Một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Tiểu đường cho thấy một phát kiến thú vị. Những con chuột đực có cường độ hoạt động thể chất cao có thể sinh ra con cái khỏe mạnh hơn so với những con lười nhác. Cho dù điều này chưa chắc đã đúng với loài người, tuy nhiên các tác giả ủng hộ quan điểm rằng một số lợi ích của việc tập thể dục bằng cách nào đó được truyền cho thế hệ tiếp theo.
Các nhà khoa học đã biết rằng thói quen lười tập thể dục hoặc ăn uống không lành mạnh của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến con cái. Ví dụ, con cái của các bà mẹ béo phì lúc đang mang thai có nhiều khả năng mắc bệnh béo phì và các bệnh liên quan đến trao đổi chất hóa như bệnh tim mạch. Một nghiên cứu khác cho thấy những con chuột đực ăn nhiều thức ăn có nồng độ chất béo cao sinh ra thế hệ con cái phản ứng bất bình thường với glucose, một dấu hiệu của bệnh tiểu đường typ II.
Để xác định liệu điều ngược lại có đúng hay không, nhà sinh lý học phân tử Kristin Stanford thuộc Đại học Y Dược Ohio, và các đồng nghiệp đã cho chuột đực ăn một chế độ ăn giàu chất béo trong 3 tuần. Chuột thí nghiệm được chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất được cho chạy thể dục bằng các bánh xe với cường độ trung bình khoảng gần 6 km mỗi đêm. Nhóm thứ hai không tập thể dục. Sau đó, một số con chuột thuộc cả hai nhóm được mổ để thu tinh mẫu tinh trùng. Những con còn lại được cho giao phối với chuột cái để sinh con.
Stanford và các đồng nghiệp của cô đã theo dõi kết quả ở thế hệ chuột con cho đến khi chúng được một tuổi, độ tuổi trung niên của loài này. Mặc dù tất cả chuột con của cả hai nhóm thí nghiệm đều được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo trong suốt cuộc đời của chúng và không có các hoạt động thể chất, nhưng chuột con của nhóm tập thể dục dường như đã được di truyền đặc điểm trao đổi chất của chuột bố. Chúng có cả hai dấu hiệu của sự trao đổi chất khỏe mạnh, bao gồm phản ứng tốt hơn với sự gia tăng lượng đường trong máu và lượng insulin thấp hơn. “Tập thể dục đã hoàn toàn loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của chế độ ăn nhiều chất béo” ở thế hệ con cái, Stanford nói.
Về mặt cơ chế sinh học của hiện tượng trên, nhóm nghiên cứu đặt nghi vấn ở các phân tử RNA nhỏ trong tinh trùng của chuột bố. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy mối liên kết giữa các phân tử này với những biến đổi trong trao đổi chất của thế hệ tiếp theo. Trong nghiên cứu này, tinh trùng của những chuột bố không tập thể dục có nhiều phân đoạn của RNA vận chuyển. Các phân đoạn này cần thiết cho quá trình tổng hợp protein, cách thức ra sao chưa rõ, nhưng chúng có thể làm thay đổi việc sản xuất protein. Ngược lại, tinh trùng của chuột bố tập thể dục có số lượng các phân đoạn RNA này ít hơn. Stanford và các cộng sự của cô vẫn không biết làm thế nào mà phân đoạn RNA vận chuyển ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở thế hệ chuột con, nhưng họ suy đoán rằng chúng làm thay đổi sự tăng trưởng hoặc phát triển của chuột con trong thai kỳ.
“Đây là một nghiên cứu chất lượng”, nhà sinh vật học sinh sản Michelle Lane của Đại học Adelaide ở Úc, một người độc lập không thuộc nhóm nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu trước đây chỉ đánh giá hiệu quả tức thời của việc tập thể dục trên thế hệ con cái ở giai đoạn tuổi còn trẻ, nhưng thực tế là các nhà nghiên cứu đã theo dõi những con chuột trong một năm và nhận thấy “những tác động có thể được duy trì trong suốt cuộc đời”.
Lane cảnh báo rằng các nhà nghiên cứu không biết liệu tập thể dục có mang lại lợi ích giống nhau cho mọi người hay không. Tuy nhiên, Kimmins nói, nghiên cứu “mở ra hy vọng rằng nếu đàn ông sẽ tập thể dục, họ sẽ có con khỏe mạnh hơn.”
Lược dịch: Dương Văn Cường – Sinhhocvietnam.com