Tế bào gốc tại Việt Nam

Nguyễn Ngọc Lương

Administrator
Staff member
TTCT - Tháng 7-2005, một thông tin chấn động được công bố trên các mạng tin tức về y học, về tế bào gốc cũng như các cơ quan báo chí lớn như báo Washington Times, Đài truyền hình CNBC...

Một công ty Singapore đã nghiên cứu thành công việc phát triển tế bào gốc từ một bộ phận đặc biệt mà trước đây ít nhà khoa học nào chú ý là cuống dây rốn.

Một hướng đi đột phá đối với ngành tế bào gốc. Điểm bất ngờ là người chủ trì dự án là một nhà khoa học VN: PGS.TS Phan Toàn Thắng.

Sau hơn hai năm bắt tay vào nghiên cứu tế bào gốc nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan, một sự kiện tình cờ mang tính bước ngoặt đến với TS Thắng: nghe tin vợ người bạn sinh con, Thắng liền xin bộ nhau thai và cuống dây rốn để nghiên cứu. Chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả thu được đã cho một hướng đi mang tính đột phá trong ngành tế bào gốc: thay vì sử dụng máu dây rốn để lấy tế bào gốc thì Thắng sử dụng màng lót cuống rốn. Phát minh này có thể tạo nên cuộc cách mạng trong điều trị.

Trước đây để lấy tế bào gốc người ta thường phải lấy từ tủy, xương và máu, rồi lấy từ dây rốn của thai nhi hoặc là hủy thai nhi để lấy tế bào gốc. Các cách này gặp rất nhiều vấn đề như đạo đức, số lượng tế bào gốc không nhiều. Trong khi cách lấy từ màng lót cuống rốn đạt được hàng loạt tính năng ưu việt hơn. Điểm đầu tiên là trẻ sơ sinh nào cũng có cuống rốn nhưng thường bị vứt đi, cách lấy cũng đơn giản chứ không phức tạp như lấy ở các bộ phận khác. Việc lấy tế bào gốc ở cuống dây rốn cũng không gây nguy hiểm về tính mạng như các cách khác. Trong màng lót cuống rốn cũng có đủ hai tế bào chính là biểu mô và trung biểu mô mà ở những nơi khác khó có cùng một lúc hai loại. Do đó tế bào gốc màng lót cuống rốn có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào hơn như tủy, sụn, xương, da...

imageviewca320hw2yn6.jpg
Cuống rốn nối thai nhi với mẹ
Một ưu thế khác là số lượng và khối lượng tế bào gốc lấy từ màng lót cuống rốn thật sự vượt trội. Trung bình một cuống dây rốn dài 55cm, bán kính 1cm. Nếu tách màng lót và trải ra trên một bề mặt thì có diện tích khoảng 330cm2, tương đương một trang giấy A5. Sau ba tuần nuôi cấy tế bào gốc biểu mô và trung biểu mô có thể lên đến con số 6 tỉ. Cách này không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con trong quá trình thu giữ dây rốn. Điều này rất quan trọng, đặc biệt ở Mỹ và các nước phương Tây.

Một trong những ứng dụng đầu tiên của tế bào gốc lấy từ màng lót cuống rốn là điều trị vết bỏng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 27 triệu người bị bỏng, 7 triệu người trong số đó phải nằm viện và hơn 1 triệu người chết vì các vết bỏng quá nặng. Những thí nghiệm trên người của nhóm nghiên cứu cho thấy kết quả vượt trội. Chỉ từ 3-7 ngày vết thương sẽ lên da non và kiểm tra sau ba tháng thì vết thương vẫn phát triển bình thường mà không có sự thải loại.

PGS.TS Phan Toàn Thắng:

- Từ năm 1991-1995 làm bác sĩ điều trị ở Viện Bỏng quốc gia.

- 1995 sang ĐH Oxford làm thực tập sinh.

- 1997 về nước, sau đó sang Singapore làm ở Bệnh viện ĐH Quốc gia Singapore.

- 2002 sang Mỹ nghiên cứu ở ĐH Stanford.

- Người đầu tiên trong hai năm liền được giải thưởng khoa học trẻ của Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia Singapore.

- Giải thưởng khoa học quốc tế của Hội đồng nghiên cứu phẫu thuật tạo hình Mỹ 2001.

- Năm 2003 được chọn báo cáo ở hội nghị khoa học hàng đầu Gordon.

- Tham gia nhóm đầu tiên trên thế giới nghiên cứu việc tương tác của biểu mô và trung biểu mô.

Triển vọng điều trị của tế bào gốc lấy từ cuống dây rốn là rất lớn. TS Thắng cho rằng khi cần thiết chúng ta có thể dùng tế bào cuống dây rốn đã bảo quản để điều trị nhiều loại bệnh như: bỏng, tổn thương da, gãy xương, teo cơ, tổn thương sụn và gân, liệt tủy, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, Parkinson... và thậm chí có thể dùng cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp. Chính nhờ việc tách được biểu mô và trung biểu mô cho thấy khả năng nuôi cấy nhiều bộ phận khác nhau. Trung biểu mô có thể nuôi gân, dây chằng. Hay đối với người bị teo cơ thì tiêm tế bào gốc lấy từ trung biểu mô sẽ giúp hồi phục. Nuôi cấy mô dùng tế bào gốc còn có thể làm liền vết thương, vết bỏng với tốc độ hồi phục nhanh và giá cả rất rẻ so với cách nuôi cấy da. Không dừng ở đó, tế bào gốc từ cuống rốn có thể nuôi cấy thành tế bào võng mạc rồi nuôi cấy tế bào nan lông để tạo tóc, lông. Biểu mô cũng làm được nhiều thứ như nuôi cấy bề mặt da, bàng quan, thực quản, gan, giác mạc. Tính đến nay phòng thí nghiệm của TS Thắng đã nuôi thành công tế bào mô, cơ, da.

Các khả năng ứng dụng khác đang được nghiên cứu rất đa dạng gồm: sản xuất tế bào gốc insulin, các loại nơtron thần kinh, thay thế các tế bào tủy sống, tái sinh xương và xương sống, chữa bệnh gan và tái sinh tế bào gan, tái sinh tim.

Kế hoạch thúc đẩy thương mại hóa cho tế bào gốc cuống rốn đang được TS Thắng triển khai mạnh mẽ. Các phát minh về chất điều trị sẹo, da nano, cuống rốn đều đã được đăng ký bản quyền tại Mỹ từ tháng 8-2004. Anh cũng liên tiếp thành lập hai công ty là Công ty CellResearch để thương mại hóa sản phẩm và Công ty Cordlab như một ngân hàng để trữ tế bào gốc dây rốn. Công ty của anh đang đàm phán với các ngân hàng dây rốn trên thế giới để có được lượng dây rốn lớn cho tương lai.


Tháng 3-2006, khi TS Thắng về VN dự hội nghị miễn dịch đã gặp GS Phạm Mạnh Hùng, phó Ban Khoa giáo trung ương và cũng là người thầy cũ ở Viện Bỏng quốc gia. Sau khi được TS Thắng chia sẻ về các kết quả nghiên cứu của mình và dự định đưa về ứng dụng ở VN, GS Hùng đã cùng anh đến gặp Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong và một bản đề án về nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc màng lót cuống rốn được soạn thảo.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng một ngân hàng cuống dây rốn cho VN. GS Hùng nhận định rằng việc trữ tế bào gốc trước nhất là hỗ trợ tốt cho những người bệnh. Khi cần đến thì dễ dàng sử dụng vì lấy của người khác có thể bị thải loại. Trữ tế bào gốc màng lót cuống rốn còn có thể bán cho người nước ngoài... VN có hơn 40 triệu phụ nữ, trong đó hơn 10 triệu trong độ tuổi sinh đẻ (20-45 tuổi), mỗi năm dự kiến có 2 triệu phụ nữ sinh con nên ngân hàng có dữ liệu đầu vào khổng lồ. Mỗi gia đình chỉ có hai con nên rất cần giữ để có nguồn tế bào chữa bệnh.

TS Thắng cho rằng qui trình lưu giữ, bảo quản dây rốn bằng đông lạnh rất dễ dàng, rẻ tiền. Trong điều kiện VN, chi phí lưu giữ dây cuống rốn 20 năm chỉ khoảng 1.500-2.000 USD.

Theo đề án, ở giai đoạn đầu (2-3 năm) ngân hàng sẽ nhận các cuống dây rốn vô danh và nghiên cứu một số kỹ thuật cơ bản trong ngành tế bào gốc, gồm có nghiên cứu điều trị một số bệnh thông thường như bỏng và loét... Đến cuối năm 2007 sử dụng tế bào máu cuống rốn để điều trị các bệnh máu ác tính, máu hiếm.

Về tài chính, đề án dự kiến đầu tư 14 tỉ đồng trong ba năm. Giai đoạn 1 (từ nay đến cuối năm 2007) đầu tư 8,6 tỉ đồng, trong đó Mekophar đóng góp 4,5 tỉ, còn Nhà nước hỗ trợ 4,1 tỉ. Sau đó đầu tư thêm 5,4 tỉ trong hai năm tiếp theo.

Giai đoạn 2 sẽ diễn ra việc thương mại hóa ngân hàng và các nghiên cứu. Mỗi gia đình khi ý thức được rằng việc trữ cuống dây rốn sẽ giúp ích cho cả gia đình vì khi một người trong gia đình bị bệnh sẽ có sẵn “nguyên liệu” để điều trị bệnh. Trong trường hợp này phải nộp tiền để trữ lạnh trong vòng 20-30 năm. Những người cần mua thì ngân hàng sẽ bán lại.

Việc thực hiện đề án này cần điều kiện tiên quyết là TS Thắng trao bản quyền kết quả nghiên cứu của anh và điều kiện này đã được đáp ứng. Điều kiện thứ hai là có bộ máy triển khai mạnh và nhóm đề án đã qui tụ được hầu hết những đơn vị mạnh ở VN. GS Hùng nhận định hết sức phấn khởi rằng êkip làm việc có rất nhiều lợi thế. Đó là sự kết hợp của các mô hình công ty và nhà khoa học, Nhà nước và tư nhân làm cho đề án có thể linh hoạt và nhanh chóng đưa vào thương mại hóa, từ đó thúc đẩy nghiên cứu sâu.  

Trích từ nguồn "Tuổi trẻ online thứ 7, 31/3/07"
 
Thiên đường và rào cản của tế bào gốc phôi người

TTCT - 6.000 USD cho lọ tế bào gốc là giá mà Công ty ES Cell International của Singapore đưa ra trên thị trường thế giới. Đó là một cái giá cực rẻ bởi từ lọ tế bào gốc này người ta có thể chữa được những căn bệnh "hot" nhất hiện nay như ung thư, tim mạch, tiểu đường hay quan trọng hơn là thay thế một bộ phận cơ thể mà không sợ bị thải loại.

13.jpg

Điều đáng lưu ý ở chỗ ES Cell International chính là công ty đầu tiên trên thế giới thực hiện kinh doanh tế bào gốc phôi người. Tại sao đó không là một công ty của những cường quốc kỹ thuật như Mỹ, Anh hay Úc mà lại là một công ty của đảo quốc sư tử bé nhỏ?

Hiện nay trên thế giới có hai loại tế bào gốc chính đó là tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi người. Trong đó tế bào gốc trưởng thành là loại tế bào gốc có nguồn gốc từ những tế bào thuộc một mô đã trưởng thành như máu cuống rốn, tủy sống... Hạn chế của loại tế bào gốc trưởng thành này là chúng không có khả năng biến hóa đa dạng. Ví dụ như tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy sống chỉ có thể tạo ra các tế bào máu mới.

Trong khi đó tế bào gốc phôi người có khả năng biến hóa vô song. Từ một tế bào gốc ban đầu, nó có thể tạo thành bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người như mong muốn và nó cũng là tiền đề để nhân bản vô tính. Tuy nhiên nguồn gốc của nó là lấy từ một bào thai người 4-5 ngày tuổi.

Ngoài ra còn một loại tế bào gốc nữa là tế bào gốc cuống rốn với khả năng ứng dụng nằm ở giữa hai loại tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi người.

Là một phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, tế bào gốc phôi người được dùng để chữa những căn bệnh nan y, đồng thời có thể khôi phục những loài thú đã tuyệt chủng. Tuy nhiên xét về mặt đạo đức - xã hội, kỹ thuật này gặp rất nhiều rào cản từ mọi phía.

Việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành trên con người bắt đầu vào những năm 1960. Thành công đầu tiên là khi các nhà khoa học áp dụng tế bào gốc trưởng thành vào việc chữa trị chứng bệnh rối loạn chức năng tự miễn dịch vào năm 1968. Kể từ thập kỷ 1970 trở đi, tế bào gốc trưởng thành được áp dụng rộng rãi để điều trị bệnh suy giảm miễn dịch và ung thư máu.

Song song đó, tế bào phôi người cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng. Một trong những người sử dụng tế bào phôi người đầu tiên là nhà khoa học John Enders, người đoạt giải Nobel y học vào năm 1954 nhờ ứng dụng tế bào phôi người vào nghiên cứu virus bệnh sốt bại liệt.

Năm 1994, Ariff Bongso, một nhà khoa học Sri Lanka làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, là người đầu tiên trên thế giới tách thành công tế bào gốc từ phôi người. Tuy nhiên do các trục trặc trong thông tin, thế giới hiện nay công nhận James Thomson của Đại học Wisconsin mới là người đầu tiên làm được việc này vào năm 1998.

Để có được một tế bào gốc phôi người, các nhà khoa học sẽ phải phá hủy một phôi người ở giai đoạn  4-7 ngày tuổi. Đây chính là nguyên nhân khiến kỹ thuật tế bào gốc phôi người gặp nhiều sự phản đối ở các nước Tây Âu.

Đa số các nước có nền khoa học phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức... đều chịu sự tác động rất mạnh của nhà thờ và hiện nay luật phá thai ở các nước này gặp nhiều khó khăn trước khi được thông qua. Và không có gì quá khó hiểu khi nhà thờ kịch liệt phản đối việc sử dụng một bào thai người 4-7 ngày tuổi vào mục đích nghiên cứu.

Trong khối EU có đến 9/15 thành viên cấm nghiên cứu tế bào gốc phôi người. Còn Mỹ, quốc gia có nền kỹ thuật và nghiên cứu hàng đầu thế giới, chính là nước đi đầu trong việc chống đối nghiên cứu tế bào phôi người.

Vào năm 2001, Tổng thống George Bush đã ban hành lệnh cấm dùng tài trợ liên bang cho những nghiên cứu về tế bào gốc nói chung. Và mới nhất vào tháng bảy năm nay, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình Tổng thống Bush đã dùng quyền phủ quyết nhằm chống lại tất cả những nỗ lực để dỡ bỏ lệnh cấm năm 2001 của ông.

Tận dụng cơ hội Mỹ và những nước có nền kỹ thuật hàng đầu thế giới vướng phải một số rào cản về tôn giáo, chính trị không thể nghiên cứu và phát triển tế bào gốc phôi người, các nước châu Á nhận thấy đây là cơ hội cho mình và họ đã không ngần ngại đầu tư rất nhiều tiền vào công nghệ mới này. Và ngày hái quả đã đến.

Năm 2004, một nhóm nhà khoa học Anh sau chuyến tham quan cơ sở vật chất tại bốn điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul và Singapore đã “há hốc mồm” khi tận mắt chứng kiến các phòng thí nghiệm tế bào gốc tại đây vì nó hoàn toàn vượt trội so với phương Tây.

Trên blog của mình, ông Michael Kanellos, biên tập viên của CNET News.com, đã viết một bài với tựa đề “Muốn nghiên cứu tế bào gốc? Hãy đến Singapore”. Ông viết: “Nếu bạn là một nhà nghiên cứu tế bào gốc phôi người, hãy đặt ngay một chuyến bay đến Singapore. ES Cell International đã bắt đầu kinh doanh tế bào gốc phôi người đạt đủ tiêu chuẩn y khoa. ES mạnh dạn tuyên bố cho đến nay chưa có một công ty nào trên thế giới có đủ sức để bán tế bào gốc đủ tiêu chuẩn như của họ. Singapore đặt mục tiêu trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ sinh học và dược phẩm, và dùng những ưu đãi đặc biệt để chiêu mộ nhân tài trên khắp thế giới trong lĩnh vực này”.

Theo số liệu từ Chính phủ Singapore, từ năm 2000 đến nay, nước này đã chi 949 triệu USD cho công tác nghiên cứu công nghệ sinh học và dự định chi một số tiền tương đương trong vòng năm năm tới. Ngoài ra Singapore cũng cho biết sẽ chi 8,2 tỉ USD cho công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), đặc biệt trong lĩnh vực tế bào gốc trong vòng năm năm tới.

Đi đôi với trang thiết bị hiện đại là một chính sách tuyển mộ nhân tài khôn ngoan mà người được giao trọng trách này là giáo sư Philip Yeo. Ông Philip Yeo đã đi khắp thế giới với khẩu hiệu: “Hãy đến Singapore và hoàn thành công trình của bạn ở đó”. Sáu năm lang thang khắp thế giới của Yeo đã không hề vô ích khi có rất nhiều nhà khoa học tên tuổi lần lượt rời bỏ những trường hay viện nghiên cứu danh giá nhất nước Mỹ để đến Singapore làm việc. Hiện tượng này đã được một giáo sư tại Đại học Stanford gọi là “chảy máu chất xám”.

Năm 2002, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực tế bào gốc chuyển sang Singapore làm việc. Đó là Alan Colman, nhà khoa học Anh đứng đầu nhóm nhân bản vô tính thành công cừu Dolly vào năm 1997 (đầu quân về ES Cell Intemational với cương vị trưởng phòng khoa học). Năm 2003, Jackie Ying, giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Viện Công nghệ Massachusettes, rời trường để đến Singapore.

Đầu năm nay, thêm hai tên tuổi nữa: giáo sư Edward Holmes và vợ Judith Swain - hai trưởng khoa tại Đại học California (Mỹ) - từ bỏ mức lương 450.000 USD/năm để sang làm việc tại Singapore.

Thức thời chậm hơn Singapore nhưng hiện Ấn Độ đang nổi lên trong phát triển công nghệ sinh học cao. Lợi thế của Ấn Độ là sở hữu một số dân khổng lồ nên không cần phải đầu tư quá nhiều cho việc tuyển mộ nhân tài. Đạo Hindu không đề cập việc nghiên cứu tế bào gốc phôi người, ngoài ra Ấn Độ buộc phải phát triển tế bào gốc phôi người, bởi vì kỹ thuật này chính là chiếc phao duy nhất giúp Ấn Độ chữa được số bệnh nhân ngày càng nhiều trong tổng dân số ngày càng tăng của nước này.

Trong giai đoạn 2005-2007, Ấn Độ dự định sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu tế bào gốc ở ít nhất 24 thành phố trên toàn quốc gia. Trong năm 2005, đã có 1.000 phụ nữ tự nguyện hiến máu cuống rốn của con họ (một nguyên liệu để tạo ra tế bào gốc) và con số này tăng lên rất nhiều trong năm nay.

Ngoài Singapore và Ấn Độ, tại châu Á không thể không nhắc đến ba nước Đông Bắc Á là Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nổi bật nhất trong ba nước này là Hàn Quốc với công trình nhân bản vô tính thành công một số động vật.

Trong năm 2001, Trung Quốc đã quyết định chi 36,3 triệu USD để thành lập một ngân hàng tế bào gốc, một trung tâm cấy ghép và một trung tâm phát triển kỹ thuật tế bào gốc. Cũng tương tự như Singapore, Trung Quốc chưa thể đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, do đó cách duy nhất là phải chiêu mộ nhân tài từ những trường đại học hàng đầu của Mỹ.

Dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng rất nhiều chuyên gia cho rằng phải còn rất lâu các nước châu Á mới có thể ứng dụng kỹ thuật tế bào gốc vào công tác chữa bệnh thật sự. Các chuyên gia nhận định các nước châu Á chỉ có thể phát triển trong giai đoạn ngắn chứ không thể đủ sức để đi một chặng đường dài hơi.

Xét về tiềm lực tài chính, số tiền của Chính phủ Singapore đưa ra (đã nói ở trên) hay như 27 triệu USD trong hai năm mà Chính phủ Hàn Quốc chi cho việc nghiên cứu tế bào gốc không thấm tháp gì so với số tiền 27 tỉ USD mà Viện Sức khỏe quốc gia của Mỹ chi ra mỗi năm.

Thứ hai về nhân sự. Hiện nay ở châu Á chưa có trường đại học nào có đủ khả năng tự đào tạo ra những nhà khoa học đủ đẳng cấp để có thể tạo đột phá trong lĩnh vực tế bào gốc. Ngay cả một nước có dân số đông nhất thế giới như Trung Quốc cũng phải nhập khẩu những nhà khoa học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Hay như Singapore - được mệnh danh là thiên đường của tế bào gốc - rất khó tìm được một nhân tài chỉ với vỏn vẹn 4,4 triệu dân.

Với tiềm lực hơn hẳn, những nước phương Tây đã bắt đầu rục rịch thực hiện những cuộc đầu tư lớn trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Chỉ riêng tại bang Califomia, thống đốc bang Amold Schwarzeneger đã hứa sẽ chi 150 triệu USD để nghiên cứu tế bào gốc. Tuy nhiên dự án bị trì hoãn do chưa được phép.

Một khi Mỹ không được phép nghiên cứu tế bào gốc, tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực này trên toàn thế giới có thể nói như rắn không đầu. Dù các nước châu Á có phát triển đến đâu đi nữa thì những phương tiện hiện đại nhất vẫn thuộc về nước Mỹ. Do không được phép của chính phủ, các nhà khoa học Mỹ vẫn đang loay hoay với 21 dòng tế bào gốc cũ nên vẫn chưa tạo được bất kỳ bước đột phá nào trong lĩnh vực này.

Đây là một sự lãng phí vô cùng đối với điều kiện cơ sở vật chất và nhân tài mà nước Mỹ đang sở hữu. Và trong tương lai không xa, khi mà kỹ thuật tế bào gốc không còn gặp phải những rào cản đạo đức - xã hội, Mỹ có lẽ sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu ở ngành khoa học tiên tiến này.

Đức: Cấm nghiên cứu tế bào gốc lấy từ phôi của người Đức nhưng cho phép nghiên cứu đối với tế bào nhập khẩu hợp pháp, và được phép hỗ trợ công khai cho nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi động vật.

Pháp: Cho phép sử dụng phôi người để nghiên cứu tế bào gốc nhưng cấm nhân bản vô tính.

Anh: Cho phép nghiên cứu tế bào gốc người với mục đích chữa bệnh với điều kiện sử dụng phôi thai bị bỏ trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Nhân bản vô tính phôi để nghiên cứu bệnh tật cũng được cho phép.

Thụy Điển: Cho phép nghiên cứu tế bào gốc sử dụng phôi người bị bỏ trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Thụy Điển đã tạo ra 10% lượng tế bào gốc hiện hữu trên toàn thế giới.

Israel: Không có luật chính thức và gặp ít sự phản đối từ cộng đồng. Những nhà nghiên cứu tại hai trường đại học đã tạo ra được bốn dòng tế bào gốc và đang trong quá trình tạo thêm nhiều dòng nữa.

Úc: Cấm hoàn toàn công nghệ nhân bản vô tính nhưng chưa nhất trí về việc nghiên cứu tế bào gốc.

Nhật: Luật cho phép nghiên cứu trên phôi người bị bỏ trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Nếu nhân bản vô tính sẽ bị phạt tối đa 10 năm tù và 90.000 USD.

Singapore: Thành lập một đội ngũ gồm các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học tự nhiên và luật để nghiên cứu vấn đề đạo đức trong nghiên cứu công nghệ sinh học. Đại học Quốc gia Singapore đã tạo ra sáu dòng tế bào gốc và đang được ES Cell International kinh doanh.

Trung Quốc: Nghiên cứu trên tế bào phôi bị cấm, tuy nhiên nước này cho phép nghiên cứu tế bào gốc có nguồn gốc từ máu cuống rốn.

Trích từ báo Tuổi trẻ online thứ 7 31/3/2007
 
Em cũng là một fan hâm mộ anh Phan Toàn Thắng như a Lương vậy. Hồi đi dự hội nghị về tế bào gốc, công trình của a Thắng làm em cảm thấy bất ngờ lắm. Vì trước giờ người ta chỉ dùng máu cuống rốn trong điều trị nhưng tiềm năng biệt hóa của nó không cao và vẫn gây phản ứng thải loại khi ghép. Còn các tế bào màng lót cuống rốn thì hầu như vượt qua được cả hai vấn đề trên. Tại sao một nguồn tế bào kì diệu như vậy lại bị con người bỏ quên trong suốt một thời gian dài.
Nhưng nói chung, nghiên cứu về tế bào gốc ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế nhiều lắm. Cả việc đi xin mẫu về làm cũng còn nhiều khó khăn. Những doanh nghiệp có thể bỏ ra tiền tỉ để đầu tư vào tế bào gốc như Mekophar cũng không nhiều. Hi vọng trong tương lai, nghiên cứu về tế bào gốc ở Việt Nam sẽ phát triển hơn.
 
Em không thường xem báo Tuổi trẻ nên không biết , vô tình lên đây lại gặp bài này hay quá ! Vậy là em có thêm tư liệu mới để bổ sung vào bài Seminar ngày mai rùi . ?:?
Cảm ơn anh Lương nhiều nhiều ?:p
Have a nice day , everybody!
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top