Sử dụng Vắc xin và huyết thanh miễn dịch như thế nào

Hoàng Đức Minh

Senior Member
Staff member
Sử dụng Vắc xin và huyết thanh miễn dịch như t

1. http://vi.wikipedia.org/wiki/Vắc-xin

2. Vacxin và huyết thanh miễn dịch
?
Vacxin và huyết thanh là những nội dung được quan tâm sớm nhất trong các nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch ứng dụng để phòng và chữa bệnh.

Từ rất xa xưa con người đã có những cách phòng bệnh, mà về bản chất có những nét giống như vacxin ngày nay. Nhưng việc sử dụng vacxin mang tính khoa học chính thống được bắt đầu cách đây hơn 200 năm sau khám phá của E. Jenner (1749-1823). Jenner vốn là một bác sĩ thú y. Ông quan sát thấy những người vắt sữa bò thường không bị bệnh đậu mùa khi loại dịch khủng khiếp này xảy ra. Ông cho rằng do những người đó đã từng bị bệnh đậu bò. Từ suy nghĩ đó ông đã tiến hành thử nghiệm thành công phương pháp chủng đậu bò để phòng bệnh đậu mùa vào năm 1796 và chính thức công bố công trình của mình vào năm 1798. Thuật ngữ vacxin (vaccin) cũng được ra đời từ đây, nó bắt nguồn từ chữ “vaccina” có nghĩa là con bò cái. Khám phá của Jenner đã trở thành dấu son đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu về vacxin nói riêng và nghiên cứu về miễn dịch học nói chung. Tuy nhiên cho đến lúc đó virus vẫn chưa được phát hiện, còn vi khuẩn tuy đã được phát hiện nhưng chưa được chứng minh là căn nguyên của bệnh truyền nhiễm. Vào thời gian này, mặc dù hiệu quả của việc sử dụng vacxin đã được xác định nhưng nguyên lý của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Phải gần một thế kỷ sau, nhờ những cống hiến xuất sắc của L. Pasteur (1822-1895) về phương pháp tạo miễn dịch chủ động phòng chống nhiều bệnh nhiễm trùng, đã thực sự mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vacxin được hiểu biết đầy đủ và phát huy những hiệu quả to lớn. Tiêm chủng phòng bệnh đã trở thành một trong những nét nổi bật nhất của cuộc đấu tranh chống các bệnh truyền nhiễm ở thế kỷ XX. Một sự trùng hợp không phải ngẫu nhiên là đậu mùa, bệnh dịch đầu tiên có vacxin phòng bệnh cũng là bệnh dịch đầu tiên nhân loại đã hoàn toàn chiến thắng.

Người đặt nền móng cho việc sử dụng huyết thanh để chữa bệnh là E. Behring (1854-1917) bằng các công trình nghiên cứu về việc dùng kháng độc tố để chữa bệnh bạch hầu và uốn ván vào năm 1890. Với những công trình nghiên cứu này, ông đã được nhận giải thưởng Nobel vào năm 1901. Tuy nhiên, phải nửa thế kỷ sau, tới giữa thập kỷ 40, huyết thanh mới được dùng rộng rãi trong chữa bệnh và phòng bệnh. Một điều rất lý thú là sau hơn một thế kỷ, rất nhiều loại huyết thanh kháng vi sinh vật đã được sản xuất nhưng hai huyết thanh được nghiên cứu đầu tiên đó, với tên gọi tắt là SAD (Serum anti diptheriae) và SAT (Serum anti tatanus), vẫn thuộc vào những huyết thanh có hiệu quả cao nhất và được sử dụng rộng rãi nhất.

VACXIN

1. Nguyên lý sử dụng vacxin

Sử dụng vacxin là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Nói một cách khác: sử dụng vacxin là tạo miễn dịch chủ động nhân tạo.

Tình trạng miễn dịch mà cơ thể có được sau khi sử dụng vacxin là kết quả của sự đáp ứng miễn dịch đối với các thành phần kháng nguyên có trong vacxin. Cơ thể luôn luôn đáp ứng bằng cả miễn dịch dịch thể (miễn dịch qua trung gian kháng thể) và miễn dịch tế bào (miễn dịch qua trung gian tế bào), nhưng tuỳ từng loại vacxin, hiệu lực bảo vệ có thể do miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào hoặc phối hợp cả hai loại. Ngoài miễn dịch đặc hiệu, vacxin còn có khả năng tăng cường cả miễn dịch không đặc hiệu như làm tăng quá trình thực bào nhờ kháng thể đóng vai trò là yếu tố opsonin đặc hiệu, nhờ lymphokin hoạt hoá đại thực bào...

Nói chung chỉ có những bệnh truyền nhiễm mà những người mắc bệnh sau khi khỏi có miễn dịch mới có khả năng chế tạo được vacxin phòng bệnh.

2. Nguyên tắc sử dụng vacxin

Việc sử dụng vacxin phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

• Tiêm chủng trên phạm vi hợp lý, đạt tỷ lệ cao.
• Tiêm chủng đúng đối tượng.
• Bắt đầu tiêm chủng đúng lúc; bảo đảm đúng khoảng cách giữa các lần tiêm chủng; tiêm chủng nhắc lại đúng thời gian.
• Tiêm chủng đúng đường và đúng liều lượng.
• Nắm vững phương pháp phòng và xử trí các phản ứng không mong muốn do tiêm chủng.
• Bảo quản vacxin đúng qui định.

2.1. Phạm vi và tỷ lệ tiêm chủng:
Về phạm vi tiêm chủng:

Phạm vi tiêm chủng được qui định tuỳ theo tình hình dịch tễ của từng bệnh. Vì vậy, phạm vi tiêm chủng sẽ không giống nhau giữa các nước, ngay cả các khu vực trong một nước cũng có thể có sự khác nhau. Những qui định này lại có thể thay đổi theo thời gian do sự thay đổi về dịch tễ học của bệnh nhiễm trùng.

Về lý thuyết, người ta thường nói tiêm chủng càng rộng càng tốt. Thực tế thì không phải với mọi vacxin ta đều thực hiện được điều đó vì những lý do sau đây:

- Thứ nhất, sẽ rất tốn kém do chi phí cho việc mua hoặc sản xuất vacxin và cho việc tổ chức tiêm chủng.
- Thứ hai, tuy các phản ứng không mong muốn do vacxin gây ra rất ít nhưng không phải là không có. Dù tỷ lệ phản ứng như thế nào thì số trường hợp vẫn tỷ lệ thuận với số lượng người được tiêm chủng.

Về tỉ lệ tiêm chủng:

Lý tưởng là tiêm chủng cho 100% đối tượng trong diện chỉ định. Những khu vực có lưu hành bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng phải đạt trên 80% đối tượng chưa có miễn dịch mới có khả năng ngăn ngừa được dịch. Nếu tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt trong khoảng từ 50 đến 80%, nguy cơ xảy ra dịch chỉ giảm bớt. Nếu tỷ lệ tiêm chủng dưới 50% dịch vẫn dễ dàng xảy ra.

2.2. Đối tượng tiêm chủng

Đối tượng cần được tiêm chủng một loại vacxin nào đó là tất cả những người có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh mà chưa có miễn dịch. Trẻ em là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm. Sau khi hết miễn dịch thụ động do mẹ truyền (trung bình khoảng 6 tháng) nguy cơ mắc bệnh của trẻ rất lớn. Mặt khác miễn dịch thụ động nhờ kháng thể truyền qua rau thai hoặc qua sữa chỉ có đối với những bệnh mà cơ chế bảo vệ chủ yếu do miễn dịch dịch thể. Đối với những bệnh mà cơ chế bảo vệ là miễn dịch qua trung gian tế bào thì trẻ có thể bị bệnh ngay từ những tháng đầu tiên sau khi sinh. Những hiểu biết này là cơ sở cho việc qui định thời điểm bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em. Trừ những đối tượng chống chỉ định, tất cả trẻ em đều phải được tiêm chủng.

Đối với người lớn, đối tượng tiêm chủng thu hẹp hơn. Thường chỉ tiến hành tiêm chủng cho những nhóm người có nguy cơ cao. Trong thời kỳ mở cửa, số lượng người đi du lịch giữa các nước ngày càng lớn, tiêm chủng cho người du lịch đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả nước có công dân đi du lịch và cả nước đón khách du lịch.

Trong những năm gần đây, để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ được tiêm phòng uốn ván.

Diện chống chỉ định tiêm chủng (không được tiêm chủng ) có hướng dẫn riêng đối với mỗi vacxin.

Nói chung không được tiêm chủng cho các đối tượng sau đây:

- Những người đang bị sốt cao. Những trường hợp đang bị nhiễm trùng nhẹ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ thì không cần phải hoãn tiêm chủng.
- Những người đang ở trong tình trạng dị ứng. Những người có cơ địa dị ứng hoặc có lịch sử gia đình bị dị ứng vẫn tiêm chủng được, nhưng cần phải theo dõi cẩn thận hơn.
- Vacxin sống giảm độc lực không được tiêm chủng cho những người bị thiếu hụt miễn dịch, những người đang dùng thuốc đàn áp miễn dịch hoặc những người mắc bệnh ác tính.
- Tất cả các loại vacxin virus sống giảm độc lực không được tiêm chủng cho phụ nữ đang mang thai.

2.3. Thời gian tiêm chủng:

Việc tiêm chủng được tiến hành thường xuyên hoặc tập trung tiêm chủng hàng loạt tuỳ thuộc vào yêu cầu của mỗi loại vacxin và các điều kiện cụ thể khác.

Thời điểm tổ chức tiêm chủng:

Khi đã xác định được qui luật xuất hiện dịch cần phải tiến hành tiêm chủng đón trước mùa dịch, để cơ thể có đủ thời gian hình thành miễn dịch. Đối với vacxin được tiêm chủng lần đầu, thời gian tiềm tàng từ 24 giờ đến 2 tuần (trung bình khoảng 1 tuần), tuỳ thuộc vào bản chất vacxin và tính phản ứng của cơ thể. Hiệu giá kháng thể đạt được đỉnh cao nhất sau khoảng 4 ngày đến 4 tuần (trung bình 2 tuần). Khi tiêm chủng nhắc lại thời gian tiềm tàng sẽ rút ngắn, hiệu giá kháng thể đạt được đỉnh cao nhất chỉ sau một số ngày nhờ những tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch.

Khoảng cách giữa các lần tiêm chủng:

Đối với những vacxin khi tạo miễn dịch cơ bản phải tiêm chủng nhiều lần, khoảng cách hợp lý giữa các lần tiêm chủng thường là 1 tháng. Nếu khoảng cách này ngắn hơn đáp ứng miễn dịch thứ phát sẽ không có hoặc bị hạn chế, vì kết quả đáp ứng của cơ thể đối với lần tiêm chủng sau không cao hơn một cách có ý nghĩa, về bản chất vẫn chỉ là đáp ứng tiên phát. Ngược lại, vì một lý do nào đó phải tiêm chủng lần tiếp theo sau hơn 1 tháng, hiệu quả miễn dịch vẫn được đảm bảo, vì vậy lần tiêm chủng trước vẫn được tính. Tuy nhiên, không nên kéo dài việc tiêm chủng nếu không có những lý do bắt buộc, vì trẻ có thể bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng đầy đủ.

Thời gian tiêm chủng nhắc lại:

Thời gian tiêm chủng nhắc lại tuỳ thuộc vào thời gian duy trì được tình trạng miễn dịch có đủ hiệu lực bảo vệ của mỗi loại vacxin. Thời gian này khác nhau tuỳ từng loại vacxin. Khi tiêm chủng nhắc lại thường chỉ cần 1 lần. Với lần tăng cường này, cơ thể sẽ đáp ứng miễn dịch nhanh và mạnh hơn, cho dù kháng thể của lần tiêm chủng trước chỉ còn lại rất ít.

2.4. Liều lượng và đường đưa vacxin vào cơ thể:

2.4.1. Liều lượng:

Liều lượng vacxin tuỳ thuộc vào loại vacxin, đường đưa vào cơ thể và lứa tuổi đối tượng. Liều lượng quá thấp sẽ không đủ khả năng kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch. Ngược lại, liều lượng quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng dung nạp đặc hiệu đối với lần tiêm chủng tiếp theo.

2.4.2. Đường tiêm chủng:

-Đường chủng:
Chủng là rạch da hơi rớm máu (vừa hết lớp tế bào đáy của da) rồi nhỏ vacxin lên vết rạch đó. Đây là đường cổ điển nhất, được thực hiện ngay từ lúc Jenner sáng chế ra vacxin phòng bệnh đậu mùa. Đối với vacxin này đường chủng vẫn được dùng cho tới khi bệnh đậu mùa bị tiêu diệt hoàn toàn (1979), không cần phải chủng đậu nữa. Ngày nay đường chủng vẫn còn được sử dụng cho một số ít vacxin.

- Đường tiêm:
Có thể tiêm trong da (nông nhất, “trong” độ dày của da), tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Không bao giờ tiêm vacxin vào đường tĩnh mạch. Tiêm trong da có thể được thực hiện bằng bơm kim tiêm hoặc bằng bơm nén áp lực không kim.

- Đường uống:
Đường uống là đường đưa vacxin vào cơ thể dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên chỉ áp dụng được đối với những vacxin không bị dịch tiêu hoá phá huỷ. Cùng với tiến bộ trong sự hiểu biết về vai trò của miễn dịch tại chỗ do IgA tiết, những vacxin phòng bệnh đường tiêu hoá (hoặc bệnh ở nơi khác nhưng vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hoá) đã được sử dụng hoặc đang được nghiên cứu đưa vào cơ thể bằng cách uống. Đường uống kích thích miễn dịch tiết tại chỗ mạnh hơn nhiều so với đường tiêm.

Ngoài 3 đường nói trên, vacxin còn được đưa vào cơ thể theo một số đường khác như khí dung, đặt dưới lưỡi, thụt vào đại tràng. Những đường này ít được sử dụng.

2.5. Các phản ứng phụ do tiêm chủng:

Về nguyên tắc, vacxin phải đảm bảo đủ độ an toàn. Song trên thực tế không thể đạt được mức độ an toàn tuyệt đối. Tất cả các vacxin đều có thể gây ra phản ứng phụ ở một số người.

Phản ứng tại chỗ:
Những phản ứng nhẹ thường gặp sau tiêm chủng là nơi tiêm có thể hơi đau, mẩn đỏ, hơi sưng hoặc nổi cục nhỏ. Những phản ứng này sẽ mất đi nhanh chóng sau một vài ngày, không cần phải can thiệp gì. Nếu tiêm chủng không đảm bảo vô trùng, thì nơi tiêm chủng có thể bị viêm nhiễm, làm mủ.

Phản ứng toàn thân:
Trong các phản ứng toàn thân, sốt hay gặp hơn cả, khoảng từ 10 đến 20 %. Sốt thường hết nhanh sau một vài ngày. Co giật có thể gặp nhưng với tỷ lệ rất thấp, khoảng 1 phần vạn, hầu hết khỏi không để lại di chứng gì. Một số vacxin có thể gây ra phản ứng nguy hiểm hơn, trong đó có sốc phản vệ, tuy nhiên rất hiếm gặp.

Khi bàn về những phản ứng do vacxin, rất cần phải nhấn mạnh rằng mức độ nguy hiểm do vacxin nhỏ hơn rất nhiều so với mức độ nguy hiểm do bệnh nhiễm trùng tương ứng gây ra. Thí dụ, tỷ lệ biến chứng nguy hiểm do bệnh ho gà gấp hàng trăm đến hàng nghìn lần phản ứng nguy hiểm do vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván gây ra.

2.6. Bảo quản vacxin

Vacxin rất dễ bị hỏng nếu không được bảo quản đúng. Chất lượng vacxin ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực tạo miễn dịch, vì vậy các vacxin cần thiết phải được bảo quản tốt ngay từ lúc nó được sản xuất cho tới khi được tiêm chủng vào cơ thể. Thường qui bảo quản các vacxin có những điểm không giống nhau, nhưng nói chung tất cả các vacxin đều cần được bảo quản trong điều kiện khô, tối và lạnh.

Nhiệt và ánh sáng phá huỷ tất cả các loại vacxin, nhất là những vacxin sống như vacxin sởi, bại liệt và vacxin BCG sống, vì vậy chúng phải được giữ trong lạnh sâu. Ngược lại, đông lạnh phá huỷ nhanh các vacxin giải độc tố (như vacxin phòng uốn ván và bạch hầu).

Một trong những công việc quan trọng nhất trong việc tổ chức tiêm chủng là tạo lập được dây chuyền lạnh. Dây chuyền lạnh không đơn thuần là có các nhà lạnh, tủ lạnh, các phích đá hoặc các hộp cách nhiệt mà còn phải lưu ý cả những khâu trung gian trong quá trình vận chuyển vacxin và tiến hành tiêm chủng. Vacxin nếu đã bị phá huỷ dù có được bảo quản lại ở điều kiện thích hợp cũng không thể có hiệu lực trở lại, cũng không có tác dụng nữa, phải loại bỏ. Trong quá trình tiến hành tiêm chủng tại cộng đồng, các vacxin cần được bảo quản ở nhiệt độ trong khoảng từ 2 đến 8oC.

Một điểm cũng cần được lưu ý là các hoá chất tẩy uế, sát trùng đều có thể phá huỷ vacxin. Nếu các dụng cụ tiêm chủng được khử trùng bằng hoá chất thì chỉ cần một lượng rất ít dính lại cũng có thể làm hỏng vacxin. Vì vậy các dụng cụ tiêm chủng trước khi dùng phải được rửa sạch sau đó khử trùng ở nhiệt độ cao bằng luộc hoặc hấp.

3. Tiêu chuẩn của vacxin

3.1. An toàn

Một vacxin lý tưởng khi sử dụng sẽ không gây bệnh, không gây độc và không gây phản ứng. Sau khi sản xuất vacxin phải được cơ quan kiểm định nhà nước kiểm tra chặt chẽ về mặt vô trùng, thuần khiết và không độc.
- Vô trùng: Vacxin không được nhiễm các vi sinh vật khác, nhất là các vi sinh vật gây bệnh.
- Thuần khiết: Ngoài kháng nguyên đưa vào để kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch chống vi sinh vật gây bệnh, không được lẫn các thành phần kháng nguyên khác có thể gây ra các phản ứng phụ bất lợi.
- Không độc: Liều sử dụng phải thấp hơn rất nhiều so với liều gây độc. Tuy nhiên, như đã nêu ở phần 2.5., không có vacxin nào đạt được độ an toàn tuyệt đối. Khi cân nhắc để quyết định xem một vacxin nào đó có được đưa vào sử dụng hay không, cần phải so sánh giữa mức độ phản ứng do vacxin và tính nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng tương ứng.

3.2. Hiệu lực:

Vacxin có hiệu lực lớn là vacxin gây được miễn dịch ở mức độ cao và tồn tại trong một thời gian dài. Hiệu lực gây miễn dịch của vacxin trước hết được đánh giá trên động vật thí nghiệm, sau đó trên thực địa.

Trên động vật thí nghiệm:

Cách thứ nhất, đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch thông qua việc xác định hiệu giá kháng thể hoặc xác định mức độ dương tính của phản ứng da. Cách đánh giá này chưa cho biết hiệu lực bảo vệ, mới chỉ cho biết mức độ đáp ứng miễn dịch của cơ thể động vật đối với loại vacxin thử nghiệm. Cách thứ hai, xác định tỷ lệ động vật đã được tiêm chủng sống sót sau khi thử thách bằng vi sinh vật gây bệnh.

Trên thực địa:

Dù đã được cơ quan kiểm định nhà nước kiểm tra và đã được đánh giá trên động vật, trước khi đưa ra tiêm chủng rộng rãi, vacxin đều phải được thử nghiệm trên thực địa (field test): Vacxin được tiêm chủng cho một cộng đồng, theo dõi thống kê tất cả các phản ứng phụ và đánh giá khả năng bảo vệ khi mùa dịch tới.

Ngoài 2 tiêu chuẩn trên, để chọn một vacxin tiêm chủng, người ta còn quan tâm đến giá thành và tính thuận lợi trong việc tiến hành tiêm chủng.

4. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu lực của vacxin

4.1. Bản chất và liều lượng của vacxin:

Hiệu lực của vacxin sẽ cao nếu chứa các kháng nguyên có tính sinh miễn dịch mạnh, đồng thời các kháng nguyên đó phải là các kháng nguyên bảo vệ (protective antigens). Mặt khác vacxin phải được sản xuất từ các chủng vi sinh vật “đủ tư cách đại diện” cho tác nhân gây bệnh. Về ảnh hưởng của liều lượng: xin xem mục 2.4.1.

4.2. Đường đưa vacxin vào cơ thể: xin xem mục 2.4.2.

4.3. Các chất phụ gia miễn dịch:

Các chất phụ gia miễn dịch được dùng rộng rãi nhất là các hợp chất của nhôm như hydroxid nhôm (aluminum hydroxide) hoặc phosphat nhôm (aluminum phosphate). Chất phụ gia miễn dịch có tác dụng làm cho vacxin chậm giáng hoá, vì vậy có thể giảm được liều lượng và số lần tiêm chủng. Chất phụ gia còn có tác dụng kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch mạnh hơn. Như vậy chất phụ gia miễn dịch vừa có tác dụng làm tăng hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng làm tăng hiệu quả miễn dịch.

4.4. Tình trạng dinh dưỡng của đối tượng được tiêm chủng:

Những ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng đến đáp ứng miễn dịch đã được xác định từ lâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, trong đó mức độ giảm miễn dịch qua trung gian tế bào rõ hơn miễn dịch dịch thể. Tuy nhiên các trẻ suy dinh dưỡng vẫn cần được tiêm chủng vì 2 lý do: thứ nhất, chúng vẫn còn khả năng đáp ứng miễn dịch; thứ hai, chúng rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm.

4.5. Kháng thể do mẹ truyền:

Kháng thể do mẹ truyền có khả năng ức chế đáp ứng miễn dịch của loại vacxin tương ứng. Vì vậy hiệu lực tạo miễn dịch của một số vacxin sẽ bị hạn chế nếu tiêm chủng quá sớm khi hiệu giá kháng thể do mẹ truyền còn tương đối cao. Những bệnh như lao, bại liệt cơ chế đề kháng chủ yếu là miễn dịch qua trung gian tế bào, đứa trẻ không được mẹ truyền, vì vậy phải được tiêm vacxin phòng lao và uống vacxin phòng bại liệt từ rất sớm ngay những ngày đầu tiên sau khi sinh.

5. Các loại vacxin:

Có nhiều cách phân loại vacxin. Nếu căn cứ vào bản chất sinh học, có thể chia vacxin thành 3 loại:
-Vacxin giải độc tố.
-Vacxin chết toàn thể hoặc kháng nguyên tinh chế.
-Vacxin sống giảm độc lực.

5.1. Vacxin giải độc tố:

Loại vacxin này được sản xuất từ ngoại độc tố của vi khuẩn, đã được làm mất tính độc nhưng vẫn giữ được tính mất tính kháng nguyên. Vacxin giải độc tố kích thích cơ thể sản xuất ra kháng độc tố, là loại kháng thể có khả năng trung hòa ngoại độc tố. Vacxin này nhằm phòng chống các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố.

5.2. Vacxin chết toàn thể hoặc kháng nguyên tinh chế:

Loại vacxin này sản xuất từ các vi sinh vật gây bệnh. Sau khi vi sinh vật đã bị giết chết có thể lấy toàn bộ huyền dịch làm vacxin (vacxin toàn thể), hoặc tinh chế lấy các “kháng nguyên bảo vệ” (protective antigents), đây là thành phần kháng nguyên kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch có hiệu quả “bảo vệ”. Hiện nay trong các vacxin là kháng nguyên tinh chế thì vacxin polysacharid chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Loại vacxin này chủ yếu kích thích đáp ứng miễn dịch dịch thể. Các kháng thể được hình thành có thể trực tiếp giết chết vi sinh vật, ngăn cản sự bám dính của chúng vào tế bào cơ thể vật chủ, làm tăng khả năng thực bào..., hoặc phối hợp các cơ chế trên.

5.3. Vacxin sống giảm độc lực:

Loại vacxin này sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật giống vi sinh vật gây bệnh về cấu trúc kháng nguyên, đã được làm giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh. Vacxin sống tạo ra trong cơ thể một quá trình giống như quá trình nhiễm trùng tự nhiên, kích thích cơ thể đáp ứng cả miễn dịch toàn thể và miễn dịch tại chỗ, cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào. Tuy nhiên khi sử dụng vacxin sống điều phải quan tâm đặc biệt là tính an toàn. Phải đảm bảo không còn khả năng gây bệnh hoặc chỉ gây bệnh rất nhẹ, và vi sinh vật phải có tính di truyền ổn định không trở lại độc lực ban đầu.

6. Phối hợp vacxin:

Mục đích chính của việc phối hợp vacxin là làm giảm bớt số mũi tiêm chủng hoặc làm giảm bớt số lần tổ chức tiêm chủng.

Có hai loại phối hợp vacxin:
- Tiêm chủng vacxin phối hợp (trộn các vacxin với nhau, tiêm chủng cùng một lần, cùng một đường).
- Tiêm chủng nhiều vacxin riêng biệt trong cùng một thời gian, có thể ở các vị trí khác nhau hoặc theo những đường khác nhau.

Phối hợp vacxin phải đảm bảo giữ được hiệu lực tạo miễn dịch và không gây ra tác hại gì. Hiệu lực tạo miễn dịch đối với mỗi thành phần vacxin ít nhất phải bằng khi chúng được tiêm chủng riêng rẽ. Một số trường hợp khi phối hợp vacxin sẽ tạo ra được đáp ứng miễn dịch mạnh hơn. Ngược lại có những trường hợp phối hợp không hợp lý làm giảm hiệu lực tạo miễn dịch. Sự phối hợp vacxin hợp lý sẽ không làm tăng tỷ lệ phản ứng phụ. Nghĩa là độ an toàn vẫn được đảm bảo như khi chúng được tiêm chủng riêng rẽ ở những thời gian khác nhau.

7. Lịch tiêm chủng:

7.1. Các căn cứ để xây dựng lịch tiêm chủng:

Cơ sở để xây dựng lịch tiêm chủng là những hiểu biết về dịch tễ học của bệnh truyền nhiễm và sự đáp ứng miễn dịch của đối tượng được tiêm chủng. Trước khi xây dựng lịch tiêm chủng cần phải xác định những vấn đề cơ bản sau đây: 1) Tuổi phù hợp nhất cho cho việc tiến hành tiêm chủng đối với mỗi loại vacxin. 2) Thời gian trẻ có nguy cơ mắc bệnh lớn nhất. 3) Tính nguy hiểm của bệnh ở các lứa tuổi khác nhau và khả năng đáp ứng của cơ thể khi được tiêm chủng. 4) Khả năng cung ứng vacxin.

Tuy nhiên cũng cần phải hiểu rõ rằng, mô hình dịch tễ học được xây dựng ở một thời điểm nào đó có thể bị thay đổi do chính việc sử dụng vacxin, khi đó lịch tiêm chủng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

7.2. Lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng:

Căn cứ vào dịch tễ học của các bệnh truyền nhiễm tại các nước đang phát triển và khả năng cung cấp vacxin, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Chương trình tiêm chủng mở rộng (EPI – Expanded Programme of Immunization). Mục tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng là làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, sởi và bại liệt bằng tiêm chủng vacxin.

Bảng dưới đây trình bày lịch tiêm chủng các vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng:

Vacxin
Liều lượng
Đường ?tiêm chủng
Tuổi tiêm chủng

BCG ?(phòng lao)
? ?0,1ml

? ?
Trong da (thường ở

cánh tay trái) ?
Sơ sinh hoặc bất kỳ thời gian nào sau đó

SABIN (phòng bại liệt)
? ?2 giọt
? ?Uống
Sơ sinh và lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Trẻ < 5 tuổi hàng năm uống 2 liều tăng cường cách nhau 1 tháng.



DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván).


? ? ?0,5ml ?
?Tiêm bắp (thường ở đùi)
Lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Tiêm 1 mũi tăng cường sau khi tiêm mũi thứ ba 1 năm.



Sởi
? ? ?0,5ml
Dưới da (thường ở cánh tay trái)


Lúc 9 tháng tuổi

hoặc sớm nhất sau đó.


8. Một số loại vacxin đang được sử dụng ở việt nam:

Ngoài 6 loại vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng kể trên, ở nước ta hiện nay còn có một số loại vacxin khác đang được sử dụng như : vacxin phòng bệnh uốn, vacxin phòng bệnh tả, vacxin phòng bệnh thương hàn, vacxin phòng bệnh nhiễm khuẩn do H. influenzae typ b, vacxin phòng bệnh viêm màng não do cầu khuẩn màng não nhóm A và C, vacxin phòng bệnh dại, vacxin phòng bệnh viêm gan virus B, vacxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

8.1. Vacxin phòng bệnh uốn ván:

Là loại vacxin giải độc tố. Có 2 loại: vacxin chỉ chứa giải độc tố uốn ván và vacxin phối hợp với vacxin phòng bạch hầu và ho gà (DPT). Giải độc tố của vi khuẩn uốn ván được hấp phụ với phosphat nhôm.

Vacxin được tiêm bắp mỗi mũi 0,5ml. Tạo miễn dịch cơ bản tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng. Sau 6 đến 12 tháng tiêm nhắc lại.

Đối với phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, ngoài 2 mũi tạo miễn dịch cơ bản, tiêm mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng hoặc khi có thai, tiêm mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 ít nhất 12 tháng hoặc khi có thai lần sau.

Đối với phụ nữ có thai chưa tiêm vacxin uốn ván lần nào thì tạo miễn dịch cơ bản bằng 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi tăng cường tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

8.2. Vacxin phòng bệnh tả:

Vacxin phòng bệnh tả đang dùng ở nước ta là vacxin bất hoạt gồm sinh typ cổ điển, sinh typ Eltor và cả biến chủng O139. Vacxin dạng huyền dịch đưa vào cơ thể theo đường uống.

Đối tượng sử dụng: mọi lứa tuổi ở các vùng có dịch tả lưu hành.

8.3. Vacxin phòng bệnh thương hàn:

Có 2 loại vacxin phòng bệnh thương hàn đang được sử dụng:

Vacxin polysaccharid của Pháp có tên là Typhim Vi. Vacxin Typhim Vi dùng cho trẻ trên 2 tuổi và người lớn, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Vacxin sống giảm độc lực của Hàn Quốc có tên là Zerotyph. Vacxin Zerotyph dùng cho trẻ trên 3 tháng tuổi và người lớn, theo đường uống.

8.4. Vacxin phòng nhiễm khuẩn do H. influenzae:

Đây là loại vacxin chế từ kháng nguyên vỏ của H.influenzae typ b. Vacxin của Pháp có tên Act-HiB là loại vacxin liên kết, thành phần gồm polysaccharid vỏ của H. influenzae typ b gắn với giải độc tố của vi khuẩn uốn ván.

Vacxin này được dùng cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống theo đường dưới da hoặc tiêm bắp mỗi mũi 0,5ml. Trẻ dưới 6 tháng tuổi tiêm 3 mũi cách nhau 1 tháng. Trẻ 6 đến 12 tháng tuổi tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng. Trẻ từ 1 đến 5 tuổi chỉ tiêm 1 mũi.

8.5. Vacxin phòng bệnh viêm màng não do cầu khuẩn màng não nhóm A và nhóm C

Vacxin này được sản xuất từ polysaccharid của cầu khuẩn màng não nhóm A và nhóm C.

Vacxin được sử dụng cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 1 mũi 0,5ml duy nhất.

8.6. Vacxin phòng bệnh dại:

Có 2 loại vacxin phòng dại: vacxin chết và vacxin sống giảm độc lực. Vacxin hiện đang được sử dụng ở nước ta thuộc loại vacxin sống giảm độc lực, vacxin Fuenzalida và vacxin Verorab.

Vacxin dại chỉ tiêm cho người bị động vật nghi dại cắn (xem mục “Cách xử lý trường hợp bị chó nghi dại cắn” trong bài “Virus dại”). Với vacxin Fuenzalida, tiêm trong da 6 mũi cách nhật, mỗi mũi 0,1ml cho trẻ tới 15 tuổi, mỗi mũi 0,2ml cho người trên 15 tuổi. Với vacxin Verorab, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 5 mũi, mỗi mũi 0,5ml vào các ngày 0 (ngày bắt đầu tiêm), 3, 7, 14, 30; tuỳ ý tiêm nhắc lại 1 mũi 0,5ml vào ngày thứ 90.

8.7. Vacxin phòng bệnh viêm gan virus B

Vacxin phòng bệnh viêm gan virus B có 2 loại: vacxin thế hệ 1 được sản xuất từ kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (HBsAg) có trong huyết tương người lành; vacxin thế hệ 2 sản xuất từ HBsAg được tạo ra nhờ công nghệ gen (ADN tái tổ hợp) trên nấm men.

Vacxin phòng bệnh viêm gan virus B được tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Đối với trẻ em, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 3 mũi cách nhau 1 tháng, mỗi mũi 0,5ml, tiêm nhắc lại 0,5ml sau một năm. Đối với người lớn, tiêm 3 mũi mỗi mũi 1ml: mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ 3 cách mũi thứ hai 5 tháng; sau 5 năm tiêm nhắc lại 1 mũi 1ml.

8.8. Vacxin phòng viêm não Nhật Bản:

Vacxin phòng viêm não Nhật Bản thuộc loại vacxin virus bất hoạt. Vacxin này được tiêm dưới da, mỗi mũi 0,5ml cho trẻ dưới 5 tuổi, mỗi mũi 1ml cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Để tạo miễn dịch cơ bản: tiêm 3 mũi. Tiêm nhắc lại mỗi năm 1 mũi ở vùng có dịch. Tiêm nhắc lại 4 năm 1 mũi ở vùng không có dịch.

9. hướng phát triển các vacxin mới:

Một số vacxin mới để phòng chống các nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng đã và đang được thử nghiệm như vacxin phòng bệnh hủi, bệnh lỵ trực khuẩn, các nhiễm trùng do S. pneumoniae, virus Rota, ký sinh trùng sốt rét... Người ta cũng hy vọng trong thời gian không xa sẽ có vacxin phòng giang mai, lậu và HIV/AIDS.

Các vacxin phòng nhiễm khuẩn đường tiêu hoá đang được phát triển theo hướng nghiên cứu sản xuất các vacxin đưa vào cơ thể theo đường uống để kích thích đáp ứng miễn dịch tại chỗ. Cũng theo hướng kích thích đáp ứng miễn dịch tại chỗ, các nhà khoa học đang nghiên cứu các vacxin phòng nhiễm trùng đường hô hấp đưa vào cơ thể bằng cách khí dung.

Sự tiến bộ nhanh chóng trong khoa học kỹ thuật nói chung và trong công nghệ sinh học nói riêng đã tạo ra khả năng sản xuất các vacxin mới hoặc làm cho các vacxin đã có hoàn thiện hơn.

Kỹ thuật mới giúp cho sự hiểu biết đầy đủ hơn vai trò của các thành phần kháng nguyên trong quá trình kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch và nó đã tạo ra khả năng chiết tách tinh chế những thành phần hữu hiệu để đưa vào vacxin, vừa làm tăng hiệu lực vừa làm giảm các phản ứng không mong muốn. Công nghệ gen sẽ cho ra đời những loại vacxin nhiều ưu điểm vượt xa các vacxin cũ: rất tinh khiết, ít phản ứng phụ, hiệu lực tạo miễn dịch cao, sản xuất nhanh và giá thành thấp.

HUYẾT THANH MIỄN DICH

Nguyên lý sử dụng huyết thanh:

Sử dụng huyết thanh là đưa vào cơ thể kháng thể có nguồn gốc từ người hoặc động vật, giúp cho cơ thể có ngay kháng thể đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh.

Nói một cách khác: sử dụng huyết thanh là tạo miễn dịch thụ động nhân tạo.

nguồn kháng thể:

2.1. Bào chế từ huyết thanh động vật:

Trước hết phải gây miễn dịch cho động vật. Đầu tiên động vật thường được tiêm vacxin, sau đó chúng có thể được tiêm chính vi sinh vật gây bệnh để kích thích sản xuất kháng thể mạnh mẽ hơn. Khi hiệu giá kháng thể trong huyết thanh đạt mức cao nhất, thì lấy máu để lấy huyết thanh đem bào chế. Động vật thường được dùng trong sản xuất huyết thanh là ngựa. Ngày nay, việc sử dụng huyết thanh động vật giảm đi nhiều vì tỷ lệ gây ra phản ứng cao hơn hẳn so với kháng thể được sản xuất từ huyết thanh người.

2.2. Bào chế từ huyết thanh người:

2.2.1. Globulin miễn dịch bình thường:

Globulin miễn dịch bình thường được bào chế từ huyết thanh người khoẻ mạnh hoặc từ máu rau thai. Trước đây globulin miễn dịch loại này còn được gọi là gamaglobulin. Ngày nay ở một số nước còn có tên là globulin huyết thanh miễn dịch (Immune Serum Globulin).

Loại globulin miễn dịch này mỗi lần (mẻ) được bào chế từ hàng nghìn mẫu huyết thanh, do đó không có sự khác nhau đáng kể về hiệu giá kháng thể giữa các lần sản xuất. Kháng thể trong globulin miễn dịch bình thường chủ yếu thuộc lớp IgG.

2.2.2. Globulin miễn dịch đặc hiệu:

Globulin miễn dịch đặc hiệu được bào chế từ máu của những người mắc bệnh nhiễm trùng nào đó đã khỏi bệnh và hồi phục sức khoẻ, hoặc từ máu của những người khoẻ mạnh mới được tiêm chủng tăng cường. Trong globulin miễn dịch đặc hiệu, nồng độ kháng thể chống lại vi sinh vật, là căn nguyên của bệnh nhiễm trùng mà người cho đã mắc hoặc đã được tiêm chủng, thường cao gấp hàng chục lần trong globulin miễn dịch bình thường.

nguyên tắc sử dụng:

Các nguyên tắc cơ bản phải thực hiện khi sử dụng huyết thanh là:
• Đúng đối tượng
• Đúng liều lượng
• Đúng đường
• Đề phòng phản ứng
• Phối hợp sử dụng vacxin

3.1. Đối tượng:

Huyết thanh được sử dụng nhiều nhất để chữa và dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra nó còn được sử dụng cho một số mục đích khác như điều trị cho những bệnh nhân bị thiếu hụt miễn dịch, dị ứng và dự phòng bệnh tan máu sơ sinh.

Trong chữa và dự phòng bệnh nhiễm trùng, huyết thanh chỉ có hiệu lực với những bệnh mà cơ chế bảo vệ chủ yếu nhờ miễn dịch dịch thể. Kinh điển nhất là huyết thanh chống uốn ván (SAT) và huyết thanh chống bạch hầu (SAD). Huyết thanh chống ho gà, chống sởi được tiêm cho trẻ chưa được tiêm chủng khi có tiếp xúc với bệnh nhân. Huyết thanh chống dại được tiêm cho những người bị chó dại hoặc chó nghi dại cắn với vết thương nặng hoặc gần đầu. Ngoài ra còn có các huyết thanh chống virus viêm gan, virus quai bị, rubeon. Globulin miễn dịch còn được tiêm cho những bệnh nhân viêm đường hô hấp tái phát nhiều lần.

Huyết thanh người bình thường được tiêm cho trẻ bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh. Một số công trình nghiên cứu cho thấy rằng globulin miễn dịch có tác dụng điều trị dị ứng.

Việc sử dụng globulin miễn dịch kháng D (Anti-D immune globulin) cho người mẹ có nhóm máu Rh(-) mới sinh con Rh(+) có tác dụng ngăn cản sự hình thành kháng thể kháng Rh và do đó tránh được nguy cơ tan máu sơ sinh cho đứa trẻ sinh lần sau. Cơ chế của hiện tượng này là globulin miễn dịch kháng D sẽ phá huỷ các hồng cầu Rh(+) của đứa trẻ xâm nhập vào dòng tuần hoàn của người mẹ khi sinh. Do cơ chế này, việc tiêm globulin kháng D chỉ có hiệu quả trong khoảng thời gian 72 giờ đầu sau khi sinh.

3.2. Liều lượng:

Liều lượng huyết thanh sử dụng tuỳ thuộc vào tuổi và cân nặng của bệnh nhân, trung bình từ 0,1 đến 1 ml cho 1kg cân nặng, tuỳ theo loại huyết thanh và mục đích sử dụng. Huyết thanh chống uốn ván được tính theo đơn vị, trung bình là 250 đơn vị cho một trường hợp. Nếu vết thương quá bẩn hoặc tiêm chậm sau 24 giờ thì liều lượng phải tăng gấp đôi.

3.3. Đường đưa huyết thanh vào cơ thể:

Huyết thanh thường được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm bắp. Đối với những loại huyết thanh đã được tinh chế đạt tiêu chuẩn cao, có thể tiêm tĩnh mạch nhưng cũng rất nên hạn chế. Tuyệt đối không tiêm tĩnh mạch những huyết thanh có nguồn gốc từ động vật (dù đã được tinh chế!) hoặc huyết thanh người chưa đạt độ tinh chế cao.

3.4. Đề phòng phản ứng:

Cần phải thực hiện tốt các việc sau đây để ngăn ngừa phản ứng do huyết thanh gây ra:
- Hỏi xem bệnh nhân đã được tiêm huyết thanh lần nào chưa. Rất thận trọng khi phải chỉ định tiêm huyết thanh lần thứ hai vì tỷ lệ phản ứng cao hơn nhiều so với lần thứ nhất. Việc quyết định có tiêm huyết thanh lần thứ hai hay không tuỳ thuộc vào sự cân nhắc giữa nguy cơ mắc bệnh, tính nguy hiểm của bệnh và tỷ lệ phản ứng của loại huyết thanh được sử dụng.
- Làm phản ứng thoát mẫn (phản ứng Besredka ) trước khi tiêm: Pha loãng huyết thanh 10 lần bằng dung dịch NaCl 0,85%. Tiêm 0,1 ml vào trong da. Sau 30 phút nếu nơi tiêm không mẩn đỏ thì có thể tiêm huyết thanh. Nếu nơi tiêm mẩn đỏ, nói chung không nên tiêm, trừ khi tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc của bệnh nhân đòi hỏi bắt buộc phải tiêm. Trong trường hợp đó cần chia nhỏ tổng liều để tiêm dần, cách nhau 20 đến 30 phút.
- Trong quá trình tiêm truyền huyết thanh phải theo dõi liên tục để có thể xử trí kịp thời nếu có phản ứng xảy ra, đặc biệt là phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xử trí sốc phản vệ.

3.5. Tiêm vacxin phối hợp:

Kháng thể do tiêm huyết thanh sẽ phát huy hiệu lực ngay sau khi tiêm, nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Hiệu giá kháng thể này giảm nhanh trong mấy ngày đầu, sau đó giảm chậm hơn và sẽ bị loại trừ hết sau khoảng 10 đến 15 ngày. Hai lý do của sự giảm nhanh chóng này là: kháng thể được đưa vào cơ thể sẽ phản ứng với các kháng nguyên vi sinh vật và bị cơ thể chuyển hoá giống như số phận của các protein ngoại lai khác. Việc tiêm vacxin phối hợp nhằm kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động thay thế cho miễn dịch thụ động do tiêm huyết thanh hết hiệu lực (hình 1).


Hình 1: Tiêm Vacxin phối hợp miễn dịch chủ động thay thế cho miễn dịch thụ động

4. Các phản ứng do tiêm huyết thanh:

Nói chung loại globulin miễn dịch có nguồn gốc từ người đã được tinh chế cao và đưa vào cơ thể bằng đường tiêm bắp ít gây ra các phản ứng nguy hiểm. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, tỷ lệ phản ứng do tiêm huyết thanh cao hơn nhiều so với phản ứng do tiêm chủng vacxin.

Hai nguyên nhân chính gây ra những phản ứng khi tiêm huyết thanh là:
• Do cơ thể phản ứng với các thành phần kháng nguyên lạ, nhất là đối với các huyết thanh chưa được tinh chế cao.
• Do cơ thể sản xuất kháng thể chống lại chính globulin miễn dịch. Các phản ứng do tiêm huyết thanh có thể xếp thành hai loại: tại chỗ và toàn thân.

4.1. Phản ứng tại chỗ:

Nơi tiêm có thể bị đau, mẩn đỏ. Những phản ứng này thường nhẹ, không gây nguy hiểm và sẽ hết sau một ít ngày.

4.2. Phản ứng toàn thân:

Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run, khó thở, đau các khớp; một số trường hợp có thể bị nhức đầu và nôn. Sốc phản vệ là phản ứng nguy hiểm nhất. Nếu tiêm huyết thanh lần đầu, phản ứng thường xuất hiện sau 10 đến 14 ngày. Nếu tiêm huyết thanh lần thứ hai, phản ứng có thể xảy ra ngay sau khi tiêm đến sau một vài ngày, tuỳ thuộc vào lượng kháng thể do cơ thể sinh ra ở lần tiêm trước còn nhiều hay ít.

Các triệu chứng của sốc phản vệ như khó thở do phù nề đường hô hấp trên và co thắt thanh quản; ngứa toàn thân; nổi mề đay và ban sần khắp người; sưng mắt. Bệnh nhân có thể đau bụng và bí đái do các cơ trơn bị co thắt. Ngoài ra còn gặp các triệu chứng do phức hợp kháng nguyên kháng thể đọng lại trong các tiểu động mạnh như viêm cầu thận, viêm cơ tim, van tim, viêm khớp...

Đinh Hữu Dung
Update 11/4/2002

nguồn: http://www.hmu.edu.vn/tiengviet/content.asp?Code=736&id=NetTraining&idlg=Vietnam
 

Facebook

Thống kê diễn đàn

Threads
12,995
Messages
72,869
Members
45,065
Latest member
Go88aa
Back
Top