì đại đến mức nhìn thấy rõ (bướu cổ).
Điều trị cường giáp có thể là phẫu thuật cắt bỏ khối u giáp (nếu có) hoặc một phần tuyến giáp. Do tuyến giáp là bộ phận duy nhất của cơ thể hấp thu được iod, nên bệnh nhân có thể được tiêm iod phóng xạ vào người để tiêu diệt các tế bào sản xuất hormon và làm tuyến giáp bị phì đại thu nhỏ lại. Những loại thuốc làm giảm hoặc ngăn chặn sự sản xuất thyroxine cũng có thể được sử dụng. Với cách điều trị đúng đắn, hầu hết bệnh nhân bị cường giáp có thể sống được một cuộc sống bình thường.
NHƯỢC GIÁP

Nhược giáp là một rối loạn trong đó tuyến giáp giảm hoạt không thể sản xuất hoặc chế tiết hormon thyroxine để đáp ứng đủ với nhu cầu của cơ thể. Do thyroxine là loại hormon cơ bản cho quá trình phát triển cơ thể và chuyển hóa, nên nếu nguồn cung cấp của loại hormon này giảm có hể làm giảm những quá trình duy trì sự sống và làm tổn thương các cơ quan và mô trong tất cả các phần của cơ thể.
Đây là một trong những bệnh mạn tính thường gặp nhất ở Hoa Kỳ. Có khoảng 11 triệu người lớn và trẻ em có thể bị nhược giáp. Phụ nữ bị gấp đôi nam giới.
Nhược giáp thường là hậu quả của bệnh Hashimoto. Đây là một loại bệnh trong đó hệ thống phòng thủ của cơ thể không thể nhận biết được tuyến giáp là một mô bình thường của cơ thể nên tấn công nó như thể nó là một vật thể lạ xâm nhập cơ thể. Đôi khi tuyến giáp bị tiêu hủy trong quá trình này. Nhiễm trùng do virus và vi khuẩn cùng với chế độ ăn thiếu iod có thể dẫn đến nhược giáp.
Các triệu chứng của nhược giáp có thể không xuất hiện cho đến những năm sau khi tuyến giáp ngừng hoạt động, chúng bao gồm: mệt mỏi, giảm nhịp tim, tăng cân, trầm cảm, đau cơ hoặc yếu ớt, da khô, tăng nhạy cảm quá mức với cảm giác đau, và phù mặt.
Nếu nhược giáp xảy ra sớm ở trẻ em có thể dẫn đến chứng trì độn. Tình trạng này có thể dẫn đến còi cọc: đầu và thân, có chiều dài ngang với chân ở những người bình thường, ở những bệnh nhân này có chiều dài lớn hơn gấp rưỡi. Những bệnh nhân này có tóc mọc ít và da rất khô, chậm phát triển về tinh thần. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và được điều trị bằng cách dùng thuốc thay thế thyroxine, có thể ngăn ngừa được tình trạng chậm phát triển tâm thần và những triệu chứng khác.
Những loại thuốc hormon tổng hợp cũng có thể được sử dụng dể điều trị cho những người trưởng thành bị nhược giáp. Cách điều trị này chủ yếu nhằm duy trì nồng độ hormon giáp bình thường, giúp cho bệnh nhân có thể sống được 1 cuộc sống bình thường.


GIỮ CHO HỆ NỘI TIẾT HOẠT ĐỘNG TỐT

Các tuyến nội tiết và những hormon mà chúng chế tiết ra đóng vai trò trong hầu hết các chức năng bình thường của cơ thể. Do chúng khá phức tạp nên hệ thống hoạt động dựa trên sự cân bằng rất nhạy cảm. Nếu nó bị rối loạn, sẽ có rất nhiều vấn đề cả lớn lẫn nhỏ sẽ xảy ra.
Do đó, việc theo dõi sự hoạt động của hệ thống này và tìm kiếm cách điều trị thích hợp nếu các rối loạn bắt đầu xuất hiện là rất quan trọng. Có thể thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ hệ nội tiết. Các hệ thống của cơ thể đáp ứng tốt với một bữa ăn hợp dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên, hệ nội tiết không phải là một ngoại lệ.
Một số rối loạn nội tiết có liên quan đến bữa ăn. Béo phì có thể dẫn đến đái tháo đường type II, là một rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở Hoa Kỳ. Thiếu iod trong bữa ăn có thể dẫn đến bướu cổ, hoặc phì đại tuyến giáp. Ăn một bữa ăn giàu dinh dưỡng, hợp lý, cân bằng và giữ cơ thể ở một cân nặng lý tưởng sẽ làm giảm nguy cơ bị một số bệnh nội tiết.
Stress là một gánh nặng đối với toàn bộ các hệ thống trong cơ thể. Bất kỳ tình huống nào đe dọa đến sự cân bằng nội môi hoặc tình trạng vững chắc của cơ thể đều là một dạng của stress. Các tình huống gây stress có thể từ thực thể, từ tâm lý hoặc từ môi trường. Một trong những chức năng chính của một số tuyến nội tiết là tiết ra các hormon giúp cơ thể đáp ứng với các tình huống stress. Tuy nhiên, chức năng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Nếu stress kéo dài hơn vài giờ, cơ thể phải cần có một nhu cầu về năng lượng cao hơn. Khi đó nhiều loại hormon sẽ được chế tiết ra để đáp ứng nhu cầu đó, nhưng với một cái giá phải trả. Chúng có khuynh hướng làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Stress diễn ra trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến tăng huyết áp và thiếu cortisol và những loại hormon corticoid khác được chế tiết ra bởi vỏ thượng thận. Tất cả những hiện tượng này đều có thể dẫn đến tổn thương và suy các cơ quan. Kết hợp giữa tập luyện với ngủ vừa phải, những kỹ thuật thư giãn, và suy nghĩ tích cực sẽ giúp làm giảm stress và giữ nồng độ hormon được cân bằng.
 
Testosterone

testosterone.jpg
Testosterone là một loại hormon corticoid (androgen) được sản xuất bởi một loại mô nội tiết đặc biệt (các tế bào Leydig) của tinh hoàn nam giới.
Sự sản xuất này được kích thích và kiểm soát bởi hormon hoàng thể hóa (LH - Luteinizing Hormone) được tuyến yên sản xuất ra. Testosterone hoạt động theo cơ chế feedback âm tính: khi nồng độ testosterone gia tăng, nồng độ LH giảm xuống, ngược lại, khi làm tăng nồng độ LH sẽ làm giảm nồng độ testosterone xuống. Nồng độ testosterone chiếm ưu thế vào ban ngày, đạt đến đỉnh điểm vào buổi sáng sớm (khoảng từ 4h00 am đến 8h00 am), và thấp nhất vào buổi tối (khoảng 4h00pm đến 8h00pm). Nồng độ của nó cũng có thể gia tăng sau khi tập thể thao nhưng lại giảm đi theo tuổi. Khoảng 2/3 lượng testosterone có trong máu đến gắn với protein-gắn-kết-hormon-sinh-dục, khoảng gần 1/3 gắn với albumin. Một tỷ lệ nhỏ (khoảng 1-4%) di chuyển tự do trong máu.
Ở nam giới, testosterone kích thích sự phát triển của những đặc điểm giới tính thứ phát, bao gồm sự lớn lên của dương vật, sự phát triển của hệ lông trên cơ thể, sự phát triển cơ, và làm vỡ giọng. Nó hiện diện với số lượng lớn ở nam giới trong suốt tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành để điều hòa ham muốn tình dục và duy trì khối lượng cơ. Testosterone cũng được sản xuất từ tuyến thượng thận ở cả nam và nữ và ở buồng trứng của nữ giới với số lượng thấp. Ở phụ nữ, testosterone được chuyển thành estradiol, là loại hormon giới tính chính của nữ.
 
estrogen.gif
Estrogen có thể được xem là loại hormon được biết đến và bàn luận rộng rãi nhất trong tất cả các loại hormon.
Thuật ngữ "estrogen" trong thực tế dùng để chỉ một loại bất kỳ trong số các hormon có tính chất hóa học tương tự nhau; hormon estrogen đôi khi bị hiểu lầm là loại hormon của nữ giới trong khi thực tế là trong cơ thể của cả nam lẫn nữ đều sản xuất ra loại hormon này. Tuy nhiên, vai trò của estrogen ở nam giới vẫn chưa hoàn toàn được rõ ràng.

Để hiểu vai trò của estrogen ở phụ nữ, điều quan trọng cần phải nắm là khái niệm hormon nói chung là gì. Hormon là những chất hóa học có vai trò sống còn ở cơ thể con người và động vật. Thông thường chúng được xem như là "các chất truyền tin hóa học", hormon mang thông tin và các hướng dẫn từ một nhóm tế bào này đến một nhóm tế bào khác. Ở cơ thể người, hormon ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các loại tế bào, cơ quan, và chức năng. Chúng điều hòa quá trình phát triển, quá trình chuyển hóa, chức năng của mô, chức năng sinh dục, sinh sản, cách cơ thể sử dụng thức ăn, phản ứng của cơ thể đối với những tình huống khẩn cấp và thậm chí là đối với cảm xúc của chính chúng ta.
Estrogen làm được những gì?
Các hormon estrogen chịu trách nhiệm duy nhất cho sự lớn lên và phát triển của các đặc điểm giới tính nữ và sự sinh sản ở cả người và động vật. Thuật ngữ "estrogen" dùng để chỉ một nhóm các hormon có tính chất hóa học tương tự nhau bao gồm: estrone, estradiol (có nhiều nhất ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) và estriol. Nói chung, estrogen được sản xuất ở buồng trứng, tuyến thượng thận, và các mô mỡ. Xét chi tiết hơn thì estradiol và estrone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng của những phụ nữ trước khi mãn kinh, còn estriol được sản xuất bởi nhau thai trong giai đoạn mang thai.
Ở phụ nữ, estrogen đi theo dòng máu đến gắn vào các thụ thể estrogen ở các tế bào tại mô đích, ảnh hưởng đến không chỉ tuyến vú, tử cung mà còn tác động đến não, xương, gan, tim, và các loại mô khác. Estrogen kiểm soát sự phát triển của nội mạc tử cung trong giai đoạn đầu của kinh nguyệt, gây ra những thay đổi của vú ở tuổi dậy thì và lúc mang thai, điều hòa nhiều quá trình chuyển hóa khác, bao gồm sự phát triển của xương và nồng độ cholesterol.
Estrogen và thai kỳ
Trong độ tuổi sinh sản, tuyến yên nằm bên trong não tạo ra những loại hormon làm cho trứng được phóng thích ra khỏi nang trứng mỗi tháng. Khi nang trứng phát triển, nó sản xuất ra estrogen làm cho lớp nội mạc của tử cung dày lên.
Sự sản xuất progesterone gia tăng sau khi rụng trứng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị sẵn sàng cho lớp nội mạc tử cung có thể nhận và nuôi dưỡng được trứng đã thụ tinh để nó có thể phát triển thành thai nhi. Nếu sự thụ tinh không xảy ra, estrogen và progesterone sẽ giảm xuống nhanh chóng, lớp nội mạc tử cung sẽ bị bong tróc ra và tạo thành kinh nguyệt.
Nếu sự thụ tinh xảy ra, estrogen và progesterone phối hợp với nhau để ngăn không cho các trứng khác rụng trong khi đang mang thai. Những thuốc ngừa thai đường uống lợi dụng đặc điểm này bằng cách điều hòa nồng độ hormon. Chúng còn làm cho lớp niêm mạc lát tử cung, còn được gọi là nội mạc tử cung, trở nên rất mỏng làm cho trứng đã thụ tinh không thể làm tổ được. Ngoài ra, chúng còn làm lớp chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại ngăn không cho tinh trùng đi vào cổ tử cung để thụ tinh với trứng.
Thuốc ngừa thai đường uống có chứa estrogen cũng làm giảm các cơn co thắt trong thời kỳ kinh nguyệt và một số triệu chứng tiền mãn kinh, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, có một số nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng, tử cung và đại trực tràng.
Estrogen và chứng loãng xương
Estrogen được buồng trứng sản xuất có thể phòng ngừa loãng xương và phối hợp với canxi, vitamin D, và những loại hormon khác cùng với chất khoáng để tạo xương. Loãng xương xảy ra khi xương trở nên quá yếu và dễ vỡ, không thể chịu đựng được các hoạt động bình thường hằng ngày.
Cơ thể của bạn liên tục xây dựng và tu sửa xương qua một quá trình được gọi là sự tái hấp thu và sự lắng đọng. Cho đến khoảng những năm 30 tuổi, cơ thể của bạn sẽ tạo ra nhiều xương mới hơn là phân hủy chúng. Nhưng khi nồng độ estrogen bắt đầu sụt giảm, quá trình này sẽ chậm lại.
Như vậy, sau tuổi mãn kinh, cơ thể của bạn bắt đầu phân hủy xương nhiều hơn tái tạo. Vào những năm ngay sau khi mãn kinh, phụ nữ có thể mất khoảng 20% khối lượng xương.
Estrogen và âm đạo và đường tiểu
Khi nồng độ estrogen xuống thấp, chẳng hạn như khi mãn kinh, âm đạo có thể trở nên khô hơn và thành âm đạo mỏng hơn là cho việc giao hợp trở nên đau đớn.
Ngoài ra, lớp niêm mạc lát bên trong niệu đạo (là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài cơ thể) cũng trở nên mỏng đi. Một số ít phụ nữ có thể cảm thấy tăng nhiễm trùng tiểu và có thể giảm nhẹ khi được điều trị bằng estrogen qua đường âm đạo.
Giai đoạn tiền mãn kinh
Những thay đổi về cơ thể và tâm lý cùng với sự dao động trong nồng độ estrogen trong giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Giai đoạn này thường kéo dài từ hai đến tám năm. Nồng độ estrogen có thể tiếp tục dao động trong những năm sau mãn kinh. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nóng bừng - cảm giác nóng đột ngột ở mặt, cổ, và ngực có thể làm cho bạn vã mồ hôi nhiều, tăng nhịp tim và làm bạn cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn. Cơn nóng bừng thường kéo dài khoảng từ 3 đến 6 phút, mặc dù cảm giác này có thể kéo dài lâu hơn và làm bạn tỉnh dậy vào nửa đêm.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
  • Nhạy cảm ở vú.
  • Tăng nhức đầu migraine
  • Són nước tiểu
  • Cảm xúc không ổn định.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
11,649
Messages
71,548
Members
56,922
Latest member
188bettone
Back
Top