Phụ gia biến thịt heo thành bò

00792

Moderator
Staff member
TT - Nhiều loại phụ gia, gia vị dùng để biến thịt heo thành thịt bò có nguồn gốc từ Trung Quốc đã xuất hiện phổ biến ở các chợ phía Bắc đang gây lo ngại cho người tiêu dùng.
ImageView.aspx
Những hóa chất vị bò này được bày bán công khai ở các cửa hàng bán phụ gia chế biến thức ăn tại phố Hàng Buồm (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Hà Khảo sát của Tuổi Trẻ tại chợ đồ khô thực phẩm Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Đào Duy Từ (Hà Nội) cho thấy đang có rất nhiều gia vị tạo hương thịt bò, nước “tinh bò” trên thị trường.
Không rõ nguồn gốc
Tại chợ Đồng Xuân, đầu mối bán buôn hàng hóa lớn nhất Hà Nội, có gần 100 gian hàng bán đồ khô, gia vị, phụ gia. “Từ gia vị bò kho, xốt tiêu bò, hoa hồi làm xốt vang bò, đến loại phụ gia đặc biệt hảo hạng là bột hương vị bò và nước tinh bò nhà tôi có đủ. Nếu mua nhiều bột hương vị bò tôi lấy giá hữu nghị 500.000 đồng/kg, còn nước tinh bò là 400.000 đồng/can 1 lít...” - chị C.T.L., chủ quầy hàng ở tầng 1 chợ Đồng Xuân, cho hay. Theo chị L., chỉ cần một lượng nhỏ bột hương vị bò có thể làm thịt heo có mùi vị giống y thịt bò.
Loại bột hương vị bò và nước tinh bò này được hầu hết chủ cửa hàng khẳng định là “made in Việt Nam”, nhưng trên bao bì không hề thấy nhãn mác, nguồn gốc cũng như hướng dẫn sử dụng. Công thức, liều lượng dùng hai loại phụ gia này chỉ do các chủ quầy truyền miệng, chẳng hề có nhãn hiệu tiếng Việt hay hướng dẫn sử dụng như chủ hàng cam kết.
Mở gói bột gia vị quan sát, loại bột có tên hương vị bò bán ở chợ Đồng Xuân có màu trắng ngà, nước tinh bò có màu vàng chanh và mùi ngái. Hai loại phụ gia này có giá không thống nhất ở mỗi quầy hàng. Cùng loại nước tinh bò chị L. bán 400.000 đồng/can nhưng bà H.A., chủ một quầy hàng khác ở chợ Đồng Xuân, chào hàng với giá 300.000 đồng/can. “Giá của loại phụ gia này cũng như các loại phụ gia, gia vị, đồ khô khác biến động theo ngày, tùy theo giá nhập về từ Trung Quốc. Nhưng nếu mua với số lượng lớn chúng tôi sẽ khuyến mãi dịch vụ chở đến tận nơi và giảm giá” - bà A. nói.
Theo chị L.N. - một chủ hàng ở đây, hầu hết khách mua các loại bột trên là các hàng phở bò. “Họ thường mua bột hương vị bò về cho vào nước dùng phở để tăng thêm mùi vị bò” - chị N. nói. Không chỉ bột hương vị bò, tại đây các quầy hàng còn bán cả bột hương vị gà, hương vị hải sản và nhiều loại hương vị khác. Quy định hiện hành là sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tên nhà sản xuất, sản phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, tên và địa chỉ nhà nhập khẩu, không công bố tiêu chuẩn chất lượng sẽ bị thu hồi, nhưng hình như đã bị quên thực hiện ở chợ đầu mối bán buôn lớn nhất Hà Nội này.
Kiểm tra phụ gia
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-4, ông Nguyễn Công Khẩn - cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế - cho rằng gia vị có thể tạo mùi vị, màu sắc thịt heo giống thịt bò, nhưng bản chất không thay đổi vì thớ thịt khác nhau, thịt bò có cấu trúc gân, cơ khác thịt heo và khi ăn, cảm nhận thịt heo và thịt bò cũng khác nhau. “Sau khi có thông tin xuất hiện phụ gia biến thịt heo thành thịt bò ở Trung Quốc, chúng tôi đã lập kế hoạch tập trung kiểm tra phụ gia thực phẩm ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM” - ông Khẩn cho biết.
Theo ông Khẩn, đã có nhiều tin đồn về những loại thực phẩm, phụ gia lạ như trứng gà giả, mực khô làm từ cao su... nhưng qua kiểm tra chưa phát hiện những thực phẩm lạ như vậy ở VN. “Có sự nhẫm lẫn giữa thực phẩm kém chất lượng và sản phẩm làm giả bằng phương pháp hóa học. Năm nay chúng tôi sẽ lấy mẫu và xét nghiệm nhiều ở nhóm thực phẩm ăn sẵn, thực phẩm có sử dụng phụ gia. Người dân rất lo ngại chất lượng nhóm thực phẩm này nhưng chưa có đánh giá nào lớn để người dân an tâm” - ông Khẩn cho biết.
LAN ANH - NGUYỄN HÀ

Trung Quốc lúng túng với “cao thịt bò”
Nghi vấn về vụ bê bối “cao thịt bò” có thể biến thịt heo thành thịt bò trong tích tắc chưa được cơ quan chức năng làm rõ thì ngày 20-4 tại khu Nam Hải, thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) lại xuất hiện thông tin viện kiểm sát địa phương đang xử lý vụ sản xuất 16 tấn thịt bị biến đổi tính chất để bán ra thị trường hơn một năm qua.
Theo điều tra ban đầu, các cơ sở chế biến thịt bò giả này đã “dùng một hỗn hợp có chứa chất sodium borate, bột đậu, đường, muối, huyết heo, chất tạo mùi để tạo chất dính, ngâm và nhuộm thịt heo thành thịt bò” - ông Âu Minh Vũ, phó viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Đông, mô tả.
Chưa rõ loại công nghệ này có liên quan đến công nghệ dùng “cao thịt bò” như Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin ngày 18-4 hay không, nhưng ông Đàm Mậu Đông, chủ sản xuất loại thịt trên, cho biết đã bắt đầu “hô biến” thịt heo thành thịt bò từ ngày 26-7-2010. Cơ quan kiểm định chất lượng thành phố Phật Sơn cho biết lượng sodium borate trong mỗi ký thịt bò giả này lên đến 3.800mg/kg, vượt mức cho phép rất cao. Ông Đàm khai rằng với hỗn hợp hóa chất trên, chỉ với 250kg thịt heo, sau khi ngâm xong sẽ biến thành 350kg thịt bò!
Giới chuyên gia y tế Phật Sơn cho biết chất sodium borate có tác dụng tạo độ dai cho thịt và có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt trẻ em nếu hấp thụ từ 2-15gr có thể tử vong và Trung Quốc đã cấm sử dụng chất này trong chế biến thực phẩm từ năm 2009.
Liên quan đến chất cao thịt bò, báo Pháp Chế Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cho rằng loại phụ gia này có chứa chất creatin (chất tạo cơ), amino acid, nucleotide, proteinum hydrolysatum, các loại chất có tính men hữu cơ, các loại hóa chất có tính vitamin và khoáng chất. Loại hỗn hợp này thuộc nhóm phụ gia được dùng rộng rãi để lên men trong bào chế thuốc sinh học. Tác dụng chủ yếu của chất “cao thịt bò” dùng để bổ sung các chất có tính đạm nhưng chỉ sử dụng với liều lượng 0,3-0,5%.
Trong khi đó, Sở Công thương thành phố Quảng Châu cho rằng “cao thịt bò” là chất phụ gia được lưu hành hợp pháp trên thị trường. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao người tiêu dùng vẫn hoang mang khi xuất hiện thông tin về “cao thịt bò” trong mấy ngày qua. Theo báo Pháp Chế Trung Quốc, “cao thịt bò tồn tại hợp pháp” không có nghĩa là chất này đang được “sử dụng hợp pháp”, bởi đối tượng tiêu thụ loại “cao” này là những cơ sở chế biến thực phẩm liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân và vụ việc cũng chỉ được phanh phui xuất phát từ nỗi lo lắng an toàn thực phẩm của người dân Trung Quốc trong thời gian gần đây trong bối cảnh chuỗi bê bối thực phẩm liên tục xuất hiện từ đầu năm 2011 đến nay.
Cùng ngày với sự kiện “cao thịt bò” được đưa ra (ngày 18-4), tại thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) đã phát hiện 25 tấn giá nhiễm các hóa chất độc hại, có thể gây ung thư đang được bán ra thị trường. Sở Nông nghiệp thành phố Thẩm Dương cho biết số giá trên nhiễm các hóa chất sodium natri, urê và enrofloxacin do sáu cơ sở sản xuất ở thành phố này đã thêm các chất trên để tăng lợi nhuận.
Chuỗi sự kiện bê bối thực phẩm liên tiếp đã khiến người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, phải cảnh báo rằng đất nước này đang phải hứng chịu “sự suy đồi về đạo đức và không lương thiện” khi các vụ bê bối sữa độc, bánh bao độc, thịt độc xuất hiện hết lần này đến lần khác. “Các sự kiện này đã cho thấy sự cấp bách về vấn đề xây dựng đạo đức và văn hóa hiện nay ở Trung Quốc. Không có những công dân chất lượng cao hay sự bền vững về đạo đức, Trung Quốc không thể trở thành một nền kinh tế lớn hay một nước mạnh” - Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo thẳng thắn nói với giới cố vấn nhà nước hôm 14-4.
MỸ LOAN
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top