Theo dữ liệu từ bộ phận theo dõi ung thư của WHO, số trẻ em mắc bệnh ung thư đã tăng 13% trong vòng 20 năm qua.
Ung thư hiếm khi xảy ra ở trẻ em; khi xảy ra, nhiều khả năng là do cấu tạo gene của trẻ hơn là do lối sống hoặc môi trường.
Một phần nguyên nhân số trẻ em mắc ung thư tăng được cho là do khả năng phát hiện tốt hơn.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), nơi công bố những phát hiện của họ trên tạp chí y khoa Lancet Oncology, cho biết con số được thu thập từ các kho dữ liệu về ung thư trên thế giới đã tăng lên từ những năm 1980. Giai đoạn 2001-2010, cứ một triệu người thì có 140 trẻ em dưới 14 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, tăng 13%.
Đây là lần đầu tiên IARC đưa ra con số thanh thiếu niên mắc bệnh ung thư. Có 185 trẻ vị thành niên/triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hầu hết là u lymphô, hay còn gọi là ung thư hạch bạch huyết.
1/3 các trường hợp dưới 15 tuổi bị bệnh bạch cầu, một loại ung thư máu giờ đã được điều trị thành công ở châu Âu và Mỹ.
Một bài báo khác, xuất bản trên tạp chí Huyết học Lancet, xem xét tỷ lệ sống sót ở trẻ em mắc bệnh bạch cầu tăng lymphô bào cấp tính (ALL) trên khắp thế giới từ năm 2005 đến năm 2009. Ở Đức, 92% trẻ em sống được ít nhất 5 năm, nhưng ở Colombia con số này chỉ là 52%.
Tỷ lệ sống sót đã được cải thiện đáng kể ở tất cả các nước. Từ giai đoạn 1995-1999 đến giai đoạn 2005-2009, tỷ lệ sống sót 5 năm đối với bệnh ALL ở trẻ em tăng từ 79% lên 89% ở Anh, và từ 83% lên 88% ở Mỹ.
Đối với dạng bệnh thứ hai, bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính (AML), tỉ lệ sống sót 5 năm tăng từ 59% lên 68% ở Anh và từ 52% lên 63% ở Mỹ. Cùng giai đoạn này, tỷ lệ sống sót ở Trung Quốc tăng đáng kể – từ 11% lên 69% đối với bệnh nhân ALL, và 4% lên 41% đối với bệnh nhân AML.
Nghiên cứu của IARC về sự gia tăng ung thư trên toàn cầu đã thu thập thông tin từ các kho dữ liệu về ung thư trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong khi diện bao phủ của dữ liệu là 100% trẻ em ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì nó chỉ chiếm 5% hoặc thấp hơn ở châu Phi và châu Á, nơi thông tin này không được thu thập thường xuyên.
Ở những nước nghèo, một số bệnh ung thư ở trẻ em không bao giờ được chẩn đoán và số tử vong của trẻ sẽ không được ghi nhận. Các yếu tố xã hội có thể giải thích tại sao số lượng bệnh nhân ung thư ở trẻ em gái và trẻ sơ sinh rất thấp.
Bà Anna Perman, quản lý thông tin khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư của Anh, cho biết: “Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ hơn về các triệu chứng của bệnh ung thư ở trẻ em, giúp các bác sĩ phát hiện những người trước đây có thể đã chết mà không được chẩn đoán. Không chắc là yếu tố môi trường mà trẻ em tiếp xúc trong những năm đầu đời hay trong quá trình phát triển trong bụng mẹ đóng vai trò lớn trong sự gia tăng này. Mặc dù một số yếu tố môi trường và lối sống có đóng vai trò trong việc bệnh ung thư đang gia tăng, nhưng những yếu tố này thường mất nhiều năm mới ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư và không chắc gây ra ung thư ở trẻ”.
Nguồn: Tiasang.com.vn