'Đầu tư xây trường đại học không khác gì lập công ty'

sinhvienhanoi

Senior Member
from http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/06/3BA1CAC1/

Cấp phép mở trường dễ dãi, chất lượng đào tạo thấp, chậm trễ xử lý các đại học sai phạm... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên thảo luận sáng 7/6.
> 30 năm chất lượng giáo dục đại học bị 'bỏ ngỏ'

Sáng nay, ông Đào Trọng Thi đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Theo đại biểu Lê Văn Cuông, báo cáo này dù đã vẽ lên mảng sáng mảng tối của giáo dục đại học, nhưng lại "có phần né tránh nguyên nhân và không hề đề cập tới trách nhiệm thuộc về ai". Trong khi đó, việc cho phép thành lập mới các trường đại học có phần dễ dãi đã ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đại biểu này cho rằng, cần tập trung đánh giá chất lượng các trường, nâng cao bộ máy quản lý; nâng cao thực hành để có thể làm việc khi ra trường; cải cách chế độ tiền lương để giảng viên tập trung nâng cao trình độ cũng như nghiên cứu khoa học.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh cũng mong mỏi Chính phủ cần sớm nghiên cứu và điều chỉnh chính sách liên quan tới giáo dục đại học, không nên phổ cập giáo dục đại học bằng mọi cách. "Nếu trường nào không đáp ứng yêu cầu, cần tính tới việc giải thể. Những trường chất lượng thấp, cần giảm số lượng đào tạo không chính quy", Chủ tịch HĐND Hà Nội kiến nghị.

Ý kiến phải giải thể những trường đại học không đáp ứng yêu cầu cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, hiện nhiều trường ngoài công lập mở ra vì mục tiêu lợi nhuận nên "việc đầu tư một trường đại học không hơn và không khác gì thành lập một công ty mà mục đích đầu tiên là tiền".

"Không thể cho phép các trường đại học đi thuê cơ sở triền miên từ năm này sang năm khác, trong khi trường mầm non thì phải có cơ sở mới được thành lập", ông Nghĩa nêu bức xúc.


Trước thách thức của việc Việt Nam không có đại học nào nằm trong top 200 trường hàng đầu châu Á, nhiều đại biểu thẳng thắn "tố" các trường ồ ạt đào tạo hệ không chính quy khiến chất lượng chưa được tương xứng. Nhiều trường có số sinh viên không chính quy chiếm tới 65% tổng sinh viên toàn trường.

"Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, trường cao đẳng, trường dạy nghề... đều được phép liên kết với các trường đại học đào tạo tại chức. Các trường này không theo quy chuẩn nào, phát triển ào ạt và là thách thức lớn. Ở hình thức đào tạo này, tuyển sinh đầu vào chỉ là hình thức, tỷ lệ tốt nghiệp là 100%", đại biểu Nguyễn Ngọc Minh bức xúc khi đề cập đến "nồi cơm" của các trường.

Cũng theo đại biểu này, do đào tạo tại chức ồ ạt nên cán bộ được phổ cập đại học nhưng chất lượng không đáp ứng. Tình trạng học giả bằng thật phổ biến đã khiến lực lượng lao động tốt nghiệp tại chức bị các nhà sử dụng từ chối mà pháp luật không can thiệp được.


"Trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giáo dục, trong đó có vai trò của Bộ trưởng nói riêng vì Bộ được giao quản lý về lĩnh vực này. Vừa qua, tôi cũng đã nói, để đẩy mạnh giáo dục, cần phải nói không với tiêu cực và bệnh thành tích ngay tại Bộ Giáo dục", ông Cuông nói.


Đại biểu Lê Văn Cuông. Ảnh: TTXVN.

Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi: "Phải chăng khái niệm 'ngồi đúng chỗ' cũng cần áp dụng cho những người đứng đầu ở Bộ Giáo dục?". Lý do để ông Nghĩa đặt câu hỏi này là bởi: "Chúng ta có quyền nghi ngờ vì sao các trường không đủ điều kiện vẫn được cấp phép".

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Phước cho rằng, việc xử lý thiếu kiên quyết đối với các trường mắc sai phạm đã thể hiện sự yếu kém và "có vấn đề" của lãnh đạo Bộ. "Có bệnh thành tích và xử lý kiểu 'dĩ hòa vi quý' là điều đáng lẽ không nên xảy ra trong ngành giáo dục", ông Phước nói.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top