Năng lượng mặt trời đang lên ngôi

Hội nghị lần thứ 29 về pin năng lượng mặt trời, kết thúc vào thứ 6, ngày 5/9 tại Valence (Tây Ban Nha) đã tập hợp 4000 nhà nghiên cứu và hàng nghìn người trưng bày triển lãm.
nlmt.jpg

Chính những nhà công nghiệp và những nhà khoa học về quang điện cũng phải ngạc nhiên: chưa bao giờ họ tập hợp lại đông như thế. Sự tập hợp đông đảo như vậy chứng minh cho một thị trường bùng nổ từ nhiều năm nay, kể từ khi được thiết lập ở Đức năm 2000, một thị trường tiêu thụ điện năng được sản xuất bằng pin mặt trời.
Các thiết bị được lắp đặt gia tăng 40% / năm trên thế giới, thị trường pin năng lượng mặt trời trên toàn thế giới đạt 24 tỉ euro… năng lượng điện quang đã thoát khỏi vị trí “ngoài lề”. Và triển vọng còn sáng sủa hơn thế: những nhà phân tích tài chính cho rằng thị trường sẽ vượt quá 5000 mégawatt-crête (MWc) trong năm 2008, 7000 trong năm 2010, và đạt đến 20000 trong năm 2012.
Nhưng cùng với những thành công mới có thể là những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng đầu tiên: “Có thể đạt đến tình trạng sản xuất nhiều hơn thị trường đòi hỏi”, ông Winfried Hoffmann, phó giám đốc Hiệp hội công nghiệp quang điện châu Âu (EPIA) đã cảnh báo như vậy. do vậy có thể xảy ra một “sự củng cố của lĩnh vực này”, có nghĩa là sự biến mất của nhiều doanh nghiệp trên thị trường này. hệ quả thứ hai, có tính tích cực hơn: sự giảm xuống của giá cả cho phép nâng mức cầu lên.
Vấn đề là ở chỗ thị trường chỉ tập trung ở 5 quốc gia, Đức, Mĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Italia”, ông Ernesto Macias, giám đốc EPIA cho biết. “Và nếu châu Âu đảm bảo 75% lượng tiêu thụ, thì nó cũng chỉ chiếm 25% lượng hàng cung ứng. Những nước khác cần đẩy mạnh việc phát triển thị trường này”. Người ta nhằm trực tiếp đến Trung Quốc, nơi có tiềm năng là nước lớn nhất có thể tiêu thụ các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời – Suntech trong vài năm qua cũng trở thành một trong những hãng đi đầu trong lĩnh vực này – nhưng lượng tiêu thụ mới rất nhỏ, khoảng 100MW trong năm 2007.
Ngành quang điện có phải đã bị đặt vào tình trạng lạm phát? “Sự suy thoái kinh tế đã làm lạnh đi lòng nhiệt tình của những nhà đầu tư, ông Stephan Droxner, nhà phân tích của LBBW, giải thích. Và người ta cảm thấy những phê phán về trách nhiệm chính trị của những lời lẽ nặng ký ủng hộ ngành quang điện đang tăng lên.”
Ở Tây Ban Nha, thị trường dường như co lại sau quyết định của chính quyền José Luis Rodriguez Zapatero về việc hạn chế trợ giúp cho pin quang điện trong năm 2009. Nhưng thị trường ở các nước khác có vẻ có triển vọng khác, đặc biệt là ở Pháp. “EDF (tổng công ty điện lực Pháp) đã đạt được những thành công lớn, theo Jean-Louis Bal, ở phòng môi trường và quản lý năng lượng (Ademe). Mỗi tháng, EDF nối 800 điểm sản xuất điện từ pin mặt trời vào lưới điện”.
Nếu năng lượng mặt trời phải trải qua một cơn khủng hoảng về tăng trưởng, thì điều này cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Bởi nguồn tài nguyên của nó là vô tận: “Nó có thể cung cấp hơn 10000 lần số lượng điện tiêu thụ đang được sản xuất ra, theo nhà nghiên cứu Jean-François Guillemoles. Và đó là khối lượng không suy chuyển trong hàng nghìn năm nữa.”
Daniel Lincot, chủ tịch uỷ bản khoa học của hội nghị tại Valence, đã bổ sung: “Ở Pháp, trung bình một mét vuông đất có thể thu nhận mỗi năm 1 MWh điện năng lượng mặt trời. nếu chúng ta thu được 10% số năng lượng ấy, có nghĩa là 16l dầu; 5000 km2 sẽ đảm bảo được toàn bộ lượng điện tiêu thụ của cả nước, tức là 540 TWh”. Với những người đề xướng sử dụng điện năng từ pin mặt trời, năng lượng mặt trời chính là năng lượng của tương lai. Theo Hans-Josef Fell, nghị sĩ quốc hội Đức, thì “nguồn năng lượng từ pin mặt trời có khả năng thay thế năng lượng nguyên tử của Đức trong vài thập kỷ tới”.
Tuy vậy, triển vọng đó vẫn còn là trong mơ ước: giá thành của sản phẩm điện sản xuất từ pin mặt trời vẫn còn rất cao, ở các nước châu Âu, vào khoảng 30 đến 60 centimes euro một kWh . Hơn nữa, ngành sản xuất điện năng này còn phải quan tâm đến vấn đề môi trường, “Chúng ta có thể cung cấp cho châu Âu 50000 MW điện năng lượng mặt trời, theo lời của Wolfgang Palz, người mà từ năm 2002 đã cổ vũ cho nguồn điện năng mới phổ biến trong cộng đồng châu Âu. Nhưng cần phải thực tế. Cần phải tìm ra một sự điều phối thích hợp. Thế mà tất cả các nhà công nghiệp chỉ muốn kiếm tiền nhanh thì sẽ không tìm đến việc sử dụng pin quang điện.”
Nếu pin quang điện chỉ được trang bị cho các mái nhà của các công trình, thì vẫn chưa thể có được nguồn điện năng thật sự lớn bởi bề mặt tiếp xúc với mặt trời không nhiều. Nhưng cũng cần thấy rằng đó là cách thức tốt nhất mà đến nay ta có thể làm được.
Tuy nhiên, có thể thấy, những nghiên cứu ngày nay đã tiến bộ rất nhanh, trong khi sự phát triển của công nghiệp đã làm giảm đi giá thành sản phẩm. Đối với các nước nghèo, việc sản xuất điện năng ở những vùng nông thôn có thể tìm thấy ở đây một tiềm năng vô tận.
Hạ Vũ (theo Hervé Kempf, Le Monde )​
 
Làng năng lượng mặt trời

Làng Bình Kỳ 2, P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) có 300 hộ dân nhưng gần 200 hộ đã được sử dụng bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.


1234081645.img.jpg


Chị Nguyễn Thị Bé dùng bếp năng lượng mặt trời để đun nước sôi hằng ngày-Ảnh: Q.T.


Làng Bình Kỳ 2 cách danh lam thắng cảnh Non Nước - Ngũ Hành Sơn khoảng 2km. Khí hậu ở Đà Nẵng nắng nhiều nên việc sử dụng bếp năng lượng mặt trời khá hiệu quả. Sau tết trời nắng đẹp nên nhà nhà ở ngôi làng này đều sử dụng bếp năng lượng mặt trời để nấu nướng thức ăn, nấu cám heo và đun nước sôi. Đây là ngôi làng thuần nông, nguyên liệu đun chủ yếu của họ trước kia là rơm rạ, lá dương liễu, củi. Từ khi có bếp năng lượng mặt trời, người dân được giải quyết vấn đề chất đốt và có ý thức bảo vệ môi trường.

Dân ủng hộ

Chị Nguyễn Thị Ánh Minh đứng giữa sân nhà để nấu món canh rau, khoảng 20 phút nồi canh sôi. Trước đó chị cũng đã nấu cơm từ bếp này. “Rứa là lâu lắm rồi, lúc nắng to thì 15 phút là xong. Có cái bếp này tiện lắm, tiết kiệm được tiền mua củi mà lại đảm bảo sức khỏe” - chị Minh nói. Cách nay gần hai năm, chị và một số hộ khác được nhận bếp năng lượng mặt trời đợt đầu tiên. Chị kể lúc đầu không dám nhận vì thấy bếp như cái nón (hình parabol) làm bằng sắt, không biết có sử dụng được không.

Nhưng hội phụ nữ làng động viên, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn cách sử dụng nên chị mạnh dạn nhận về nấu thử. “Cứ 30 phút ra điều khiển hướng bếp cho đúng hướng nắng mặt trời là trong vòng 20 phút ấm nước đã sôi, một giờ thì cơm canh xong xuôi. Nấu xong xếp vào tường, bữa khác đưa ra nấu tiếp. Rất đơn giản”. Trước đây, nhà chị mỗi tháng tốn 300.000 đồng tiền củi nhưng giờ dùng bếp năng lượng mặt trời thì tiền giảm còn một nửa.

Đề tài nghiên cứu “Triển khai ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình vùng nông thôn, miền núi TP Đà Nẵng” do PGS.TS Hoàng Dương Hùng thực hiện tại “làng năng lượng mặt trời” Bình Kỳ 2, được Hội đồng khoa học TP Đà Nẵng nghiệm thu tháng 12-2008. Đề tài đã đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật do Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học - kỹ thuật của Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật VN tổ chức.


Chị Lê Thị Diệu Hương cho biết: “Tui làm công nhân giày da, chồng là thợ hồ, thu nhập hai vợ chồng chỉ trên dưới 2 triệu đồng nhưng có hai con nhỏ nên mọi khoản chi tiêu phải dè dặt. Trước đây, một bình gas nhà chỉ dùng được hai tháng, nhưng bữa nay dùng bốn tháng chưa hết”.

Vì đi làm xa nên hai vợ chồng chị sáng nào cũng phải dậy thật sớm để đi làm, trưa phải về nhà vì hai con còn nhỏ. Tất cả thời gian ở nhà đều dành chăm sóc con. “Có bếp rồi nên khi làm về, tui có thời gian chăm sóc con hơn vì có chồng nấu nướng, bếp này đàn ông cũng nấu được” - chị Hương kể.

Từ ngày có bếp năng lượng mặt trời, cô bé Hồ Thị Tuyết Trinh - lớp 11 Trường THPT Ngũ Hành Sơn - thích nấu ăn hơn. Trinh kể: “Lúc trước cứ đi học về là em chui vào bếp, nhóm được lửa là mồ hôi ra như mưa. Giờ chỉ cần kéo cái bếp ra đặt giữa sân ít phút là nấu được”.

Chị Ngô Thị Cúc, mẹ Trinh, khoe: “Hai vợ chồng tui là thợ xây, việc nấu nướng đều do Trinh đảm nhận hết. Có bếp này Trinh không phải vào bếp nấu ăn với mịt mù khói, còn hai đứa em Trinh không phải vất vả đi kiếm củi”. Ngoài bếp, nhà chị Cúc còn được tặng thêm hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời trị giá 5 triệu đồng. Chị Cúc kể thêm: “Nước trên bình luôn nóng, phải pha với một ít nước lạnh mới dùng được. Cả nhà tui khỏe hơn vì tắm giặt, rửa chén bát bằng nước nóng nên diệt được vi khuẩn”.

Ông Huỳnh Kim - phó chủ tịch UBND P.Hòa Quý - cho hay từ khi có bếp năng lượng mặt trời, người dân không còn chặt phá cây lấy củi, tiết kiệm được chất đốt, ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường.

img_314754.jpg


Chị Ngô Thị Cúc lấy nước nóng từ hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời -Ảnh: Q.T.

Hạn chế ô nhiễm môi trường


Toàn bộ kinh phí dự án do Tổ chức Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) và TP Đà Nẵng tài trợ, được triển khai từ năm 2007. PGS.TS Hoàng Dương Hùng - phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, chủ nhiệm dự án - cho biết: “Dự án này hướng đến người dân nghèo khó khăn về chất đốt, chúng tôi chọn Bình Kỳ 2 làm nơi triển khai dự án”. Theo khảo sát, Bình Kỳ 2 có 50% hộ nghèo, việc người dân sử dụng chất đốt trong nấu nướng đã ít nhiều làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe…

“Để người dân ủng hộ, chúng tôi phải tổ chức nhiều buổi tập huấn, đến tận nhà hướng dẫn cách sử dụng bếp và lắng nghe ý kiến của dân. Bên cạnh đó phải phân tích cho họ hiểu được sự ô nhiễm môi trường và việc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào khi đun nấu theo cách truyền thống” - ông nói. Chị Phạm Thị Hạnh, cán bộ phụ nữ làng Bình Kỳ 2, chia sẻ: “Giờ thì tất cả chị em rất thích vì sự tiện dụng, không ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nấu nướng. Nhiều chị còn đến tận nhà tôi để trình bày mong có được một cái bếp”.

Bếp năng lượng mặt trời sử dụng ở Bình Kỳ 2 được thiết kế gồm: hộp bảo vệ làm bằng gỗ, mặt phản xạ bên trong bằng kim loại như nhôm, thép trắng hoặc inox đánh bóng nhẵn có độ phản xạ cao, gương phản xạ nhận ánh sáng từ mặt trời, nồi chứa thức ăn được sơn màu đen hấp thụ ánh sáng tốt, tấm kính trong dày 2-3mm có tác dụng tạo “lồng kính” và giảm tổn thất nhiệt khi nấu, lớp vật liệu cách nhiệt là bông thủy tinh hoặc bằng rơm rạ, trấu. Ngoài ra bếp còn có trụ xoay để chỉnh hướng đón ánh sáng mặt trời và một đế đặt nồi nhằm ngăn cách giữa nồi và các bộ phận khác của bếp.

Hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời gồm một bình chứa và hai bộ phận hấp thụ bức xạ nhiệt mặt trời (collector). Loại này thường được dùng trong gia đình, nhà hàng, khách sạn với mục đích tắm giặt, rửa chén bát, hâm nóng nước bể bơi và đun nước nhằm tiết kiệm năng lượng.

Nhiệt độ không khí trong bếp là 67OC, nhiệt độ của sản phẩm nấu các món ăn như cơm, nước sôi, kho cá là 95-102OC và có thể lên tới 405OC. Còn đối với hệ thống đun nước nóng, nhiệt độ nước tại bình chứa là 69OC, khi sử dụng nước là 61OC. Giá thành khoảng 1-1,5 triệu đồng/bếp và 5 triệu đồng/hệ thống nước nóng.

PGS.TS Hoàng Dương Hùng kết luận: “Các hệ thống này rất thuận tiện trong việc sử dụng, lắp đặt và di chuyển. Khi sử dụng sản phẩm được đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường vì sử dụng năng lượng sạch. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng bằng pin mặt trời tại làng này”.
TT
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top