Trong một vài năm trở lại đây, lĩnh vực công nghệ sinh học đã có những bước phát triển rất nhanh chóng. Các nhà khoa học bây giờ có thể chỉnh sửa gen của thực vật và động vật đạt đến độ chính xác cao. Điều này tất yếu dẫn đến một câu hỏi thực sự lớn: Liệu đã đến lúc chúng ta nên áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen với con người?
Một mặt, hứa hẹn và tiềm năng trong lĩnh vực này là rất lớn. Chỉnh sửa gen trên người có thể giúp chúng ta hiểu biết hơn về sự sống, quét sạch mọi bệnh tật di truyền, tạo ra những thế hệ người siêu việt. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mở ra không ít tranh cãi về mặt đạo đức.
Liệu một cặp vợ chồng có quyền “thiết kế” con cái của mình với những đặc điểm nhất định? Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại con người chưa thể nắm trong tay thứ công cụ hết sức quyền lực này. Trong khi, chỉ với một sai sót ngoài ý muốn, chỉnh sửa gen có thể làm hỏng cả một thế hệ tương lai.
Giữa bối cảnh các tranh cãi vẫn tiếp diễn, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tuần trước đã công bố một bản báo cáo dài tới 216 trang có tiêu đề: “Chỉnh sửa bộ gen người: Khoa học, Đạo đức và Quản trị”. Trong đó, ủy ban soạn thảo bao gồm các nhà khoa học, đạo đức học, luật sư, bác sĩ đến từ 10 quốc gia đã có ý “bật đèn xanh” cho một số lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng chỉnh sửa gen trên người.
Chúng ta hãy cùng điểm qua những ý chính trong bản báo cáo được coi là cánh cửa của lịch sử này:
1. Cho phép nghiên cứu cơ bản, dừng lại trong phòng thí nghiệm
Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nhà khoa học chỉ có mục đích khám phá và tìm ra tri thức mới. Họ không hề có động cơ sẽ sử dụng tri thức đó vào cuộc sống như trong nghiên cứu ứng dụng. Bởi vậy, đây sẽ là lĩnh vực đầu tiên chỉnh sửa gen được “bật đèn xanh” mà ít gây tranh cãi nhất.
Bây giờ, một nhà khoa học có thể nuôi cấy tế bào người trong phòng thí nghiệm. Sau đó, họ sử dụng những công nghệ chỉnh sửa gen, như TALEN hoặc CRISPR, “chọc ngoáy” vào các mã di truyền nhằm tìm ra cách thức mà các phân tử này hoạt động.
Nói một cách khác, nghiên cứu cơ bản sẽ cho chúng ta hiểu biết về những nguyên lý, tìm ra lý thuyết liên quan đến các gen trong tế bào con người để mở rộng hiểu biết.
Trong nghiên cứu cơ bản sử dụng chỉnh sửa gen trên tế bào người, có lúc các nhà khoa học sẽ phải động tới các tế bào trứng hoặc tinh trùng. Mọi người có thể sẽ lo ngại ở đây, nhưng hãy yên tâm bởi tất cả các thí nghiệm này chỉ diễn ra và dừng lại trong phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học sẽ không bao giờ tạo ra phôi thai hoàn chỉnh, hoặc sửa đổi bất kể một tế bào sống nào ngoài phòng thí nghiệm của họ.
Bản báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ lập luận, chỉ cần xây dựng một cơ chế giám sát và hướng dẫn đầy đủ, chúng ta không có gì phải lo lắng và tranh cãi về sử dụng chỉnh sửa gen cho mục đích nghiên cứu cơ bản.
2. Thử nghiệm lâm sàng chỉnh sửa tế bào soma ở người
Tháng 6 năm ngoái, Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) lần đầu tiên phê duyệt một thử nghiệm lâm sàng, sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR để điều trị ung thư. Trong đó, các nhà khoa học đến từ Đại học Pennsylvania sẽ trích xuất tế bào miễn dịch từ 18 bệnh nhân.
Sau đó, các tế bào này được chỉnh sửa lại gen, sao chúng tiêu diệt được các tế bào ung thư một cách hiệu quả. Các nhà khoa học sẽ truyền các tế bào đã “siêu hóa” trở lại cơ thể bệnh nhân. Cuối cùng, họ chỉ ngồi và quan sát xem điều gì sẽ xảy ra.
Trong tương lai, kỹ thuật điều trị được gọi là liệu pháp gen kiểu này chắc chắn sẽ trở nên phổ biến hơn, song song với sự phát triển của các kỹ thuật chỉnh sửa gen. Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã trích dẫn một danh sách dài các ứng dụng tiềm năng của lĩnh vực này.
Không có bất kỳ một vấn đề đạo đức rắc rối nào ở đây, vì việc này chỉ chỉnh sửa gen các tế bào soma, những tế bào không có khả năng sinh sản. Điều đó có nghĩa là sự biến đổi của gen chỉ tồn tại trên từng người được điều trị riêng biệt, không gây ra nguy cơ di truyền lại cho thế hệ sau.
Mặc dù vậy, ủy ban tham gia vào bản báo cáo cho biết bất kể một nghiên cứu nào trong lĩnh vực này cũng phải thận trọng. Một mặt, kỹ thuật chỉnh sửa gen của con người hiện nay chưa hoàn thiện. Đôi khi, một chỉnh sửa gen có thể không thành công, nhưng nó lại dẫn đến đột biến ngẫu nhiên ngoài mục tiêu. Chưa có một tiêu chuẩn an toàn nào cho những dạng tại nạn ngoài ý muốn như vậy.
Bản báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ nói rằng, các nhà quản lý tại NIH cần phải xem xét kỹ lưỡng các đề xuất xin phép sử dụng liệu pháp gen. Về cơ bản, việc lấy tế bào ra khỏi cơ thể người bệnh rồi chỉnh sửa nó sẽ an toàn hơn, vì các nhà khoa học có thể phát hiện lúc nào điều trị đi sai mục tiêu. Ngược lại, việc chỉnh sửa trực tiếp tế bào trong cơ thể người vẫn là một thách thức.
3. Chỉnh sửa tinh trùng, trứng và phôi để ngăn chặn bệnh di truyền
Đến đây, chúng ta mới bắt đầu phải chứng kiến một cuộc tranh cãi nóng bỏng. Chỉnh sửa gen các tế bào miễn dịch ở người trưởng thành không gây hậu quả nghiêm trọng, bởi khi thất bại, gen sẽ không hề di truyền sang thế hệ tiếp theo.
Nhưng vấn đề này là hoàn toàn ngược lại ở tế bào tinh trùng, trứng hoặc phôi thai người. Chỉnh sửa gen ở các tế bào này sẽ khiến nó được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bây giờ, chúng ta không thể nói đó là việc chỉnh sửa gen một con người đơn lẻ. Chúng ta đang thay đổi gen một phần nếu không muốn nói là cả nhân loại trong tương lai.
Ngay tại thời điểm này, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và NIH vẫn nghiêm cấm hoàn toàn việc chỉnh sửa gen phôi thai người, bởi nó liên quan cả đến các vấn đề đạo đức và xã hội. Thế nhưng, ở các quốc gia khác như Anh hoặc Trung Quốc, chỉnh sửa phôi đang ngày càng được phát triển, và nó thực sự là một lĩnh vực đầy hứa hẹn.
Thực tế chúng ta đã biết, có cả hàng ngàn căn bệnh di truyền được gây ra bởi đột biến ở chỉ một gen duy nhất. Đối với nhiều cặp vợ chồng, họ biết chắc nếu có con đứa bé sinh ra chắc chắn sẽ mắc bệnh. Trong trường hợp này, chỉnh sửa gen có thể đang là biện pháp duy nhất đem đến cho họ và cả đứa bé một cơ hội.
Bởi vậy, ủy ban báo cáo đã cố gắng tìm được sự cân bằng ở lĩnh vực này. Họ lập luận rằng chính phủ Mỹ nên cho phép thử nghiệm lâm sàng việc chỉnh sửa gen tinh trùng, trứng, hoặc phôi – nhưng chỉ trong những điều kiện hạn chế.
Nó chỉ nên được “bật đèn xanh” cho các trường hợp giúp ngăn chặn bệnh nghiêm trọng, khi các nhà khoa học đã chứng minh được gen chính xác là nguyên nhân gây bệnh và không còn biện pháp nào khác ngoài chỉnh sửa gen có thể đạt được hiệu quả.
Bên cạnh đó, ủy ban cũng đề nghị cần phải đặt những cơ chế giám sát hết sức nghiêm ngặt trong lĩnh vực này và “tiếp tục đánh giá lại các lợi ích so với rủi ro xã hội” trong các trường hợp.
Ngay khi đưa ra đề nghị “bật đèn xanh” cho một số trường hợp đặc biệt có thể chỉnh sửa tinh trùng, trứng hoặc phôi, ủy ban báo cáo cũng thừa nhận quyết định của họ sẽ gây tranh cãi. Một số người sẽ nói điều này hoàn toàn trái đạo đức. Một số người nhẹ nhàng hơn sẽ hỏi về việc làm sao để phân biệt một trường hợp nào nên sử dụng chỉnh sửa gen, trường hợp nào không và liệu sẽ có sự thiên vị.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết trong tương lai gần, chúng ta sẽ chưa thể chứng kiến chỉnh sửa gen trong lĩnh vực này. Lý do vì bản thân kỹ thuật và công nghệ chỉnh sửa gen còn chưa được hoàn thiện. Bởi vậy, sẽ vẫn còn thời gian để cân nhắc.
4. Chỉnh sửa bộ gen để tạo ra những con người “siêu việt”
Tất nhiên, nếu các nhà khoa học có thể chỉnh sửa gen của phôi thai để loại bỏ bệnh tật, họ cũng có thể làm điều tương tự để tạo ra những “siêu nhân”. Kết quả là những đứa trẻ khỏe mạnh hơn được sinh ra, với chiều cao lý tưởng, đôi mắt xanh, thân hình chuẩn mực… Về cơ bản, đó là những con người siêu việt.
Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết lĩnh vực này sẽ tạo ra những vấn đề rất hóc búa. Chẳng hạn việc sử dụng chỉnh sửa gen để tạo ra những người siêu việt sẽ làm thế giới trở nên bất bình đẳng? Có thể đến một ngày nào đó chỉnh sửa gen sẽ trở thành bắt buộc như tiêm chủng hiện nay?
Liệu chính cha mẹ có quyền quyết định chỉnh sửa gen cho con cái, khi chúng còn chưa cả được sinh ra và dĩ nhiên không có nhận thức? Chắc chắn, sẽ có những rủi ro liên quan đến kỹ thuật, mà thậm chí đó là điều mà chúng ta còn chưa nghĩ tới.
Bởi vậy, báo cáo kết luận rằng “chỉnh sửa bộ gen nhắm đến mục đính bên ngoài việc điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật không nên được tiếp tục vào thời điểm này”. Tuy nhiên, nói thì dễ làm lại khó. Báo cáo lưu ý có một ranh giới rất mơ hồ giữa phòng bệnh và cải thiện khả năng con người.
Ví dụ, sử dụng chỉnh sửa gen để cải thiện hệ vận động của bệnh nhân loạn dưỡng cơ có thể được chấp nhận. Nhưng việc cải thiện cơ bắp của những người có vấn đề gen nên yếu hơn người thường một chút thì sao? Chỉnh sửa gen để cải thiện nồng độ cholesterol?
Bản báo cáo nói rằng các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về những vấn đề này. Còn hiện tại, chỉnh sửa gen để cải thiện chức năng của con người là điều không nên được thực hiện.
5. Tạm kết
Ngay tại thời điểm này, kể cả một bản báo cáo hàng trăm trang của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cũng chưa thể là sự kết thúc cho một cuộc tranh luận phức tạp xung quanh vấn đề chỉnh sửa gen người. Cuộc tranh luận chắc chắn sẽ tiếp diễn trong hàng thập kỷ nữa bởi nó liên quan đến sự sinh tồn của cả nhân loại.
Thế nhưng, để kết thúc được những tranh cãi, trước hết chúng ta phải bắt đầu và thúc đẩy nó. Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ lần này đã cố gắng đặt ra một số nguyên tắc mở đường cho những cuộc thảo luận tiếp theo.
Mặc dù vậy, tinh tế mà nói chúng ta cũng có thể nhìn ra xu hướng ảnh hưởng của bản báo cáo này với tương lai của công nghệ sinh học, trực tiếp là lĩnh vực chỉnh sửa gen người.
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ là một cơ quan ảnh hưởng lớn đến việc tham vấn chính sách cho chính phủ Mỹ. Bản báo cáo này đã “bật đèn xanh” cho một số lĩnh vực chỉnh sửa gen người cụ thể. Bởi vậy, nó đang có xu hướng đẩy nhẹ tất cả các tiến bộ trong lĩnh vực này về phía trước, kể cả những khía cạnh mà trong báo cáo nói là “không nên”.
Tham khảo Vox
Nguồn tin: GenK