Loay hoay công nghệ sinh học Việt Nam

Lê Đức Dũng

Senior Member
Tự nhiên đọc được bài này....

theo www.thanhnien.com.vn , 04/05/2011
Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong những mũi nhọn trọng tâm để phát triển nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tạo hiệu quả kinh tế cao cho nông sản VN. Thế nhưng sau bao nhiêu năm đầu tư, nghiên cứu, CNSH tại VN vẫn đang loay hoay tìm một lối đi hiệu quả.
“Chính quy” ì ạch
Tham gia vào hệ thống nghiên cứu và phát triển giống cây trồng cả nước hiện có 18 viện, trung tâm và 6 trường đại học nông nghiệp phân bố ở các vùng sinh thái khác nhau. Với chủ trương đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNSH phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay, một số viện, trường nông nghiệp đã đầu tư xây dựng các phòng nuôi cấy mô tế bào hoặc bộ môn CNSH phục vụ nghiên cứu và giảng dạy với mức độ hiện đại khác nhau. Đó là chưa kể các cơ quan có tiềm lực về CNSH khác có thể phục vụ công tác chọn giống cây trồng như Viện CNSH (tại Hà Nội), Viện Sinh học nhiệt đới (tại TP.HCM), Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
congnghesinhhoc.jpg
Hơn 10 năm nay, TS Dương Công Kiên đã dành rất nhiều công sức, tiền của đầu tư một khu nghiên cứu giống bài bản ở Q.12 (TP.HCM) - Ảnh: Q.T
Hiện nay cả nước đã có 40 phòng nuôi cấy mô hiện đại và nhiều trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương. Tuy nhiên, ngoại trừ một số loại cây trồng như bắp, cà phê, điều, sắn... có được một số thành tựu nhất định trong việc tạo giống, hầu hết các loại trái cây, rau củ, hoa kiểng... khác đều phụ thuộc vào nguồn giống ngoại nhập.


Mỗi lần lai tạo thành công một giống hoa gì, đều có rất nhiều người liên hệ hỏi mua, nhưng sức mình hạn chế, thật sự cung cấp không đủ trước yêu cầu quá lớn - TS Dương Công Kiên, ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM

Ông Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm CNSH TP.HCM - cho biết: “Hiện nay hệ thống cấy nuôi ngập chìm tạm thời là một công nghệ mới đang được trung tâm sử dụng nhân giống trên nhiều đối tượng cây trồng. Công nghệ này có thể nói là ngang bằng hoặc hơn cả Thái Lan. Nhưng số lượng cây giống mà trung tâm sản xuất được đến nay còn rất hạn chế, bình quân mỗi năm sản xuất được 350.000 cây, nếu so với nhu cầu thị trường hiện nay từ 5-7 triệu cây thì không thấm vào đâu”.
Tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ tỉnh Phú Yên, từ khi thành lập từ năm 2001 đến nay, cơ sở nuôi cấy mô hầu như chưa được trang bị các thiết bị khác phục vụ chọn giống, lai tạo và kiểm tra độ sạch bệnh trên cây trồng nên hoạt động rất hạn chế. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại đây chỉ gắn bó tại phòng nuôi cấy mô được khoảng 2-3 năm là... xin nghỉ.


Giống ngoại lấn át giống nội
Thị trường hiện đang tràn ngập các giống cây trồng nhập khẩu. Khối lượng hạt giống cây ngắn ngày sản xuất trong nước hiện nay khoảng 170.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được 56% yêu cầu của thị trường. Hiện các giống lúa lai Trung Quốc đang chiếm đến 75% về chủng loại và khoảng 80% lượng giống được gieo trồng. Các giống bắp (ngô) lai có nguồn gốc nước ngoài cũng chiếm tới trên 30% thị phần tại VN.
Đối với cây công nghiệp, gần như 100% số giống mía hiện nay là giống nhập, chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc và Cuba; 66% giống lạc (đậu phộng) được chọn lọc từ các giống nhập, hơn 50% giống cao su được nhập từ Malaysia và Sri Lanka; giống chè cũng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), cho đến nay, hoa cắt cành sản xuất tại Đà Lạt hầu hết là giống nhập. Thực tế hiện nay chưa có đơn vị, cá nhân nào trong nước tiếp cận nghiên cứu chọn tạo giống hoa mang bản quyền VN, vì vậy xuất khẩu hoa từ VN rất hạn chế.
Trong khi đó, dù là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới nhưng hiện nay tại ĐBSCL, diện tích sử dụng giống xác nhận chỉ đạt khoảng 35% diện tích gieo trồng, 75% là từ giống nhập; gần như 90% nguồn lúa lai bố mẹ cũng phải nhập khẩu.

Tương tự, những kết quả nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cũng chỉ dừng ở mức sưu tập, chọn lọc các giống hoa có triển vọng và đang thử nghiệm và “hứa hẹn” cho ra đời một số loại hoa mới lai tạo như cúc, cẩm chướng, đồng tiền có bản quyền VN trong... tương lai gần. Do quy mô nhỏ nên giá thành sản xuất cao và từ đó không mang lại hiệu quả. Đây cũng là tình trạng chung của các trung tâm nghiên cứu CNSH tại các tỉnh.
Theo đánh giá của một số nhà khoa học ngành giống cây trồng, hiện nay việc lai tạo giống mới bằng CNSH mới dừng lại ở nghiên cứu trong phòng hoặc thử nghiệm diện hẹp, chỉ một số ít kết quả được đưa ra thị trường nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Tư nhân tự “bơi”
Nếu hoạt động nghiên cứu CNSH của các viện, trung tâm còn hạn chế thì các doanh nghiệp trong nước, công ty nước ngoài hoặc liên doanh phần lớn chỉ tập trung vào các sản phẩm hạt giống lai, đặc biệt là ngô và rau lai do các giống này có khả năng sinh lợi cao.
Một trong những cá nhân tâm huyết với CNSH là TS Dương Công Kiên (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM). Hơn 10 năm nay, ông đã dành rất nhiều công sức, tiền của đầu tư một khu nghiên cứu giống bài bản ở Q.12 (TP.HCM). Đến nay, TS Kiên đã xây dựng dược quy trình nhân giống hoa hồng, ươm tạo thành công nhiều loại hoa phong lan, sung Mỹ và đang sưu tập các giống chuối bản địa và ngoại nhập để nhân giống và cung cấp cho nông dân.
TS Kiên bộc bạch: “Thị trường giống cây trồng hiện nay có nhu cầu rất lớn và người nông dân thật sự khao khát những giống mới, hiệu quả. Ngay như trường hợp của tôi, mỗi lần lai tạo thành công một giống hoa gì, đều có rất nhiều người liên hệ hỏi mua, nhưng sức mình hạn chế, thật sự cung cấp không đủ trước yêu cầu quá lớn”.
Ông Phạm S - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Là vùng hoa lớn nhất của nước nhưng diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nguồn giống chưa chủ động. Công tác chọn lọc nhân giống thực tế chủ yếu do nông dân tự thực hiện, việc nghiên cứu của các đơn vị, trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kết quả nghiên cứu giống còn chậm so với thực tiễn. Phần lớn việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất của nông dân là do tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau”.
Trong một hội thảo về CNSH trên cây hoa gần đây ở TP.HCM, ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt - thông tin: “Tại Đà Lạt hiện nay có trên 46 cơ sở nuôi cấy mô, đủ sức cung cấp cho thị trường. Trong lần đi khảo sát, vận động thành lập câu lạc bộ cấy mô, đoàn của hiệp hội chúng tôi nhận thấy rằng các viện, trường, trung tâm tại Đà Lạt được đầu tư hết sức hiện đại để xét nghiệm, đọc gien, test về virus... Vấn đề là các trung tâm, trường, viện lại không có kỹ sư cao cấp để... đọc phim. Nói chính xác, nông dân hiện nay đều là tự học lóm, học mót, hầu hết áp dụng theo kinh nghiệm, tập quán, và nếu muốn học cũng không biết học ở đâu, chính vì vậy sẽ không thể tiến xa được... Nông dân chúng ta vẫn đang phải tự bơi, trình độ kiến thức thì hạn chế nên chỉ dừng ở mức tự cung cấp sản phẩm trong nước chứ chưa thể vươn xa được”.
Quang Thuần
 
Lâu nay, chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều giấy mực, hội nghị, hội thảo, mô hình... để tìm ra giải pháp cho việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn. ít ai biết rằng, ứng dụng công nghệ sinh học đang được xem là điều tất yếu để đạt tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, đủ năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, do thiếu một “nhạc trưởng” xứng tầm, việc ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất vẫn là điều xa vời với bà con nông dân và cụm từ “công nghệ sinh học” càng trở nên mông lung...


Bài 1: Công nghệ sinh học ngày càng chiếm ưu thế trong nông nghiệp thế giới



Tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, hệ thống giống cây trồng – vật nuôi kém năng suất, môi trường sinh thái mất cân đối và những vụ ngộ độc thực phẩm liên tục gia tăng trong thời gian qua... khiến nhiều nước trên thế giới phải đau đầu nghiên cứu nhằm tìm ra hướng đi mới và bền vững cho nền nông nghiệp. Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất đã và đang mang lại lới ích to lớn cho nhiều quốc gia.

Lợi ích của công nghệ sinh học

Trước những thách thức về tăng dân số toàn cầu (vào năm 2020 sẽ có 9 tỷ người, năm 2050 sẽ là 12 – 15 tỷ người) và xu thế giảm tăng trưởng sản lượng lương thực do nạn phá rừng, xói mòn, dinh dưỡng đất đai cạn kiệt, môi trường khí hậu thay đổi, thiếu đất canh tác do công nghiệp hoá và đô thị hoá... việc phát triển CNSH đang là lựa chọn số một của nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy, CNSH là gì? Theo một số tài liệu, CNSH được hiểu là quá trình áp dụng các nguyên lý khoa học và kỹ thuật để biến đổi vật chất bằng các tác nhân sinh học nhằm cung cấp sản phẩm và các dịch vụ. Các tác nhân sinh học chính là vi sinh vật, tế bào thực vật và các enzim. Sản phẩm và các dịch vụ chủ yếu của chúng có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Ngày nay, CNSH đang được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y học... Bằng những kiến thức sinh học về thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn... và sử dụng “công nghệ DNA tái tổ hợp”, các nhà khoa học đang cố gắng tạo ra những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm phục vụ con người.

Hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau về CNSH và cây trồng – vật nuôi biến đổi gien. Người ta đã nêu một số nguy cơ có thể gây hại cho người sử dụng như dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố gây độc lâu dài cho cơ thể... Tuy nhiên, những điều này không chỉ có ở thực phẩm biến đổi gien mà ngay cả thực phẩm truyền thống cũng có thể gây dị ứng với cơ địa của một số người; dược phẩm tuy chữa được bệnh nhưng cũng tồn tại những yếu tố gây hại. Trên thực tế, đối với những nơi ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, bà con không phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh và phân bón hoá học, thậm chí có thể giảm được 15 - 30% lượng thuốc trừ sâu so với cách làm truyền thống. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp còn giúp tăng năng suất cây trồng – vật nuôi, tăng thu nhập, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Điều dễ nhìn thấy nhất là sản phẩm CNSH đang mang lại lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho nhiều quốc gia. Theo ông Clive James, Chủ tịch Hội đồng giám đốc Cơ quan quốc tế về ứng dụng CNSH nông nghiệp (ISAAA), trong thập niên đầu tiên trồng cây áp dụng CNSH (1996 – 2005), lợi ích kinh tế mang lại cho các nước là 27 tỷ USD, thuốc trừ sâu giảm được 172.000 tấn (tương đương 15% tổng lượng sử dụng cho cây trồng). Hiện đã có 22 nước, chiếm 55% dân số và 52% diện tích trên thế giới trồng cây biến đổi gien với tổng diện tích 102 triệu ha, tăng 60 lần trong vòng 11 năm (năm 1996, toàn thế giới chỉ có 1,7 triệu hecta, năm 2005 là 90 triệu hecta). Riêng tại châu Âu, trong năm 2007 diện tích cây trồng biến đổi gien đã tăng 77% so với năm trước, trong đó chủ yếu là ngô biến đổi gien có khả năng kháng sâu đục thân. Ngô biến đổi gien được trồng lần đầu ở Tây Ban Nha cách đây 10 năm, đến nay đã phổ biến ở Pháp (mỗi năm diện tích tăng 3 lần), Đức, Cộng hoà Séc... và đã có khoảng 1.000km2 ngô cho thu hoạch. Tuy nhiên, con số đó vẫn quá nhỏ so với khoảng 1 triệu km2 cây trồng biến đổi gien đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới.

Những quốc gia tiên phong

Theo nghiên cứu của Trung tâm Chính sách nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia Hoa Kỳ (NCFAP), so với cây trồng thông thường, các loại cây trồng CNSH giúp làm tăng sản lượng lương thực lên 6,6 tỷ pound (1 pound = 0,454kg). Diện tích trồng cây trồng CNSH tại Mỹ hiện là 47,6 triệu ha, tăng 11% so với năm 2003 và chiếm 59% tổng diện tích cây trồng CNSH toàn cầu, nhờ đó doanh thu cũng tăng lên 2,3 tỷ USD. Tài liệu nghiên cứu còn cho thấy, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp có thể làm giảm tới 34% lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Hiện nay, Mỹ có tới 1.300 công ty CNSH với doanh thu hàng năm đạt khoảng 12,7 tỷ USD.

Càng ở những quốc gia có diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp, họ càng coi trọng và dành nhiều ưu ái cho CNSH. Đơn cử như ấn Độ, nước có diện tích canh tác bình quân đầu người tương đối thấp, chính vì vậy họ đã đặt mục tiêu phát triển CNSH trong nông nghiệp lên hàng đầu. Thành công lớn nhất của họ là đã phát triển cây bông biến đổi gien kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt. Chỉ trong 3 năm (2005 – 2007), diện tích bông ấn Độ đã tăng gấp 3 lần, từ 13 triệu hécta lên 35 triệu hécta. Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ ấn Độ, ông Kapil Sibal cho biết: “Hai ngành then chốt là nông nghiệp và dược phẩm sẽ được chúng tôi ưu tiên phát triển dài hạn, trong đó trọng tâm là các cây trồng biến đổi gien nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Chúng tôi không thể nhắm mắt với CNSH trong nông nghiệp, vì như vậy là đi ngược lại mục tiêu duy trì tốc độ phát triển và bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi căn bản của người nông dân và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng”. Đến nay, công nghệ biến đổi gien của nước này đã được áp dụng thành công không chỉ trên cây bông mà còn cho trên 13 loại cây trồng khác như lúa, đậu, cà chua, bắp cải, cà..., đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, làm lợi cho môi trường.

Israel là nước có nhiều sa mạc, hoang mạc rộng lớn, diện tích đất đai thuận lợi để phát triển nông nghiệp rất ít nhưng quốc gia này lại luôn tiên phong trong việc phát triển công nghệ nông nghiệp hiện đại, kiểm soát lượng nước và phân bón, cho sản lượng cao, đảm bảo an toàn sức khoẻ. Hệ thống tưới tiêu ngầm bằng trọng lực của Israel cho phép nông dân ở vùng sâu, vùng xa tưới tiêu cho những thửa ruộng của mình mà không phải phụ thuộc vào điện và máy bơm.

Điều đáng chú ý là, nhờ có CNSH nên việc đưa phân bón, nhất là những thành phần kém hoạt động như phân lân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt chôn dưới lòng đất cũng dễ dàng hơn. Phân bón được bọc trong túi nhựa polime để bảo đảm phân ngấm chậm và truyền dẫn thông qua quá trình khuếch tán, cho phép khai thác phân bón tốt hơn và giảm ô nhiễm nước ngầm. Ưu điểm nổi trội của hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà kính và ngoài trời của Israel là nước nhỏ giọt vào đúng rễ cây, có thể tưới kèm phân bón, tiết kiệm được 30 - 60% lượng nước và phân bón. Bên cạnh đó, công nghệ nhà kính bao gồm các băng phim chất dẻo chuyên dụng, sưởi ấm thông gió và các hệ thống cấu trúc, đã giúp nông dân Israel trồng được hơn 3 triệu bông hồng/ha/vụ và khoảng 300 tấn cà chua/ha/vụ, gấp 4 lần sản lượng trồng ngoài đồng. Ngoài ra, Israel còn ưu tiên sử dụng những hạt giống và cây con giống chống chịu được bệnh tật, bảo quản được lâu và thích nghi với những điều kiện khí hậu khác nhau như dưa hấu không hạt, bí chịu sâu bệnh, dưa chuột năng suất cao, đậu bắp vàng hình tròn, các giống bông lai với những sợi khỏe và dai...

Hiện, 1/3 diện tích cây trồng ứng dụng CNSH là ở các nước phát triển và đang phát triển, trong đó Mỹ là quốc gia hàng đầu trồng cây biến đổi gien, tiếp đến là Argentina: 16,2 triệu hecta (chiếm 20%), Canada: 5,4 triệu hecta (6,7%), Braxin: 5 triệu hecta (6%), Trung Quốc: 3,7 triệu hecta (4,6%)...

Có 4 loại cây trồng biến đổi gien đang được thương mại hóa mạnh nhất, đó là: đậu tương kháng thuốc diệt cỏ (48,4 triệu hecta, chiếm 60% tổng diện tích cây trồng biến đổi gien); ngô kháng thuốc diệt cỏ, bông và cải dầu. Ngoài ra, còn có khoảng 15 loại cây trồng biến đổi gien khác đang phát triển mạnh như cà chua, bầu, đu đủ, thuốc lá, lúa, dứa, dừa, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, củ cải đường, táo, xoài, chuối, lúa mạch,...

Dự kiến, năm 2010, toàn thế giới sẽ có khoảng 150 triệu hecta cây trồng biến đổi gien, doanh thu đạt khoảng 25 tỷ USD.



Công nghệ sinh học Việt Nam đang ở đâu? (theo www.kinhtenongthon.com.vn)
(Bài 2): Nghiên cứu để... cất tủ!
bia%201.jpg
Nhân giống khoai tây sạch bệnh siêu nguyên chủng ở Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Ảnh TTXVN. KTNT - Mặc dù đã đi sau rất nhiều nước, kể cả một số nước trong khu vực ASEAN nhưng đến nay, công nghệ sinh học (CNSH) của Việt Nam vẫn chưa được các ban ngành quan tâm và đánh giá đúng vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào thực tế sản xuất đang bị bỏ ngỏ... Bài 1: Công nghệ sinh học ngày càng chiếm ưu thế trong nông nghiệp thế giới

Công nghệ... chai lọ

Từ lâu, nông dân Việt Nam đã có tập quán ủ và sử dụng phân hữu cơ từ phân gia súc, cỏ rác, lá xanh, thực hiện “sạch làng tốt ruộng”. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, hàng loạt giống lúa mới ngắn ngày năng suất cao tạo ra bằng CNSH đã được đưa vào sản xuất. Ở Lâm Đồng, CNSH được ứng dụng để nhân giống khoai tây, dâu tây, hoa lan, hoa ly bằng kỹ thuật nuôi cấy mô và sản xuất một số loại phân hữu cơ vi sinh. Biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) được triển khai rộng khắp và được nông dân hưởng ứng tích cực cũng là sản phẩm của CNSH. Trong chăn nuôi, phương pháp truyền giống nhân tạo đã được áp dụng rộng rãi. Từ việc thực hiện “lai kinh tế”, đến nay đã chuyển sang hướng lai cải tạo giống, nạc hóa đàn heo và Sind hóa đàn bò. Một số loại vắc xin chế tạo trong nước đã đạt trình độ quốc tế, giúp chúng ta chủ động trong việc phòng dịch cho gia súc, gia cầm.
Thế nhưng, ngoài những thành công trong công nghệ đơn bội lúa, hệ thống vi nhân giống, công nghệ đơn bội ngô, chọn giống bằng phân tử, chuyển gien vật nuôi, sản xuất vắc xin, prôtêin tái tổ hợp... thì trình độ phát triển CNSH của nước ta vẫn rất... lẹt đẹt. PGS. TS. Nông Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận xét: “Hiện tại, ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có trình độ CNSH phát triển nhất, so với thế giới họ chỉ đứng sau các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp. Tiếp đó là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trình độ CNSH của Việt Nam chỉ có thể đứng trên Lào, Campuchia, Mianma và Brunei mà thôi”.
Ai cũng biết, CNSH có thể đem lại giá trị sản lượng gấp 5 – 10 lần so với phương thức canh tác truyền thống, hơn nữa còn giảm được 15 – 30% lượng thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường... Nhưng ở nước ta, CNSH mới chỉ được ứng dụng ở một vài vùng trọng điểm, có khí hậu thuận lợi và đông dân như Đà Lạt (Lâm Đồng) với các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic, đạt giá trị 605 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn đạt 150 triệu đồng/ha. Hà Nội, Hải Phòng ứng dụng CNSH trong trồng hoa, rau trong nhà kính. Nơi áp dụng CNSH nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 1.663ha rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm; hơn 700ha hoa - cây cảnh cho doanh thu 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Hiện, lãi suất do CNSH đóng góp cho doanh thu của 5 nhóm sản phẩm: cây giống; vắc xin thú y; thuốc bảo vệ thực vật; phân bón sinh học; rượu, bia, nước ngọt và hoạt chất làm sạch môi trường mới chỉ đạt vài trăm tỷ đồng/năm, con số khiêm tốn so với một đất nước có tới gần 80% dân số sống bằng nghề nông.
Theo PGS. TS Đỗ Năng Vinh, Phó viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông ngiệp Việt Nam), hầu hết các lĩnh vực CNSH trong nông nghiệp ở nước ta vẫn chỉ là công nghệ... chai lọ, mới hoàn thành được khâu nghiên cứu cơ bản, tính ứng dụng thực tế không cao, đặc biệt là khó mở rộng thành đại trà. Nhiều nhà khoa học cũng thừa nhận, việc nghiên cứu CNSH ở nước ta quá xa rời thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhiều đề tài tồn tại tới... 20 - 30 năm nhưng các nhà khoa học vẫn "cắm đầu" vào nghiên cứu! TS. Nguyễn Việt Thắng (cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới, (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, TP. Hồ Chí Minh từng dự kiến đặt hàng nghiên cứu kỹ thuật tạo giống dứa Cayen nhưng thật ra, giống dứa năng suất này đã được Viện Kỹ thuật nhiệt đới nghiên cứu cách đó... 20 năm. “Thậm chí, có nhiều công trình vừa nghiên cứu xong, chưa kịp tìm hiểu tính thực tiễn thì lại bỏ đấy để đi tìm cái mới. Dẫn đến hậu quả là có nhiều công nghệ chưa bao giờ được thực hiện!”, GS. TS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) ngán ngẩm.
Mơ hồ và luẩn quẩn
Đó chính là thực trạng công tác nghiên cứu CNSH trong nông nghiệp ở nước ta mấy năm gần đây. PGS. TS Phạm Minh Tân, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP. Hồ Chí Minh kể: “Thành phố đang được coi là nơi ứng dụng CNSH mạnh nhất, thế mà trong một lần làm việc với Bộ Khoa học – Công nghệ để xin hợp tác với Cuba về chuyển giao CNSH, một vị lãnh đạo bộ đã ngạc nhiên cho rằng: Liệu TP. Hồ Chí Minh đã có tiềm lực gì về CNSH để hợp tác? Điều đó chứng tỏ, CNSH chưa được các cấp, ngành thực sự quan tâm một cách đầy đủ, luẩn quẩn và còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, số lượng đề tài nghiên cứu về CNSH ở TP. Hồ Chí Minh khá nhiều nhưng việc đưa vào ứng dụng trong sản xuất rất khó do giá thành cao, công nghệ phức tạp”. “Cái khó của các nhà khoa học hiện nay là chỉ biết nghiên cứu chứ không thể tự sản xuất và đưa ra thị trường, đó không chỉ là hạn chế của TP. Hồ Chí Minh mà là tình trạng chung của cả nước. Bên cạnh đó, "điểm danh" khắp miền Nam mới thấy, cả vùng không hề có một nhà máy sản xuất vắc xin, không một nhà máy sản xuất huyết thanh hay nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh. Hầu như mỗi đơn vị đều tự nghiên cứu lấy để dùng”, PGS. TS Tân phân bua.
Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cho rằng, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2006-2015được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 là hơi quá sức. Bởi mục tiêu, nhiệm vụ và tham vọng thì nhiều mà năng lực đội ngũ cán bộ thì thấp, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu lạc hậu, điều đó dẫn đến hậu quả là nguồn kinh phí hỗ trợ không phát huy tác dụng hoặc chỉ có ý nghĩa khuyến khích trong khi CNSH là công nghệ đòi hỏi đầu tư cao cả về thời gian và kinh phí. Theo các chuyên gia, phải mất trên dưới 10 năm thì một sản phẩm biến đổi gien mới hoàn tất quá trình tích tụ điều kiện cho mục đích cuối cùng là thương mại hoá. Cũng trong quãng thời gian đó, số tiền cần để thiết lập các điều kiện dao động trong khoảng 50-300 triệu USD, tuỳ loại gien, trong đó riêng chi phí quản lý đã “ngốn” 4-12 triệu USD. Do vậy, để phát triển CNSH, chúng ta cần lựa chọn đối tượng nghiên cứu ứng dụng phù hợp với trình độ công nghệ của Việt Nam cũng như chiến lược phát triển kinh tế đất nước.
Ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Quốc gia cho biết: “Việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào nông nghiệp đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, riêng giai đoạn 2006 – 2010, tổng kinh phí chi cho các mục tiêu lên đến 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là năng lực CNSH của chúng ta còn thấp và nhỏ bé, đơn cử như năm 2006, ngành được chi 100 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu nhưng chỉ “xài” hết khoảng 30 - 50% kinh phí, còn lại bỏ ngỏ...”. Chính vì thế, tham vọng làm chủ được một số CNSH hiện đại và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất vào năm 2010 xem ra khó thành hiện thực.
Theo một số chuyên gia, chắc chắn kinh phí đầu tư cho CNSH thời gian tới sẽ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra lúc này là đầu tư lớn đồng thời phải đạt được những mục tiêu rõ ràng, mang lại lợi ích cao cho bà con nông dân chứ không phải chỉ dừng lại trong các buổi nghiệm thu rồi theo nhau cất vào ngăn kéo, một tình trạng không hiếm gặp hiện nay.

Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2006-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006. Mục tiêu của Chương trình là tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, các chế phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp – phát triển nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, tăng nhanh tỷ lệ nông, lâm, thuỷ sản chế biến phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2006 – 2010, CNSH tạo ra hoặc tiếp nhận và làm chủ được một số CNSH hiện đại và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Giai đoạn 2011-2015, tập trung phát triển mạnh CNSH hiện đại, trong đó ưu tiên công nghệ gien; tiếp cận khoa học mới như hệ gien học, tin sinh học, prôtêin học, biến dưỡng học, công nghệ nano. Đến năm 2020, CNSH nông nghiệp nước ta sẽ đạt trình độ của nhóm các nước hàng đầu trong khối ASEAN và ở một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới; dự kiến sẽ đóng góp trên 50% tổng số đóng góp của KHCN vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.


Bài 3: Thiếu một "nhạc trưởng" xứng tầm
Công nghệ sinh học Việt Nam đang ở đâu? (Bài 3): Thiếu một "nhạc trưởng" xứng tầm
khoai%20tay.jpg
Mô hình trồng khoai tây giống sạch bệnh chất lượng cao từ nuôi cấy mô ở Hải Phòng. KTNT - Theo Chương tình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích trồng các giống mới tạo ra bằng CNSH sẽ chiếm trên 70% diện tích cây trồng; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghệ vi nhân giống; 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắcxin cho vật nuôi... Nhưng xem ra mục tiêu sẽ khó thành công do thiếu nhân lực, vốn đầu tư thấp, chưa có chính sách cụ thể...
>>Bài 2: Nghiên cứu để... cất tủ!
Nhân lực: thiếu và phân tán
Không thể phủ nhận, trong vòng 10 năm qua, CNSH ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trong đó có thể kể đến những nghiên cứu có tiềm năng sử dụng để phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững như: phục vụ tái sinh rừng (nhân giống quy mô lớn cây thân gỗ bằng nuôi cấy mô), sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh, hỗ trợ canh tác trên đất không thuận lợi (chọn giống kháng hạn, úng, lạnh, phèn, mặn), nhân nhanh các giống cỏ có nguy cơ tuyệt diệt... Nhưng đó mới chỉ là bước đi khởi đầu mang tính thử nghiệm. Theo GS - TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, so với nhiều nước đang phát triển, CNSH Việt Nam đang đi sau hàng chục năm bởi thiếu nguồn nhân lực; vốn đầu tư thấp, cơ chế chính sách chậm được cụ thể hóa... Đến nay, nước ta mới đào tạo được 1.500 cử nhân, kỹ sư; 400 thạc sỹ, 90 tiến sĩ về CNSH; người có chuyên môn về công nghệ gien thì chỉ có vài chục. Trong khi đó, Mỹ có 20.000 nhà khoa học chuyên về công nghệ gien, Ôxtrâylia có 2.000 người.
Các phòng thí nghiệm đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, cơ sở vật chất lạc hậu (nhiều thiết bị mua lại của nước ngoài), nguồn lực phân tán. Hiện, cả nước chỉ có 10 phòng thí nghiệm CNSH, 6 phòng thí nghiệm trọng điểm mang tầm quốc gia thì mới bắt đầu triển khai. Trong khi đó, Trung Quốc đang có 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển CNSH lớn. Trong 2 năm gần đây, những trung tâm này đã nghiên cứu thành công hơn 200 sản phẩm sinh học các loại. Đến nay, họ có khoảng 500 khu nông nghiệp công nghệ cao và trên 4.000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái khác nhau.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước nhưng trong lĩnh vực CNSH, mỗi năm mới có khoảng 300 cử nhân, kỹ sư được đào tạo, 50 thạc sĩ và khoảng 500 công nhân kỹ thuật công nghệ. Chất lượng của “công nghệ đào tạo” này cũng đang còn là điều phải bàn, bởi CNSH đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại nhiều trường đại học nhưng giáo trình, tài liệu thiếu và cũ. Bên cạnh đó, theo PGS - TS Nguyễn Văn Bá (Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH - Đại học Cần Thơ), điều đáng buồn nhất là ở nước ta rất hiếm “nhạc trưởng” xứng tầm để “điều khiển dàn nhạc” CNSH nông nghiệp một cách nhịp nhàng, đồng bộ, giải quyết được những hạn chế, tồn tại của CNSH. Vì thế, dù mạng lưới các phòng thí nghiệm về CNSH đã được thiết lập ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có sự phối hợp trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng.
Đầu tư nhỏ giọt
t3ss.jpg
Vườn ươm giống dứa Cayen theo phương
pháp cấy mô của Phòng Nuôi cấy mô
(Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc).


Không chỉ yếu kém về nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn... mà nguồn kinh phí cấp cho CNSH cũng không đáp ứng được yêu cầu. Từ đầu những năm 1980, nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã dùng CNSH để giành ưu thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp như đạt chất lượng sản phẩm cao, giá thành hạ. Còn chúng ta, mãi đến năm 1987 mới bắt đầu tập trung triển khai Chương trình CNSH. Và suốt 20 năm, Chương trình này mới được đầu tư 5, 5 triệu USD, chỉ bằng 1/10 tổng số vốn đầu tư của Thái Lan trong năm 2002. Đài Loan (Trung Quốc) có dân số 23 triệu người nhưng từ năm 2001, đã đầu tư cho CNSH 500 triệu USD và hiện có 150 công ty CNSH.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và thương mại hóa sản phẩm CNSH, dẫn đến khả năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Ngay cả các doanh nghiệp cũng thiếu niềm tin vào kỹ năng và khả năng sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu nên chưa mạnh dạn đầu tư, ứng dụng vào thực tế những sản phẩm CNSH. Quy chế về an toàn sinh học làm cơ sở và động lực cho việc định hướng phát triển CNSH chỉ mới được thông qua cách đây khoảng hai tháng! TS. Nguyễn Thị Đào (Hiệp hội Trái cây Việt Nam) cho biết: “Hiện, thị trường CNSH rất lớn nhưng vẫn bị bỏ ngỏ. Một doanh nghiệp chỉ cần nhập về một loại dưa biến đổi gien chưa có trên thị trường, mỗi năm họ có thể thu được 1 triệu USD lợi nhuận. Trong khi đó, Việt Nam có khí hậu ấm áp quanh năm, rất thích hợp cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ vi sinh vật hữu hiệu, cây kiểng chuyển hoá gien...”.
Khi Nhà nước thực hiện cơ chế “khoán 10” cho các nhà khoa học (Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định từ nay đến hết năm 2009, các tổ chức khoa học và công nghệ phải lựa chọn một trong hai hình thức để chuyển đổi, hoặc là tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí, hoặc là doanh nghiệp khoa học và công nghệ), một mặt “cởi trói” cho các nhà khoa học, tạo điều kiện cho họ tự chủ trong nghiên cứu và tìm kiếm đề tài mới... nhưng mặt khác, có nhiều khó khăn đặt ra khi đội ngũ này đa phần quen sống bằng đồng lương công chức của Nhà nước, chỉ biết nghiên cứu, thí nghiệm và trình diễn đề tài chứ ít ai năng động, tìm kiếm doanh nghiệp làm “bà đỡ” cho công trình của mình. TS. Nguyễn Quân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay: “Hiện cả nước có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tôi chưa biết sau 4 năm được Nhà nước hỗ trợ (2005 – 2009), bị cơ chế mới thúc ép thì có biến động gì không, nhưng nếu căn cứ trên tình trạng hoạt động hiện nay, khoảng 1/3 số tổ chức phải giải thể hoặc sáp nhập vì có nhiều tổ chức chỉ tồn tại trên danh nghĩa, lực lượng mỏng, nhiều năm không có công trình, sản phẩm gì đáng kể”. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn kinh phí 1.040 tỷ đồng được phân bổ cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2015 để phát triển CNSH chưa đủ mạnh đối với nền nông nghiệp lạc hậu còn quá nhiều việc phải làm như nước ta.
Nông dân thờ ơ
Mặc dù, đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi trồng các loại cây - con, song sự phát triển của ĐBSCL đang có nguy cơ chững lại bởi trình độ canh tác chậm tiến bộ, phương tiện sản xuất thiếu thốn, lạc hậu, nhỏ lẻ. Tư duy tiểu nông tồn tại cố hữu khiến bà con ngại thay đổi, ngại ứng dụng cái mới. Theo ông Bá, do mặt bằng dân trí thấp nên việc triển khai cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm còn rất khó khăn. Nhiều công nghệ còn áp dụng quy trình lạc hậu, giá thành cao, chất lượng kém, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng. “Tôi rất thất vọng khi chứng kiến cảnh nông dân quá lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, hoá chất các loại trong nuôi trồng mà không biết hoặc không cần biết những hậu quả như đất đai suy kiệt, cằn cỗi; nguyên liệu công nghiệp lưu tồn nhiễm bẩn không thể tẩy rửa hết. Phá hỏng thì rất nhanh và rất dễ, nhưng để khắc phục những điều đó thì phải mất một thời gian dài”, ông Bá day dứt.
PGS – TS Phạm Văn Kim (Đại học Cần Thơ) than thở: “Không chỉ nông dân mà cả cán bộ ngành nông nghiệp ở một số nơi cũng tin rằng, chỉ dùng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật mới làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Người nông dân đã quên mất phân hữu cơ - chất căn bản, vừa rẻ, vừa sẵn có và tối cần thiết trong nông nghiệp”. Còn ông Bùi Hoàng Tiến, đại diện Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y Hanvet thì cho rằng: “Khó khăn chủ yếu của các doanh nghiệp là công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thực tế, chứ không phải thiết bị. Chẳng hạn, chúng tôi rất cần các nhà khoa học cung cấp công nghệ sản xuất vắcxin động – thực vật nhưng không có. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đầu tư cho các nhà khoa học, nhưng bắt buộc công nghệ đó phải đáp ứng được nhu cầu thị trường, tạo ra được sản phẩm để bà con tiêu thụ”.
Xem ra, với tình trạng sử dụng hoá chất tràn lan một cách báo động, các công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ngày càng "bành trướng"... thì mục tiêu trên 70% diện tích đất trồng sử dụng chế phẩm sinh học xem ra khó thực hiện được.


Theo Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, đến năm 2020, diện tích trồng các giống mới tạo ra bằng CNSH sẽ chiếm trên 70% diện tích cây trồng; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghệ vi nhân giống; 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học, đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắcxin cho vật nuôi... Nhưng xem ra mục tiêu sẽ khó thành công do thiếu nhân lực, vốn đầu tư thấp, chưa có chính sách cụ thể...

Bài cuối: Hướng đi tất yếu

Minh Huệ
 
Khi nào có một bác VN nào như GS. Ngo Bao Chau đc giải, và quay về VN thì may ra. Chứ cái vòng luẩn quẩn thế này thì chờ đến tết mongo. Mà nếu là đã có "tí thành tích" ở nc ngoài thì quay về VN thiếu thốn vật tư trang thiết bị thì.... nhìn đã nản chứ ở đó mà về.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top