Kiến xác định phương hướng bằng mùi

00792

Moderator
Staff member
Nhờ khả năng cảm nhận nhiều mùi cùng lúc, một loài kiến sa mạc tại Tusinia sử dụng thông tin về mùi để tạo nên hình ảnh về môi trường xung quanh.
ant.jpg
Kiến sa mạc Cataglyphis fortis. Ảnh: sciencecentric.com.
Chim bồ câu, chuột và người có thể cảm nhận nhiều mùi cùng lúc, song từ trước tới nay giới khoa học chưa phát hiện loài động vật nào có khả năng sử dụng mùi để xác định phương hướng.

Tiến sĩ Markus Knaden, tiến sĩ Kathrin Steck và giáo sư Bill Hansson thuộc Viện Sinh thái hóa học Max-Planck, Đức theo dõi loài kiến sa mạc Cataglyphis fortis tại Tusinia để tìm hiểu hành vi xác định phương hướng của chúng. Mỗi ngày chúng rời xa tổ tới 100 m để tìm thức ăn. Khi phát hiện thức ăn, kiến trở về tổ. Điều khiến ba nhà khoa học ngạc nhiên là chúng xác định phương hướng rất chính xác khi trở về. Trên sa mạc bằng phẳng và hầu như chẳng có bất kỳ thứ gì để đánh dấu vị trí, xác định lối về là công việc cực kỳ khó khăn với mọi loài động vật.

Từ lâu giới khoa học biết rằng kiến sử dụng những thông tin thị giác phức tạp để xác định phương hướng. Song ba nhà nghiên cứu người Đức phát hiện được một hành vi thú vị hơn. Họ đặt bốn loại mùi khác nhau ở các vị trí A, B, C và D xung quanh lối vào rất khó nhìn thấy của một tổ kiến.

Sau vài ngày nhóm chuyên gia đem vài con kiến tới một nơi rất xa, nhưng chúng vẫn xác định chính xác lối vào tổ.

Trong những ngày tiếp theo, nhóm nghiên cứu đảo vị trí các mùi. Ngay lập tức lũ kiến tỏ ra bối rối và không thể xác định phương hướng. Điều đó cho thấy chúng xác định phương hướng bằng cách nhớ vị trí các mùi.

Một phát hiện thú vị nữa là những con kiến chỉ có một râu không thể tìm thấy tổ nếu có hai mùi trở lên cùng tồn tại trong môi trường xung quanh. Như vậy chúng ta có thể suy luận chúng cần hai râu để xác định chính xác phương hướng. Mỗi râu có thể cảm nhận mùi theo một hướng khác nhau trong cùng thời điểm. Nhờ khả năng ấy mà kiến có thể hình dung môi trường xung quanh nhờ mùi.

"Có vẻ như những điều kiện khắc nghiệt trên sa mạc đã tạo nên khả năng định vị bằng mùi ở kiến", tiến sĩ Knaden nhận xét.
 
Ếch đổi màu

Trong một chuyến thám hiểm tìm những loài mới ở hòn đảo Sudest, quần đảo Louisiade, phía Đông Nam Papua New Guinea, các nhà khoa học đã phát hiện ra một giống ếch có thể thay đổi màu sắc khi nó trưởng thành.
Lúc nhỏ thì bộ da của chúng có màu đen sáng bóng với những đốm màu vàng và khi chúng trưởng thành thì màu da đột ngột chuyển sang màu quả đào với đôi mắt màu xanh sáng.


frog.jpg
Ếch thay đổi màu được tìm thấy ở Papua New Guinea (hình trái: một con ếch con; hình phải: một con ếch trưởng thành cùng loài)

Các nhà khoa học đã phát hiện ra giống ếch mới Oreophryne Ezra thay đổi màu da độc nhất vô nhị này trong một chuyến thám hiểm tìm những loài mới ở hòn đảo Sudest, ở phía Đông Nam của New Guinea. Trong số những loài mới mà họ tìm thấy, giống ếch đặc biệt này đã thu hút sự chú ý của họ. Các nhà khoa học cho rằng đốm sáng của con ếch con hoạt động nhằm cảnh báo cho kẻ thù nhưng thật kỳ lạ là những con ếch trưởng thành lại mất đi màu sắc đó.

Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện bảo tàng Bishop ở Honolulu, Hawaii, Mỹ trên tạp chí Copeia cho thấy: “các loài động vật lưỡng cư có đủ các màu sắc và hình dáng, từ những con ếch độc có màu sắc sặc sỡ đến những con cóc màu xanh lục bình thường. Một vài loài ếch thay đổi màu sắc khi nó lớn hơn, tuy nhiên, vẫn chưa rõ vì sao ếch con và ếch trưởng thành lại có màu sắc và hình dáng khác nhau”.

Tiến sĩ Fred Kraus, người tiến hành nghiên cứu loại ếch đổi màu này nói: “Thật thú vị khi khám phá ra một loài mới. Tuy nhiên, sự biến đổi khác thường của giống ếch này là một khám phá đặc biệt thú vị”. Tiến sĩ còn nói: “Điều đáng chú ý về loài ếch này là sự biến đổi mạnh về màu sắc từ một con ếch con trở thành một con ếch trưởng thành”.

Mặc dù chưa được kiểm tra, nhưng loài ếch này có thể chứa một chất cực độc ở dưới da giống như những chất độc của các loài ếch phi tiêu. Dưới da của những con ếch phi tiêu độc có chứa chất độc alkaloids như một lớp bảo vệ để chống lại kẻ săn mồi. Tiến sĩ Kraus nói: “Đây là cách thể hiện sự tiến hóa độc lập của loài này trong thiên nhiên. Màu sắc sặc sỡ của loài ếch này cho thấy nó muốn thông báo với kẻ thù của nó rằng trong người nó có chất độc và không nên đến gần nó”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những con ếch con thường ngồi ở những nơi dễ thấy vào ban ngày và không bao giờ trốn kẻ thù cho thấy chúng có cách thức tự vệ riêng. Một khía cạnh không thể giải thích là những con ếch con dùng màu sắc để tự vệ, vậy vì sao những con ếch khi đến tuổi trưởng thành chúng lại thay đổi màu mà không cần cách dùng màu sắc để tự vệ nữa. Theo tiến sĩ Kraus "không có một trường hợp nào giống như loài ếch này, nếu chúng dùng màu sắc để tự vệ thì sự thay đổi màu sắc khi chúng trưởng thành còn là một điều bí ẩn".
Theo VietNamNet (news.bbc)
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top