Bệnh học thuỷ sản

Bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ (Grass Carp Hemorrhagic Diseasse- GCHD)

Nguồn: ĐỖ THỊ HÒA – BÙI QUANG TỀ- NGUYỄN HỮU DŨNG – NGUYỄN THỊ MUỘI (ĐHTS NT-NXBNN 2004)
tramco.gif
Tác nhân gây bệnh
Gây bệnh xuất huyết ở cá Trắm cỏ là là virus Reovirus, có cấu trúc acid Nucleic là ARN, virus có hình khối 20 mặt đối xứng theo tỷ lệ 5:3:2, có 92 capsomer (Chen và Jiang, 1984; Chen và CTV 1985; Hong và CTV 1985), đường kính khoảng 60-70nm. Trên cá trắm cỏ Việt Nam bị bệnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đã kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử, gặp các vi thể virus ở mạng lưới nội chất của tế bào gan, thận của cá trắm cỏ bị bệnh.
Dấu hiệu bệnh lý
Dấu hiệu bên ngoài: Da cá màu tối xẫm, cá nổi lờ đờ trên tầng mặt. Ở cá bệnh nặng có một số dấu hiệu: mắt lồi và xuất huyết, mang nhợt nhạt, nắp mang, vây xuất huyết. Nhìn chung dấu hiệu bệnh bên ngoài không thay đổi lớn. Cá giống thường xuất hiện dấu hiệu sớm nhất là vây đuôi chuyển màu đen, bề ngoài thân màu tối đen, hai bên cơ lưng có thể xuất hiện hai giải sọc màu trắng. Cá bệnh nặng bề ngoài thân tối và xuất huyết hơi đỏ. Cá giống trắm cỏ (4-6cm), nhìn dưới ánh sáng mạnh, có thể thấy cơ xung huyết. Xoang miệng, nắp mang, xung quanh mắt, gốc vây và phần bụng đều biểu hiện xuất huyết. Nhãn cầu lồi ra, tơ mang màu đỏ tím , hoặc trắng nhợt do mất máu. Có một số cá bệnh hậu môn viêm đỏ. Cá trắm cỏ lớn >2 tuổi nếu nhiễm bệnh, dấu hiệu xuất huyết không rõ ràng. Bệnh thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm cho ruột hoại tử và sinh hơi, đồng thời thấy triệu chứng hậu môn viêm đỏ.
Dấu hiệu bên trong: Tróc vẩy và lớp da của cá, cho thấy hiện tượng xuất huyết trên cơ thân cá rất nặng, làm cơ dưới da có màu đỏ tím, đây là dấu hiệu đặc trưng thường thấy của bệnh này. Trong các cơ quan nội tạng quan sát thấy: ruột xuất huyết cục bộ hoặc toàn bộ xuất huyết màu đỏ thẫm, thành ruột còn chắc chắn, không hoại tử. Trong ruột không có thức ăn. Gan xuất huyết có đốm màu trắng. Xoang bụng cũng có hiện tượng xuất huyết.
Một số nghiên cứu huyết học cho thấy, khi cá nhiễm bệnh, hồng cầu, huyết tương và urê trong máu đều giảm sau 4-5 ngày, sau 8 ngày hồng cầu, huyết tương, hemoglobin giảm tới mức thấp nhất, nhưng glucose máu không thay đổi. Một số mẫu bệnh thu ở tự nhiên, máu cũng biến đổi và còn thêm K+ trong huyết thanh tăng, Ca++ giảm. Cá bệnh tỷ lệ tế bào Lympho giảm, tỷ lệ tế bào bạch cầu có hạt tăng nhanh.
tramco1.jpg
tramco2.jpg
Hình 3: Vi thể virus (-->) trong thận cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do Reovius
(Chụp dưới kính hiển vi điện tử)
Bệnh có thể xảy ra ở 2 dạng:
Bệnh ở dạng cấp tính: Bệnh phát triển rất nhanh và trầm trọng, cá bị bệnh sau 3-5 ngày có thể chết, tỷ lệ chết 60-80 %, ở nhiều ao, lồng cá chết 100 %. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở cá giống cỡ 4-25 cm, đặc biệt cá giống cỡ 15-25 cm (0,3-0,4 Kg/con) mức độ nghiêm trọng nhất khi nuôi ở mật độ dầy như cá lồng và ương cá giống.
Bệnh ở dạng mạn tính: Bệnh phát triển tương đối chậm, cá chết rải rác trong suốt mùa phát bệnh, hiện tượng cá chết không có đỉnh cao rõ ràng. Bệnh mạn tính thường xuất hiện ở ao cá giống, nuôi ở diện tích lớn và mật độ thưa.
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh xuất huyết do virus cá trắm cỏ (Grass carp Reovirus-GCRV) xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, nơi nào nuôi cá trắm cỏ, thì ở đó có bệnh này. Đặc biệt bệnh này xảy ra rất nặng nề ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ xuất hiện năm 1972 ở phía Nam Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá trắm cỏ nhất là cá trắm cỏ giống, tỷ lệ sống của cá trắm cỏ giống nuôi thành cá thịt chỉ đạt 30 % (theo Jiang Yulin,1995). Từ 1994 ở Việt Nam, đã xuất hiện bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ, cỡ cá<1 tuổi, gây tác hại rất lớn ở các vùng nuôi tại miền Bắc và khu vực Tây Nguyên đã làm chết rất nhiều cá trắm cỏ < 1 tuổi. Một số nhà khoa học ở Việt Nam đã và đang nghiên cứu bệnh này.
Mầm bệnh virus lây nhiễm vào cá khỏe chủ yếu từ cá bệnh và cá mang virus. Cá bệnh sau khi chết, virus phát tán ở trong nước, các chất thải và dịch nhớt của cá bệnh đều mang virus. Một số động vất thủy sinh khác như: ốc, trai, ếch và động vật phù du đều có thể nhiễm virus và có thể truyền virus qua dòng nước. Nguyên nhân bệnh lây lan bệnh trên diện rộng chính là do nguồn nước nhiễm mầm bệnh nhưng không được tiêu độc, làm mầm bệnh lan truyền từ thủy vực này sang thủy vực khác. Ngoài ra, khi quan sát dưới kính hiển vi điện tử, trứng của cá bố mẹ cũng có thể mang virus, như vậy đường truyền bệnh cũng sẽ khả năng theo chiều dọc, lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh xuất huyết của cá trắm cỏ là bệnh của vùng nước ấm. Thông thường phát bệnh khi nhiệt độ nước từ 25-320 , khi thấp dưới 230C và cao hơn 350C bệnh rất ít phát sinh hoặc không phát bệnh. Theo các nhà nghiên cứu bệnh học thủy sản của Trung Quốc (1999), khi nhiễm bệnh nhân tạo, ở 280C sau khi tiêm mầm bệnh từ 4-7 ngày cá sẽ phát bệnh, khi ngâm cá trong môi trường có mầm bệnh, sau 7-9 ngày cá mới phát bệnh. Đem cá khỏe thả trong bể cá bệnh, cá khỏe nhiễm bệnh sau một vài ngày. Tổ chức mang, não, cơ, thận, gan, tụy, ruột của cá bệnh đều có thể phân lập được virus. Người ta đã thí nghiệm đem cá đã bị bệnh do cảm nhiễm Reovirus, trên cơ thể đã xuất hiện triệu chứng bệnh lý trong điều kiện nhiệt độ 280C, thả vào môi trường có nhiệt độ nước thấp 200C, kết quả cho thấy triệu chứng bệnh mất dần và cá không bị chết.
Mùa vụ xuất hiện thường vào cuối xuân đầu hè (tháng 3 đến tháng 5), và mùa thu (từ tháng 8 đến tháng 10) khi nhiệt độ nước 25-300 C. Trong điều kiện này, bệnh xuất hiện nhiều và gây chết cá hàng loạt.
I.2.4. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Dựa theo dấu hiệu đặc trưng của bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ, kích cỡ cá bệnh, mùa vụ bệnh để chẩn đoán sơ bộ bước đầu. Muốn chẩn đoán bệnh một cách chính xác cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, giống với bệnh xuất huyết mùa xuân của cá chép
Biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp: Vệ sinh lồng, ao nuôi kỹ lưỡng trước khi nuôi, dùng vôi CaO hòa vào nước và té đều xuống ao với nồng độ 2 kg/100m2, 2 lần/ tháng để tiêu diệt mầm bệnh.
Vào mùa bệnh, nên dùng Vitamin C bổ sung vào thức ăn cho cá, với liều lượng 30 mg/ 1kg cá/ngày (3g/100 kg cá /ngày) và cho cá ăn liên tục trong mùa phát bệnh.
Có thể dùng phương pháp Vaccine tạo miễn dịch cho cá nuôi rất có hiệu quả. Trong thực tế sản xuất, có thể áp dụng các phương pháp cho ăn hoặc tắm vacxin. Tại Trung Quốc, người ta đã dùng loại vaccine bất hoạt hóa để phòng bệnh GCHD cho cá trắm cỏ rất hiệu quả. Kết quả 80% cá được miễn dịch kéo dài sau 14 tháng, sự bảo hộ xuất hiện sau ngày thứ 4 từ khi dùng vaccine ở nhiệt độ >200C, xuất hiện sau 20 ngày ở nhiệt độ 150C và 30 ngày ở nhiệt độ 100C (Chen và CTV, 1985).
- Phương pháp điều chế vacxin bất hoạt hóa từ nội tạng cá bệnh.
Lấy gan, thận, lá lách và các mô cơ của cá trắm cỏ nhiễm bệnh xuất huyết, nghiền nhỏ trong điều kiện vô trùng và pha loãng 10-100 lần với nước muối sinh lý 0,85%. Ly tâm ở 3.000 vòng/ phút, trong thời gian 30 phút, thu lấy dung dịch phần trên mặt. Diệt vi khuẩn bằng Penicillin (800 IU/ml), Streptomycin (800 mðm/ml) và có thể làm mất tác dụng gây bệnh của virus bằng 0,1 % Formalin. Để dung dịch hỗn hợp ở 320C trong 72 giờ. Vacxin được kiểm tra vô trùng và bảo quản ở nhiệt độ 40C trong 1-2 tháng, dùng vào mùa bệnh.(Chen và CTV, 1985).
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top