Phát triển kinh tế vùng đệm và bảo vệ rừng!

Một trong những vấn đề lớn trong việc bảo vệ rừng ngày nay là phát triển kinh tế cho người dân sống trong vùng đệm. Việc phát triển kinh tế lại mang lại nhiều vấn đề khác, một trong những vấn đề đó là ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng.Các bác nào có kiến thức uyên thâm về vấn đề này thì cùng bàn nhé.
 
Du lịch sinh thái như là một cách trả lời hoàn hảo cho việc gìn giữ môi trường sinh thái nhưng vấn giữ được nguyên vẹn hệ sinh thái, nhưng trong thực tế thì mời các bạn nhào vô,..
 
Kinh tế và Sinh thái!

Ngay cái tên của chủ đề ông dùng cũng chưa được chính xác rồi.

Du lịch sinh thái như là một cách trả lời hoàn hảo cho việc gìn giữ môi trường sinh thái nhưng vấn giữ được nguyên vẹn hệ sinh thái, nhưng trong thực tế thì mời các bạn nhào vô,..

Lâu nay lên núi tu luyện thêm được ngón đòn nào thì ông cứ cho hay, ông đã nói như trên chắc là phải có chính kiến của mình rồi thì còn chờ ai nữa :oops: :lol:

(Xem ông phân tích thế nào rồi tôi sẽ đề cử với doncry, thú thực là tôi đang rẩt cần người biết về cái món chim cò như ông :mrgreen: ).
 
Một vài vấn đề của du lịch sinh thái vùng núi Ba vì.
1, Người dân vùng đệm thực sự ít có cơ hội được làm việc tại các điểm du lịch. Cho nên việt phát triển du lịch ở đâu không có tác dụng nhiều trong việc khuyến khích người dân vùng đệm bảo vệ rừng, ngược lại người dân ở đây lại vào rừng nhiều hơn để khai thác động, thực vật rừng làm cảnh, làm thuốc, làm đồ "nhắm" đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của khách nếu các khu du lịch này ngày càng phát triển.
2, Một số khu du lịch đã lấn chiếm thêm đất rừng để phát triển mở rộng qu mô.
3, Tác động tiêu cực của khách du lịch đến địa điểm thăm quan.
 
Thực ra tôi cũng không biết chon tên thế nào cho hợp lý, tôi đã đổi lại rồi không biết có hợp lý không.


đó là một mảng rất hay!

Nhưng trước tiên ông có thể nói gì về vùng đệm không?

Vùng đệm là vùng như thế nào? Mức độ bảo vệ, khai thác ở đây như thế nào? Vai trò của nó với các khu bảo tồn và Vườn Quốc gia?

Ông có thể lấy Ba vì ra làm địa điểm cụ thể để nói!

Sau đó sẽ nói về vấn đề phát triển kinh tế vùng đệm và bảo vệ rừng, oke!

:mrgreen:
 
Quaden said:
Một vài vấn đề của du lịch sinh thái vùng núi Ba vì.
1, Người dân vùng đệm thực sự ít có cơ hội được làm việc tại các điểm du lịch. Cho nên việt phát triển du lịch ở đâu không có tác dụng nhiều trong việc khuyến khích người dân vùng đệm bảo vệ rừng, ngược lại người dân ở đây lại vào rừng nhiều hơn để khai thác động, thực vật rừng làm cảnh, làm thuốc, làm đồ "nhắm" đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của khách nếu các khu du lịch này ngày càng phát triển.
2, Một số khu du lịch đã lấn chiếm thêm đất rừng để phát triển mở rộng qu mô.
3, Tác động tiêu cực của khách du lịch đến địa điểm thăm quan.


Bác Quaden ơi thế trên Ba Vì có lâm tặc không? Nếu không thì tốt rồi, còn có thì không biết có ảnh hưởng đến du lịch sinh thái không nhỉ?
 
Đi vào chủ đề chính đi các bạn!! Đừng phân tích ngữ pháp tiếng Việt nữa. Có thể bạn quaden chưa chọn được từ ngữ chính xác nhưng hình như các bạn cũng đã hiểu ý của quaden. Mình trao đổi ý kiến thẳng thắn chút ha!
Theo tôi thì chẳng có hình thức nào của con người tác động vào tự nhiên mà chẳng gây thiệt hại cả, chẳng qua là ít hay nhiều hoặc mình chưa nhận ra thôi. Ví dụ khi bạn đi du lịch sinh thái như bạn quaden nói đi: chỉ việc bạn đia qua lại ngắm chim cò chút đỉnh đi nữa thì bạn cũng đã làm ảnh hưởng đến các sinh vật sống ở đó rồi, ví dụ vậy.
Việc theo tôi ở đây là chỗ nào cần giữ thì cứ giữ, chỗ nào cần khai thác thì nên khai thác theo hướng có lợi cho con người mà vẫn đảm bảo tính bền vững, đó là việc không phải con người không làm được. Xin cho ý kiến nữa đi ha, minh sẽ trở lại sau! Bye!
 
Có thể bạn quaden chưa chọn được từ ngữ chính xác nhưng hình như các bạn cũng đã hiểu ý của quaden.

Quaden là bạn của mình, lẽ nào lại không hiểu!

Mình trao đổi ý kiến thẳng thắn chút ha!

Rất hoan nghênh!

Theo tôi thì chẳng có hình thức nào của con người tác động vào tự nhiên mà chẳng gây thiệt hại cả

Có đấy, thậm chí là có lợi nữa!

Việc theo tôi ở đây là chỗ nào cần giữ thì cứ giữ, chỗ nào cần khai thác thì nên khai thác theo hướng có lợi cho con người mà vẫn đảm bảo tính bền vững, đó là việc không phải con người không làm được

Ý kiến hay lắm, nhưng vẫn là một ý kiến theo kiểu "Đại khái", "chung chung"!
 
Theo tôi thì chẳng có hình thức nào của con người tác động vào tự nhiên mà chẳng gây thiệt hại cả

Thế bác cho em hỏi trồng rừng có phải là tác động vào tự nhiên không? Và việc trồng rừng co gây thiệt hại không ạ.
Nếu không thì mời bác đính chính lại những gì bác nói.
Nếu trồng rừng gây thiệt hại thì khổ quá, các cụ nhà mình này thi nhau trồng rừng này, chính sách của Đảng và Nhà nước này, bao nhiêu là dự án nào là 327 gì gì đó này, toàn là phá hoại thiên nhiên cả hả bác.
 
Thông tin từ Vườn Quốc gia Ba vì!

Thực tế là tại Vườn Quốc gia Ba vì, có 7 xã vùng đệm. Hâù hết các xã đều nghèo, nhiều bà con vẫn phải khai thác lâm sản ở nhiều dạng khác nhau và không thể gọi đây là lâm tặc và ở đây chắc chắn vẫn có lâm tặc (đây là điều tra của riêng tôi).
Rừng Ba vì có hai phân khu là phân khu phục hồi sinh thái nằm ở độ cao từ 400 m trở lên còn dưới 400 m là phân khu phục hồi sinh thái, khu vực này đã bị suy thái nặng nề do chính sách mở cửa rừng một thời và việc trồng rừng diễn ra tại đây (đây là câu trả lời cho câu hỏi của bạn Casper: trồng rừng là để phục vụ mục đích phục hồi sinh thái, chứ rừng đang đẹp ai lại phá đi để trồng lại).
 
Nhân nhớ tới trước đây có vụ một nhà máy giấy bị đóng cửa rừng không cho khai thác gây kiện tụng ầm lên, vậy xin hỏi: Việc nhà máy giấy phá rừng để lấy nguyên liệu làm giấy có coi là phá hoại thiên nhiên không?

Cho dù là khai thác đi đôi với bảo tồn thì cái nhà máy giấy này nhỡ gặp phải lúc nào đó cơn sốt giấy lên cao, thế là nó tha hồ phá rừng để làm giấy mà không nghĩ gì đến việc bảo tồn với ngụy biện rằng khi khác trồng bù sau nhưng khi khác là khi giấy ế, khi giấy ế thì thua lỗ, hơi đâu bỏ tiền ra mà trồng bù để lỗ thêm à. Vậy có ai kiểm soát cái này không nhỉ. Trên Ba Vì có khu nguyên liệu nhà máy giấy không? Nếu có thì có bị tình trạng này không bác điều tra hộ em cái.
 
Như mình biết thi khu vực Ba Vì không có khu nguyên liệu giấy nào, nhưng có lẽ với lợi thế về khoảng cách so với Hà Nội nên du lịch sinh thái đang là vấn nạn lớn đối với Vườn Quốc gia Ba Vì các bạn đọc tạm hai bài báo này nhé:
"Chớ lạm dụng rừng đặc dụng
Phục vụ du lịch, trả lại gì cho sinh thái?
Hiện nay rừng quốc gia Ba Vì (Hà Tây) có 834 ha rừng thuộc phân khu rừng tái sinh được giao khoán cho 7 đơn vị quản lý bảo vệ. Đó là các công ty du lịch: Suối Mơ, Việt Mỹ, Cường Thịnh, Ao Vua, Khoang Xanh, Bình Minh, Thanh Long. Thời gian gần đây, do điều kiện phát triển du lịch thuận lợi, các công ty này đã có kết hợp các hoạt động du lịch sinh thái ở nhiều mức độ khác nhau trên diện tích rừng nhận khoán.

Cùng với các công ty trên, từ năm 1996 đến nay, Vườn quốc gia Ba Vì - đơn vị quản lý trực tiếp rừng quốc gia Ba Vì - cũng đã tự tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái. Điều này cũng phù hợp với Quyết định số 08/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tại điểm 3 điều 16 nêu rõ: “Ban quản lý rừng đặc dụng được tự tổ chức hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuê, khoán để kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái”.

Du lịch phải gắn với bảo vệ và phát triển rừng
Tuy vậy, theo ông Đỗ Khắc Thành - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì, do cơ chế chính sách về quản lý bảo vệ rừng đặc chủng kết hợp với việc sử dụng tiềm năng kinh tế môi trường rừng vào việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương chưa cụ thể, QĐ/ 08 đã được ban hành từ đầu năm 2001 đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành hữu quan. Vì vậy, đơn vị ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ NN - PTNT giao cho. Do đó, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại là các tổ chức, cá nhân có tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái mang tính khai thác, lợi dụng môi trường thiên nhiên, môi trường rừng là chính, chưa có trách nhiệm đầy đủ tham gia cùng với Nhà nước bảo vệ phát triển rừng. Ông Thành cho biết, trong khi chờ Nhà nước ban hành quy chế và hướng dẫn việc thực hiện chủ trương cho thuê môi trường, công trình trong các khu rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch, Vườn quốc gia Ba Vì đã lập đề án “Kết hợp sử dụng môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái, giáo dục hướng nghiệp và nghiên cứu khoa học”, trình Bộ NN - PTNT để trình Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của bản đề án này là nhằm kết hợp du lịch sinh thái với bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Nếu thực hiện tốt đề án này, Nhà nước có thể cắt giảm được một phần tiền khoán quản lý bảo vệ rừng mà hàng năm phải thanh toán cho người nhận khoán, đồng thời hình thành nguồn kinh phí bổ sung cho các hoạt động sự nghiệp quản lý bảo vệ phát triển rừng trong vườn quốc gia từ việc cho thuê. Đồng thời tăng nguồn thu ngân sách của địa phương do sự phát triển các hoạt động kinh tế trên địa bàn, đặc biệt đối với Ba Vì là huyện đang hưởng gần 90% trợ cấp ngân sách từ Trung ương. Qua hoạt động sinh thái sẽ tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ tại chỗ hàng hóa nông sản của nhân dân vùng đệm. Nó sẽ giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên hiện có, phục hồi và phát triển tài nguyên rừng.

Giới hạn cho thuê môi trường
Bản đề án này giới hạn cho thuê môi trường, công trình để tiến hành hoạt động du lịch sinh thái trong phạm vi phân khu hành chính và phân khu phục hồi sinh thái. Nếu đề án được phê duyệt thì các chủ hộ hiện đang có hợp đồng nhận khoán tiến hành thanh lý hợp đồng cũ để thay thế bằng hợp đồng kinh tế thuê môi trường rừng và công trình với vườn. Trước mắt sẽ giữ nguyên diện tích rừng và đất rừng mà các đơn vị hiện đang nhận khoán, trong quá trình thực hiện nếu đảm bảo tốt việc quản lý bảo vệ phát triển rừng thì có thể được xem xét cho bổ sung mở rộng diện tích cho thuê. Các đơn vị thực sự có nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động du lịch (đường đi, nhà ở, bãi đỗ xe) thì mức chuyển đổi không quá 3% diện tích môi trường được thuê. Diện tích để phục vụ các hoạt động sinh thái (đã trừ diện tích xây dựng kiến trúc) chiếm không quá 12% diện tích môi trường được thuê. Các đơn vị hoạt động sinh thái phải có phương án tổ chức hoạt động phù hợp với quy chế quản lý rừng đặc dụng, phải thực hiện nghiêm các cam kết ghi trong hợp đồng, tự chịu các chi phí nhằm duy trì tốt việc bảo vệ diện tích rừng được giao. Trên diện tích rừng được giao, vườn sẽ cung ứng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật, người thuê phải tổ chức việc trồng và tự chịu các chi phí cho công tác trồng, chăm sóc bảo vệ nhằm phục hồi sinh thái rừng theo đúng chương trình kế hoạch của Nhà nước.

Ông Thành cho biết thêm, sẽ có 3 đơn vị là Công ty du lịch và công nghệ Việt Mỹ, Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Bình Minh, Công ty du lịch Thanh Long được chọn để tiến hành làm thí điểm. Đây là các công ty có năng lực về tài chính, có năng lực về quản lý và họ thực sự có nhu cầu. Đặc biệt hơn là tỉnh Hà Tây đã quan tâm đề nghị này.

Tường Vy".Tin từ: ttvnol
Đất rừng Quốc gia Ba Vì đang bị lấn chiếm

Thanh tra Nhà nước đang làm việc khẩn trương tại đây. Đã có một số cán bộ trong Ban quản lý bị kỷ luật vì sự thiếu trách nhiệm và tiếp tay cho kẻ lấn chiếm. Song đến nay, khu vườn quốc gia quí báu này vẫn đang tiếp tục quá trình "cháy" thành đất tư nhân.

Vườn Quốc gia Ba Vì, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ NN&PTNT, có chức năng bảo tồn, phục hồi tài nguyên, di tích lịch sử, phát triển và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của rừng, kết hợp với hoạt động dịch vụ khoa học, du lịch sinh thái. Năm 1991, Vườn được giao quản lý tổng cộng gần 7.400 ha. Nhưng do việc thực hiện các quyết định điều chỉnh đất đai của Chính phủ chỉ thực hiện trên hồ sơ, không bàn giao thực địa nên đến nay không xác định được chính xác diện tích và ranh giới Vườn Quốc gia Ba Vì, trên cả sổ sách lẫn thực địa.

Từ năm 1991, Vườn đã triển khai việc giao khoán quản lý tổng số gần 6.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho dân. Tuy nhiên, đến giữa năm 2001, việc giao khoán và thu hồi đất này đã gây ra phản ứng ở 14 hộ dân dẫn tới khiếu kiện. Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra và phát hiện hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý sử dụng đất đai của Vườn Quốc gia.

Một trong những sai phạm nghiêm trọng của Ban quản lý là giao khoán đất lâm nghiệp sai đối tượng. Theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 thì đối tượng giao khoán đất lâm nghiệp được quy hoạch cho rừng đặc dụng chỉ là hộ gia đình, và riêng với khu bảo tồn nguyên vẹn như Ba Vì thì chỉ được giao khoán cho hộ gia đình sống xen kẽ trong khu bảo tồn. Thế nhưng Vườn đã giao khoán cho 9 đơn vị kinh tế với diện tích hơn 694 ha, trong đó có 3 cơ sở ngoài huyện Ba Vì, 2 cơ sở ngoài tỉnh.

Cũng theo Nghị định 01, đất rừng đặc dụng chỉ giao khoán cho hộ gia đình cư trú hợp pháp ở địa phương, nhưng Vườn đã giao khoán hàng trăm ha cho 31 hộ mà phần lớn là người ở Hà Nội .

Giao khoán sai đối tượng và buông lỏng quản lý đã dẫn tới tình trạng chuyển nhượng, khai thác bừa bãi đất rừng. Như HTX Thương binh đã mua đất của một số hộ dân xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Công ty Du lịch Suối Mơ nhận khoán ban đầu có hơn 21 ha, đã mua lại 164 ha đất giao khoán của người khác, và được Vườn hợp thức hóa bằng hợp đồng giao khoán mới. Công ty du lịch này còn san ủi trái phép, làm mới và nâng cấp 8km đường. Nghiêm trọng hơn, Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ bằng 89,9 ha đất mà Vườn Quốc gia giao khoán cho ông Phạm Hữu Đỉnh, ở Hàng Gà, Hà Nội, đã tự tiện xây dựng nhiều công trình kiên cố để kinh doanh du lịch. Họ đã san ủi đất rừng làm 2 sân bóng, diện tích hơn 7.740 m2. Hoạt động của Công ty Việt Mỹ không có cơ sở pháp lý, bởi đến nay họ chưa được giao, cho thuê hay nhận khoán đất tại khu Vườn Quốc gia này.

Còn công ty cổ phần xây dựng và du lịch Bình Minh được UBND Hà Tây cho thuê hơn 6000 m2 đất dưới cốt 100 (từ cốt 100 trở lên là rừng bảo tồn) nhưng hầu hết các công trình của công ty đều xây kiên cố trên khu vực cốt 100. Ngoài ra, Công ty còn chiếm dụng riêng tất cả những công trình được Bộ NN&PTNN đầu tư như hồ môi sinh chống cháy Suối Cả, các tuyến đường quản lý, bảo vệ...

Thực tế, phần đất giao cho các đơn vị trên đã bị sử dụng như đất tư nhân, không tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, khu bảo tồn. Đặc biệt, những vi phạm của các cá nhân, tổ chức trên đã không được ngăn chặn kịp thời. Cho đến nay, Hạt Kiểm lâm Ba Vì mới lập 4 biên bản vi phạm hành chính. Hình thức xử lý chỉ dừng lại ở phạt tiền, đình chỉ hoạt động chứ không hề bị yêu cầu khắc phục hiện trạng ban đầu trong khi cảnh quan, môi trường khu bảo tồn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho đến nay, vườn Quốc gia Ba Vì với các khu vực rừng đặc dụng và rừng trồng tái sinh đang bị các công trình xây dựng của các công ty du lịch đào xới, chia năm xẻ bảy. Những người dân được giao đất nay đã trót bán cho các công ty thì khiếu kiện khắp nơi. Nhưng họ kiện không phải vì lo cho rừng quý bị tàn phá mà vì cơn sốt đất đang ngày một nóng lên tại khu vực Vườn. Liệu cái tên Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ còn tồn tại nữa không khi khu bảo tồn thiên nhiên này đang dần bị đốt cháy bằng những khu du lịch tự phát?

Đức Hạnh – Nghĩa Nhân" tin từ vnexpress.net
 
Phát triển kinh tế vùng đệm và (để) bảo vệ rừng là vấn đề mà nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đang hoạt động ở VN đưa ra. Vấn đề này được bàn rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả các hội thảo khoa học, tuy nhiên, nhiều vấn đề nảy sinh khiến cho các cuộc thảo luận này thường đi vào bế tắc hoặc không có kết quả cụ thể như mong đợi.
(Mình không bàn đến vấn đề định nghĩa ở đây vì cái này các bạn có thể tìm đọc trong nhiều nguồn khác nhau hoặc chúng ta sẽ mở một topic khác về các khái niệm trong sinh thái học đa dạng sinh học và bảo tồn)

1. Nhiều dự án có nguồn tài chính rất mạnh cho việc phát triển kinh tế vùng đệm, trong một thời gian rất dài (có trường hợp đến 10 năm) nhưng vẫn không thành công. Một số nguyên nhân mà qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi tổng hợp được như sau:
- Tại hầu hết các vùng đệm của các khu bảo tồn, người dân là người thiểu số, có tập quán du canh du cư, nhận thức về phát triển kinh tế định cư cũng như chăn nuôi, kinh doanh thay cho ruộng nương hầu như không có.
- Nếu người dân có nhận thức về việc phát triển kinh tế định cư, việc làm được hay không hay làm như thế nào lại là vấn để khác, từ việc này, nảy sinh ra nhiều vấn đề nhỏ khác:
+) Tập huấn và truyền đạt kinh nghiệm cho người dân: Có, đại đa số các dự án dành một khoản khá lớn cho việc này. Tuy nhiên, vấn đề lại là ở chỗ (cái này là kinh nghiệm bản thân khi đi điều tra thực tế): việc giáo dục không được đưa đến toàn bộ hộ dân trong vùng mà các bản/xã lại chọn các ... hộ tiêu biểu (thường là các hộ khá giả) để đi tập huấn và nhận giống cây/con của các dự án. Vấn để mà tại sao họ lại chọn như vậy, mình sẽ bàn ở một bài khác.
+) Giống và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ cho người dân: Kinh nghiệm thực tế: nhiều bất cập, trong một dự án của mình (xin được giấu tên vì chưa xin phép trưởng nhóm): người dân được tập huấn về trồng cam, nhưng khi đem cây giống về trồng thì nó lại ra... bưởi hoặc chanh, giống vải thiều về trồng thành ra... nhãn :cry: :evil:
+) Nếu người dân trồng được cam, bưởi, xoài, nhãn... rồi thì sao? Thị trường tiêu thụ không có, chưa kể các bản vùng sâu, phương tiện vận chuyển không có,... Có một chuyện khá buồn cười (cười thì cười nhưng rất buồn :() Chúng tôi có thể mua 10 kg xoài của người dân (trồng bằng giống của dự án) với giá.... 2000 đồng, anh em tôi hôm đấy mua hết 50 kg xoài của một hộ dân về chia lại cho trẻ con của cả bản mà chẳng ai vui được chút nào.

2. Vấn đề nhân sự và nguồn vốn của dự án đầu tư thế nào và đầu tư ra sao lại là cả một vấn đề có liên quan đến ... bộ máy chính quyền, cái này mình xinh phép không trình bày trong bài viết này vì nó không thuộc khía cạnh khoa học đời sống.

3.Vấn đề giao đất, giao rừng đặc dụng cho cá nhân và các tổ chức quản lý và khai thác, rất nhiều bất cập nảy sinh như các bài viết đã đưa.

Kết luận về phần này hiện nay có thể tạm hiểu như sau:
+) Các dự án có kế hoạch và hành động cụ thể, nhưng tổng thể của bối cảnh hiện tại như: bộ khung cán bộ dự án địa phương, trình độ nhận thức của dân địa phương và cách thức truyền đạt, tuyên truyền... chưa đồng bộ và phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được một kết quả tôt. Chưa kể những tiêu cực phát sinh
+) Người dân hoàn toàn muốn kinh tế phát triển và không phụ thuộc vào rừng (thực tế đi rừng rất khổ và lãi suất không được bao nhiêu vì bị các chủ buôn, chủ gùi-những người đầu tư tiền, lương thực cho người đi rừng ăn chặn hết) nhưng chưa thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn do các hành động chưa triệt để, kéo dài khiến cho nhiều người trở nên "chai lỳ" và không còn tin vào mục tiêu mà các dự án tiếp theo đặt ra ---> bất hợp tác. (bản chất của người dân tộc rất thật thà, nhưng khi làm cho họ mất niềm tin thì không bao giờ lấy lại được).

Mình sẽ bàn tiếp về các vấn để trong du lịch sinh thái trong các bài sau
 
Cám ơn bác 'Cuong_gist", Bài bác viết hay quá. Em rất mong gặp được những người có nhiều kiến thức thực tế, em mới vào nghề lại không gặp đựơc điều kiện tốt để phát triển kiến thức. Mong Bác viết nhiều bài thật hay cho bọn em cùng đọc nhé.
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top